Tân Cương – thiên đường trác tuyệt hay viên ngọc quý dưới chân Thiên Sơn?
Nhắc đến Tân Cương, người ta nghĩ ngay tới vùng đất sản sinh ra những mỹ nữ tộc Hồi mắt biếc như hồ nước mùa thu, mũi cao, da trắng mịn như tuyết.
Chắc bởi vì Tân Cương đẹp xinh và thuần khiết tựa thiên đường, nên con người nơi đây mới thánh thiện rực rỡ nhường ấy.
Tân Cương hiện ra trước mắt với vòm trời cao xanh biếc theo cánh chim ưng sải rộng, những túp lều du mục mơ màng dưới chân dãy Thiên Sơn hùng vĩ, vó ngựa sải rộng khắp thảo nguyên bao la… Được bao bọc bởi 3 dãy núi hùng vĩ: Côn Lôn, Pamir và Thiên Sơn; Tân Cương từng khiến đại sư Đường Huyền Trang ‘khốn đốn’ trên hành trình vượt những dãy núi tuyết trùng điệp trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Từ Việt Nam, du khách không thể bắt chuyến bay thẳng đến Urumqi (Tân Cương) mà hầu như phải di chuyển đến Quảng Châu, Thành Đô hoặc một số thành phố lớn lân cận rồi tiếp tục đi đường bộ. Giá vé máy bay khứ hồi khoảng 13-20 triệu tùy chặng bay và thời điểm đặt vé. Thời tiết thích hợp để đặt chân đến Tân Cương là mùa xuân và mùa thu hàng năm, khi băng tuyết đã tan và nhiệt độ sa mạc không quá khắc nghiệt.
Là khu tự trị thuộc Trung Quốc nhưng Tân Cương lại mang nhiều hơn dấu ấn văn hóa rực rỡ của vùng đất Trung Á. Con đường tơ lụa ngang qua đã trải lên vùng đất này sự giao thoa, hội tụ của nhiều nền văn minh cực thịnh; khiến Tân Cương ngày nay rực rỡ và mê đắm hồn người.
Tân Cương rộng lớn được chia thành Bắc Cương và Nam Cương. Nếu như Bắc Cương tạo cho người ta cảm giác như lạc sang trời Âu với những dãy tuyết sơn trùng điệp, rừng lá kim và sông băng, dân du mục và những đàn ngựa, bò trải dài ngút tầm mắt; thì Nam Cương lại như thủ phủ của hoang mạc khô cằn. Những dân tộc thiểu số với váy áo rực rỡ và điệu múa hát say hồn, rượu sữa dê vị nồng nàn ngất ngây khó tả…
Đêm trắng ở Urumqi
Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) là thành phố lớn nhất phía Tây Trung Quốc, thủ phủ của Tân Cương, nằm tít sâu trong đất liền thuộc Bắc Cương. Từng là điểm dừng chân quan trọng của ‘Con đường tơ lụa’, Urumqi hội tụ và giao thoa những nét văn hóa đặc sắc bậc nhất Trung Á. Bạn có thể tìm thấy ở đây nhiều khu chợ lung linh màu sắc như trong truyện nghìn lẻ một đêm, cũng có thể chiêm ngưỡng những kiến trúc rực rỡ lạ lùng chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Lạc lối giữa chợ đêm Grand Bazaar và Nhị Đạo Kiều tựa như lạc trong truyện cổ Aladin, nơi những cây đèn cổ, tấm thảm và vô số đồ lưu niệm được bày bán san sát. Những dãy phố cũ kỹ len lỏi giữa các tòa nhà cao tầng hiện đại, cánh cửa gỗ kẽo kẹt xen lẫn cửa kính xa hoa. Urumqi tựa như vùng đất kỳ diệu bên rìa hai thế giới, nơi bạn tìm thấy đủ mọi thứ trên đời.
Say ở vịnh Ánh Trăng Kanas
Tựa như một thiên đường ‘Cửu Trại Câu’ khác, Kanas lắng lại ở đó thiên nhiên bàng bạc, như một thoáng tinh sạch hiếm hoi giữa trần tục bộn bề tấp nập.
Kanas nằm ở Bắc Cương, nổi tiếng với vịnh Ánh Trăng xanh biếc như ngọc được bao bọc bởi những rừng thông đẹp đến trầm mặc, những dãy núi tuyết tinh khiết và lặng lẽ. Khe khẽ nép mình bên vịnh Ánh Trăng, nhiều dân tộc thiểu số hạ túp lều du mục trắng toát, bài hát thảo nguyên vang vọng ru ngủ những đàn cừu, đàn dê khắp thung lũng.
Chìm đắm trong sắc hoa Yili (Y Lý)
Không phải là mơ, bạn chẳng cần đặt chân đến nước Pháp hoa lệ thì Tân Cương cũng có sẵn chốn thiên đường với những cánh đồng lavender trải ngút tầm mắt dành riêng cho tín đồ sống ảo.
Y Lý là thảo nguyên lớn nổi tiếng nhất Tân Cương, nằm gần biên giới Kazakhstan. Chặng đường dài, hiểm trở và đầy mệt mỏi là đáng giá, bởi Y Lý luôn khiến người ta choáng ngợp với cảnh sắc hoang sơ và tình tứ đến lịm tim. Những rừng hoa mơ, hoa mai nở trắng cao nguyên nên thơ, đồi cỏ trải dài vấn vương sương giăng như tơ, và lavender ngất ngây sững sờ.
Choáng ngợp trước hang động Mạc Cao
Video đang HOT
Hang động Mạc Cao nằm ở Nam Cương, tại Đôn Hoàng trên sa mạc Gobi. Hệ thống hơn 500 hang động chạm khắc tinh tế được mệnh danh là kho tàng nghệ thuật Phật giáo lớn nhất còn tồn tại, nơi dấu ấn Phật giáo. được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên thế giới. 50.000 mét vuông bích họa và hơn 2.000 pho tượng Phật cổ đủ tư thế, hình dáng khiến thế nhân phải thán phục trước bàn tay tinh xảo của tiền nhân.
Một địa điểm khác thu hút hàng triệu Phật tử, khách du lịch ghé thăm mỗi năm tại Tân Cương là Quần thể Thiên Phật động với236 hang động . Đây là quần thể hang động lớn nhất ở Tân Cương, đồng thời là quần thể hang động Phật giáo sớm nhất từng được biết đến ở Trung Quốc. Nơi đây tựa như một thành trì của Phật giáo, phát triển nở rộ vào khoảng giữa thế kỷ III và thế kỉ VIII.
Nếu nói Tân Cương tựa như ‘rìa thế giới’, thà nói Tân Cương là ‘cái rốn’ hội tụ tinh hoa văn hóa thì đúng hơn. Bạn có thể tìm ở vùng đất nào khác những cánh đồng Lavender lãng mạn như nước Pháp, những rừng lá kim và núi tuyết hùng vĩ như Thụy Sĩ, những ngôi chợ nghìn lẻ một đêm như ở Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ và những thảo nguyên hoang sơ đầy những túp lều du mục như Mông Cổ?
Theo TTVH
18 ngày khám phá Tân Cương,nơi in dấu huyền thoại con đường tơ lụa
Tân Cương (Trung Quốc) là vùng đất ghi dấu một thời cực thịnh về huyền thoại con đường Tơ Lụa, nơi giao thoa những nền văn hóa đậm bản sắc.
Chuyến đi 18 ngày khám phá Tân Cương, xuất phát từ ý định khám phá con đường tơ lụa từ Trường An (Trung Quốc) qua Tân Cương, Trung Á đến Iran là ý định tôi vốn ấp ủ bấy lâu. Hành trình hơn nửa tháng đã cho tôi nhiều trải nghiệm, mở mang thêm tầm mắt khi ghé một miền đất mới.
Tân Cương thuộc Trung Quốc nhưng không ảnh hưởng nhiều nền văn hóa của người Hán, mà lại mang đậm nét bản sắc của những dân tộc vùng Trung Á. Điều này để lại trong tôi ấn tượng lớn trong chuyến hành trình tới nơi đây.
Vùng đất rộng lớn
Tân Cương là một vùng rộng lớn nằm ở phía Tây Bắc của Trung Quốc, diện tích gấp khoảng 5 lần Việt Nam. Vì thế, chỉ với 18 ngày, bạn khó có thể đi hết Tân Cương. Do đó, chuyến hành trình của tôi đều ở Nam Cương.
Tân Cương có diện tích gấp khoảng 5 lần Việt Nam.
Tân Cương được chia thành 2 vùng Nam Cương và Bắc Cương, với những nét văn hóa khác nhau rõ rệt. Bắc Cương có những ngọn núi tuyết hùng vĩ của dãy Thiên Sơn hay Côn Lôn, cùng những cánh rừng bạch dương ngút ngàn bên mặt hồ pha lê xanh biếc ở khu thắng cảnh Kanas. Người dân sinh sống chủ yếu ở Bắc Cương là dân du mục Hasake.
Trái với Bắc Cương, Nam Cương sở hữu chủ yếu là các hoang mạc khô cằn, hùng vĩ. Nơi đây chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy bé nhỏ trước thiên nhiên mà trầm trồ tán dương. Ngoài ra, ở Nam Cương có dân tộc Duy Ngô Nhĩ, nguồn gốc từ Trung Á, là một trong những dân tộc thiểu số của Trung Quốc, được mệnh danh là dân tộc sản sinh ra nhiều mỹ nhân.
Hoang mạc khô cằn là đặc trưng của vùng Nam Cương.
Miền đất đa dạng bản sắc văn hóa
Tân Cương trong cảm nhận của tôi và Tân Cương qua 18 ngày gắn bó thân tình, là vùng đất đa dạng và nhiều màu sắc. Nơi đây là sự gặp gỡ giữa những vẻ đẹp, những nền văn hóa Á - Âu.
Đến Tân Cương, bạn sẽ thấy đâu đó là một thảo nguyên Mông Cổ với những lều Yurt của người du mục, những cánh rừng, những rặng núi tuyết như đang lạc đến Thụy Sĩ.
Tân Cương sở hữu nét đẹp đa dạng bởi sự giao thoa của nhiều nền văn hóa.
Nơi đây còn có những hồ nước xanh như ngọc, từng đàn gia súc khổng lồ như đang ở Trung Á. Những cánh đồng hoa oải hương thơm ngát chẳng thua kém gì Provence, những ngôi nhà thờ Hồi giáo hoành tráng như ở Uzbekistan, những phiên chợ địa phương nhiều màu sắc như ở Trung Đông... Tất cả bạn đều tìm thấy ở Tân Cương.
18 ngày đi qua con đường Tơ Lụa
Ngày 1 (Thượng Hải - Ô Lỗ Mộc Tề) : Từ sân bay Phố Đông (Thượng Hải) đến Ô Lỗ Mộc Tề (Tân Cương) tôi cùng nhóm bạn đồng hành mất 5 tiếng di chuyển bằng máy bay. Thành phố Ô Lỗ Mộc Tề nằm sâu trong lục địa, cách xa biển hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới. Một trong những điểm bạn không thể bỏ qua tại Ô Lỗ Mộc Tề là chợ Grand Bazaar và chợ đêm Nhị Đạo Kiều.
Ngày 2 (Ô Lỗ Mộc Tề):Núi Hồng Sơn, biểu tượng của Ô Lỗ Mộc Tề, là địa điểm bạn không thể bỏ qua. Nếu muốn tìm hiểu về con đường Tơ Lụa đi qua Tân Cương và văn hóa các dân tộc sinh sống tại đây, du khách có thể đến tham quan bảo tàng khu tự trị Tân Cương tại địa phương này.
Tái hiện khung cảnh con đường Tơ Lụa và những di vật còn sót lại tại bảo tàng khu tự trị Tân Cương ở Ô Lỗ Mộc Tề.
Ngày 3 (Ô Lỗ Mộc Tề - Thổ Lỗ Phiên):Tôi chọn phương tiện di chuyển từ Ô Lỗ Mộc Tề đến Thổ Lỗ Phiên là tàu cao tốc. Một trong những trải nghiệm lãng mạn và thú vị tôi có được khi ghé thăm Thổ Lỗ Phiên đi bộ trên con đường rợp lá nho. Tại đây cũng có bảo tàng cho du khách tham quan, tìm hiểu về các di sản văn hóa ở địa phương.
Do có khí hậu khô nóng, Thổ Lỗ Phiên là nơi thích hợp để trồng nho.
Ngày 4 (Thổ Lỗ Phiên): Hoả Diệm Sơn nổi danh xuất hiện trong Tây Du Ký,thuộc địa phận Thổ Lỗ Phiên, là danh thắng khiến tôi thật sự choáng ngợp bởi sự cổ kính và những di tích mang đậm giá trị lịch sử vang bóng một thời. Thổ Lỗ Phiên có nhiều di tích kể nhiều không hết, có hang động kỳ vĩ Ngàn tượng Phật, làng cổ Thổ Dục Câu, thành cổ Giao Hà, cùng nhiều di chỉ Phật giáo...
Thổ Lỗ Phiên còn giữ lại được nhiều di chỉ Phật giáo, thành cổ và các ngôi làng cổ.
Ngày 5 (Thổ Lỗ Phiên - Y Ninh):Để đến Y Ninh, tôi bắt tàu hỏa từ Thổ Lỗ Phiên , nhà ga cách trung tâm Thổ Lỗ Phiên những 50 km. Từ bến xe trung tâm thành phố có xe trung chuyển ra ga tàu, giá khoảng 10 tệ/lượt.
Hang động Ngàn tượng Phật tại Thổ Lỗ Phiên.
Ngày 6 (Y Ninh):Thánh đường Hồi giáo, khu phố người Hán, chợ địa phương, là những điểm đến hấp dẫn tại Y Ninh mà tôi đã may mắn có dịp được trải nghiệm.
Y Ninh hấp dẫn với những khu chợ địa phương nhiều đồ ăn ngon, nơi đây còn độc đáo bởi nét tôn giáo của đạo Hồi.
Ngày 7 (Y Ninh - hồ Trại Lý Mộc):Trên đường từ Y Ninh tới hồ Trại Lý Mộc (Phúc Khang), tôi cùng nhóm đồng hành ghé vườn hoa lavender, cưỡi ngựa lên núi ngắm toàn cảnh hồ. Hồ Trại Lý Mộc (Phúc Khang) được ví như một viên ngọc của Tân Cương. Phương tiện di chuyển phổ biến ở vùng này là ngựa.
Hồ Trại Lý Mộc yên bình giữa Nam Cương bốn bề hoang mạc.
Ngày 8 (hồ Trại Lý Mộc - Y Ninh) : Tôi cùng nhóm bạn đồng hành đã ngủ lại qua đêm bên hồ Trại Lý Mộc. Sau đó tiếp tục chuyến hành trình tới Y Ninh.
Ngày 9 (Y Ninh - Khố Nhĩ Lặc) : Trên hành trình từ Y Ninh đến Khố Nhĩ Lặc, chúng tôi ghé Hoắc Nhĩ Quả Tư, cửa khẩu giữa Tân Cương và Kazakhstan, mua chocolate và bánh kẹo Nga, sau đó tiếp tục cuộc hành trình bằng cách đi chuyến tàu hỏa đêm đến Khố Nhĩ Lặc, ga tàu nằm ở rìa của sa mạc Taklamakan (Khố Nhĩ Lặc).
Những người dân Nam Cương rất nồng hậu và hiếu khách.
Ngày 10 (Khố Nhĩ Lặc) : Khố Nhĩ Lặc trong ấn tượng của tôi rất hiện đại và hào nhoáng, có lẽ nơi giàu có là nhờ nguồn thu từ dầu mỏ ở sa mạc Taklamakan. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi rút ra từ chuyến đi này, khi giao tiếp với người dân địa phương, bạn nên ghi ra giấy vì nhiều người Trung Quốc có thể đọc hiểu tiếng Anh nhưng lại không nghe được.
Ngày 11 (Khố Nhĩ Lặc - Khách Thập Địa) : Ngày thứ 11, chúng tôi tham quan công viên Long Sơn ở Thiết Môn Quan - ngọn đèo hẹp cheo leo nối Bắc Cương với Nam Cương.
Đèo Thiết Môn Quan nối Bắc Cương và Tân Cương, nơi nhà sư Huyền Trang từng đi ngang qua vào thế kỉ thứ 7 .
Ngày 12 - ngày 14 (Khách Thập Địa): Tại Khách Thập Địa, có vô vàn những điểm du lịch nổi tiếng như nhà thờ Hồi giáo Id Kah, lăng Hương Phi (mộ Hương Phi, công chúa Hàm Hương ngoài đời, nhân vật từng xuất hiện phim Hoàn châu Cách Cách), thành cổ Khách Thập Địa, Chợ Lớn (Kashgar Grand Bazaar), chợ gia súc cuối tuần, thưởng mức món ăn địa phương tại chợ đêm Khách Thập Địa....
Lăng mộ của Hương Phi. Khác với truyện Hoàng Châu Cách Cách, Hương Phi là con gái của một thống lĩnh địa phương - người đã khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Thanh ở Tân Cương.
Ngày 15 (Khách Thập Địa - tháp Thập Khổ Nhĩ Can): Tôi tiếp tục chuyến hành trình đến ngày thứ 15 từ Khách Thập Địa tới tháp Thập Khổ Nhĩ Can. Trên đường đi, tôi có dịp được ngắm cao tốc Karakoram (Pakistan) huyền thoại, được dân xê dịch coi là kỳ quan thứ 8 của thế giới và ghé thăm hồ Karakul (Khách Thập Địa).
Thành cổ Khách Thập Địa và cao tốc Karakoram, kỳ quan thứ 8 của thế giới nối Tân Cương với Pakistan.
Ngày 16 (Tháp Thập Khổ Nhĩ Can): Đặt chân tới thành phố này, tôi choáng ngợp bởi thảo nguyên bao la có những đàn gia súc gặm cỏ, những pháo đài cổ kính.
Nam Cương yên bình với những thảo nguyên xanh ngút ngàn.
Ngày 17 (tháp Thập Thổ Nhĩ Can - Khách Thập Địa) : Ngày thứ 17, tôi quay trở lại Khách Thập Địa. Nếu có visa Pakistan, bạn có thể tiếp tục hành trình tuyệt đẹp trên cao tốc Karakoram (Pakistan) sang vùng Gilgit-Baltistan (Pakistan).
Núi tuyết trên cao tốc Karakoram (Pakistan).
Ngày 18 (Khách Thập Địa - Sary Tash, Kyrgyzstan): Ngày cuối của chuyến đi, tôi được chiêm ngưỡng đèo Irkeshtam (Kyrgyzstan) khi đang trên đường di chuyển đến Sary Tash(Kyrgyzstan).
Kết thúc chuyến hành trình 18 ngày trên đất Tân Cương, đối với tôi đó là cuộc gặp gỡ những con người mới, nên duyên với những miền đất mới, đón nhận những trải nghiệm, những giá trị văn hóa mới.
Tôi đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều nền văn hóa ở nhiều xứ lạ. Mỗi chuyến đi không chỉ là kỷ niệm, đó còn là những bài học, những giá trị sống quý giá. Từ những cuộc hành trình của mình, tôi đã và đang xây dựng một cộng đồng những người yêu du lịch tới những miền đất lạ . Đó là tâm huyết của tôi mong muốn, khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam đam mê khám phá những chân trời mới.
Theo zing.vn
Hồ nước bí ẩn với loại cây mọc ngược dưới đáy Phía dưới thân cây trơ trọi, khô khốc ở hồ Kaindy (Kazakhstan) là một bí ẩn ít ai ngờ tới. Bí mật phía dưới những thân cây trơ trọi ở hồ Kaindy Nằm ở khu vực núi Tian Shan đất nước Kazakhstan, hồ Kaindy là một trong những điểm đến gây tò mò với nhiều du khách trên khắp thế giới bởi cảnh...