Tân Cục trưởng Cục Đường sắt: Ngồi “ghế nóng” phải dám làm dám chịu
“Tôi là con người hành động. Ngồi vào ghế Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam tôi thấy đây là “cái ghế” đòi hỏi phải đổi mới toàn diện, đổi mới lối làm cũ, tư duy cũ và hành động cũ, phải quyết liệt, phải dám làm dám chịu trách nhiệm”.
Ông Vũ Quang Khôi – tân Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) – đã bày tỏ với phóng viên Dân trí như vậy sau ít ngày nhận quyết định bổ nhiệm được xét duyệt từ kết quả thi tuyển của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
PV: Đầu tiên, xin được chúc mừng ông đã trúng tuyển chức danh Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam! Ông tin tưởng ở khả năng và bản lĩnh của mình khi đảm nhận cương vị Cục trưởng?
Cục trưởng Vũ Quang Khôi: Với 17 năm trong nghề tư vấn, tôi nghĩ mình đủ sức giải quyết các vấn đề về chuyên môn. Về quản lý, tôi đã có hơn 10 năm về quản lý nhà nước và trước đây cũng từng làm Giám đốc Ban Quản lý dự án. Vì vậy, tôi tin là tôi sẽ làm được.
“Bệnh” độc quyền đã khiến đường sắt tụt hậu so với các phương thức vận tải khác, yêu cầu “sống còn” đặt ra với đường sắt lúc này là phải đổi mới toàn diện để phát triển. Bởi thế, nhiều người cho rằng chiếc ghế Cục trưởng Cục đường sắt đang là chiếc ghế “ nóng” nhất của ngành GTVT?
Tôi ý thức được việc Cục ĐSVN là Cục ra đời sau 5 Cục khác của ngành GTVT (năm 2003) và cho đến nay cũng chưa có kết quả thành công nào đáng kể. Vì vậy, khi bước vào đổi mới đột phá quyết liệt nhiều người sẽ e ngại, nhưng tôi là con người hành động nên tôi sẵn sàng khi được giao nhiệm vụ.
Tôi thấy được rằng đây là cái ghế đòi hỏi phải đổi mới toàn diện lối làm cũ, tư duy cũ và hành động cũng phải quyết liệt, phải dám làm dám chịu trách nhiệm.
Ông Vũ Quang Khôi – tân Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam
Ngành đường sắt có quá nhiều công việc cấp bách phải làm, vậy khi ở vị trí Cục trưởng ĐSVN, đâu sẽ là những công việc được ông ưu tiên?
Việc đầu tiên, tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc đổi mới toàn diện về quản lý nhà nước của Cục ĐSVN theo Đề án đã được Bộ trưởng phê duyệt (từ tháng 7/2014) và theo chiến lược phát triển đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt. Việc thứ 2, tập trung nhanh chóng phát triển kết cấu hạ tầng. Tiếp theo đó, Cục ĐSVN sẽ chủ động, phối hợp với Tổng Cty ĐSVN để làm sao nhanh chóng hoàn thiện tái cơ cấu ngành theo phê duyệt của Thủ tướng.
Video đang HOT
Ngoài xã hội hóa đầu tư sẽ phải xã hội hóa cả các đơn vị vận tải. Hiện nay, chỉ có Tổng Cty ĐSVN là đơn vị duy nhất kinh doanh khai thác hạ tầng, sắp tới theo chủ trương phải xã hội hóa tất cả các doanh nghiệp đường sắt.
Chúng tôi phải đổi mới, tái cơ cấu để nhanh chóng loại bỏ sự độc quyền. Nói ví von, nhà con một thì rất khó, phải có sự cạnh tranh mới phát triển được.
Nhắc đến Tổng công ty ĐSVN, lâu nay người ta vẫn nói rằng Cục Đường sắt sinh ra chỉ để quản lý mỗi tổng công ty này nhưng cũng… không quản được! Với “quyền lực” của một Cục trưởng, ông sẽ làm gì để điều hành và tổ chức lại bộ máy, hệ thống, cũng như hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt?
Đúng là như vậy. Hiện ngành đường sắt chỉ có một đơn vị quản lý nhà nước là Cục ĐSVN và 1 đơn vị được giao kinh doanh khai thác là Tổng công ty ĐSVN. Đầu tiên phải xét đến gốc là Luật đường sắt ban hành năm 2006, chưa mang tính chất tách bạch giữa vai trò của đơn vị quản lý Nhà nước là Cục ĐSVN và vai trò của đơn vị kinh doanh khai thác là Tổng công ty ĐSVN. Vì vậy, từ năm 2006 đến 2014, vai trò của các đơn vị bị chồng chéo lên nhau và lẫn lộn, có việc của cơ quan quản lý nhà nước nhưng doanh nghiệp lại làm.
Ngành đường sắt đang đứng trước yêu cầu “sống còn” là phải đổi mới toàn diện mới có thể phát triển được
Bắt đầu từ 1/6 khi tôi nhậm chức Cục trưởng và điều hành Cục ĐSVN, việc đầu tiên của tôi là làm việc với Tổng công ty ĐSVN. Các mối quan hệ cũ, công việc cũ chưa đạt hiệu quả thì bỏ qua, kể từ nay sang trang mới, 2 anh em đường sắt chung một nhà. Nhiệm vụ quản lý nhà nước và kinh doanh phải phối hợp với nhau. Trách nhiệm của quản lý nhà nước là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, cùng vì mục tiêu chung là phát triển ngành đường sắt.
Chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất, hàng quý khi họp giao ban của 2 đơn vị sẽ có sự tham dự của 2 bên. Hai anh em đường sắt phải chung một hướng chứ không thể nhìn về 2 hướng – có 2 thanh ray mà mỗi ông đứng lên một thanh và không làm gì, sao tàu chạy được.
Quan điểm của tôi là việc của quản lý nhà nước thì nhà nước làm, việc của doanh nghiệp doanh nghiệp làm, nhưng phải có sự phối hợp với nhau để tác động hữu cơ, thúc đẩy ngành phát triển.
Khi nói đến ngành đường sắt nhiều người hay liên tưởng tới con tàu Bắc – Nam chậm trễ, thái độ phục vụ thua xa so với các ngành vận tải khác. Vậy đâu sẽ là hình ảnh mới của những chuyến tàu Bắc – Nam trong thời gian tới, thưa ông?
Đúng là hình ảnh về đường sắt là hình ảnh con tàu kẽo kẹt đi trên đường với chất lượng dịch vụ kém đã đi vào suy nghĩ của người dân từ lâu rồi. Sau thời kỳ đổi mới năm 1986-1989, đường sắt đã có một bước đột phá là rút ngắn thời gian chạy tàu, nhưng do chất lượng phục vụ kém, kinh phí bảo trì hạn chế, đặc biệt là sự độc quyền nên ngành đường sắt không có sự phát triển.
Với chất lượng kết cấu hạ tầng và trang thiết bị đường sắt hiện tại chúng tôi phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng phục vụ, trong đó có chất lượng phục vụ ở trên tàu dưới ga, thái độ của nhân viên; giờ chạy tàu; mở rộng thị trường; cởi mở của đường sắt với các phương thức vận tải khác.
Tân Cục trưởng đường sắt: “Sẽ có những tuyến tàu tàu nhanh chất lượng cao, tàu “5 sao” chạy suốt Bắc – Nam”
Lâu nay chỉ một mình ngành đường sắt đi-về, không kết nối với đường bộ, đường biển về hành khách và hàng hóa vì thế càng ngày càng tụt hậu… Phải tái cơ cấu thị trường vận tải đường sắt, tập trung vào tuyến vận tải hành lang Bắc – Nam và nâng cao chất lượng tuyến này với những tiêu chuẩn và tiêu chí bằng quy định để phục vụ trong nội địa và liên thông với quốc tế sau này. Cải thiện mối quan hệ liên quan với các phương thức vận tải khác để khai thác các nguồn hàng cho ngành.
Tuyến Bắc – Nam từng có rất nhiều phương án được đề cập như đường sắt cao tốc (đã bị Quốc hội “bác”), đường sắt tốc độ cao khổ đôi… Vậy phương án nào khả thi cho đường sắt Bắc – Nam tương lai, thưa ông?
Theo quy hoạch được duyệt, tuyến hiện nay sẽ tập trung vào cải tạo nâng cấp, xóa một số điểm bán kính nhỏ, quá tải trọng, để nâng cao tốc độ và chất lượng. Mặt khác, từ nay đến năm 2020 sẽ nghiên cứu đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc – Nam, trong đó sẽ ưu tiên cho những khu đoạn có năng lực vận tải lớn và nhu cầu lớn, như tuyến Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang.
Hiện thị phần vận tải đường sắt so với các loại hình vận tải khác đang ở vùng “trũng”, tỷ lệ cả hành khách và hàng hóa đạt chưa tới 1%. Trong đề án tái cơ cấu Thủ tướng phê duyệt từ nay đến năm 2020 ngành đường sắt phải bứt phá, đầu máy và toa xe đã 30-40 năm sử dụng nên rất cũ kỹ cũng phải nâng cao chất lượng. Muốn nâng cao chất lượng cũng phải đảm bảo an toàn chạy tàu, hiện nay có 4.300 đường ngang dân sinh trái phép nên phải giải quyết vấn đề hành lang an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường - Như Quỳnh (thực hiện)
Theo Dantri
Đại biểu Quốc hội phải dám làm dám chịu
Góp ý dự luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu nhất trí quy định cụ thể tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, trong đó có yêu cầu phải trải qua thực tế, có chính kiến, dám làm, dám chịu.
Ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân mà còn phải có năng lực để tham gia vào các hoạt động của Quốc hội như lập pháp, góp ý dự thảo luật sửa đổi.
Trong buổi chiều 22/10, nhiều đại biểu đề nghị đưa tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội vào luật bởi "đại biểu có giỏi thì Quốc hội mới mạnh".
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nói đến Quốc hội thì trước tiên phải nói đến tiêu chuẩn đại biểu. Luật Tổ chức Quốc hội cần có tiêu chuẩn đại biểu chung và tiêu chuẩn cho đại biểu chuyên trách. "Theo quy định của Ban tổ chức trung ương, đại biểu chuyên trách nếu là công an, quân đội thì phải mang hàm thiếu tướng, dân sự phải là phó chủ tịch ủy ban, phó chủ tịch hội đồng, thường vụ tỉnh ủy, bí thư; cấp trung ương thì là vụ trưởng trở lên. Nhưng do nhiều nơi không chấp hành quy định nên giới thiệu người không tương xứng", ông Thuyền nói.
Cho rằng tiêu chuẩn tuyển chọn đại biểu Quốc hội trong dự luật còn sơ sài, giống tiêu chuẩn tuyển chọn công chức, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị bổ sung điều kiện đại biểu phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân, để mỗi khi phát biểu hay bấm nút quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì đứng trên lập trường, lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân.
"Dự thảo nói đại biểu Quốc hội phải có trình độ năng lực nhưng thực tế đại biểu có rất nhiều thành phần với trình độ khác nhau. Để tránh trường hợp phát biểu ý kiến của người khác, lấy bài của người khác đọc trên nghị trường, hoặc phát biểu một chiều, không có tính phản biện, tôi đề nghị ghi rõ, đại biểu phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động. Đại biểu phải có năng lực làm đại diện cho ý chí, nguyện vọng người dân", ông Đương đề xuất.
Theo ông Đương, đại biểu Quốc hội phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về hành vi, lời nói của mình; phải trải qua thực tế, tinh thông nghiệp vụ về lĩnh vực sắp tới được giao nhiệm vụ chuyên trách. Ví dụ trong lĩnh vực tư pháp thì khi đọc hồ sơ đại biểu phải biết được đâu là oan sai, đâu là ngụy tạo. Nếu không có trình độ thì chất lượng thẩm tra, giám sát rất hạn chế. Nếu đại biểu chuyên trách không có kinh nghiệm thực tiễn thì thường đến khi làm luật sẽ lấy luật hiện hành để soi chiếu, "tức là lấy lá vàng của mùa thu trước để chắn nẻo xuân sang, kìm hãm sự phát triển".
Ông Đương đề nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là chuyên viên cao cấp, có 15 năm kinh nghiệm công việc dự kiến được phân công, có khả năng đề xuất chính sách pháp luật, có khả năng giám sát, phản biện, tư duy độc lập. Bên cạnh đó, đại biểu chuyên trách mỗi kỳ họp phải phát biểu trước hội trường một lần, vì nếu chỉ ngồi nghe thì không biết chính kiến, có dám làm, dám chịu trách nhiệm hay không. "Cần cụ thể hóa như thế để tới đây bầu cử Quốc hội, người dân nhìn vào dễ thấy tiêu chuẩn", đại biểu Đương nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh thêm, Quốc hội ngày càng đổi mới, trách nhiệm ngày càng nặng nề và yêu cầu của nhân dân ngày càng cao. Vì vậy, đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân mà còn phải có năng lực để tham gia vào các hoạt động của Quốc hội như lập pháp, góp ý dự thảo luật sửa đổi.
Ngày mai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người... Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Hoàng Thùy
Theo VNE
Xe quá khổ gạt đổ gác chắn an toàn đường sắt Do xe chở quá tải, xếp hàng quá cao so với quy định đã gạt đổ gác chắn an toàn đường sắt. Vụ tai nạn xảy ra lúc 8h30 phút ngày 28/5 trên quốc lộ 1K, đoạn qua cầu Hang thuộc địa bàn xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Theo thông tin ban đầu xe tải mang biển số 63C-00899 do...