Tấn công Syria – quyết định chớp nhoáng của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc họp chớp nhoáng với hội đồng an ninh quốc gia để ra quyết định tấn công Syria trước khi ông dùng tiệc tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tối 6/4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Khoảng 8h45 tối 6/4 (rạng sáng 7/4 theo giờ Syria), hai tàu chiến của Mỹ ở Địa Trung Hải bất ngờ nã 59 tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria. Cuộc tấn công diễn ra sau khi Mỹ cáo buộc quân đội chính phủ Syria tấn công vũ khí hóa học khiến hơn 80 dân thường thiệt mạng.
Telegraph dẫn chia sẻ với báo giới của ông H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết Tổng thống Trump đã đề nghị Hội đồng an ninh đưa ra các phương án đối phó với Syria sau vụ việc ngày 4/4. Tất cả được giải quyết chóng vánh chỉ trong ngày 6/4.
Tối 6/4 theo giờ Mỹ, trong lúc Tổng thống Trump tiếp đãi tiệc tối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Mar-a-Lago, mọi công tác chuẩn bị cho vụ tấn công đã sẵn sàng. Chưa đầy 1 giờ sau khi ông Trump kết thúc bữa tiệc, hai tàu chiến của Mỹ ở Địa Trung Hải đã phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ Shayrat.
Video đang HOT
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là người trực tiếp cập nhật thông tin về vụ tấn công cho Tổng thống Trump, một quan chức khác cho biết. Được biết, thời điểm đó, cả cố vấn an ninh McMaster, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson đều có mặt cùng Tổng thống Trump tại Mar-a-Lago. Riêng Phó Tổng thống Mike Pence ở lại Phòng Tình huống trong Nhà Trắng để theo sát các diễn biến về vụ tấn công Syria.
Đây có thể coi là động thái quân sự lớn nhất của chính quyền Tổng thống Trump kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 1 năm nay. Cuộc tấn công diễn ra gần 4 năm sau khi chính quyền Mỹ lần đầu tiên cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học gây thương vong lớn. Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó nói rằng, Syria đã vượt qua “giới hạn đỏ” mà chính quyền của ông đặt ra trước đó về việc sử dụng vũ khí hóa học. Tuy vậy, ông Obama vẫn phản đối dùng hành động quân sự với Syria.
Theo thông tin ban đầu, vụ tấn công tên lửa của Mỹ đã phá hủy gần như hoàn toàn căn cứ không quân Shayrat của Syria. Truyền thông Nga nói rằng, ít nhất 7 người thiệt mạng, 9 máy bay đã bị phá hủy trong cuộc tấn công nói trên.
Dư luận thế giới hiện có những phản ứng trái chiều về cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Syria. Trong khi Nga, Iran, Syria chỉ trích mạnh mẽ thì các nước như Anh, Israel, Australia đã lên tiếng ủng hộ. Nga hiện đã đình chỉ thỏa thuận an toàn trên không với Mỹ ở Syria vốn lập ra để tránh va chạm giữa máy bay của lực lượng hai bên. Nga cũng đề nghị họp khẩn Hội đồng bảo an về vụ việc.
Minh Phương
Theo Telegraph
Nội bộ Mỹ bất nhất chuyện thông báo trước cho Nga về vụ tấn công Syria
Trong khi Lầu Năm Góc khẳng định đã dùng đường dây nóng để thông báo trước với Nga về cuộc tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Syria, thì Ngoại trưởng Mỹ nói rằng không có bất cứ thảo luận nào trước đó.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. (Ảnh: AFP)
Tối 6/4, hai tàu chiến của Mỹ trên Địa Trung Hải đã phóng 59 tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân của Syria gần thành phố Homs. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã lên tiếng nói rằng, cuộc tấn công này là vì "lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu" của Mỹ.
Trong một tuyên bố phát đi cuối ngày 6/4, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết cuộc tấn công sáng sớm đã được tiến hành sử dụng tên lửa Tomahawk được phóng từ 2 tàu khu trục USS Porter và USS Ross ở Địa Trung Hải. Tổng cộng 59 tên lửa đã được phóng đi nhằm vào các máy bay, các nhà chứa máy bay, kho chứa nhiên liệu và hậu cần, các boong-ke cung ứng đạn dược, các hệ thống phòng không và radar tại căn cứ không quân Shayrat của Syria.
Mỹ được cho là đã thông báo trước với nhiều quốc gia trước khi tiến hành vụ tấn công trên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thông tin trái chiều về việc liệu Mỹ có thông báo trước cho Nga - lực lượng hiện cũng sử dụng một số căn cứ quân sự tại Syria - hay không.
Lầu Năm Góc xác nhận đã sử dụng đường dây nóng, thông báo trước cho Nga để hạn chế tối đa nguy cơ không chiến giữa lực lượng Nga và Mỹ ở miền đông Syria.
"Lực lượng của Nga ở Syria đã được thông báo trước về cuộc tấn công thông qua đường dây nóng để tránh xung đột. Các nhà hoạch định chiến lược của quân đội Mỹ đã rất thận trọng để giảm thiểu rủi ro về người đối với lực lượng của Nga và Syria ở căn cứ Shayrat", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nói. Ông cũng nói thêm: "Chúng tôi đang đánh giá hiệu quả của cuộc tấn công. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy cuộc tấn công đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các máy bay, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng quân sự của Syria tại căn cứ Shayrat".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chia sẻ với báo giới rằng, Mỹ đã không thông báo trước với Nga về cuộc tấn công. "Không có bất cứ trao đổi, liên lạc nào với Moscow hay bất cứ bên nào trước cuộc tấn công". Ngoại trưởng Tillerson cũng khẳng định, cuộc tấn công không có nghĩa chính sách của Mỹ với Syria đã thay đổi.
Hiện Nga chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về cuộc tấn công bất ngờ của Mỹ.
Minh Phương
Theo Guardian
Thủ tướng Ấn Độ sẽ được trang bị chuyên cơ chịu được tấn công tên lửa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - một trong những nguyên thủ công du nhiều nhất thế giới - có thể sẽ sớm được trang bị chuyên cơ với những tính năng ngang ngửa chuyên cơ Air Force One dành cho tổng thống Mỹ, truyền thông Ấn Độ đầu tuần này cho biết. Chuyên cơ dành cho Thủ tướng Ấn Độ. (Ảnh: India...