Tâm thư nam sinh không ’sốc’ về quy chế liên thông
“Tôi thấy rằng nhiều năm nay, với hình thức đào tạo liên thông, đã có biết bao cử nhân, kỹ sư kém chất lượng ra lò. Đó là mối nguy cho đất nước trong tương lai” – sinh viên này viết.
Xung quanh quy định mới về đào tạo liên thông sắp có hiệu lực từ ngày 7/2/2013, đã có hàng trăm ý kiến của các bạn trẻ. Số đông là bày tỏ bức xúc, ấm ức, không đồng tình về quy định nói trên, thậm chí có bạn còn gửi tâm thư xin sự ‘gia ân’ của Bộ GDĐT.
Tuy nhiên, trong đó có một bức thư có thể xem là ý kiến trái chiều gây chú ý, khi sinh viên cao đẳng này khẳng định ủng hộ quy định của Bộ. Cậu nêu ra những dẫn chứng, lý do thuyết phục về chất lượng liên thông, về con đường sự nghiệp học hành của người trẻ. “Tôi thấy rằng, nhiều năm nay, với hình thức đào tạo liên thông, đã có biết bao cử nhân, kỹ sư kém chất lượng ra lò. Đó sẽ là mối nguy cho đất nước trong tương lai”; “Bản thân tôi cho rằng, không phải quy định thế này là chấm dứt cơ hội học tập như một số người đã nói” – cậu bày tỏ quan điểm.
Nguyên văn ‘tâm thư’ của sinh viên này:
“Chào các bạn, mình là Bùi Anh Tuấn – một sinh viên hệ cao đẳng đã tốt nghiệp cách đây 3 năm của một trường CĐ tại Hà Nội. Nhiều ngày nay, mình đã đọc rất nhiều các bài báo về việc quy định mới về đào tạo liên thông sắp có hiệu lực từ ngày 7/2/2013. Mình cũng đã vào nhiều diễn đàn mạng được báo chi nhắc tới để đọc các “bức tâm thư” của các bạn.
Mình xin được phép góp ý với các bạn một số ý kiến như sau.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp muốn học lên đại học chỉ vì “cái danh”? (Ảnh minh họa) .
Học lên cao chỉ vì cái danh
Trước hết, mình cảm thấy rất cảm thông đối với một số câu chuyện tiêu biểu trong những bức tâm thư được các bạn trong hội “Hội những người bức xúc với quy định mới về đào tạo liên thông”.
Nhiều bạn trong hội này đã kể những câu chuyện thật về hoàn cảnh của gia đình mình như việc bạn đỗ đại học nhưng lại chọn học cao đẳng để tiện chăm sóc mẹ do bố mất sớm, hay có bạn thừa nhận nhờ liên thông nên đó từ chỉ đỗ trung cấp nhưng hiện nay đã may mắn vào được cao đẳng.
Tuy nhiên, đa phần các bạn nêu ra ý kiến của mình đều nói rằng muốn học liên thông lên đại học chỉ để cha mẹ có thể tự hào về mình, để không xấu hổ với hàng xóm, họ hàng khi chỉ có trong tay tấm bằng cao đẳng, trung cấp. Rõ ràng ở đây các bạn đang có một suy nghĩ khá sai lầm khi cho rằng học chỉ để lấy cái oai, lấy cái danh “đại học” chứ các bạn chưa nghĩ rằng học để làm việc.
Tôi chắc chắn rằng, cha mẹ các bạn, họ hàng của các bạn sẽ thấy vui mừng và tự hào khi các bạn tìm được một công việc tốt, có một thu nhập ổn định hơn việc các bạn cố gắng “kiếm tấm bằng đại học” để rồi thất nghiệp.
Dù chỉ học hệ cao đẳng, lại là ngành thiết kế thời trang nhưng bằng sự tìm tòi và học hỏi của mình tôi cũng tìm được một công việc phù hợp với chuyên môn và có mức thu nhập còn cao hơn cả những bạn tốt nghiệp đại học đang cùng làm ở công ty.
Tôi không phủ nhận rằng hiện nay xã hội chúng ta đang có quan niệm trọng bằng cấp, thích bằng đại học nhưng chúng ta là những người trẻ, chúng ta phải thay đổi tư duy đó bằng chính năng lực của mình. Tôi chợt nhận ra, tâm lý chuộng bằng cấp cũng chỉ là ý nghĩ thoáng qua của bố mẹ, của họ hàng và của những người hàng xóm. Khi tôi đem về những tháng lương đầu tiên sau 3 năm học cao đẳng, bố mẹ tôi đã vui biết chừng nào. Mỗi tháng, bố mẹ tôi cũng không phải gửi đều đặn 2 triệu đồng cho tôi sinh sống trên thủ đô.
Khi tôi nỗ lực để đạt được những thành công nhỏ trong công ty, khi mức lương của tôi tăng lên khi đem lại giá trị cho công ty, bố mẹ tôi đã tự hào về tôi biết chừng nào. Thậm chí, những người hàng xóm còn rỉ tai với bố mẹ tôi rằng: “đấy con nhà anh chị chỉ học cao đẳng mà còn hơn ối đứa học đại học vẫn còn đang thất nghiệp dài dài”.
Rõ ràng, tâm lý chuộng bằng đại học là có nhưng ngay cả những phụ huynh còn đang thay đổi thì tại sao chúng ta là những người trẻ lại tỏ ra nặng nề đến thế.
Cơ hội nghề nghiệp luôn rộng mở với tất cả các hệ đào tạo.
Cơ hội kiếm việc luôn rộng mở
Tôi cũng đọc nhiều ý kiến trên các diễn đàn khi các bạn kêu than, lo lắng khi học xong trung cấp, cao đẳng không có việc làm. Rõ ràng, các bạn đang đi bàn luận câu chuyện không phải của mình.
Hiện nay, hàng vạn sinh viên các trường đại học khi ra trường vẫn không kiếm được việc làm chứ không chỉ riêng gì những người có bằng cao đẳng, trung cấp. Tôi phải nói rằng, những người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp không kiếm được việc làm đa phần là những người không có trình độ và năng lực thực sự. Hiện nay, đa số các bạn tốt nghiệp ra trường đều sẽ phải tìm cho mình những cơ hội tại các công ty tư nhân, các tập đoàn, các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Ở những công ty này, các bạn phải thể hiện khả năng của bản thân chứ không phải là tấm bằng đại học hay cao đẳng, trung cấp.
Mục đích của hệ cao đẳng, trung cấp mở ra với mục đích để đào tạo những công nhân kỹ thuật cao phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, chứ không phải để làm con đường vòng để cho những cá nhân kém cỏi kiếm tấm bằng đại học.
Ngay trong trường hợp của tôi, tôi đã vào công ty một cách đường hoàng thông qua việc thi tuyển. Dù trong đợt thi tuyển đó, có hàng chục hồ sơ của những bạn đã tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng cùng chuyên ngành thiết kế nhưng tôi vẫn được lựa chọn. Cùng được tuyển vào công ty của tôi còn có một bạn cùng lớp cũng chỉ tốt nghiệp cao đẳng.
Hiện nay, mức lương của tôi và cậu bạn đã cao hơn nhiều so với những người có bằng đại học được xét tuyển cùng đợt. Vì bằng các sản phẩm của mình, chúng tôi đã tạo ra được giá trị cho công ty.
Các bạn có để ý rằng, hiện nay có nhiều các tỉnh thành trên cả nước “nói không” với bằng tại chức, liên thông thì liệu rằng những đơn vị các bạn đang định xin vào sau này liệu họ có nhận? Gia đình tôi cũng nghèo như một số bạn nên cũng không có tiền để “chạy” vào những vị trí tốt trong các đơn vị nhà nước nên ngay từ quá trình học cao đẳng, tôi đã phải xác định “học thật” và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Rõ ràng, khi các bạn còn chưa ra trường, chưa trang bị cho mình những kỹ năng mềm, những kinh nghiệm thực tế thì việc các bạn lo lắng không tìm được việc cũng là tâm lý dễ hiểu.
Nhưng theo tôi, thay vì lo lắng, các bạn hãy nỗ lực bằng chính khả năng của mình thì một công việc ưng ý trong tương lai sẽ không còn là điều xa vời.
Bộ ra quyết định cứng rắn để trả lại đúng giá trị cho người học (Ảnh minh họa).
Bộ ra quyết định đúng
Các bạn vẫn luôn cho rằng nền giáo dục nước nhà còn quá nhiều những yếu kém nhưng tại sao khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT khắc phục một trong những yếu kém hiện hữu, các bạn lại phản ứng gay gắt đến thế.
Bản thân tôi, trước kia đã từng có ý định học liên thông ở một trường đại họcnhưng sau khi tìm hiểu tôi đã quyết định từ bỏ ý nghĩ đó của mình.
Tôi được biết rằng, thi liên thông là một kỳ thi dễ nhất từ trước tới nay với một số tiền đóng vào, bạn nghiễm nhiên sẽ có tên trong danh sách sinh viên liên thông. Không những thế, theo tôi được biết, trong quá trình học, mức học phí thường cao hơn mức quy định từ 5-7 lần. Với hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, một mình mẹ tôi ở quê cũng không thể lo chi phí tiền học hàng triệu mỗi tháng. Còn đối với nhiều bạn đã gửi “tâm thư”, liệu gia đình các bạn có thể lo kinh phí hàng triệu đồng tiền học khi các bạn cũng đều chia sẻ hoàn cảnh gia đình mình rất khó khăn?
Các bạn học đại học lấy bằng đại học, học ccao đẳng là để lấy bằng cao đẳng, học trung cấp là để lấy bằng trung cấp, liên thông hiện nay chỉ đồng nghĩa với việc mở ra con đường khác để lấy bằng đại học mà thôi.
Liệu rằng, các bạn vẫn tiếp tục muốn tiếp tục coi liên thông là cơ hội chỉ để các bạn lấy bằng và là cách để một số trường kiếm tiền?
Mục đích của hệ cao đẳng, trung cấp mở ra với mục đích để đào tạo những công nhân kỹ thuật cao phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, chứ không phải để làm con đường vòng để cho những cá nhân kém cỏi kiếm tấm bằng đại học. Điều này, tôi cũng đã thấy trong quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi cho rằng không phải tất cả những người học xong hệ cao đẳng, trung cấp lại chăm chăm vào học đại học. Tôi cũng thấy rằng, nhiều năm nay, với hình thức đào tạo liên thông, đã có biết bao cử nhân, kỹ sư kém chất lượng đã được ra đời. Đó thực sự còn là mối nguy cho đất nước trong tương lai. Cơ hội học cao hơn vẫn dành cho những ai thực sự có đủ năng lực và ý chí.
Bản thân tôi cho rằng, không phải quy định thế này là chấm dứt cơ hội học tập như một số người đã nói. Cơ hội học cao hơn vẫn dành cho những ai thực sự có đủ năng lực. Nếu bạn cảm thấy chưa đủ năng lực thì nên tiếp tục rèn luyện, phấn đấu còn nếu không thì cũng nên dừng lại ở một mức độ nhất định. Tôi biết rằng, với quy định này sẽ có một số lượng nhỏ các bạn sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp có mong muốn học thật và thi thật cũng sẽ bị ảnh hưởng một phần nào đó. Tuy nhiên, sau 3 năm tích lũy kinh nghiệm thực tế, bạn sẽ thấy việc học rất nhẹ nhàng và có ích hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, các bạn cũng nên cảm thông với Bộ GD-ĐT để chấn chỉnh hình thứcliên thông một cách mạnh mẽ và trả lại giá trị thật cho người học. Chúc các bạn thực sự có năng lực có thể tìm được cơ hội cho chính mình trong khó khăn”.
Theo VTC
"Siết chặt" đào tạo liên thông: Đi tìm bản chất thực
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định mới về đào tạo liên thông, trong dư luận xã hội đã có những ý kiến trái chiều. Người thì đồng tình "siết chặt" để nâng cao chất lượng, còn phía đối lập cho rằng đó là "chặn đường" của những người muốn học tiếp.
Xét một góc độ nào đó thì việc đồng tình hay phản đối đều có cái lý của nó. Một phần là do quy định đưa ra làm ảnh hưởng đến hàng chục nghìn sinh viên đang ấp ủ học liên thông lên để lấy tấm bằng ĐH. Bên cạnh đó nó cũng ảnh hưởng "tích cực" đến nguồn thu của các trường từ hình thức đào tạo này.
Học liên thông để nâng cao trình độ chứ không phải là chạy theo bằng cấp.
Liên thông: Nâng cao trình độ chứ không phải tấm bằng
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có cuộc gặp khá thú vị với những người đầu tiên "đưa" hình thức liên thông vào Việt Nam. Xuất phát từ những nghiên cứu khá công phu và thực tế ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển, vào năm 2002, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức thí điểm đào tạo liên thông cho 6 trường ĐH, CĐ.
Nếu lần đến quyết định về việc ban hành quy định tạm thời về đào tạo liên thông dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, CĐ và ĐH vào tháng 5/2002 thì chủ đích đã được Bộ GD-ĐT nêu khá rõ. Theo đó, liên thông là quá trình đào tạo cho phép công nhận và chuyển đổi kết quả học tập và rèn luyện của người học từ một trình độ này tới một hay một số trình độ khác hoặc trong các ngành khác nhau của cùng một trình độ thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo. Như vậy mục đích ban đầu là hướng tới việc nâng cao trình độ nhằm đáp ứng nhu câu công việc chứ không như cách mà nhiều người hiểu hiện nay đó là: "Đường vòng để lấy tấm bằng ĐH".
Một cán bộ tham gia soạn thảo quy định tạm thời năm 2002 tâm sự: "Chúng tôi đã tham khảo và học hỏi rất nhiều nước trước khi đề xuất tổ chức thí điểm liên thông. Theo kinh nghiệm của các nước thì học liên thông là nhằm nâng cao trình độ để phục vụ cho công việc chứ không như quan điểm hiện tại của chúng ta đó là bằng cấp. Ở nước họ một anh công nhân có thể kiến thức và trình độ hiểu biết như một thạc sỹ. Điều đó được thể hiện ở trong công việc chứ không phải trên bằng cấp".
Cũng theo lời cán bộ này, quy định trước cũng đưa ra những điều kiện ràng buộc khá chặt chẽ giữa hai trường phối hợp để tổ chức đào tạo liên thông. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao sau này Bộ GD-ĐT lại ban hành thông tư 06 và gần như thay đổi quan điểm so với quy định tạm thời trước đó. Ở đây Bộ GD-ĐT cũng phải chịu trách nhiệm một phần về những bất cập trong đào tạo liên thông suốt thời gian qua.
"Chúng ta nên nhớ, Chính phủ cũng đồng ý để Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm đào tạo liên thông từ năm học 2002 - 2003 và đã yêu cầu chỉ tiến hành thí điểm ở phạm vi hẹp và phải chỉ đạo chặt chẽ. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT chưa có một đánh giá về mặt tích cực và tiêu cực để chấn chỉnh đã mở rộng dẫn đến tràn lan như hiện này" - cán bộ này nhấn mạnh.
Lợi ích người học bị ảnh hưởng nếu... buông lỏng
Với việc đưa ra quy định mới Bộ GD-ĐT hi vọng sẽ kiểm soát được việc đào tạo liên thông của các trường. Tuy nhiên đó chỉ là bề nổi mà ai cũng có thể nhìn thấy được còn phía sau nó có hướng đến nhiều mục đích quan trọng hơn.
Như chúng ta đã biết, nguồn nhân lực lao động hiện nay ở trong nước đang rơi vào cảnh thừa thầy, thiếu thợ. Không ít sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH thất nghiệp hoặc làm việc không đúng với chuyên môn. Với việc hình thành các bậc đào tạo từ TCCN, CĐ và ĐH là mục đích phân tầng nguồn nhân lực. Chính vì thế, việc để cho các sinh viên TCCN, CĐ "rầm rộ" thi liên thông lên các bậc cao hơn trong thời gian qua đã vô tình phá vỡ cấu trúc nguồn lao động trong nước. Chưa dừng lại ở đó, ngay cả hệ thống đào tạo nghề cũng được "cơi nới" lấn sang tạo nên sự hỗn độn không thể kiểm soát.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước việc đào tạo liên thông "bát nháo", Bộ GD-ĐT từng đưa ra dự thảo với một phương án duy nhất đó là yêu cầu thí sinh thi các môn văn hóa cùng "3 chung". Nếu điều này được thực hiện thì đồng nghĩa "cánh cửa" liên thông đã khép lại hoàn toàn cho người học. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp, Bộ GD-ĐT đã quyết định đưa ra phương án cởi mở hơn đó là muốn dự thi liên thông ngay thì phải dự thi các môn văn hóa cùng "3 chung". Còn nếu sau khi tốt nghiệp ra công tác 3 năm thì sẽ thi các môn do các trường tổ chức.
Qua đây cho thấy Bộ GD-ĐT không khuyến khích các sinh viên dự thi liên thông ngay vì việc đó không đúng với mục đích ban đầu của hình thức đào tạo này. Tuy nhiên cũng để đảm bảo dư luận không thể chê trách, Bộ GD-ĐT quyết "chặt" đầu vào liên thông đối với những sinh viên thực sự có năng lực muốn có tấm bằng ĐH nên đã mở ra hướng dự thi "3 chung". Cái lợi dành cho những SV dự thi liên thông cùng với "3 chung" đó là được giảm bớt các môn học và thời gian học ĐH cũng rút xuống rất nhiều.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, đối mặt với bản chất thật của liên thông sẽ giúp xã hội nhìn và đánh giá thực chất hơn với hình thức đào tạo này. Hiện nay nhiều đơn vị tuyển dụng đã "nói không" với bằng liên thông. Chính vì thế nếu cứ "cởi mở" như hiện nay và người học tiếp tục có quan điểm sai lầm thì đến một lúc nào đó, bản thân họ sẽ mếm "mùi trái đắng" như làn sóng "nói không" với tại chức trong thời gian qua. Hiện nay chỉ có hai hệ đào tạo là chính quy và thường xuyên, vì thế nếu cơ quan tuyển dụng nào đó "nói không" với bằng liên thông thì chẳng có quy định nào cấm đoán điều đó (dù sao thì bằng tại chức vẫn có cơ sở để yêu cầu xã hội công nhận - PV).
"Gia đình đã tạo điều kiện cho các em đi học chỉ để mong muốn sớm tốt nghiệp ra trường. Vì thế sau khi tốt nghiệp lại tiếp tục học liên thông ngay thì đồng nghĩa gia đình lại tiếp tục gánh nặng về chi phí. Vậy tại sao không để các em đi làm sau đó tiếp tục học nâng cao hơn bằng chính chi phí mà mình kiếm được. Tôi nghĩ đây là vấn đề đáng để chúng ta suy nghĩ" - một chuyên viên tuyển sinh lâu năm của Bộ GD-ĐT chia sẻ.
S.H
Theo dân trí
Thay đổi quy chế liên thông để 'cứu' chất lượng đào tạo Về hậu quả "biến tướng" đào tạo liên thông, Vụ trưởng vụ Đào tạo trăn trở : "sinh viên ra trường với tấm bằng mà không được xã hội thừa nhận", do đó cần siết chặt để các em có tấm bằng xứng đáng. Ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH sẽ có hiệu lực. Theo...