Tâm sự của người lao động về quê: ‘Về cái đã, tới nhà rồi tính tiếp’
Lãnh đạo TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai mời gọi người dân ở lại khôi phục hoạt động sản xuất.
Vì sao nhiều người vẫn quyết khăn gói về quê?
Anh Bảo Ngọc (quê Đồng Tháp) làm nghề xây dựng vẫn bám trụ ở lại khu nhà trọ bến Phú Định, phường 16, quận 8, TP.HCM trong mấy tháng để chờ ngày đi làm lại – Ảnh: TỰ TRUNG
Chúng tôi làm nhiệm vụ ở các chốt cửa ngõ TP.HCM, gặp rất nhiều người quyết hồi hương khi đã đi qua 4 tháng khó khăn nhất ở thành phố này. Chúng tôi hỏi họ câu hỏi trên và câu trả lời lắm khi là: “Về cái đã, tới nhà tính tiếp”.
Về quê rồi sẽ làm gì sống?
TP.HCM, nhiều con hẻm đông đúc trước dịch, những khu nhà trọ hàng trăm phòng giờ bỗng vắng hoe.
Tưởng rằng đến ngày 1-10 không khí sinh hoạt, làm việc dần trở lại với “bình thường mới” do nhiều ngành nghề được phép tái hoạt động. Nhưng rồi lại thấy cảnh vợ chồng đèo con cái lên xe gắn máy về quê. Những em bé khát sữa như muốn lả đi trên tay người mẹ.
Video đang HOT
Xót xa hơn, có người phải đưa cả tro cốt người thân qua đời vì COVID-19 – một “hành lý” mà không ai mong muốn có trong hành trình của ngày trở về. Đại dịch đã lấy đi quá nhiều, thiệt hại công ăn việc làm tuy lớn song cũng không thể so sánh cùng nỗi đau mất người thân.
“Vì sao bạn về?” – tôi hỏi nhiều người dừng xe chờ qua chốt kiểm soát trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM). Đa phần đều tâm sự: cái ăn, cái ở được chính quyền và cộng đồng hỗ trợ nên dù vất vả cũng “gồng” mình được.
Song, nỗi lo lớn hơn là chuyện học hành của con cái, trẻ em trong độ tuổi mầm non, tiểu học, phải có cha hoặc mẹ ở nhà mới yên tâm học trực tuyến. Lúc bình thường, hai vợ chồng đi làm còn chưa đủ trang trải chi phí, giờ “hy sinh” một lao động ở nhà với con thì không thể kham nổi.
Trong dòng người tìm đường về quê, rất nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ. Suất hỗ trợ đợt 3 của TP.HCM 1 triệu đồng/người họ đã nhận đủ, nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, cũng vừa đủ trả tiền nợ thuê phòng trọ bốn tháng nay sau khi được chủ nhà giảm một nửa.
Về quê sẽ làm gì? Nhiều người vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho chính mình. “Về cái đã, tới nhà rồi tính tiếp. Ở quê dẫu khó tìm việc làm nhưng không phải trả tiền thuê nhà. Cái ăn cũng dễ xoay xở hơn, liệu cơm gắp mắm vậy”.
Cơ hội cho người ở lại
Bình Dương thiếu hụt 50.000 nhân công khi tái sản xuất, con số này ở TP.HCM và Đồng Nai hẳn không kém. Chính quyền địa phương đã làm tất cả những gì có thể: từ công tác an sinh xã hội đến tiêm ngừa vắc xin cho người lao động.
Nhiều chính sách “hậu giãn cách” được thực thi, nhằm mục đích giữ chân đội ngũ công nhân cho các doanh nghiệp. Những biện pháp phòng chống dịch “tái xuất hiện” đã được triển khai, giúp mọi người yên tâm làm ăn, sản xuất.
Các khu công nghiệp không thể phát huy tối đa công suất nếu không đủ nhân lực. Nhiều doanh nghiệp đã cầm cự đến kiệt sức sau mùa dịch, giờ đây không huy động đủ công nhân sẽ khó phục hồi. Chưa bao giờ vấn đề tìm người lao động lại trở nên nan giải với người sử dụng lao động như lúc này.
Cái khó này, nhìn góc khác lạc quan hơn chính là cơ hội cho những người quyết ở lại. Dịch bệnh khiến họ nhận ra giá trị của công việc, thích nghi lâu dài với dịch không gì khác là phải duy trì công ăn việc làm bền vững hơn.
Việc có lương tháng sẽ tốt hơn những việc làm ngày nào ăn ngày nấy. Nhiều người đã đổi việc, tìm đến những việc đang cần người và có thể đi làm lại sớm nhất.
Về hay ở là sự chọn lựa của từng người, từng gia cảnh. Người già, thai phụ và trẻ nhỏ cần sự bình an trước dịch bệnh, cần được bảo vệ ở nơi an toàn hơn.
Nhưng với người trẻ khỏe hơn, có thể có cơ hội tìm việc tốt hơn, vì sao bạn chọn quay về khi chưa biết sẽ làm việc gì ở quê trong những ngày quê nhà cũng đang vất vả chống dịch này?
Hơn 35.000 bà con về quê, chủ tịch An Giang: Tiếp nhận chu đáo, nghĩa tình
Trước tình trạng người dân từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... di chuyển về An Giang với số lượng trên 35.000 người, chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các huyện nỗ lực tiếp nhận, bố trí ăn uống và đảm bảo chu đáo.
Người dân đã về quê An Giang trên 35.000 người, gây áp lực lớn cho chính quyền tỉnh trong việc cách ly, bố trí ăn uống - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh, chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang - cho biết đến nay, An Giang đã tiếp nhận 35.127 người ngoài tỉnh trở về quê.
TP Long Xuyên đã hỗ trợ bố trí các khu vực tiếp nhận ban đầu đảm bảo quy mô rộng rãi, giãn cách; phối hợp các ngành của tỉnh hỗ trợ người dân về y tế; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chăm lo đầy đủ, chu đáo về thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm. Người lớn tuổi, trẻ em, người đau yếu còn được hỗ trợ cháo, sữa...
Ngay sau đó, các huyện trong tỉnh đã nhanh chóng tổ chức đoàn tiếp nhận công dân, đưa về các khu tiếp nhận ban đầu để phân loại, sàng lọc, xét nghiệm, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
Sau khi sàng lọc, phân loại, các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được tạo điều kiện cho cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe (khi nhà ở đáp ứng được yêu cầu). Các địa phương tiếp tục hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để người dân yên tâm cách ly phòng dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo các địa phương khi cách ly tại nhà, phải dán bảng cảnh báo, căng dây phía trước để người dân biết, giám sát; giao tổ dân phố, khóm, ấp theo dõi hằng ngày.
Khi có vắc xin ngừa COVID-19, các địa phương phải tiêm đủ liều để bà con yên tâm, đặc biệt là ưu tiên tiêm mũi 2 cho bà con đã tiêm mũi 1. Đối với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, phải vận động nguồn lực hỗ trợ, không để bà con thiếu đói.
Để giảm áp lực cho khu cách ly, huyện Tịnh Biên đã cho cách ly tại nhà các trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vắc xin và F0 đã khỏi bệnh - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ở những nơi điều kiện nhà ở không đảm bảo cách ly y tế tại nhà, nhiều chủ nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn sẵn sàng dành chỗ để bà con cách ly miễn phí. Lực lượng vũ trang cũng sẵn sàng chia sẻ chỗ ăn, nghỉ cho người dân. Các đơn vị thuộc Trung đoàn 892 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) đã di chuyển gần 300 cán bộ, chiến sĩ, nhường doanh trại cho người dân huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cách ly tập trung...
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang tiếp tục kêu gọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tương thân tương ái cùng chung tay hỗ trợ và chăm lo tốt cho bà con xa quê trở về địa phương ổn định tâm lý, giúp họ sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Tăng hỗ trợ để bà con ở lại Hàng ngàn người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê những ngày qua đang tạo ra khó khăn cho các tỉnh trong kiểm soát dịch bệnh và đặt ra vấn đề quan trọng là sẽ thiếu hụt lao động sắp tới. Làm sao để bà con yên tâm ở lại thay vì về quê? Cô Mai Thị Sáng vui mừng nhận...