Tâm sự của người chồng phải sống giữa ‘hai làn đạn’
Vốn không phải là một người đàn ông yếu đuối, vậy mà thời gian này, có lẽ do chịu quá nhiều sức ép, đã có lúc anh Dũng phải rơi nước mắt vì buồn bã, linh cảm có chuyện không hay sắp xảy đến với gia đình mình…
Suốt ngày đêm phải nghe vợ than khóc, mẹ kể lể
Anh Dũng (38 tuổi, Hưng Yên) hiện đang làm việc trong 1 công ty viễn thông thuộc 1 tập đoàn lớn ở Hà Nội. Lập gia đình vào năm 2009, khi tuổi đã “cứng”, anh Dũng cũng đã kịp tích góp kha khá tài sản. Chỉ trong 3 năm, hai vợ chồng anh đã xây 1 căn nhà hơn 60 m2 trên diện tích đất được bố mẹ đẻ mua cho ở khu vực dưới chân cầu Vĩnh Tuy.
Nhà vừa xây xong thì Huyền, vợ anh Dũng cũng sinh được 1 cậu con trai. Hai vợ chồng toàn tâm toàn ý vun đắp gia đình, chỉ trong thời gian ngắn, vợ chồng anh đã hoàn thành được nhiều việc lớn trong đời.
Có công việc ổn định, thu nhập khá, nhà cửa khang trang, vợ thuộc diện “chân dài”, nhan sắc dễ coi, lại sinh được con trai, ai cũng nghĩ rằng Dũng đã viên mãn, hạnh phúc nhất đời.
Tuy nhiên, mâu thuẫn gia đình bắt đầu nảy sinh kể từ khi anh phải tuân theo sự điều động cán bộ luân phiên của cơ quan, vào văn phòng thường trú tại Tp. Hồ Chí Minh công tác trong 2 năm.
Không yên tâm để một mình con dâu chăm cháu, mẹ đẻ anh Dũng đã lặn lội từ quê ra Hà Nội để giúp đỡ. Trước đó, khi Huyền mới sinh, mẹ đẻ anh Dũng cũng thi thoảng lên thăm nom.
Lần nào bà cũng đều kêu ca rất nhiều về việc 2 vợ chồng anh chăm sóc con không đúng cách, từ việc phải dùng tã vải, không được dùng tã giấy vì cháu sẽ bị hăm, đến việc lười không chịu xoa đầu cháu nên cháu bị méo đầu…
Dù sinh con đầu lòng, kiến thức làm cha mẹ còn hạn chế, nhưng cả hai vợ chồng anh Dũng đều chịu khó tìm hiểu kiến thức từ bạn bè, từ trên sách vở để có thể chăm sóc con mình một cách tốt nhất. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng của anh chị đều không vừa mắt mẹ già.
Việc xung đột giữa cách nuôi dạy con của mẹ đẻ anh Dũng và vợ chồng anh ngày càng trầm trọng. Từ những việc nhỏ nhặt, hai vợ chồng cũng bị bà mắng mỏ, phê bình và đòi tự tay chăm cháu. Mỗi khi vợ chồng anh trình bày quan điểm thì lại bị mẹ phản bác: “Đã không biết cách nuôi con mà còn không chịu tiếp thu. Tôi không biết gì mà lại nuôi anh lớn bằng này…”
Video đang HOT
Tâm sự của người chồng phải sống giữa “hai làn đạn”. Ảnh minh họa
Huyền sức khỏe không được tốt, sinh con bằng phương pháp đẻ mổ nhưng vết thương hàng tháng trời sau vẫn đau đớn, không tự đi lại được. Nhờ mẹ chồng mãi cũng bất tiện, cô phải cầu cứu đến sự giúp đỡ của mẹ đẻ.
Tuy nhiên, việc này khiến bố mẹ chồng cô không vừa lòng. Mẹ chồng cô phân tích cho con trai: “Mới chăm con vất vả bằng tí móng tay thế đã ăn thua gì. Đã là người mẹ thì lúc nào cũng phải ở bên con, chăm sóc con, không thể ỷ lại như vậy…”.
Do thấy bà thông gia cư xử “bằng mặt mà không bằng lòng”, chỉ muốn đuổi khéo mình, mẹ đẻ của Huyền cũng chỉ chịu đựng được hơn tuần lễ rồi cũng phải khăn gói về quê.
“Cả hai bố mẹ tôi đều chê trách Huyền rất nhiều. Quả thực vợ tôi làm mẹ, làm dâu có nhiều điều còn vụng về, nhưng không đến mức để ông bà nặng lời đến thế. Nhiều lúc nhìn vợ nằm ôm con khóc, tôi thấy mình thật kém cỏi.
Tôi đã nói chuyện với bố mẹ rất nhiều lần nhưng đều bị mắng rằng bênh vợ, không chịu tiếp thu ý kiến người lớn. Tôi sợ nhất là ông bà lại càng “ác khẩu” hơn, cứ đổ là vì cô ấy mà tôi thay đổi. Ngày trước, khi chưa lấy vợ, tôi đã bao giờ dám cãi một câu nào trước mặt bố mẹ đâu mà nay lại liên tục làm ông bà phải buồn lòng…” – Anh Dũng tâm sự.
Mối bất hòa trong gia đình càng bị đẩy lên đỉnh điểm khi Dũng phải đi công tác xa. Chịu quá nhiều ấm ức và sức ép, suốt từ sáng đến đêm, Huyền liên tục gọi điện, nhắn tin kể lể, than khóc.
Trong khi đó, Dũng cũng liên tục chịu sự “tra tấn” của bố mẹ đẻ chỉ với một nội dung là “tố tội” vợ anh. Anh rơi vào hoàn cảnh căng thẳng, áp lực như sống giữa “hai làn đạn” mà không biết làm thế nào cho vừa lòng đôi bên. Huyền vốn tính thẳng thắn, nên không thể kìm nén, chịu đựng mãi.
Chính vì vậy, đầu năm vừa rồi, giữa nàng dâu và bố mẹ chồng đã xảy ra cãi vã. Mẹ Dũng giận dỗi bỏ về, cương quyết “từ mặt đứa con dâu hỗn láo” và tuyên bố sẽ giành quyền chăm cháu cho bằng được. Còn Huyền thì cũng bỏ cửa nhà, ôm con về bà ngoại, gọi điện yêu cầu Dũng nhanh chóng thu xếp công việc ra Hà Nội làm thủ tục ly hôn.
Anh đã đi đi về về đến vài bận mà tình hình vẫn không bớt căng thẳng chút nào. Căn nhà ấm áp, hạnh phúc của hai vợ chồng đã lạnh ngắt vì vợ con anh nhất định không chịu quay về, chừng nào anh chưa “giải quyết” được chuyện gia đình.
Cần đến những cầu nối
Mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu lâu nay vẫn luôn là mối quan hệ đầy nhạy cảm và có không ít khúc mắc nảy sinh. Trên thực tế, có khá nhiều gia đình gặp sóng gió, thậm chí có thể đổ vỡ chỉ vì những lục đục, tranh cãi giữa mẹ chồng và nàng dâu.
Những người đàn ông với 2 vai, vừa là chồng, vừa là con, luôn bị đặt vào tình thế khó xử khi phải đứng giữa “hai làn đạn”. Trong cuộc chiến ấy, nếu họ không biết khéo léo dàn xếp và tìm sự thông cảm từ cả hai phía thì sẽ khó tìm được cái kết có hậu.
Theo các chuyên gia tư vấn tình cảm của Công ty Linh Tâm, vấn đề mà gia đình anh Dũng gặp phải cũng là vấn đề của mọi gia đình khi có sự xung đột về ứng xử, thói quen, quan niệm hay kinh nghiệm giữa các thế hệ, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ.
Nhưng dù đó có là xung đột đi chăng nữa thì trước tiên, những người trong cuộc nên nhìn nhận một cách tích cực rằng, tất cả những điều đó cũng chỉ là muốn tốt hơn cho con trẻ mà thôi. Bố mẹ anh Dũng cũng vậy.
Có thể ông bà đã can thiệp quá sâu khi áp đặt kinh nghiệm từ những thế hệ trước trong việc nuôi “con đầu cháu sớm” của mình, nhưng dù có vậy thì trước hết vợ chồng anh Dũng không nên cực lực phản đối, bài xích hay chê bai ông bà cổ hủ.
Điều đó sẽ làm những người già dễ tự ái, tức giận và có thái độ bất mãn với con cái, đặc biệt là sẽ ghét cô con dâu của mình hơn. Họ sẽ cho rằng con trai mình bênh vợ, nghe vợ mà đối đầu với bố mẹ đẻ của mình.
“Anh Dũng nên hiểu là ông bà cũng chỉ vì quá yêu thương và lo lắng cho cháu mà làm vậy thôi. Để dễ dàng thuyết phục ông bà thì trước hết anh và vợ nên thể hiện sự tôn trọng những kinh nghiệm mà ông bà có, sau đó anh và cô ấy có thể dùng sách báo hoặc thậm chí mời những bác sĩ chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ để cùng chia sẻ, tư vấn với ông bà về cách nuôi dạy trẻ sao cho khoa học và hiệu quả nhất. Nếu làm được vậy thì ông bà cũng cảm thấy thoải mái và dễ chấp nhận điều anh muốn thay đổi.
Và một điều quan trọng nữa, ông bà không cảm thấy bị gạt ra rìa trong việc chăm sóc cháu nội, điều mà ông bà vô cùng mong muốn” – Các chuyên gia đưa ra lời khuyên cụ thể.
Trong cư xử với “phe” còn lại, tức là vợ mình, anh Dũng cần tâm sự, chia sẻ với Huyền về thiện ý của ông bà đối với cháu để có thể hiểu và thông cảm với ông bà hơn.
Nếu vợ anh hiểu rằng, chỉ vì sự quan tâm và lo lắng thái quá của ông bà với cháu mà dẫn đến sự áp đặt thì Huyền cũng bớt đi phần nào ấm ức, tủi thân khi bị bố mẹ chồng chê trách. Phụ nữ mới sinh con hay cảm thấy mặc cảm, chạnh lòng khi ít được quan tâm.
Vì vậy, anh Dũng cần quan tâm chăm sóc vợ nhiều hơn trước để cô ấy hiểu, dù bố mẹ chồng chưa thực sự thấu hiểu con dâu thì cô ấy vẫn luôn có chồng ở bên chia sẻ và động viên. Đó sẽ là động lực để cô ấy có thể vượt qua những áp lực của cuộc sống gia đình.
Với sự việc đang xảy ra, anh Dũng cần bố trí công việc và thời gian hợp lý để ra Hà Nội nhiều hơn nữa, hoà giải mâu thuẫn trong gia đình. Nếu chỉ vì những tranh cãi không đáng có giữa mẹ chồng nàng dâu mà đổ vỡ một gia đình vốn đã hạnh phúc thì thật đáng tiếc.
Chắc chắn bố mẹ anh Dũng cũng không hề muốn gia đình con trai mình đổ vỡ, cháu nhỏ phải chịu cảnh cha mẹ chia ly. Và vợ anh cũng vậy, nếu chị yêu thương chồng con thì cũng không dễ dàng đánh mất hạnh phúc như thế.
Điều anh Dũng cần làm bây giờ là nói chuyện một cách chân tình với bố mẹ để ông bà hiểu mong muốn của anh. Anh có thể nhờ người thân nào đó có uy tín trong gia đình làm trung gian hoà giải, khuyên nhủ các cụ nghĩ lại.
Anh cũng nên trò chuyện với bố mẹ và người thân bên vợ để nhờ họ làm cầu nối hoá giải mâu thuẫn, hiểu lầm không đáng có kia. Một cuộc gặp gỡ trên góc độ chân thành và thấu hiểu giữa bố mẹ đẻ và vợ để cùng nhìn nhận xem làm thế nào tốt nhất cho tất cả, để mọi người hiểu nhau hơn.
Theo Bưu Điện Việt Nam
30 tuổi, người yêu bỏ thì lấy ai?
Tôi đã đánh đổi mấy năm nay để chờ đợi ngày cưới, vậy mà anh phụ bạc tôi cay đắng thế sao?
Tôi choáng váng khi anh nói lời chia tay. Đối với tôi mà nói, chuyện tình yêu hợp rồi tan là chuyện quá đỗi bình thường, tôi hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhưng hoàn cảnh của tôi thì lại khác, vì tôi đã 30 tuổi, nếu không muốn nói là 31.
Ở cái tuổi này, lẽ ra người ta phải có gia đình, con cái đàng hoàng rồi. Còn tôi, vẫn chờ đợi, vẫn mong mỏi một đám cưới mà chưa nhận được câu trả lời dứt khoát từ anh.
Chúng tôi yêu nhau đã được 3 năm rồi, thời gian trôi đi, mặc dù biết tôi không còn trẻ nhưng anh hứa hẹn sẽ lấy tôi, rồi mong tôi chờ đợi anh thêm 1, 2 năm nữa để chúng tôi ổn định sự nghiệp, công việc, nhất là phía anh. Mặc dù cũng hơi lo lắng nhưng tôi chấp nhận vì thật sự công việc của tôi cũng vướng bận nhiều, nên tôi cũng chưa chuẩn bị tâm lý lấy chồng ngay dù đã không còn trẻ nữa.
Lẽ ra, chúng tôi cưới nhau khi tôi 29. Nhưng rồi anh lại lui lại, nói 30 tuổi cưới cho đẹp. Tôi đồng ý vì việc đó cũng là hợp ý tôi. Nhưng rồi, đùng một cái anh nói lời chia tay, lý do anh không cho tôi biết rõ, nhưng tôi hiểu anh đã có người con gái khác.
Còn gì chua chát hơn, cay đắng hơn lúc này. Tôi thật sự hoang mang, không biết phải đối diện với sự thật ấy ra sao. Tôi đau khổ suốt bao tháng ngày, tôi van xin anh quay lại, níu kéo anh và hạ thấp lòng tự trọng của mình. Vì tôi sợ, sợ cảm giác bị bỏ rơi, sợ ế chồng.
Còn gì chua chát hơn, cay đắng hơn lúc này. Tôi thật sự hoang mang, không biết phải đối diện với sự thật ấy ra sao. (ảnh minh họa)
Với tôi mà nói, 30 tuổi không còn trẻ trung nữa. Tôi đã đánh đổi mấy năm nay để chờ đợi ngày cưới, vậy mà anh phụ bạc tôi cay đắng thế sao?
Đúng là cuộc sống không nói trước được điều gì. Người mà tôi tin tưởng, để tôi có động lực lao vào công việc, yên tâm về tương lại thì lại nói lời chia tay tôi cay đắng. Dù có muốn tha thứ tôi cũng không thể nào. Tại sao anh không nghĩ cho tôi, tại sao anh lại làm khổ tôi? Tôi đâu còn trẻ nữa để cho anh bông đùa. Anh phải nghĩ được rằng, nếu bỏ rơi tôi, tôi sẽ yêu ai, lấy ai, chọn ai làm chồng khi tuổi đã quá lứa nhỡ thì?
Vì bản thân mình, tôi cũng đã hạ hết sĩ diện, van xin anh quay lại, vậy mà anh phũ phàng. Tình yêu chỉ đến thế thôi sao?
Tôi sẽ mất bao lâu để vơi đi nỗi đau này, mất bao lâu để tha thứ cho người đó, và liệu tôi có đủ dũng khí để đối diện với sự thật này không? Tôi sợ rằng, thời gian ấy quá lâu, tôi sẽ già nua, sẽ chẳng yêu được ai nữa và khó mà có thể lấy chồng. Hoặc là tôi sẽ nhắm mắt, gật đầu với một gã mà tôi không hề yêu thương. Thật khổ cho tôi quá, tôi mệt mỏi quá rồi!
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đoản khúc cuối cho em Câu chuyện của ta và em có lẽ sẽ chẳng bao giờ là một happy ending đúng nghĩa. Trông mong từng đợt gió mùa về, ta lại cô đơn một mình lang thang trên những con phố cũ để cảm thấy nhung nhớ vẫn vơi đầy, con đường ta đi hun hút dài đến tận cùng nỗi nhớ về em. Ta biết không...