Tầm nhìn trụ hạng – nhìn từ mặt cỏ V-League
Bóng đá Việt Nam mang tiếng chuyên nghiệp, nhưng đang vận hành theo theo quy trình ngược, ngay từ chuyện đầu tư cho sân bãi.
Hôm 19/3, ngay lần đầu được đá trên sân nhà ở V-League 2021, Bình Định hạ đầu bảng Đà Nẵng 1-0 với bầu không khí hội hè trên mặt cỏ đẹp mới của sân Quy Nhơn. Trên thực tế, đây đã là trận đấu thứ hai trên sân nhà của Bình Định. Nhưng ở vòng hai, họ phải mượn sân 19-8 ở Nha Trang trong trận thắng Sài Gòn FC 1-0, do sân Quy Nhơn chưa sửa xong.
Bình Định thăng hoa trong lần đầu được chơi trên sân nhà Quy Nhơn, với mặt cỏ được làm mới, hôm 19/3. Ảnh: BinhDinhFC
Ai cũng thấy, đá trên một mặt cỏ đủ tiêu chuẩn, đẹp và với những khán đài tươi mới, chắc chắn chất lượng thi đấu cũng sẽ cao hơn. Câu hỏi đặt ra là tại sao đa số các CLB đều phải đợi đến khi thăng hạng mới chịu sửa chữa sân cỏ, trong khi nếu họ có một sân cỏ tốt, biết đâu việc thăng hạng đã diễn ra sớm hơn? Hoặc như việc hai đội bóng chọn sân Hàng Đẫy làm sân nhà – Hà Nội FC và Viettel – thống trị V-League ba mùa liên tiếp gần nhất, kể từ khi đá trên mặt sân tuyệt đẹp nhờ cải tạo hoàn toàn vào năm 2018.
14 CLB V-League hiện đá trên 12 sân bóng với chất lượng và tiêu chuẩn không đồng nhất. Không một CLB nào thực tế đang sở hữu sân bóng. Điều này cũng đồng nghĩa, các CLB Việt Nam đều làm bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu “tới đâu, tính tới đó”. Công thức – đầu tư cơ sở vật chất ban đầu thật tốt, làm nền tảng nâng cao chất lượng chuyên môn, đạt thành tích cao để thu hút nguồn tài trợ rồi dùng đó để đầu tư trở lại cho đội bóng – vốn phổ biến trong bóng đá chuyên nghiệp hầu như không tồn tại.
SLNA chưa từng xuống hạng ở V-League, nhưng họ vẫn chưa có phương án nào để nâng cấp hoàn toàn sân Vinh vốn được xây dựng từ những năm 1980. Hải Phòng nổi tiếng là yêu bóng đá, rất khao khát vô địch, nhưng hiện nay sân Lạch Tray trong tình trạng có muốn nâng cấp cũng không thể do các công trình phụ không còn đồng bộ. Ngay như sân Quy Nhơn, dù rất muốn, đơn vị tài trợ hiện nay cũng không thể đầu tư nâng cấp để khai thác trọn vẹn các công trình quanh sân. Mặt bằng trong khuôn viên sân đã không còn nguyên vẹn chức năng phục vụ cho bóng đá. Giả sử mùa này Bình Định có thứ hạng cao, được đá các giải châu lục, sân Quy Nhơn chưa chắc đủ tiêu chuẩn AFC về cơ sở vật chất.
Video đang HOT
Câu chuyện của các sân bóng Việt Nam chỉ là một phần của “tầm nhìn… trụ hạng” tồn tại ở V-League, mà trận đấu giữa Hà Tĩnh – HAGL chiều nay là một ví dụ . Năm 2008, năm năm sau khi thăng hạng, HAGL quyết định làm mới sân Pleiku trên nền sân vận động cũ. Đó có thể được xem là lần đầu tiên kể từ khi ra đời, V-League mới xuất hiện một sân vận động mới, vì mãi về sau này mới có thêm sân Hòa Xuân ở Đà Nẵng. Sân Pleiku được gọi với cái tên mỹ miều là “Tiểu Emirates” nhân việc HAGL hợp tác với Arsenal xây dự Học viện Đào tạo. Tiếc là từ khi khánh thành năm 2010 đến nay, HAGL chưa trở lại với ngôi vị cao nhất, và còn đáng tiếc hơn khi trong năm năm qua, dù đã tập trung đầu tư cho lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, đội bóng phố Núi vẫn chỉ đặt mục tiêu … trụ hạng.
Một đội bóng thuộc sở hữu doanh nghiệp như HAGL mà cũng chỉ có tham vọng như vậy, thì một đội như Hà Tĩnh liệu có tầm nhìn đến đâu, ngoài “để mai tính”? Năm ngoái, khi lần đầu tiên trong lịch sử được đá V-League, sân Hà Tĩnh được vội vã nâng cấp với hơn 60 tỷ đồng đầu tư. Sân mới, nhưng bóng đá lại… cũ. Sau khi bất ngờ vào top 8 mùa 2020, Hà Tĩnh giờ đứng chót bảng, con đường trở lại hạng Nhất bỗng thêng thang.
Điều này dễ liên tưởng đến trường hợp của Kiên Giang. Năm 2013, đội bóng miền Tây lần đầu được đá V-League, tỉnh này bỏ hơn 50 tỷ đồng nâng cấp sân Rạch Giá. Nhưng chỉ sau hai mùa, họ xuống hạng rồi… giải tán. Sân bóng được đầu tư tốn kém bị lãng quên, đến mùa này mới được An Giang mượn để đá giải hạng Nhất.
An Giang phải tha hương vì “thánh địa” Long Xuyên một thời của họ bị phá bỏ, chuyển đổi công năng. Chưa biết khi nào đội bóng miền Tây này mới có sân mới.
Tình trạng tương tự đang diễn ra ở Đồng Tháp. Sau khi đội nhà bị xuống hạng Nhì, địa phương quyết định không giao sân Cao Lãnh cho bóng đá nữa, vì bao năm qua không thấy đầu tư gì. Sân Cao Lãnh – một “chảo lửa” có tiếng của bóng đá Việt Nam – sẽ bị chuyển đổi công năng hay được sửa chửa, hiện vẫn là dấu hỏi.
Những bài học của Kiên Giang, Ninh Bình, Tây Ninh, Đồng Nai hoặc có khi sắp đến là Hà Tĩnh cho thấy bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phát triển theo một quy trình ngược.
Theo HLV Polking, người từng làm việc ở Thai-League và đang dẫn dắt CLB TP HCM, các sân bóng ở Thái Lan có sức chứa nhỏ nhưng chất lượng mặt cỏ và điều kiện phục vụ tốt hơn nhiều so với V-League. Điều đó giúp các CLB khai thác hiệu quả tiền bán vé cũng như các nguồn thu liên quan nhờ hoạt động dịch vụ gia tăng. Nói cách khác, các CLB Thái Lan ngay từ đầu đã nghĩ cách kinh doanh, kiếm tiền nuôi đội bóng. Nhằm phát triển lâu dài, các CLB ở Thai-League phải nỗ lực thi đấu để đáp ứng CĐV, cũng là để duy trì đội bóng, tránh lãng phí tiền đầu tư.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khó mà trách những đội bóng ở V-League. Cứ lấy tấm gương của SLNA đá mấy chục năm mà không có tiền lo nổi mặt sân, hoặc HAGL, cái gì cũng cố gắng đi trước, làm trước nhưng mục tiêu cao nhất hiện nay vẫn không phải là vô địch, thì rõ ràng là cách vận hành của bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam có vấn đề, với điểm xuất phát lại là “tầm nhìn trụ hạng”.
HLV Huỳnh Đức ước được mua cầu thủ như Guardiola, Mourinho
Sau trận thua Bình Định 0-1 ở V-League ngày 19/3, HLV Lê Huỳnh Đức thừa nhận ông chưa thể xây dựng lối chơi ưng ý cho Đà Nẵng vì thiếu cầu thủ.
HLV Lê Huỳnh Đức trong trận thua 0-1 trên sân Quy Nhơn ngày 19/3. Ảnh: Lâm Thoả.
"Ở Việt Nam không thể nói HLV thích xây dựng lối chơi nào. Bạn phải dựa vào lực lượng cầu thủ mình đang có rồi linh hoạt sử dụng tuỳ vào bối cảnh trận đấu", HLV Lê Huỳnh Đức chia sẻ sau vòng 4 V-League 2021. "Như trước đây, Đà Nẵng phải đá dài, tạt cánh đánh đầu, vì trung phong cắm là Đỗ Merlo. Chúng tôi không đá trung lộ, đá ngắn bởi anh ta đâu có giữ được bóng. Bây giờ Đức Chinh hoặc Rafaelson có thể cầm bóng nên Đà Nẵng mới đá trung lộ".
Đà Nẵng khởi đầu mùa giải ấn tượng với ba trận toàn thắng cùng tỷ số 1-0 trước TP HCM, Quảng Ninh rồi Hà Tĩnh. Nhưng đến vòng 4 hôm qua 19/3, thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức đứt mạch khi thua 0-1 trong chuyến làm khách của Bình Định. Trận này, Đà Nẵng cầm bóng 56%.
"Tôi cũng muốn có con người để xây dựng lối đá, nhưng đâu được. Tôi đâu thể thoải mái mua sắm cầu thủ như Pep Guardiola hay Jose Mourinho", ông Đức nói. "Họ có cả một ban bệ lo chuyện chuyển nhượng. Như ở Man City, Joe Hart là thủ môn tuyển Anh, nhưng chơi chân không tốt, không hợp triết lý thì vẫn bị Guardiola đẩy đi, lấy người khác ngay. Ở Việt Nam làm sao được thế, tiền đâu ra. Mà có tiền cũng không mua được, vì cầu thủ của chúng ta chỉ có thế".
Huy Hùng mới trở lại sau chấn thương, chơi chưa tốt khi tới làm khách của Bình Định. Ảnh: Lâm Thoả
Trên sân Quy Nhơn, Đà Nẵng cầm bóng nhiều hơn, nhưng chỉ tung ra ba cú dứt điểm, so với 13 của chủ nhà Bình Định. Họ thậm chí nhận bàn thua ngay phút thứ tám từ cú sút của hậu vệ Hồ Tấn Tài. "Khán giả đông, truyền thông nhiều, làm cầu thủ của tôi áp lực, nhập cuộc không tốt. Các cầu thủ trẻ bị tâm lý, đá không đúng phong độ, chuyền hỏng quá nhiều", ông Đức nói tiếp. "Trận này, Đà Nẵng cũng không có được lực lượng tốt, do Phan Văn Long chấn thương, còn Nguyễn Huy Hùng và Ibou Kebe mới trở lại, chưa có phong độ tốt".
Đây là trận đầu tiên Đà Nẵng không ghi bàn ở mùa 2020. HLV Lê Huỳnh Đức vì vậy không hài lòng với hàng công. Ông chê: "Kebe chỉ chạy lăng quăng, Rafaelson cũng đá không tốt. Tôi cho đội đá 3-5-2, nhưng hai ngoại binh không gây áp lực được lên hàng thủ Bình Định. Hà Đức Chinh cũng chưa có cảm giác bóng tốt. Hy vọng các cầu thủ sẽ nhanh chóng hồi phục, lấy lại cả thể lực và phong độ cho trận tiếp theo".
Đà Nẵng vẫn đứng đầu bảng với chín điểm. Tuy nhiên, họ sẽ bị HAGL bắt kịp điểm số, soán ngôi nhờ hơn hiệu số bàn thắng bại, nếu đội bóng phố Núi thắng trên sân của Hà Tĩnh chiều 20/3.
Đà Nẵng sẽ trở về sân nhà, tiếp đón SLNA tại vòng 5, vào ngày 23/3.
Thầy Park làm 'lộ' căn cứ tập của tuyển Việt Nam, chuẩn bị đi UAE HLV Park Hang Seo có vẻ như tìm được địa điểm tập huấn ưng ý cho tuyển Việt Nam khi thị sát rất kỹ lưỡng mặt sân Quy Nhơn (Bình Định). Kết thúc trận đấu giữa đội chủ nhà và Đà Nẵng, thuyền trưởng tuyển Việt Nam đã xuống sân để gặp gỡ các học trò như Hồ Tấn Tài, Đức Chinh, Tuấn...