Tạm dừng vụ kiện cựu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo
Cho rằng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong vụ kiện giữa giảng viên Hoàng Xuân Quế và cựu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, chiều nay Tòa hành chính TAND Hà Nội thông báo tạm dừng phiên xử trong một tháng.
Chiều 17.10, phiên xử hành chính xem xét đơn kiện quyết định của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận của người khởi kiện Hoàng Xuân Quế (giảng viên ĐH Kinh tế quốc dân) mở lại sau nhiều ngày tạm dừng đã tiếp tục phần thẩm vấn.
Phiên tòa hành chính xử vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: PL TP.HCM
Trả lời tòa về lý do ra quyết định hồi bằng tiến sĩ của ông Quế dẫn đến bị kiện, luật sư Trịnh Đình Tuấn (bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị kiện) cho hay đối chiếu luận án tiến sĩ được lưu tại Thư viện Quốc gia, Bộ Giáo dục nhận thấy đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” của ông Hoàng Xuân Quế đã “đạo văn” luận án tiến sĩ năm 2002 “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” của tiến sĩ Mai Thanh Quế.
Kết quả thanh tra của Bộ cho thấy việc sao chép chủ yếu ở chương 3. Đây là chương quan trọng, nếu bỏ đi luận án không còn chất lượng. Theo Quy chế đào tạo sau đại học, phải nêu rõ việc dẫn nguồn tài liệu hoặc sử dụng kết quả của người khác trong luận án…
Trả lời chủ tọa: “Có quy định nào cho phép được sử dụng dưới 50% dung lượng luận án của người khác?”, luật sư Tuấn cho hay “không được phép sao chép mà chỉ được trích dẫn”. Vì thế không có quy định về tỷ lệ được sao chép.
Video đang HOT
Sau gần một tiếng thẩm vấn, chủ tọa đã tạm dừng phiên tòa vì cho rằng có một số vấn đề không thể làm rõ. Chủ tọa thông báo, theo luật, phiên xử tạm dừng và sẽ mở lại trong một tháng nữa.
Trong vụ kiện này, cựu Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận xin vắng mặt và được tòa chấp nhận.
Quá trình thẩm vấn trong ngày mở phiên xử (7 và 10.10) cho thấy, năm 2013, do ông Xuân Quế bị tố cáo “đạo văn” luận án tiến sĩ năm 2002 của tiến sĩ Mai Thanh Quế, Thanh tra Bộ Giáo dục vào cuộc xác minh.
Thời điểm đó, ông Xuân Quế giải trình, luận án tiến sĩ mang tên mình đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia không phải là bản đưa ra bảo vệ chính thức tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước vào ngày 26.3.2003 vì không có chữ ký của ông tại phần “lời cam đoan”. Ông nghi ngờ bị đánh tráo hoặc nhầm bản khác do ông nhờ người cháu đi nộp hộ. Vì vậy, ông cho rằng bản lưu giữ tại Thư viện không có tính pháp lý, không thể dùng làm cơ sở xác định nội dung sao chép.
Ngày 17.7.2013, Hội đồng xác minh luận án tiến sĩ được thành lập và 7 thành viên (100%) khẳng định luận án của ông Xuân Quế có sao chép một phần từ luận án của ông Thanh Quế. Tổ thanh tra kiến nghị thu hồi bằng tiến sĩ và thu hồi quyết định công nhận Phó giáo sư của ông Xuân Quế; đề nghị Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân xem xét, xử lý vi phạm.
Ngày 11.10.2013, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó là ông Phạm Vũ Luận ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ. Ông Xuân Quế không đồng ý nên kiện hành chính yêu cầu thu hồi quyết định này.
Theo Mai Chi (VNE)
Kiện cựu Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo do bị thu hồi bằng tiến sĩ
Do bị kết luận sao chép 30% luận án của người khác và bị thu hồi bằng tiến sĩ, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện hành chính quyết định của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Trong các ngày 7.10 và 10.10, TAND Hà Nội mở phiên toà hành chính phân xử việc ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện cựu Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận do ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của mình. Bị đơn xin vắng mặt tại phiên xử, uỷ quyền cho luật sư tham gia tố tụng.
Toàn cảnh phiên tòa hành chính xử vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: PL TP.HCM
Theo hồ sơ vụ án, năm 2013, do ông Quế bị tố cáo "đạo văn" luận án tiến sĩ năm 2002 của tiến sĩ Mai Thanh Quế, Thanh tra Bộ Giáo dục-Đào tạo vào cuộc xác minh. Theo kết luận của tổ công tác, căn cứ bản luận án lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, ông Xuân Quế đã sao chép khoảng 30%.
Thời điểm đó, ông Xuân Quế giải trình, luận án tiến sĩ mang tên mình đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia không phải là bản đưa ra bảo vệ chính thức tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước vào ngày 26.3.2003 vì không có chữ ký của ông tại phần "lời cam đoan". Ông nghi ngờ đã bị đánh tráo hoặc nhầm bản khác do ông nhờ người cháu đi nộp hộ. Vì vậy, ông cho rằng bản lưu giữ tại Thư viện không có tính pháp lý và không thể dùng làm cơ sở xác định các nội dung sao chép.
Trước ý kiến này, Thanh tra của Bộ cho rằng, theo quy định, nghiên cứu sinh phải nộp bản chính tại Thư viện Quốc gia, lấy biên nhận gửi Bộ để làm thủ tục cấp bằng tiến sĩ. Cả 3 chương trong cuốn luận án tiến sĩ của ông Xuân Quế có nhiều câu, nhiều đoạn, nhiều trang sao chép y nguyên cuốn của tiến sĩ Thanh Quế, nhiều nhất ở chương 3. Nếu bỏ đi phần sao chép này, luận án không đủ chất lượng để bảo vệ.
Ngày 17.7.2013, Hội đồng xác minh luận án tiến sĩ được thành lập và 7 thành viên (100%) khẳng định luận án của ông Xuân Quế có sao chép một phần từ luận án của ông Thanh Quế. Tổ thanh tra kiến nghị thu hồi bằng tiến sĩ và thu hồi quyết định công nhận Phó giáo sư của ông Xuân Quế; đề nghị Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân xem xét, xử lý vi phạm.
Ngày 11.10.2013, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo thời điểm đó là ông Phạm Vũ Luận ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Xuân Quế.
Không đồng tình, ông Xuân Quế khởi kiện, cho rằng quyết định này trái pháp luật. Theo nguyên đơn, kết luận thanh tra dựa trên những tài liệu, chứng cứ phiến diện, không đầy đủ. Tổ công tác không xem xét các nhận xét khách quan của các nhà khoa học đầu ngành về tính trung thực trong quá trình nghiên cứu và bảo vệ luận án, không yêu cầu người tố cáo đưa ra bằng chứng...
Sau hai ngày làm việc, cuối giờ chiều 10.10, đại diện VKS khi đánh giá về vụ kiện hành chính này đã đề nghị xác minh lại một số nội dung và chấp nhận một phần đề nghị của nguyên đơn - tuyên huỷ quyết định của Bộ trưởng.
Chủ toạ sau đó thông báo do diễn biến "phức tạp", toà tạm nghỉ, ngày 17.10 sẽ ra phán quyết cuối cùng.
Theo Mai Chi (VNE)