Taliban gọi Trung Quốc là “láng giềng vĩ đại”
Taliban hy vọng sẽ hợp tác với Trung Quốc để xây dựng hòa bình ở Afghanistan và đảm bảo cam kết không biến nước này trở thành nơi trú ẩn của khủng bố.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp Mullah Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban, tại Thiên Tân, Trung Quốc vào tháng 7 (Ảnh: Tân Hoa xã).
“Chúng tôi sẵn sàng trao đổi quan điểm với Trung Quốc về việc thúc đẩy mối quan hệ chung, thiết lập hòa bình trong khu vực và sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc tái thiết Afghanistan”, người phát ngôn của Taliban, Suhail Shaheen, nói với This Week in Asia hôm 30/8.
Bình luận của người phát ngôn Taliban được đưa ra trước hạn chót 31/8 để các lực lượng Mỹ rời khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh và chỉ vài ngày sau một vụ đánh bom liều chết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) khiến ít nhất 92 người, trong đó có 13 quân nhân Mỹ, thiệt mạng.
“Trung Quốc, quốc gia láng giềng vĩ đại của chúng tôi, có thể đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong công cuộc tái thiết Afghanistan cũng như trong sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của người dân Afghanistan. Chúng tôi mong đợi rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò của mình”, người phát ngôn Taliban nói thêm.
Người phát ngôn nhắc lại cam kết của Taliban rằng lực lượng này không cho phép các nhóm chiến binh sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công. Người phát ngôn của Taliban khẳng định lực lượng này đã “đưa ra một thông điệp rõ ràng cho tất cả các bên rằng không ai có thể sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để chống lại các nước láng giềng và các quốc gia khác”.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác với Taliban, ngay cả khi nhiều người Afghanistan, bao gồm phụ nữ, vẫn đang tìm cách tháo chạy khỏi đất nước vì lo sợ lặp lại kịch bản Taliban nắm quyền ở Afghanistan như cách đây 20 năm.
Video đang HOT
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken hôm 29/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi “tất cả các bên kết nối và chủ động hướng dẫn Taliban” khi lực lượng này lên nắm quyền ở Afghanistan.
Ông Vương Nghị kêu gọi Mỹ nên làm việc với cộng đồng quốc tế để cung cấp viện trợ kinh tế và nhân đạo cho Afghanistan, giúp chính quyền mới điều hành các chức năng của chính phủ một cách bình thường, duy trì ổn định xã hội và ngăn chặn mất giá đồng tiền cũng như tăng chi phí sinh hoạt.
Trong khi đó, đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Afghanistan Yue Xiaoyong nói vào cuối tuần trước rằng Bắc Kinh sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết hòa bình của Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc với Taliban.
“Từ kinh nghiệm của tôi khi tiếp xúc với họ, cảm giác của tôi là Taliban cũng giống như những người Afghanistan khác, những người sống trong khu vực, những người từ nông thôn hoặc làng mạc”, đặc phái viên Yue nói.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Afghanistan, nơi có trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác lớn nhất thế giới, trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD.
Dù Trung Quốc chưa chính thức công nhận Taliban là lực lượng cầm quyền mới của Afghanistan, nhưng Ngoại trưởng Vương Nghị hồi tháng trước đã tiếp Mullah Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban, và nói rằng thế giới nên hướng dẫn và hỗ trợ Afghanistan khi nước này chuyển sang một chính phủ mới thay vì gây thêm áp lực.
Trong cuộc hội đàm với trưởng đoàn đàm phán của Taliban, Ngoại trưởng Trung Quốc yêu cầu Taliban cắt đứt quan hệ với các tổ chức cực đoan khác, trong đó có Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) – lực lượng bị Bắc Kinh cho là gây ra các cuộc tấn công bạo lực ở khu vực Tân Cương. Taliban hứa sẽ không cho phép các lực lượng khác sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để âm mưu chống lại Trung Quốc.
Dư luận Trung Quốc tranh cãi khi Bắc Kinh "chìa tay" với Taliban
Cách tiếp cận dường như thực dụng với Taliban của Trung Quốc khi nhóm vũ trang này lên nắm quyền ở Afghanistan đã gây ra làn sóng tranh luận trong dư luận nước này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (bên phải) gặp phó thủ lĩnh Taliban Mullah Baradar Akhund tại Thiên Tân, Trung Quốc hôm 28/7 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc).
Ngày 15/8, nhóm vũ trang Taliban đã tiến về thủ đô Kabul, lật đổ chính quyền Afghanistan thân phương Tây và giành quyền kiểm soát quốc gia Trung Nam Á.
Trước khi Taliban giành quyền lực chính thức, Trung Quốc đã gặp lãnh đạo của nhóm vũ trang này. Theo giới quan sát, các động thái của Trung Quốc dường như gửi đi thông điệp rằng họ sẵn sàng bắt tay với chính phủ của Taliban miễn là điều đó hợp với lợi ích của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cách truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về Taliban hay các thông điệp mà giới ngoại giao Bắc Kinh mô tả về Taliban trong những ngày qua đã gây phản ứng trái chiều trong dư luận nước này, với nhiều ý kiến viện dẫn quá khứ bạo lực và kỳ thị phụ nữ của Taliban khi nắm quyền ở Afghanistan 20 năm trước.
Các chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận của Trung Quốc với Taliban thể hiện chiến lược có tính thực dụng của Bắc Kinh. Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - được cho có quan hệ với Taliban, đã sử dụng Afghanistan làm căn cứ để đào tạo lực lượng nhằm thực hiện các vụ tấn công ở Tân Cương. Trong cuộc gặp với giới chức Trung Quốc, Taliban đã cam kết rằng, họ sẽ "không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để gây ra các kế hoạch gây đe dọa tới an ninh quốc gia Trung Quốc".
Sự bất ổn ở Afghanistan cũng có thể làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh Pakistan, nơi Trung Quốc đã đổ 50 tỷ USD trong khuôn khổ sáng kiến "Một vành đai, một con đường". Tác động lan tỏa của việc Taliban lên nắm quyền đối với các nhóm phiến quân Hồi giáo khác có thể đe dọa các lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc trong khu vực rộng lớn hơn.
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang có hướng tiếp cận có xu hướng xích lại gần Taliban vì điều này sẽ có lợi cho Bắc Kinh, chấp nhận thực tế rằng nhóm này đang nắm quyền ở Afghanistan.
Dư luận Trung Quốc phản ứng trái chiều
Các thành viên của Taliban chiếm dinh tổng thống ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 15/8 (Ảnh: AP).
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 19/8 cho biết: "Một số người thể hiện sự không tin tưởng với Taliban. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng không có thứ gì là mãi mãi không thay đổi. Chúng ta cần xem xét quá khứ và hiện tại, cần lắng nghe lời nói và xem xét hành động".
Nhân dân Nhật báo , cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi đó, đã đăng một đoạn video ngắn về lịch sử của Taliban hồi đầu tuần. Đoạn clip dài 60 giây cho biết nhóm được thành lập trong cuộc nội chiến ở Afghanistan bởi "sinh viên trong các trại tị nạn" và được mở rộng với sự "hỗ trợ từ người nghèo", nói thêm rằng nhóm "đã tham gia cuộc chiến với Mỹ trong 20 năm kể từ năm 2001".
Đoạn video đã trở thành vấn đề tranh luận khá nóng trên mạng xã hội Trung Quốc, với nhiều ý kiến chỉ trích Nhân dân Nhật báo vì không nhắc tới mối liên hệ với khủng bố của Taliban.
Một số ý kiến viện dẫn quá khứ bạo lực của Taliban khi còn nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1996-2001, như hành quyết công khai người phạm tội, chặt tay kẻ trộm, cấm phụ nữ ra đường khi không có đàn ông, cấm phụ nữ đi học và đi làm. Taliban từng phá hủy tượng phật Bamiyan Buddha nổi tiếng tại miền trung Afghanistan, bất chấp sự phản đối từ quốc tế. Nhân dân Nhật báo sau đó đã xóa đoạn video gây tranh cãi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi thông báo nói rằng, Bắc Kinh tôn trọng "nguyện vọng và sự lựa chọn của người dân Afghanistan". Thông điệp này được xem là gây tranh cãi vì dường như nó có hàm ý nói rằng Taliban nhận được sự ủng hộ đông đảo tại Afghanistan. Trên mạng xã hội Wechat, một bài viết đã đặt ra câu hỏi: "Liệu Taliban có phải là lựa chọn của người dân Afghanistan?" đã thu về 100.000 lượt xem và được chia sẻ rộng rãi.
Viễn cảnh phụ nữ Afghanistan có thể mất cơ hội được đi học và đi làm được xem là có tác động mạnh tới dư luận Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, sau hàng loạt các vụ bê bối xảy ra ở nước này thời gian qua. Ví dụ, vụ Trung Quốc bắt ngôi sao giải trí Ngô Diệc Phàm vì cáo buộc cưỡng hiếp hay vụ một giám đốc điều hành của tập đoàn Alibaba bị cáo buộc tấn công tình dục nhân viên nữ đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mới chống lại tư tưởng gia trưởng và coi thường phụ nữ.
Sau khi lên nắm quyền, Taliban tuyên bố họ đã rất khác so với 20 năm trước và cam kết sẽ tôn trọng quyền phụ nữ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những lời hứa của Taliban vẫn còn khá mơ hồ và những hành động của nhóm trong thời gian qua chưa thể hiện được việc nhóm vũ trang này có thể đã thực sự thay đổi.
Trung Quốc liệu có thể tin vào lời hứa của Taliban? Trung Quốc có thể vẫn chưa công nhận chính quyền Taliban, nhưng việc xây dựng quan hệ với lực lượng này có thể giúp Bắc Kinh trong nỗ lực chống khủng bố. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) tiếp đón một phái đoàn Taliban ở Thiên Tân vào tháng 7 (Ảnh: SCMP). Vài tuần trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát ở...