Tai yến, món bánh dần mai một trên hè phố Sài thành
Vốn có xuất xứ từ miền Tây sông nước, bánh tai yến có một thời gian trở thành món ăn dân dã khá quen thuộc tại các gánh hàng rong trên vỉa hè Sài Gòn rồi dần dần vắng bóng cho đến nay.
Gần như cùng một cách thức chế biến với bánh xèo, song bánh tai yến lại được ít người biết đến hơn. Món bánh có cái tên thú vị như vậy là do ban đầu được người dân quê đặt theo hình dáng giống như tổ chim yến của chiếc bánh, rồi lâu ngày đọc chệch đi thành “tai yến”. Ở một số nơi, bánh tai yến còn được gọi là bánh nón.
Công thức làm bánh tai yến khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa. Cho đường và nước dừa vừa đủ, thêm bột gạo và bột năng trộn sẵn. Sau đó, đổ bột vào thau, khuấy đều, để bột nghỉ từ 3 đến 4 tiếng. Dầu ăn cho vào chảo nhỏ; đến khi dầu sôi thì đổ úp từng thìa bột xuống chảo, động tác phải nhanh và dứt khoát để bột bám vào nhau thành hình tròn, không bị rây ra xung quanh. Đợi tầm 3-5 phút, tới khi phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng, bánh có hình chiếc nón úp ngược. Xếp bánh lên khăn giấy cho thấm bớt dầu, rồi bày ra đĩa.
Tai yến, món bánh dân dã được nhiều người ưa thích. Ảnh: Mai Nhật
Video đang HOT
Việc thưởng thức bánh tai yến cũng có sự khác biệt tùy vào khẩu vị của từng người. Có người thích mỗi sáng được nhâm nhi chiếc bánh tai yến vàng ruộm ngay khi vớt ra khỏi chảo, tận hưởng vị giòn ngọt của bánh bên ly trà nóng; nhưng cũng có người để bánh nguội rồi hẵng thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát.
Vốn là món chiên dầu, nên ít ai dùng bánh tai yến ngay trước hay sau mỗi bữa ăn chính, nhất là bữa tối, mà thường dùng vào tầm giữa sáng hoặc xế chiều, như một món quà vặt lúc nửa buổi, ăn cho vui miệng.
Cùng một cách nấu, nhưng tùy mỗi chỗ bánh tai yến lại có những “biến tấu” khác nhau. Chẳng hạn, một số hàng quán thích thay nước cốt dừa bằng sữa tiệt trùng, giúp món bánh thơm và béo hơn. Nhiều nơi khác lại thêm bột mì vào để tạo sự giòn, xốp cho bánh. Nhưng chung quy lại, một chiếc bánh tai yến “đúng chất” phải đảm bảo được vị dai dai, sừn sựt của bột gạo chín trong lòng bánh, độ xôm xốp của lớp vỏ bên ngoài, cùng vị ngọt thanh mát của đường và nước dừa, bên cạnh những yêu cầu về hình dạng, màu sắc,…
Chế biến bánh tai yến đơn giản là thế, nhưng để đạt được sự đều tay trong từng công đoạn, giúp mỗi chiếc bánh làm ra đều hài hòa về hương vị, hình sắc như nhau, thì không phải ai cũng làm được. Theo bà Tư Hồng, còn gọi là bà Tư “tai yến”, người có thâm niên gần 20 năm bán bánh tai yến ở góc đường Lê Thánh Tôn – Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM), bí quyết để có một mẻ tai yến ngon nằm ở bếp lửa và chảo chiên bánh. Để đun được lửa đều, bếp nấu phải là bếp dầu loại 10 tim; bên cạnh đó, nên dùng chảo sâu lòng, giúp bánh chín đều và đạt được hình dáng như mong đợi.
Ngoài ra, không nên khuấy bột quá đặc khiến bánh khó căng phồng. Việc thêm sữa hoặc nước cốt dừa ở một lượng vừa phải cũng sẽ giúp bánh giữ được vị ngọt tự nhiên của bột gạo.
Gánh bánh tai yến của bà Tư Hồng là một trong những gánh hàng rong lâu năm nhất ở Sài Gòn. Ảnh: Mai Nhật
Bà Tư Hồng cho biết, trước đây ở Sài Gòn vẫn có khá nhiều gánh hàng rong chuyên bán bánh tai yến, nhất là ở các đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Lý Tự Trọng (quận 1)… Chừng 5, 6 năm nay, bánh tai yến cứ dần biến mất trên các vỉa hè Sài Gòn, giờ thì gần như chỉ mỗi bà là còn theo nghề làm thứ bánh truyền thống này. Gánh bánh của bà đến nay vẫn được khá đông khách tìm đến thưởng thức, đặc biệt là khách Tây vì món bánh dễ ăn, lạ miệng, giá cả lại vừa phải, một chiếc chỉ tầm 3.000 đồng. Bà đang truyền nghề lại cho cháu rể bán ở một gánh khác bên đường Nguyễn Du.
“Bán món bánh này, công thì nhiều chứ lời chẳng được bao nhiêu, nhưng tôi vẫn động viên thằng cháu ráng bán cùng bà. Chỉ mong con cháu sau này vẫn giữ được cách làm bánh, mỗi dịp giỗ rằm thì nấu vài cái cúng lên cho ông bà vui…”, bà Tư “tai yến” tâm sự.
Theo VNE
Yến sào ngày càng bình dân với người tiêu dùng
Yến sào hay tổ chim yến là loại thực phẩm từ lâu đã được xếp vào hàng "cao lương mỹ vị" vì giá trị dinh dưỡng và giá tiền rất cao. Nhưng chỉ vài ba năm trở lại đây, thị trường yến sào đã phát triển mạnh với nguồn hàng phong phú đã đưa món cao lương mỹ vị này trở nên bình dân hơn.
Đa dạng chủng loại
Tùy theo tính chất và kích cỡ, tổ yến chia làm 3 loại: quý hiếm nhất là yến huyết (tổ yến màu đỏ hay hơi đỏ, giá đắt vì hiếm gặp) và yến quang (là loại tổ yến tốt nhất, tổ to, trắng, mỗi tổ nặng 10 - 12gr); thứ nhì là yến thiên (tổ yến nhỏ hơn, màu xanh nhạt hay vàng nhạt) và cuối cùng là yến địa (tổ yến nhỏ, xấu, màu xám hay lục nhạt).
Thị trường đa dạng giúp yến sào trở nên bình dân hơn. (Ảnh: Internet)
Mỗi tổ yến thường chia ra các chủng loại khác nhau như yến thô, yến thô sạch, yến tinh chế... Yến thô là loại hàng còn nguyên tổ, chưa được làm sạch. Khách hàng mua về phải ngâm nước và làm sạch lông. Yến thô sạch là loại yến được sơ chế bằng cách dùng máy hút chân không, hút sạch bụi bẩn và lông. Yến tinh chế là loại tổ yến đã bị ngấm nước biển hoặc phân chim, người ta thường phải đem ngâm nước, lọc sạch tạp chất, sau đó sấy khô và đem ra thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, phong trào nuôi yến trong nhà ngày càng phát triển, nên ngoài loại tổ yến tự nhiên, còn có loại tổ yến được nuôi trong nhà. Tùy theo loại, giá thành cũng có nhiều mức khác nhau. Đắt nhất là các loại yến có nguồn gốc tự nhiên (còn gọi là yến đảo).
Trung bình 1 lạng yến huyết giá 16,5 triệu đồng, hồng yến (loại yến có màu hơi đỏ) giá hơn 12 triệu đồng/lạng, từ 6 - 7 triệu đồng/lạng yến trắng, khoảng 5 - 6 triệu đồng/lạng yến tinh chế. Yến nuôi trong nhà có giá khoảng 4 - 5 triệu đồng/lạng.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm và yêu mến như Yến sào Khánh Hòa, Yến sào Việt, Yến Việt và Yến sào Sài Gòn.
Không chỉ có các loại yến tổ, thị trường còn có rất nhiều loại nước yến tinh chế với đủ kích cỡ, mẫu mã của nhiều thương hiệu khác nhau như Brand's (Thái Lan), Sanest, Natural, Wonderfarm... Do có nhiều cơ sở sản xuất nên giá sản phẩm nước yến cạnh tranh ngày càng mạnh, hiện chỉ còn bằng giá một số loại nước ngọt. Giá thấp là 4.000 đồng/lon, giá cao là 45.000đồng/lọ 42gr.
Nhu cầu sử dụng nước yến đóng lon hiện nay khá cao, phổ biến nhất là các loại nước yến giải khát có giá từ 4.000 - 9.000 đồng/lon. Cao cấp hơn là các loại nước yến đóng trong lọ nhỏ của Brand's và Sanest với giá 36.000 - 40.000 đồng lọ 42gr. Mặc dù giá khá cao nhưng sản phẩm này hiện nay đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đưa yến sào gần hơn với người tiêu dùng
Theo các nghiên cứu, yến sào có tác dụng làm sạch phổi và các cơ quan hô hấp, làm giảm các triệu chứng dị ứng, làm tăng thể trọng, cân bằng các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường khả năng hoạt động thể lực và phản xạ thần kinh, làm tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, tăng khả năng cầm máu, tăng các kích thích sinh trưởng cho các tế bào, phục hồi các tế bào bị tổn thương, chống lão hóa, hồi xuân, tăng tuổi thọ... thích hợp sử dụng cho mọi đối tượng và lứa tuổi.
Chính vì vậy, cùng với đời sống ngày càng khá lên và thị trường yến sào phát triển phong phú, sản phẩm này ngày càng trở nên thân thiện hơn với các bếp ăn gia đình, đặc biệt là những nhà có trẻ nhỏ biếng ăn và cha mẹ già yếu.
Không những thế nhiều nhà hàng hiện đã đưa yến sào vào thực đơn của mình khiến món ăn này trở nên thông dụng hơn. Tại nhà hàng ẩm thực yến sào vi cá (Hàng Giấy, Hà Nội), ngoài việc bán tổ yến cho khách hàng, nhà hàng còn kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ cho khách. Chưa đến 200.000 đồng, khách đã có thể thưởng thức các loại chè yến hoặc cháo yến.
Tuy nhiên, việc chọn mua yến không đơn giản, vì trên thị trường có rất nhiều loại thật giả lẫn lộn. Giá yến trôi nổi thường rẻ hơn yến thương hiệu từ 1-2 triệu đồng/lạng nên được người tiêu dùng chuộng hơn.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Công ty Yến sào Sài Gòn: "Yến sào thật cầm lên thấy dẻo, bẻ không gãy, đáy tai yến thường có màu đen sậm. Tổ yến thật có mùi tanh, mùi ẩm mốc. Tổ yến giả có mùi hăng hắc hoặc mùi khác yến thật...."
Ông Hùng cũng cho biết, để thử yến giả, có thể ngâm thử một ít yến vào nước. Tổ yến giả gặp nước sẽ nhão, còn tổ yến thật thì không, từng sợi yến vẫn còn nguyên vẹn. Đối với yến huyết, khi nhúng một ít vào nước trà, yến giả sẽ đen sẫm lại. Hoặc ngâm trong nước, tổ yến giả nhuộm phẩm màu sẽ bị mất màu, tan trong nước.
Và để chắc chắn không bị tiền mất tật mang, ông Hùng cũng khuyên người tiêu dùng nên chọn mua yến sào ở những cửa hàng có uy tín để đảm bảo chất lượng./.
Theo Vietnam
Bánh tai yến nơi góc phố Sài thành Ở Sài Gòn, có một bà lão mới 4h sáng đã gánh trên vai gánh hàng rong đi từ quận 4 sangquận 1 bán bánh. Bà bán 1 thứ bánh mà người dân miền Tây quen gọi là bánh tai yến. Bánh tai yến dân dã không chỉ từ cái tên, từ cách chế biến mà còn mộc mạc cả cái cách mà...