Tái xuất nỗi lo lãi suất, chứng khoán Mỹ bị níu chân
Chỉ số công nghiệp Dow Jones bật trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần, nhưng các chỉ số phổ biến còn lại đóng cửa thấp hơn do những lo ngại về việc lợi suất trái phiếu đang tăng nhanh.
Thị trường trái phiếu Mỹ không giao dịch vào hôm qua do nghỉ lễ Columbus Day – kỷ niệm mừng ngày Columbus tìm ra châu Mỹ.
Lợi suất tăng lại gây áp lực lên thị trường
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 39,73 điểm, tương đương 0,2%, lên 26.486,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,14 điểm, tương đương 0,04%, đóng cửa tại 2.884,43 điểm và chỉ số Nasdaq mất 52,5 điểm, tương đương 0,7% và kết phiên tại 7.735,95 điểm.
Nhóm cổ phiếu phòng thủ đã thu hút lựa mua khá lớn, với lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu leo lên cao hơn. Một thước đo của lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu là cổ phiếu của quỹ ETF đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng 1,4% vào hôm qua.
Cổ phiếu của Tesla Inc giảm 4,4%, mặc dù hãng sản xuất xe điện hôm chủ nhật nói rằng họ đã đạt được mục tiêu thiết kế mẫu sedan 3 là chiếc xe an toàn nhất từng được chế tạo.
Cổ phiếu của công ty mẹ Google là Alphabet giảm 1% sau báo cáo của Wall Street Journal cho rằng Google không tiết lộ một phần mềm bị trục trặc gần đây, do lo ngại danh tiếng bị tổn hại và bị vi phạm theo những quy định pháp lý hiện hành.
Diễn biến sụt giảm vào hôm qua của thị trường tiếp nối xu hướng gần đây, khi tuần trước chỉ số Nasdaq ghi nhận mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 23/3 và S&P 500 ghi nhận tuần thứ 2 giảm liên tiếp do lợi suất kho bạc kỳ hạn dài tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Về cơ bản giá trái phiếu giảm khi lợi suất tăng.
Bước nhảy vọt trong lợi suất trái phiếu chính phủ trong một vài phiên qua có lẽ đã báo hiệu một giai đoạn mới trong các thị trường hậu khủng hoảng, cho thấy lợi suất thấp kỷ lục “tận hưởng” trong suốt một thời gian dài đã sắp kết thúc.
Trong tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng thêm 17 điểm cơ bản, thể hiện mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 2, và đạt mức cao nhất trong 7 năm qua tại 3,23%.
Video đang HOT
Lợi suất cao hơn tương đương với chi phí vay khả năng lên cao hơn cho các công ty lẫn nhà đầu tư, do lãi suất thị trường có xu hướng đi theo lợi suất trái phiếu, và điều này khiến giá cổ phiếu cần phải được định giá lại theo lãi suất chiết khấu mới cao hơn, theo đó định giá sẽ giảm xuống. Trên hết, trái phiếu lại được coi là có rủi ro bằng 0, nay lợi suất lại tăng nên tài sản này càng trở nên hấp dẫn hơn và có thể thu hút dòng tiền từ cổ phiếu, vốn được coi là tài sản có rủi ro cao hơn.
Tuy nhiên, lợi suất leo thang đang đi ngược lại với diễn biến của nền kinh tế trong nước tiếp tục vững chắc, với các chỉ số vĩ mô vẫn hỗ trợ quan điểm cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng hơn.
Đối với kết quả hàng quý, các công ty trong S&P 500 được dự báo tăng trưởng lợi nhuận 10% vào năm 2019, cung cấp thêm bằng chứng về sức khỏe của nền kinh tế.
Nỗi lo ngại về lợi suất dâng cao – Nhiều nhà đầu tư sẽ thoát khỏi thị trường?
Đến lúc thoát khỏi thị trường?
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi diễn biến ở châu Âu, với việc EU tỏ dấu hiệu lo ngại trong một lá thư gửi cho bộ trưởng kinh tế của Ý là Giovanni Tria vào hôm thứ 6, khi cho rằng các mục tiêu ngân sách của Ý là một điều ảnh hưởng tiêu cực lên khối liên minh kinh tế này, và có thể dẫn đến một cuộc xung đột thị trường tiềm tàng giữa 2 bên.
Quincy Krosby, chiến lược gia thị trường chính tại Prudential Financial bình luận: “Thị trường chịu ảnh hưởng bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn, mặc dù lực mua xuất hiện trở lại khi thị trường đi vào vùng quá bán giúp một số cổ phiếu phục hồi. Tuy nhiên, do ngày nghỉ lễ liên bang cùng với việc thị trường trái phiếu đóng cửa, nên khối lượng giao dịch cũng thấp hơn do các nhà đầu tư ít tham gia, do đó diễn biến thị trường có thể phản ánh chưa đầy đủ xu hướng chính”.
Bruce Bittles, chiến lược gia tại Baird, lưu ý: “Các chỉ báo kỹ thuật của thị trường cổ phiếu đang cho thấy những tín hiệu khá thận trọng. Mặc dù chỉ số S&P 500 và Dow Jones vừa thiết lập kỷ lục mới chỉ cách đây vài ngày, nhưng thị trường nhìn chung tiếp tục xấu đi. Chưa đến 50% số lượng cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 và Nasdaq đang giao dịch trên đường trung bình động 50 ngày (MA 50). Mặc dù số lượng cổ phiếu ở gần mức cao kỷ lục vẫn đang chiếm đa số, nhưng số lượng các cổ phiếu trên sàn NYSE đạt mức thấp mới trong 52 tuần cũng đã tăng gấp đôi so với tuần trước”.
David Madden, chuyên gia phân tích thị trường tại CMC Markets UK, cho rằng các nhà đầu tư đang chứng kiến sự tăng vọt trong 10 năm qua như là một dấu hiệu cho thấy đã đến lúc thoát khỏi thị trường cổ phiếu, vì lãi suất đang có khả năng tăng cao hơn.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc không phanh khi hôm qua mở cửa trở lại sau 1 tuần nghỉ lễ, với chỉ số Shanghai trên sàn Thượng Hải và Shenzhen của sàn Thâm Quyến đều đóng cửa giảm mạnh hơn 3,5%, do các nhà đầu tư sau khi nghỉ lễ dài ngày quay lại giao dịch đã bán tống bán tháo, cũng như phản ứng trước việc ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa tiếp tục nới lỏng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Chứng khoán châu Âu phần lớn cũng chìm trong sắc đỏ trước nỗi sợ hãi về Italy gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư.
ĐỒNG AN
Theo thegioitiepthi.vn
Vì sao ngân hàng khó huy động vốn?
Xu hướng tăng lãi suất huy động tiếp tục chiếm ưu thế trong tháng 9, trước những dấu hiệu lượng tiền gửi tại các ngân hàng đang chịu nhiều áp lực. Vậy những yếu tố nào đã khiến huy động vốn của các ngân hàng gặp khó khăn hơn trong thời gian qua?
Lãi suất tăng đáng kể
Sau khi giảm mạnh trong tháng 8, khung lãi suất tiền gửi của ngân hàng Quân đội (HOSE: MBB) được điều chỉnh trong tháng 9 đã tăng mạnh trở lại. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tăng 0,5% lên 4,7%, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,6% lên 4,8%, kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3% lên 5,1%. Các kỳ hạn 6 tháng tăng 0,5%, 7 tháng tăng 0,4%, 8 tháng tăng 0,35% và 4 tháng tăng 0,1% để lên đều ở mức 5,7%.
Tương tự VPBank (HOSE:VPB) sau khi giảm trong tháng 8, thì khung lãi suất tiền gửi mới có hiệu lực từ 28/9 cũng chứng kiến tăng đều ở các kỳ hạn từ 0,2 - 0,3%, cụ thể kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,2% lên 5%, kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng 0,3% lên 5,2%, kỳ hạn 6-11 tháng tăng 0,2 lên 6,5%, kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng tăng 0,3% lên 7%, các kỳ hạn dài hơn như 18,24 và 36 tháng cũng tăng 0,3% lên 7,1%.
Một ngân hàng nhỏ hơn là Kiên Long (UPCOM: KLB) sau đợt tăng lãi suất từ hồi tháng 1/2018, thì mới đây hôm 20/9 cũng quyết định tăng thêm 0,2% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lại. Cụ thể kỳ hạn 6-11 tháng lên 6,8%, kỳ hạn 12 tháng từ 7,2% lên 7,4%, các kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng đều tăng từ 7,3% lên 7,5%.
Trước đó hồi giữa tháng 9, một ngân hàng có quy mô nhỏ là SaigonBank cũng đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, với mức tăng khá mạnh. Cụ thể kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,3% lên tương ứng 5,1% và 5,2%; kỳ hạn 7 tháng tăng mạnh 0,6%, 8 tháng tăng 0,5%, 9 tháng tăng 0,4%, 10 và 11 tháng tăng 0,3% để tất cả lên mức đều nhau ở 6,6%. Ngoài ra, kỳ hạn 12 tháng cũng tăng thêm 0,4% lên 7,2% và 13 tháng tăng 0,5% lên 7,5%. Các kỳ hạn dài hơn như 18 tháng tăng 0,4%, 24 tháng và 36 tháng tăng 0,3% để lên mức đều nhau tại 7,5%.
Hay ở ngân hàng lớn như Vietcombank (HOSE:VCB) hồi đầu tháng 9 cũng tăng lãi suất tiền gửi 1 tháng và 2 tháng từ 4,1% lên 4,3%, trong khi kỳ hạn 6 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 5,3%. Đáng chú ý là các kỳ hạn dài hơn như 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng cũng đều tăng đồng loạt thêm 0,1% lên 6,6%. Dù vậy, sau quyết định tăng lãi suất ở một loạt kỳ hạn thì khung lãi suất tiền gửi của Vietcombank hiện nay vẫn đang thấp nhất trên thị trường.
Tiền gửi ngân hàng có thể bị xói mòn nếu lạm phát cao
Đối mặt áp lực tiền gửi
Theo số liệu của Tổng cục thống kê công bố gần đây, tăng trưởng huy động vốn của toàn ngành đến 20/9 chỉ đạt 9,15% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng là 9,52%. Đáng lưu ý là trong suốt 8 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn luôn duy trì xu hướng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Vì vậy diễn biến đảo chiều trở lại trong tháng 9 là rất đáng chú ý, cho thấy lượng tiền gửi của ngân hàng đã không theo kịp so với nhu cầu vốn kinh doanh.
Thậm chí nếu so với con số tăng trưởng huy động vốn 5,6% của riêng quý 2 so với quý 1, thì rõ ràng mức tăng khiêm tốn chỉ có 1,4% của quý 3 vừa qua so với quý 2 đã nói lên bức tranh huy động vốn của các ngân hàng thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn như thế nào. Ngoài các yếu tố như tỷ giá biến động mạnh trong quý 3, lạm phát liên tiếp tăng cao trong 2 tháng gần đây đã ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền, thì các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu nổi sóng trở lại cũng ảnh hưởng lên kênh gửi tiền ngân hàng.
Đặc biệt với việc tổ chức FTSE Russell gần đây đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi loại 2, thì các dự báo cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực cho đến năm sau, với khả năng Việt Nam sẽ được chính thức nâng hạng vào tháng 9/2019. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã quay trở lại mua ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán gần đây.
Điều này có thể càng thúc đẩy nhiều người lựa chọn các kênh đầu tư mạo hiểm hơn như chứng khoán với kỳ vọng suất sinh lời cao hơn, thay vì chỉ chăm chăm gửi ngân hàng với lãi suất thấp mà còn đang bị xói mòn bởi lạm phát khó giữ được mục tiêu trong năm nay và có thể là cao hơn trong năm 2019.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là các ngân hàng cần phải chuẩn bị vốn cho nhu cầu vay cao điểm vào cuối năm, cũng như để đảm bảo đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định, mà trong đó có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài han tối đa sẽ giảm từ 45% về 40% từ đầu năm 2019. Dù Hiệp hội bất động sản TP HCM (HOREA) gần đây kiến nghị NHNN hoãn áp dục quy định này do lo ngại ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, nhưng bản thân các ngân hàng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong trường hợp quy định vẫn giữ nguyên thời điểm hiệu lực.
MẪN NHI
Theo thegioitiepthi.vn
4 điều cần theo dõi ở FED trong tuần này Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và áp lực giá tiêu dùng tăng lên sẽ đảm bảo cho một đợt tăng lãi suất nữa trong cuộc họp thứ tư tuần này, nhưng liệu khủng hoảng ở các thị trường mới nổi và mối lo ngại thương mại có khiến lộ trình tăng lãi suất của FED chậm hơn trong năm tới? Kỳ...