Tại sao Samsung và LG giới thiệu điện thoại cong?
Khi màn hình phẳng truyền thống vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường điện thoại thông minh hiện nay, thì màn hình cong có tạo được chỗ đứng nhờ vào sự hậu thuẫn từ LG và Samsung?
Đầu tháng 10, Samsung công bố Galaxy Round – chiếc điện thoại mang thiết kế khác biệt với màn hình cong. Sản phẩm này ra mắt chưa được bao lâu thì đã nhanh chóng tìm được “bạn đồng hành” khi LG trình làng G FLex. G Flex có thiết kế cong chạy dọc theo thân máy. Thiết bị có độ cong nhỉnh hơn Galaxy Round một chút.
Hai thiết bị này hiện chỉ dành cho thị trường Hàn Quốc và chưa có dấu hiệu mở rộng ra các nước khác. Màn hình cong được coi như một mánh lới của 2 hãng điện thoại này trong việc tiếp thị hình ảnh của mình tới khách hàng.
Do có độ cong khá rõ nên sẽ rất khó để người dùng có thể đặt vừa G Flex trong túi quần, trừ khi dùng đến chân đế và đặt nó nằm ngang. “Thích hợp cho những người có khuôn mặt nhỏ” là “chiêu bài” mà LG đã dùng để tiếp thị cho sản phẩm này. So với Galaxy Round thì G Flex có vẻ nổi bật và tạo được sự khác biệt hẳn so với hầu hết các dòng điện thoại thông minh khác.
“Hai sản phẩm trên đều mang đến những điều khác biệt, nhưng để đến tay người tiêu dùng thì khác biệt liệu đã đủ?”, Matthew Cockerill, Giám đốc thiết kế của Seymourpowell, người có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế sản phẩm và thiết bị điện tử tiêu dùng, bao gồm TV OLED và màn hình, TV của Samsung cho biết.
“Nó không mang lại lợi ích to lớn cho người dùng”, Simon Lamason, người đã từng dành hơn một thập kỉ làm việc cho Nokia và Philips. Ông hiện đang phụ trách mảng thiết kế sản phẩm cao cấp của PDD (công ty chuyên tư vấn đổi mới thiết kế dịch vụ và sản phẩm), khẳng định.
Việc LG và Samsung cùng tung ra dòng điện thoại có màn hình cong không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên hay một bất ngờ lớn. Cả hai từ lâu đã dồn sức đầu tư vào màn hình công nghệ cao OLED, thường được sử dụng trong các dòng điện thoại thông minh của Samsung, LG, Motorola, và một số thương hiệu khác. Để có được quá trình phát triển từ kiểu màn hình thường, cho đến công nghệ OLED như hiện nay, nhiều hãng đã lên kế hoạch nghiên cứu và sản xuất trong nhiều năm. LG và Samsung là hai công ty đã nhanh tay hơn.
Màn hình cong chưa đủ “lực” để tự khẳng định mình
“Nếu nhìn vào những gì điện thoại thông minh hiện nay đang có và đã làm được, bạn sẽ thấy nó thật sự biến đổi tích cực”, Cockerill nói. “Tôi không tìm ra được lí do nào để có thể chuyển từ màn hình phẳng sang màn hình cong. Hiện nó vẫn chỉ là một công nghệ mới đang được áp dụng ở một số loại sản phẩm nhất định, mà ví dụ điển hình là đồng hồ thông minh”.
Mặc dù chưa tin tưởng lắm vào thế hệ đầu tiên của điện thoại thông minh sở hữu màn hình cong, nhưng Lamason và Cockerill đều đồng ý rằng công nghệ này đã làm được nhiều điều. Đầu tiên là ở lĩnh vực truyền hình, trong cùng một không gian nhất định, nhưng bạn có thể sử dụng một màn hình cong có kích thước lớn hơn một màn hình phẳng. Tuy nhiên, khi ngồi ở vị trí đối diện, màn hình phẳng lại cho phản xạ tốt hơn. Do đó, thiết kế cong cũng chỉ đơn giản là làm cho các điện thoại này trông lớn vì chúng chiếm nhiều không gian hơn.
Video đang HOT
Thiết kế di động cong chưa có nhiều đặc biệt.
Về mặt thiết kế, điện thoại thông minh sử dụng màn hình cong không có bất kì điểm yếu nào. Thế nhưng, tổng thể của nó lại quá “an toàn” và không quá đặc biệt để người dùng thật sự chú ý. Theo báo cáo của Raymond M. Soneira, chủ tịch Tập đoàn Công nghệ DisplayMate, hầu hết người dùng muốn chuyển đổi từ màn hình thường sang công nghệ OLED đều không quan tâm đến khái niệm “màn hình cong”. LG và Samsung có thể chỉ đưa chất liệu nhựa vào trong màn hình phẳng truyền thống. Vì vậy, công nghệ màn hình OLED có thể uốn cong vẫn còn cần nhiều cải tiến, hay làm một cái gì để nó trở nên đặc biệt và thu hút được người dùng.
Điện thoại thông minh có thật sự cần màn hình cong?
Nếu mượn lại câu nói của Tim Cook khi nhận định về Apple TV và áp dụng trong trường hợp này, có thể thấy đồng hồ thông minh hiện đang là “một khu vực được quan tâm đặc biệt” của các hãng công nghệ nổi tiếng toàn cầu. Người dùng đã có lúc “bội thực” với rất nhiều tin đồn về các sản phẩm mới của dòng này. Lamason tin thiết kế màn hình cong phù hợp với đồng hồ thông minh hơn các thiết bị di động khác. Ông cho biết thêm công nghệ màn hình này có thể “ứng dụng cho đồ trang sức và các thiết bị giám sát”.
Các sản phẩm như Fuelband Nike và Fitbit Force có thể được xếp vào danh sách những thiết bị có màn hình linh hoạt. Người dùng có thể tương tác với nhiều màn hình chủ hơn chỉ với các thao tác xung quanh cổ tay của mình. Mỗi màn hình chủ sẽ hiển thị những nội dung khác nhau. Cả hai nhà thiết kế đều bày tỏ hi vọng về khả năng gập lại, hiển thị theo chế độ cuộn và một số tính năng để có thể khiến người dùng tìm mua sản phẩm này.
Nhiều thập kỉ cho một công nghệ tiềm năng
Thiết kế sản phẩm với “một màn cong và linh hoạt” đã trở thành một kế hoạch chiến lược được giới công nghệ mơ ước trong nhiều thập kỉ qua. Chỉ cần tìm kiếm trên Google, người dùng sẽ bắt gặp rất nhiều kết quả có nội dung liên quan đến công nghệ này. Bây giờ công nghệ đó đã được định hình, Cockerill cho rằng thay vì tìm ra nhiều công nghệ mới hơn nữa, các công ty và các nhà thiết kế có thể tập trung vào những lợi ích mà các sản phẩm sử dụng màn hình cong và linh hoạt này mang đến cho người dùng trong tương lai.
Công nghệ màn hình cong được chờ đợi sẽ còn nhiều cải tiến.
Cockerill chỉ ra tầm quan trọng của màn hình cong và linh hoạt trong việc thiết kế sản phẩm. “Xét về lĩnh vực kiến trúc, 50 năm trước đây, loại kính duy nhất mà các kiến trúc sư có thể sử dụng cũng chỉ là các loại có mặt phẳng. Một khi chúng ta có loại kính cong hay tạo ra thủy tinh từ nhiều hợp chất khác nhau, nó sẽ cho phép các nhà thiết kế tự do hơn khi hình thành ý tưởng và biến đổi nó theo nhiều hướng khác nhau”.
Trong 50 năm qua, có thể thấy việc phát triển công nghệ màn hình và dẻo cho thiết kế sản phẩm đã trở thành một mục tiêu lâu dài. “Cong và linh hoạt là những tính chất rất độc đáo và nhiều tiềm năng. Tiềm năng không chỉ chứa đựng trong các yếu tố hình thức của một chiếc điện thoại thông minh như hiện nay”, Cockerill nói.
Theo Tri Thức/Zing
Mổ xẻ những ưu điểm của công nghệ màn hình cong
Displaymate cho rằng Galaxy Round có khả năng hiển thị còn tốt hơn Galaxy Note 3.
Một thế hệ màn hình cong mới dành cho smartphone và TV vừa được tung ra. Nó hoàn toàn khác biệt so với những sản phẩm mà thị trường đã từng đón nhận. Trước đó, các sản phẩm có màn hình cong thực chất chỉ là các tấm nền hiển thị phẳng được bảo vệ bên dưới một lớp kính cong đánh lừa thị giác người xem. Nhưng giờ đây, Galaxy Round đã trở thành niềm tự hào mới của Samsung khi ngay cả chính tấm nền màn hình cũng được làm cong một cách thật sự. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng điện thoại màn hình cong chỉ là một mánh lới quảng cáo không hơn không kém. Song trên thực tế, trang công nghệ Displaymate chuyên phân tích về các sản phẩm màn hình đã chứng minh rằng màn hình cong là một bước đột phá lớn và rất quan trọng đối với công nghệ hiển thị, đặc biệt trên smartphone.
Như đã từng đề cập trước đó, khi các công ty trình diễn màn hình cong, dẻo, hoặc có thể cuộn lại, họ thường sử dụng màn hình OLED nhưng việc tạo ra màn hình LCD cong là hoàn toàn có thể. Mặc dù vậy, các chuyên gia đều cho rằng tạo ra màn hình OLED cong là dễ dàng và đem lại hiệu quả sử dụng cao hơn. Về cơ bản, Samsung Galaxy Round cũng sở hữu tấm nền OLED dẻo được gắn vào một tấm kính cong và nó khá giống với màn hình OLED có trên Galaxy Note 3. Ngoài ra, 2 mẫu smartphone này đều hỗ trợ màn hình kích thước 5,7 inch cho độ phân giải Full HD. Do đó, Displaymate đã quyết định sử dụng màn hình của Galaxy Note 3 để làm cơ sở tham chiếu nhằm tìm ra những ưu điểm về khả năng hiển thị của Galaxy Round nói riêng và màn hình cong nói chung.
Màn hình cong lõm
Màn hình của Galaxy Round là dạng cong lõm, trong đó phần rìa ngoài màn hình 2 bên trái và phải chỉ cao hơn trục trung tâm chính giữa 2,66 mm. Nói tóm lại, màn hình của máy chỉ cong một chiều, dọc theo trục máy. Cách thiết kế này tương tự gương phóng đại sử dụng trên kính lúp cầm tay, độ cong nhỏ nhưng tác dụng mang lại là rất đáng kể.
"Tránh sự soi mói"
Galaxy Note 3 và Galaxy Round có kích thước tổng thể khá tương đồng. Smartphone Round mỏng hơn một chút nhưng có chiều rộng và chiều dài gần như bằng Note 3. Bên cạnh đó, Galaxy Round còn cho cảm giác cầm nắm bằng một tay thoải mái hơn bởi lòng bàn tay vừa khít với mặt cong phía sau lưng máy. Đặc biệt, thiết kế cong của màn hình còn có ưu điểm giúp bạn không bị "làm phiền" bởi những ánh mắt đang cố soi mói xem bạn đang xem hay đọc cái gì.
Giảm độ phản chiếu
Thông thường, khi sử dụng điện thoại ngoài trời nắng hay môi trường có cường độ ánh sáng mạnh, màu sắc hiển thị thường không còn đảm bảo độ chính xác cần thiết. Lúc này bạn phải cố gắng tăng độ sáng màn hình nhằm cải thiện chất lượng hiển thị. Nhưng thực tế là độ sáng cao đồng nghĩa với thời lượng pin thấp.
Vì vậy, chúng ta cần tới một công nghệ không những giúp cải thiện khả năng hiển thị, tăng độ tương phản, độ chính xác của màu sắc, mà còn giúp thời lượng pin không còn bị vắt kiệt quá nhiều. Một trong những phương pháp để làm điều đó là giảm độ phản chiếu. Galaxy Note 3 và Galaxy Round có độ phản chiếu khoảng 5%, gần thấp nhất đối với smartphone.
Nhưng còn một cách khác để tiếp tục giảm độ phản chiếu sáng màn hình xuống thấp hơn nữa đó là tạo nên một độ cong nhỏ đối với màn hình, giống như điều mà Galaxy Round đã làm.
Cụ thể, màn hình cong trên Galaxy Round giảm độ phản chiếu của ánh sáng môi trường như một chiếc gương lõm theo 2 cách. Thứ nhất, màn hình thông thường có góc mở 180 độ, nhưng ở Round, ánh sáng phản chiếu đến từ 2 bên sẽ bị triệt tiêu. Thứ hai, đường cong sẽ làm lệch ánh sáng môi trường đến từ phía sau, khiến chúng đi ra khỏi điểm nhìn trong tầm mắt của người dùng. Điều này rất quan trọng bởi chúng ta cần giảm tối đa lượng ánh sáng bên ngoài phản chiếu qua màn hình.
Khả năng phóng đại
Điều thú vị mà màn hình cong của Galaxy Round mang lại là nó phóng to cả những hình ảnh phản chiếu, giống một chiếc gương lõm. Nhờ vậy, sự phản xạ ánh sáng từ xung quanh cũng bị giảm thiểu phần nào.
Trước hết, khi bạn sử dụng smartphone màn hình phẳng thì ở khoảng cách bình thường, màn hình sẽ phản chiếu cả gương mặt bạn lẫn không gian sau lưng. Khoảng không gian sau lưng này thường có xu hướng sáng hơn khuôn mặt của bạn nên nó biến thành tác nhân cản trở tầm nhìn. Tuy nhiên, thử nghiệm với Galaxy Round, ở khoảng cách bình thường, khuôn mặt của bạn sẽ được phóng to lên và chiếm gần hết không gian màn hình khiến bạn gần như không thấy được những khoảng không sau lưng nữa. Kết quả là hình ảnh phản chiếu không còn cản trở tầm nhìn nhiều như trước nữa.
Bên cạnh đó, màn hình cong của Galaxy Round có tiêu cự khoảng 16 inch (40 cm), tương đương với khoảng cách từ mắt đến màn hình khi người dùng thao tác với máy trong điều kiện thông thường. Độ phóng đại theo chiều ngang sẽ tăng ít nhất từ 2 lần trở lên khi khoảng cách từ mắt tới màn hình đạt dưới 16 inch. Khi đó, các chi tiết trên khuôn mặt sẽ bị phóng lớn rất nhiều lần và dần dần bị làm mờ đi cho đến khi hoàn toàn biến mất. Điều này làm giảm đáng kể sự can thiệp của hình ảnh phản chiếu vào nội dung mà bạn đang theo dõi trên màn hình.
Hiển thị sống động
Displaymate cũng khám phá ra thêm một ưu điểm khác của màn hình OLED dẻo sử dụng trên Galaxy Round đó là nó được sản xuất bằng phần nền nhựa dẻo, do đó lớp kính bóng bọc ngoài có mặt trên hầu hết các màn hình smartphone hiện nay sẽ bị loại bỏ. Điều này góp phần đem lại 3 lợi ích chính. Thứ nhất, giúp giảm độ phản xạ của màn hình do không còn lớp kính bọc ngoài. Thứ hai, lớp nhựa bọc trên màn hình OLED cong có dạng hơi mờ, vì vậy nó lại tiếp tục cho phép giảm độ phản chiếu. Thứ ba, khi không còn lớp kính bọc, hình ảnh sẽ hiển thị trực tiếp trên lớp OLED, nổi bật và có sức sống hơn.
Kết luận
Chúng ta có thể thấy rằng mặc dù chỉ là một chút cong nhẹ, khác xa với những tưởng tượng trước đó về màn hình dẻo, nhưng sự cong nhỏ đó của Galaxy Round lại là chìa khóa cho một loạt các hiệu ứng quang học giúp làm giảm đáng kể tác động của sự phản xạ ánh sáng từ môi trường. Nó cải thiện rất nhiều khả năng hiển thị, độ tương phản hình ảnh, độ chính xác màu sắc, và chất lượng hình ảnh tổng thể của màn hình. Quan trọng hơn, điều này cũng có thể làm tăng thời lượng pin cho máy vì độ sáng màn hình có thể được hạ xuống do sự giao thoa ánh sáng từ sự phản xạ ánh sáng môi trường xung quanh với cảm biến đặt trên Round.
Tất cả các cải tiến hiệu suất mà chúng ta đề cập phía trên đều có thể kiểm chứng bằng mắt thường khi so sánh Galaxy Round và Galaxy Note 3. Rõ ràng, chúng ta có thể đặt niềm tin vào tương lai của smartphone sẽ là màn hình cong, nhưng có vẻ điều này chưa thể xảy ra trong một sớm một chiều. Vì về cơ bản, màn hình cong sẽ góp phần làm đội giá sản phẩm lên khá nhiều và đó lại là điều mà người tiêu dùng không hề mong muốn.
Theo VNE
Lộ cấu hình smartphone màn hình cong của LG Hãng điện tử Hàn Quốc đã để lộ cấu hình của smartphone màn hình cong G Flex khi thử điểm benchmark của sản phẩm này bằng chương trình Antutu. Điểm số khi thử nghiệm bằng Antutu 4 của G Flex là 33.336 điểm, cao nhất hiện nay, hơn cả hai model Note 3 và Note 10.1 của Samsung. LG GFlex có kết quả...