Tại sao nhiều người đổ hàng triệu USD vào NFT
Nhiều người cho rằng NFT là khoản đầu tư sinh lời lớn trong tương lai tương tự Bitcoin nên đổ xô mua các sản phẩm blockchain này.
Hàng tỷ USD đã đổ vào NFT
Những ngày qua, các sản phẩm NFT – một dạng vật phẩm ảo được xác thực thông qua công nghệ blockchain – đang tạo nên cơn sốt. Chỉ trong vài tuần, cụm từ NFT đã trở thành chủ đề bàn luận của nhiều hội nhóm công nghệ và xuất hiện tràn ngập trên Internet. Mọi thứ – từ thẻ cầu thủ bóng rổ, vật phẩm game, tranh, nhạc cho tới tweet – đều có thể được giao dịch dưới dạng NFT.
NFT đang tạo “cơn sốt” trên Internet.
Thị trường mua bán tác phẩm NFT đang rất nhộn nhịp. Tuần trước, nghệ sĩ Mike Winkelmann – người thường được gọi là Beeple – đã làm nên lịch sử khi bán đấu giá thành công một tác phẩm nghệ thuật với số tiền gần 70 triệu USD. Grimes – bạn gái của Elon Musk – và DJ Justin David Blau (nghệ danh 3LAU) cũng đã kiếm hàng triệu USD chỉ vài giờ sau khi giới thiệu bộ sưu tập tác phẩm NFT của mình.
Mới đây, một người đã đề nghị Elon Musk bán tweet của mình với giá 1 triệu USD nhưng CEO Tesla và SpaceX đã từ chối. CEO Twitter, Jack Dorsey, cũng đã bán tweet đầu tiên của mình dưới dạng NFT và đã có người trả 2,5 triệu USD.
Nhiều người cũng kiếm lời từ những tác phẩm NFT mua đi bán lại. Nhà sưu tập nghệ thuật Pablo Rodriguez-Fraile sống tại Miami (Mỹ) được xem là người đầu tiên nhận thấy thị trường này có thể sinh lời. Vào tháng 2, ông đã mua một tác phẩm của Beeple, sau đó bán lại cho người khác với giá tăng gần 1.000 lần.
Theo thống kê của CryptoSlam , tổng cộng hơn 1 tỷ USD đã được chi cho các vật phẩm kỹ thuật số, trong đó chủ yếu là NFT.
Tại sao mọi người chú ý đến NFT?
Theo đánh giá của Rodriguez-Fraile, có ba lý do chính khiến nhiều người để mắt đến NFT: giá Bitcoin tăng vọt, tác động của đại dịch và sự mất lòng tin vào đồng USD.
Tuần trước, giá Bitcoin đã tiến lên mức kỷ lục 60.000 USD. Trong khi đó, kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên đã tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Thống kê của tổ chức tiền tệ MagnifyMoney cho thấy, 59% số người có thu nhập trên 100.000 USD đã tiết kệm được đáng kể tiền bạc trong đại dịch. Ngoài ra, Covid-19 cũng đang tác động đến kinh tế Mỹ, khiến niềm tin vào đồng USD đang thấp nhất mọi thời đại.
“Con người từ lâu đã sử dụng nghệ thuật để lưu trữ giá trị”, Rodriguez-Fraile nói với Business Insider . “Công nghệ giúp chuyển tiếp giá trị của nghệ thuật sang kỹ thuật số dễ dàng hơn. Đây chỉ là một cách tiếp cận và đầu tư vào nghệ thuật hiện đại hơn, giống như một ai đó mua vàng hay Bitcoin vậy”.
Cũng theo nhà sưu tập này, sự phổ biến của NFT đã được đẩy nhanh bởi đại dịch. Tuy nhiên, NFT cuối cùng sẽ là sản phẩm của sự bùng nổ công nghệ được thế hệ trẻ thúc đẩy trong tương lai.
Đối với nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là những người trong ngành công nghiệp âm nhạc, doanh số hàng triệu USD của 3LAU và Grimes đã tạo cho họ sự chú ý. Một số ví von rằng nó không khác một cơn sốt vàng. Tuy nhiên, đối với người mua, tiềm năng đầu tư dường như ít rõ ràng hơn.
NFT có duy trì giá trị trong tương lai?
Gary Vaynerchuk, CEO của VaynerMedia – công ty tiếp thị số có trụ sở tại New York – nói với CoinDesk rằng ông tin rằng NFT là một bong bóng tài chính và có thể “vỡ” bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ông đánh giá loại vật phẩm ảo này vẫn có tác động nhiều mặt đến xã hội.
“Nhiều người nghĩ những thứ trên Internet chỉ là ‘mốt’ và diễn ra nhất thời. Thực tế, Internet là cuộc cách mạng thay đổi cuộc chơi của công nghệ, dù rất nhiều dự án ban đầu được định giá quá cao vì sự phấn khích của đám đông”, Vaynerchuk nhận định.
Ngay cả nghệ sĩ Winkelmann – người có nhiều tác phẩm NFT giá hàng chục triệu USD – cũng thừa nhận NFT có khả năng đang bị thổi phồng quá mức. “Nếu bây giờ nó chưa phải là bong bóng tài chính, thì tôi tin rằng tương lai sẽ xảy ra điều đó, vì có rất nhiều người đổ xô vào không gian này”, Winkelmann nói với CoinDesk .
Người mua NFT được gì?
Khi một ai đó mua tác phẩm NFT, họ là người có quyền sở hữu duy nhất, nhưng chỉ trên blockchain, họ không có quyền kiểm soát việc phân phối nó. Trong hầu hết trường hợp, người mua tác phẩm NFT không mua nội dung. Thay vào đó, họ thực sự đang mua một đoạn mã kỹ thuật số kết nối tên của người đó với tác giả của tác phẩm trên blockchain.
Thông thường, các mã thông báo kỹ thuật số hoạt động theo nguyên tắc giảm phát gần giống Bitcoin. NFT không thể được sao chép, có thể dễ dàng xác thực và bất biến.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không có cách nào chắc chắn để biết liệu các tác phẩm NFT có duy trì giá trị của chúng theo thời gian hay không. Theo tỷ phú Mark Cuban – người đã bỏ rất nhiều tiền để mua clip NBA dưới dạng NFT, ông quyết định mua NFT chủ yếu bởi sự khan hiếm của nó.
Trong khi đó, chuyên gia cấp cao của SuperRare – website chuyên về NFT – cho rằng nhiều người muốn mua các tác phẩm dạng này vì nó cung cấp một kết nối độc nhất với người sáng tạo, điều không tồn tại trên bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác. Robert Martin, chuyên gia cấp cao về chiến lược nội dung tại Kapwing, cũng cho rằng việc tạo ra hoặc mua bán các tác phẩm NFT có thể mang lại giá trị lớn sau này, ít nhất là trong cộng đồng tiền điện tử.
Người mua NFT không nhất thiết là người hâm mộ
Theo Cherie Hu, một chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ, cho rằng người mua NFT của các nghệ sĩ sẽ không phải là người hâm mộ họ. “Khác với băng đĩa, người hâm mộ nghệ sĩ không quyết định doanh số tác phẩm NFT bán ra. Họ khó có thể làm điều đó, bởi rất khó bỏ ra hàng nghìn USD, thậm chí hàng triệu USD để sở hữu mã kỹ thuật số”.
3LAU và André Allen Anjos (nghệ danh là RAC) là thành viên lâu năm trong cộng đồng tiền điện tử. Cả hai cho biết, khách hàng mua tác phẩm NFT của họ chủ yếu là các nhà đầu tư, hoặc các nghệ sĩ bán tác phẩm cho nhau. “Tôi tin rằng lĩnh vực NFT sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, chúng cần có hình thức dễ tiếp cận hơn để tạo nên sự hấp dẫn”, bà Hu nói.
Thị trường NFT hiện nay vẫn phải đối mặt với một số rào cản. Hầu hết các giao dịch NFT yêu cầu người mua sử dụng ví tiền ảo. Nhưng theo thống kê của Blockchain.com, chỉ có khoảng 70 triệu người, tức chưa đến 1% dân số thế giới, có loại ví này.
Dù vậy, Rodriguez-Fraile tin rằng NFT sẽ đại diện cho tương lai của thế giới nghệ thuật. “Vài năm nữa, NFT sẽ là cách phổ biến để mọi người sở hữu các tác phẩm nghệ thuật”, Rodriguez-Fraile nói thêm.
NFT (Non-fungible token) là chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm số. NFT giống một chứng chỉ xác thực. Trong thế giới thực, chứng chỉ có thể là một tờ giấy. Trên Internet, chứng chỉ này là một chuỗi ký tự được kết nối với blockchain.
Những tài sản NFT kỳ lạ giá hàng triệu USD
Nhiều người nổi tiếng đang tham gia vào cơn sốt NFT với những tài sản kỳ lạ, từ album nhạc cho đến một câu nói truyền cảm hứng.
Nhân vật công nghệ nổi tiếng đầu tiên tham gia vào cuộc chơi NFT là CEO Twitter, Jack Dorsey. Ngày 6/3, Dorsey đã bán tweet đầu tiên của mình với giá 2,5 triệu USD dưới dạng NFT. Sau đó CEO của Tesla cũng đăng bán một đoạn nhạc điện tử dưới dạng mã hoá tương tự. Bạn gái của Musk - ca sĩ Grimes - cũng đã kiếm được hàng triệu USD từ bộ sưu tập tranh NFT.
Đoạn nhạc điện tử dưới dạng NFT được Elon Musk rao bán hôm 16/3.
Trên chợ ảo NFT, người ta còn phát hiện tỷ phú kiêm ngôi sao truyền hình Mark Cuban bán một câu nói truyền cảm hứng của mình với nội dung: "Không ai thay đổi thế giới bằng cách làm việc mọi người đang làm".
Shawn Mendes, ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Canada đã hợp tác với Genies, công ty sản xuất avatar 2D để tạo ra phiên bản kỹ thuật số cây đàn guitar và nhẫn vàng của mình rồi bán chúng dưới dạng NFT. Rapper Ja Rule cũng bán đấu giá một bức tranh sơn dầu dưới dạng NFT và đề nghị được ký tặng cho người mua. Kings of Leon là ban nhạc đầu tiên bán một album hoàn toàn mới, có tựa đề When You See Yourself, dưới dạng NFT.
Trong thế giới thể thao, Rob Gronkowski, cầu thủ bóng đá Mỹ thông báo sẽ tung ra bộ sưu tập NFT của riêng mình, gồm bốn tác phẩm nghệ thuật kỷ niệm chiến thắng của đội tuyển anh đã gắn bó. Tiền vệ Patrick Mahomes của đội bóng Kansas City Chiefs đã bán được một tác NFT trị giá hàng triệu đôla chỉ trong vài phút.
Bức tranh NFT giá 17.000 USD của Paris Hilton.
Doanh nhân, ngôi sao truyền hình trực tuyến của Mỹ, Paris Hilton bán một bức tranh con mèo dưới dạng NFT với giá 17.000 USD. Diễn viên Lindsay Lohan đã bán NFT "Lightning" của mình với giá 50.000 USD và hứa sẽ quyên góp cho các tổ chức chấp nhận tiền điện tử.
NFT giống một chứng chỉ xác thực. Trong thế giới thực, chứng chỉ có thể là một tờ giấy. Trên Internet, chứng chỉ này là một chuỗi ký tự được kết nối với blockchai. Do tính chất của blockchain là một mạng lưới máy tính lớn trên khắp thế giới, kết nối với nhau để tạo ra sổ cái kỹ thuật số dùng chung. Mỗi máy tính sẽ cần thực hiện các phép tính phức tạp cho mỗi lần ghi, vì vậy, không ai có thể gian lận được. Từ đó, tạo ra tính an toàn, duy nhất, và dễ dàng kiểm chứng của NFT. Ngày càng nhiều người có ảnh hưởng trên Internet tham gia vào cơn sốt NFT. Nhiều ngôi sao YouTube như Logan Paul, Zach "ZHC" Hsiehn cũng bắt đầu thử nghiệm công nghệ mới này.
Mặc dù được nhiều người nổi tiếng ủng hộ, NFT cũng đang bộ lộ nhiều lỗ hổng. Không ít nghệ sĩ phát hiện các tác phẩm nghệ thuật của mình bị "đánh cắp" và rao bán công khai trên các nền tảng giao dịch NFT. Trên OpenSea và Rarible, hai nền tảng giao dịch phổ biến của NFT, người bán không cần xác minh mình là sở hữu thật sự của tác phẩm. Quy trình định danh thành viên trên các trang web này cũng rất đơn giản. Khuyến nghị duy nhất trang web đưa ra cho những giao dịch NFT là "Hãy tự tìm hiểu".
Hacker đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số NFT Cơn sốt NFT đang khiến những tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số này trở thành mục tiêu của hacker. Cuối tuần vừa qua, một số người dùng sở hữu các tài sản NFT trên nền tảng Nifty Gateway đã bị hacker tấn công và đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số trị giá hàng nghìn USD từ tài khoản...