Tại sao Mỹ chỉ biết ngồi nhìn Không quân Nga xéo nát phiến quân “ôn hòa” ở Syria?
Nga đã áp đặt vùng cấm bay tại Syria và Không quân Nga đã khiến cho phiến quân chống Assad hoảng loạn, tan tác. Đây mới chính là bất ngờ đến sửng sốt của Mỹ-NATO.
Tại sao Mỹ chỉ biết ngồi nhìn Không quân Nga xéo nát phiến quân “ôn hòa” ở Syria?
Trong cuộc chiến Syria, phải công nhận một điều rằng, đây là cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ-NATO với Nga chứ không đơn giản là Không quân Nga (viết tắt từ Không quân – Vũ trụ Nga “VKS”) với Syria-Iran-Hezbollah đối đầu với IS, và lực lượng nổi dậy được Mỹ-NATO hậu thuẫn.
Chính vì lẽ đó cho nên giữa Mỹ-NATO đã xuất hiện một cuộc “chiến tranh không tiếp xúc” (còn gọi tác chiến điện tử) rất gay cấn, quyết liệt.
Tác chiến điện tử, trong phạm vi quân sự thực chất là làm chủ, khống chế làn sóng điện từ, gây nhiễu loạn toàn bộ hệ thống chỉ huy, thông tin liên lạc, quan sát của địch, qua đó làm cho vũ khí công nghệ cao của đối phương trở thành “mù, điếc và ngu dốt”, bảo vệ được ta.
Tác chiến điện tử với 3 nhiệm vụ chủ yếu gồm: Trinh sát điện tử, bảo vệ hệ thống điện tử và chế áp hệ thống điện tử.
Trừ chế áp cứng, trên chiến trường Syria, Mỹ-NATO và Nga không từ một loại phương tiện vũ khí nào để đối đầu với nhau trong tác chiến điện tử.
Tác chiến điện tử Mỹ-NATO tại Syria …
Nga đã biết ngay từ đầu rằng, hệ thống giám sát trên không và vũ trụ của Mỹ-NATO đang ở trong một vị trí để kiểm soát tất cả các hoạt động của máy bay quân sự Nga tại Syria.
Các hệ thống vệ tinh do thám Lacrosse/Onyx của Mỹ đi vào quỹ đạo thấp được trang bị với SAR (Synthetic Aperture Radar), cho phép họ xâm nhập vào cả lớp đám mây che phủ mặt đất hoặc các bức tường của tòa nhà, với độ phân giải 20 cm.
Các máy bay trinh sát của Mỹ RC135, máy bay Anh Sentinel R1, các AWACS và Predator máy bay không người lái (UAV) triển khai trên biên giới Syria… ở những vị trí rất thuận lợi để sẵn sàng “nghênh chiến” Nga.
Video đang HOT
Với các vũ khí, trang bị điện tử hiện đại, tiên tiến đó, Mỹ-NATO có thể đánh chặn, kiểm soát tất cả các tín hiệu phát sóng trên các mạng Nga, số lượng và loại máy bay, thời gian xuất kích, đường bay, các loại vũ khí được sử dụng, các mục tiêu tấn công của VKS Nga…
Tất nhiên, mục tiêu của tác chiến điện tử Mỹ với Nga trên Syria có một nội dung ban đầu quan trọng là cảnh báo, cung cấp thông tin tình báo cho các nhóm nổi dậy được Mỹ-NATO hỗ trợ tại Syria về các hoạt động của không quân Nga và lực lượng mặt đất Syria-Iran-Hezbollah.
Không quân – Vũ trụ Nga oanh kích các mục tiêu của IS.
Nga đáp trả ra sao…
Các phương tiện truyền thông trình bày chi tiết các loại máy bay ném bom Nga đã tác chiến tại Syria, vũ khí trang bị cho các cuộc không kích và kết quả. Nhưng “vũ khí bí mật” của Nga là gì mà từ đó Nga giành được ưu thế về tác chiến điện tử (EW), và hệ thống thu thập, xử lý dữ liệu đáng gờm của Nga thì vẫn còn là bí ẩn.
Hai loại “vũ khí bí ẩn” trên tạo thành một tổ hợp phức tạp C4I (lệnh, kiểm soát, truyền thông, máy tính, thông tin và khả năng tương tác) mà người Nga đã tạo ra ở Syria để thực hiện nhiệm vụ và ngăn chặn, bịt mắt Mỹ-NATO phát hiện bất cứ điều gì về cách làm việc của người Nga.
Để bảo vệ hệ thống điện tử chống Mỹ-NATO trinh sát, Nga đã triển khai nhiều tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 ở Syria. Su-24, Su-25, máy bay Su-34 được trang bị với SAP-518/SPS-171 vỏ gây nhiễu và máy bay trực thăng Mi-8 AMTSh Richag-AV.
Ngoài ra là các tàu Priazovye (lớp Vishnya), thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga, đã được triển khai ở Biển Địa Trung Hải gần bờ biển Syria . Tàu này chuyên xáo trộn và thu thập dữ liệu thông tin tình báo (đánh chặn tất cả các mạng thông tin liên lạc).
Krasukha-4 là một hệ thống băng thông rộng di động, gắn trên khung gầm BAZ-6910-022 can thiệp vào hệ thống radar giám sát của các vệ tinh quân sự, của máy bay chỉ huy cảnh báo sớm (AWACS). Nó là hệ thống duy nhất có khả năng làm “mù” các siêu hệ thống Lacrosse/Onyx của vệ tinh do thám của Mỹ.
Hệ thống Krasukha-4 tại căn cứ Không quân Nga trong Hmeymim (Latakia) tạo ra một chiếc áo choàng tàng hình cho các đối tượng trong không khí và trên mặt đất của họ với bán kính 300 km.
Điều gì đã xảy ra?
Các tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 đã “làm mù” hệ thống radar của tên lửa chống máy bay MIM-104 Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và hệ thống radar của máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ F-16C. Đó là lý do tại sao trong cuộc chiến F-16C không thể cất cánh từ căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dưới sự bảo vệ của Krasukha-4 và hệ thống can thiệp khác, hàng chục máy bay Nga đã đến, xuất kích tại Syria mà không bị phát hiện bởi Mỹ-NATO, nó được phát hiện chỉ một vài ngày sau khi họ đã đến căn cứ không quân Hmeymim.
Tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga ở Syria.
Kết quả xảy ra có 2 điểm rất thú vị:
Thứ nhất, Mỹ chỉ biết tố cáo việc Nga cứ xuất kích “tung chưởng” vào đám khủng bố “ôn hòa” mà Mỹ hậu thuẫn, đòn này đến đòn khác mà không sao cung cấp thông tin cho đám khủng bố “ôn hòa” biết để tránh.
Căn cứ, trung tâm TTLL, kho tàng, hầm ngầm…của quân khủng bố mà trinh sát Nga phát hiện được ở đâu là lập tức bom Nga vùi dập trúng đích khiến cho đám khủng bố nguy hiểm quanh Damascus, Homs, Hama như dao kề cổ Assad, hoảng loạn, tan tác…
Thứ 2, nếu như từ năm 2015 trở về trước, Quân đội Syria đi đâu về đâu được quân khủng bố “ôn hòa” nắm rõ từ Mỹ-NATO thì nay sự tập trung của Quân đội Syria trên trục Latakia-Idlid, Latakia-Hama và Latakia-Homs đã được bảo mật.
Điều này cho phép Quân đội Syria, được hỗ trợ bởi máy bay ném bom của Nga, khởi động tấn công với các loại xe bọc thép để kiểm soát các phân khúc Idlib-Hama-Homs của đường cao tốc M5 giữa Damascus và Aleppo trở nên có yếu tố bất ngờ…Họ đã thành công.
Ai đã thắng trong cuộc chiến này?
Chỉ biết rằng, Mỹ-NATO không dễ gì chấp nhận để cho VKS Nga gần như hoàn toàn làm chủ vùng trời Syria, bởi lẽ, trong chiến tranh hiện đại, nếu bên nào làm chủ vùng trời là bên đó thắng. Chân lý quân sự hiện đại này đã được Mỹ-NATO chứng minh tại Iraq, Lybia, Nam Tư, Afghanistan…
Tại sao từ năm 2012, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất lập vùng cấm bay tại Syria nhưng Mỹ không chấp nhận?
Ngoài việc kiềm chế ý đồ riêng của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria , Mỹ cho rằng với khả năng của IS và lực lượng nổi dậy chống Assad thì việc lật đổ Assad “dễ như lấy đồ chơi trong túi”. Và thực tế là sự tồn tại chính quyền Assad như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, có 2 bất ngờ lớn mà Mỹ-NATO không lường trước.
Thứ nhất là sự xuất hiện của Nga tại Syria. Tuy thế, Mỹ vẫn chủ quan, khi Obama cho rằng “sớm muộn gì thì Nga cũng sẽ sa lầy ở Syria”. Mỹ có cơ sở để đánh giá tình thế tại Syria là Nga không có đủ khả năng để đảo ngược. Do đó, Nga xuất hiện, dù bất ngờ nhưng không khiến Mỹ lo lắng.
Thứ hai, Nga đã áp đặt một vùng cấm bay trên không phận Syria. Và VKS Nga đã khiến cho phiến quân chống Assad hoảng loạn, tan tác. Đây mới chính là bất ngờ đến sửng sốt, phát sốc của Mỹ-NATO.
Tại Syria, Mỹ-NATO đã rất cay cú và đặc biệt, trước trận Aleppo, giới quân sự hiếu chiến Mỹ đã thúc giục chính quyền Obama phải áp đặt vùng cấm bay tại Syria để cứu nguy phiến quân tại Aleppo. Nhưng nói là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác.
Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã chỉ rõ, “tình hình Syria hiện nay, nếu áp đặt một vùng cấm bay thì có nghĩa là chiến tranh với nước Nga” là đúng, nhưng chưa đủ, chưa nêu hết nguyên nhân của tình hình…
Rõ ràng, giới tinh hoa quân sự Mỹ trong Lầu Năm Góc, Nhà Trắng, luôn không ngại, không sợ đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng hơn ai hết họ thừa hiểu, rằng, khi mà “chiến thuật và công nghệ đều không thể” thì không có cách nào để áp đặt vùng cấm bay tại Syria. Khi chưa chế áp được Nga thì nên “ngồi xuống và lắng nghe”.
Muốn áp đặt được vùng cấm bay thì phải chiến thắng trong cuộc chiến điện tử. Khi tác chiến điện tử thất bại thì áp đặt vùng cấm bay chỉ là mơ ước hão huyền. Tại Syria ai thắng?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Theo Thời đại