Tại sao kế hoạch sáp nhập Instagram và Facebook của Mark Zuckerberg lại là một ý tưởng tồi tệ
Nói như vậy không có nghĩa là Facebook không biết điều hành Instagram như thế nào. Họ biết rất rõ là đằng khác.
Bởi từ khi Facebook mua lại nền tảng này với giá 1 tỷ USD vào năm 2012, nó đã phát triển mạnh mẽ, với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng. Nhưng lãnh đạo công ty dường như chẳng hiểu rằng rất nhiều người dùng Instagram không hề muốn nền tảng yêu thích của họ trở thành Facebook.
Rõ ràng Facebook muốn hợp nhất 3 nền tảng lớn mà hãng đang nắm trong tay – Instagram, WhatsApp, và bản thân Facebook – thành một. Chỉ mới tuần trước thôi, Facebook đã xác nhận sẽ đổi tên của Instagram và WhatsApp thành “Instagram by Facebook” và “WhatsApp by Facebook”. Hôm thứ tư, Bloomberg đưa tin Facebook sẽ hợp nhất Facebook Messenger và Instagram Direct, và các kỹ sư của hãng hiện đã bắt tay vào việc tái xây dựng lại tính năng chat của Instagram dựa trên công nghệ của Messenger.
Xét về mặt kinh doanh, những điều Facebook đang dự tính nghe có vẻ hợp lý: tại sao lại phải có 2 ứng dụng nhắn tin khác nhau (sẽ là 3 nếu tính cả WhatsApp) khi bạn có thể nhập chúng thành 1? Ngoài ra nguyên nhân có lẽ còn xuất phát một phần từ cái tôi: CEO Facebook, Mark Zuckerberg, có vẻ tức tối khi Facebook chẳng nhận được lời khen ngợi nào trước sức tăng trưởng bùng nổ của Instagram và WhatsApp.
Động thái của Facebook cho thấy hãng đã hiểu lầm cơ bản về lý do tại sao Instagram lại thành công – trong khi chính họ lại vấp phải vô vàn khó khăn (ít nhất là tại Mỹ).
Một thương hiệu gắn liền với scandal
Có thể hơi nặng lời, nhưng Facebook là một thương hiệu đầy nhơ nhuốc: clickbait (mồi dụ dỗ người dùng nhấn chuột vào link), tin giả, vi phạm quyền riêng tư dẫn đến phải bỏ ra 5 tỷ USD để dàn xếp với Ủy ban Thương mại Liên bang, những buổi điều trần thảm họa trước quốc hội, chăm sóc khách hàng kém cỏi, và một vị CEO bị cả thế giới thù ghét – tất cả góp phần dẫn đến sự thất sủng của Facebook. Theo một cuộc khảo sát nghiên cứu thị trường gần đây bởi Edison Research, lượng người dùng Facebook tại Mỹ đã giảm đến 15 triệu kể từ năm 2017. Trong số đó, người dùng trẻ tuổi là đối tượng rời bỏ Facebook nhiều nhất, cụ thể là nhóm tuổi teen và nhóm millennials (sinh từ thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000).
Facebook không còn độ hot nữa. Đó là nơi cha mẹ bạn gặp gỡ nhau. Nó đang ngày một già cỗi, theo dữ liệu của Edison. Trên thực tế, nhóm người dùng Facebook duy nhất tại Mỹ có sự tăng trưởng là nhóm độ tuổi từ 55 trở lên.
Trong khi đó, Instagram ngày càng thu hút người dùng Mỹ – và dữ liệu của Edison tiếp tục cho thấy hầu hết những người rời bỏ Facebook đã “bỏ chạy” sang Instagram. Cũng chính nhóm teen và millennials nói trên hiện đang “đóng quân” trên Instagram – ít nhất là cho đến thời điểm này.
Nếu Zuckerberg tiếp tục Facebook-hóa Instagram, khả năng anh sẽ đánh mất hẳn nhóm người dùng này. Người ta không muốn bị nhắc về mối liên hệ chặt chẽ giữa Instagram với Facebook. Những người dùng trẻ tuổi đã bắt đầu hào hứng với các nền tảng không thuộc sở hữu của Facebook, như Tik Tok và Snapchat – đó là những nền tảng không gặp phải sự kỳ thị mà Facebook đang đau đầu đối phó.
Những trải nghiệm khác biệt
Vấn đề còn xuất phát từ bản chất của từng nền tảng. Instagram phát triển mạnh vì tính đơn giản của nó – bạn không thể chia sẻ các đường link hay các bài báo, chỉ hình ảnh và video mà thôi. Nó là một nền tảng tập trung vào thị giác. So với trải nghiệm trên Facebook – nơi bạn thấy cả một bức tường đầy chữ cùng vô vàn những nội dung khác nằm ở cả hai bên trái – phải của bức tường đó – thì khi nhìn vào Instagram, bạn sẽ ngay lập tức chú ý đến các hình ảnh. Facebook sẽ khiến bạn phát điên với hàng tá thông báo nhằm kích thích tương tác người dùng. Instagram từ tốn hơn. Facebook thiên về đọc, Instagram thiên về nhìn. Đó là một trải nghiệm người dùng hoàn toàn khác biệt.
Video đang HOT
Không hề có nhóm, trò chơi, hay chợ mua bán trên Instagram. Trải nghiệm cốt lõi của ứng dụng này là chia sẻ (hoặc xem) hình ảnh và video. Stories, một trong những tính năng phổ biến nhất của Instagram, đã hoàn toàn bị hợp nhất vào Facebook. Nhưng nó không đi theo hướng khác. Người ta muốn thấy nhiều thứ về Instagram hơn trên Facebook, không phải muốn thấy nhiều thứ về Facebook hơn trên Instagram.
Ngay cả những người sử dụng cả hai nền tảng cũng sử dụng chúng theo những cách khác nhau. Ví dụ, họ dùng Facebook để theo dõi các nhóm hay các cộng đồng, và đôi lúc là tìm các món đồ cần mua trên Facebook Marketplace. Còn trên Instagram, họ dùng để theo dõi những người họ quan tâm (và cả các nhà hàng, quán ăn…).
Không thể phủ nhận tiền và tài nguyên của Facebook đã nuôi sống Instagram, nhưng Zuckerberg đang đi một nước cờ sai lầm: Instagram phát triển mạnh mẽ mặc cho nó thuộc sở hữu của Facebook, không phải vì nó thuộc sở hữu của Facebook. Kết hợp hai nền tảng này lại với nhau là một ý tưởng tồi tệ, nhưng không may cho tất cả chúng ta, đó lại là ý tưởng mà Facebook có vẻ như sống chết cũng nhất quyết phải thực hiện cho bằng được!
Theo GenK
Những công ty nổi tiếng ra đời từ dự án phụ (P.1)
Từ Apple cho đến các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter hay Instagram,... tất cả đều ra đời như các dự án phụ, trong khi những người sáng lập vẫn đang làm chính tại một công ty khác hoặc vẫn là sinh viên.
Khi mới ra đời, Apple chỉ là dự án "tay trái" của Steve Jobs. Ảnh: Kristy Macdonald/AP
Trước khi Apple trở thành một công ty công nghệ lớn, Apple chỉ là một dự án phụ của hai người đồng sáng lập
Đồng sáng lập Apple Steve Jobs. Ảnh: Justin Sullivan/Getty
Năm 1976, khi Steve Jobs đang là nhân viên làm ca đêm tại Atari và Steve Wozniak là một kỹ sư tại HP, trong thời gian rảnh, cả hai đã cùng bắt tay vào việc chế tạo một chiếc máy tính trong một nhà để xe. Đó chính là chiếc máy tính huyền thoại Apple I. Sau khi tạo ra cỗ máy sử dụng các bộ phận của Atari họ đã tặng nó cho ông chủ của Steve Jobs, nhưng ông này đã từ chối đầu tư.
Trong vài thập kỷ tiếp theo, Apple đã tạo ra cuộc cách mạng cho ngành công nghệ. Ngoài máy tính, hãng còn cho ra đời iPod, iTunes và iPhone.
Facebook bắt đầu như một dự án từ phòng ký túc xá của những người sáng lập
Đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: Alex Brandon/AP
Năm 2003, Mark Zuckerberg khi còn là sinh viên năm nhất của Đại học Harvard đã tạo ra trang web Facemash, cho phép sinh viên đánh giá các sinh viên khác dựa trên mức độ hấp dẫn. Mặc dù trang web đã bị gỡ xuống trong hai ngày, nhưng nó đã truyền cảm hứng cho Zuckerberg và những người bạn - Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes - tạo ra một trang mạng xã hội có tên The Facebook vào năm 2004.
Thời gian đầu, chỉ sinh viên Harvard có thể đăng nhập vào trang web bằng email Harvard.edu nhưng sau đó, nó được mở rộng đến các trường đại học, cao đẳng trên toàn nước Mỹ và nhanh chóng trở thành một mạng xã hội toàn cầu.
Ngày nay, Facebook được coi là một trong những mạng xã hội lớn nhất với 1,59 tỷ người dùng hoạt động hằng ngày.
Instagram là một dự án phụ của người sáng lập trước khi nó trở thành một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến
Người đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom. Ảnh: Marcio Jose Sanchez/AP
Năm 2009, Kevin Systrom, người đồng sáng lập Instagram đang làm việc tại Nextstop.com với tư cách là người quản lý sản phẩm. Ban ngày Systrom vẫn làm việc tại Nextop và ban đêm cũng như cuối tuần ông tự mày mò học cách viết mã. Cuối cùng, ông đã tạo ra Burbn, một ứng dụng đăng ký trên thiết bị di động, tương tự như FourSapes nhưng dựa trên hình ảnh nhiều hơn.
Sau đó, Systrom từ bỏ công việc hàng ngày và khi đã kiếm được 500.000 USD, ông thuê thêm người đồng sáng lập Mike Krieger. Năm 2010, cặp đôi chính thức ra mắt Instagram và đạt được 100.000 người dùng trong tuần đầu tiên. Năm 2012, Facebook đã mua lại công ty với giá 1 tỷ USD. Hiện nay, có 500 triệu người trên thế giới đang sử dụng Instagram.
Twitter cũng bắt đầu như một dự án phụ
Người sáng lập Twitter Jack Dorsey. Ảnh: Reuters/Anushree Fadnavis
Năm 2005, Jack Dorsey bắt đầu làm công việc lập trình tại Odeo, một nền tảng cho podcast. Một năm sau, công ty gặp khó khăn khi Apple cho phép podcast trên iTunes. Để đáp lại, CEO Odeo Evan Williams đã tổ chức một cuộc thi, trong đó Dorsey đã tạo ra twittr - một trang web nơi mọi người có thể cập nhật trạng thái giống trong thời gian thực.
Sau đó, Dorsey tiếp tục làm việc với twittr như một dự án phụ tại Odeo cho đến khi nó được chính thức ra mắt vào tháng 7/2006 và đổi tên thành Twitter. Một năm sau, nó trở thành công ty riêng và Dorsey trở thành CEO.
Ngày nay, Twitter đã trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới với 126 triệu người dùng hoạt động hàng ngày.
Người đồng sáng lập của Imgur là một sinh viên khi anh tạo ra trang web chia sẻ ảnh
Alan Schaaf, người đồng sáng lập của Imgur. Ảnh: Wikimedia Commons
Năm 2009, Alan Schaaf vẫn là một sinh viên tại Đại học Ohio khi bắt đầu xây dựng một trình tải hình ảnh lên để cạnh tranh với PhotoBucket. Schaaf mất hai tuần để xây dựng và tải dự án phụ này lên Reddit. Trang web được đặt tên là Imgur. Trong năm đầu tiên, trang web có nửa triệu lượt xem trang mỗi tháng. Năm 2011, Schaaf chuyển công việc kinh doanh của mình đến San Francisco và chính thức thành lập công ty.
Hiện nay, Imgur có 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo Fast Company.
Craigslist bắt đầu như một email mà người sáng lập đã sử dụng để gửi cho bạn bè
Craig Newmark, người sáng lập Craigslist. Ảnh: Justin Sullivan/Getty
Năm 1995, Craig Newmark đã gửi một email cho bạn bè của ông, giới thiệu về các sự kiện thú vị quanh San Francisco. Các email ban đầu chỉ được gửi đến từ 10-12 người , nhưng cuối cùng, nó lan rộng thông qua truyền miệng. Danh sách email bắt đầu phát triển nhanh chóng, khi Newmark chuyển sang một máy chủ và trang web lớn hơn. Năm 1999, Newmark từ bỏ công việc lập trình viên hàng ngày và biến Craigslist thành một công ty.
Hiện Craigslist đã mở rộng tới 700 thành phố và 70 quốc gia trên toàn thế giới.
Theo BizLive
Cuốn sách yêu thích của Mark Zuckerberg gây ngạc nhiên CEO Facebook Mark Zuckerberg đang trở thành đề tài chế giễu từ cộng đồng mạng vì tôn vinh một nhân vật sử dụng tất cả quyền lực có thể để duy trì sự 'độc tài' của mình. Theo Business Insider, nhà báo Dylan Byers từ mảng tin tức NBC News đã quyết định thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ về những cuốn...