Tại sao Hồng Kông ngăn Khải Phong 2 đến Trường Sa VN?
Hội “Hành động bảo vệ Điếu Ngư” tại Hồng Kông ngày 7/11 tuyên bố, ngày 13/11 tổ chức này sẽ cho tàu cá Khải Phong 2 với 15 người xuất phát xâm nhập vào khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để… câu cá trong thời gian 10 ngày nhằm tuyên truyền cho cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông đã có lệnh cấm chuyến đi đến khu vực này được các báo Trung Quốc, kể cả Hoàn cầu Thời báo đưa tin.
Hôm 13/11, ít nhất 6 nhân viên cảnh sát, Cục Hàng hải và Cục Xuất nhập cảnh của chính quyền Hồng Công bao vây tàu Khải phong 2 và lùa tàu này trở vào cảng Victoria. Lúc 9 giờ 15 phút tối ngày 14/11, là lần thứ tư, tàu cá này vẫn hung hăng định lợi dụng đêm tối để mò ra Biển Đông nhưng vẫn không trót lọt.
Đây là hoạt động mang tính chính trị sâu sắc, có tính nhạy cảm cao, cho nên, đương nhiên chính quyền Hồng Kông phải hành động theo sự chỉ đạo nghiêm ngặt của Bắc Kinh.
Vì vậy, vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là tại sao Bắc Kinh cấm đoán và ngăn chặn hành động của tàu cá Khải Phong. Phải chăng Trường Sa được Trung Quốc công nhận là của Việt Nam, vân vân…
Thứ nhất là tranh chấp Biển Đông và Trường Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam căn cứ vào “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” và tiếp theo chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của Thủ tướng Trung Quốc đã có những đột phá mới.
Video đang HOT
Ít nhất là không làm tình hình tranh chấp căng thẳng thêm. Hai bên “kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển” (Tuyên bố chung VN-TQ ngày 16/10/2013).
Do đó, nếu để tàu cá Khải Phong 2 “gây hấn” khi tuyên bố chung ký chưa ráo mực thì uy tín quốc gia, lòng tin, không còn.
Trường hợp xấu nhất là khi lũ người quá khích này leo lên bãi cạn hay bãi đá ngầm nào đó cắm cờ…dứt khoát bị cảnh sát biển Việt Nam xử lý rắn sẽ khiến cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, quá khích ở Trung Quốc được phen ngóc đầu dậy lu loa, tạo áp lực không hay cho chiến lược lâu dài của Bắc Kinh.
Một hình ảnh không mấy làm đẹp cho Khải Phong 2 và cũng là hiện tại, tương lai của cái Hội “Hành động bảo vệ Điếu Ngư”.
Từ năm 1991 đến nay, thông qua các hiệp thương và đàm phán hòa bình, hai nước đã giải quyết thành công việc phân định Vịnh Bắc Bộ, ký kết hiệp định hợp tác nghề cá và hiệp định phân định biên giới trên bộ… tương đương với việc đã giải quyết xong 2/3 vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Đây là những công việc lớn, quan trọng trong phát triển quan hệ hai nước, cũng là việc hiếm thấy trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại mà chúng ta ghi nhận.
Diễn biến mới cho thấy Trung Quốc đã coi trọng ý nghĩa chính trị toàn cầu của Đông Nam Á và thực sự cuộc chiến địa chính trị đang diễn ra gay gắt, quyết liệt giữa Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga…ở khu vực Châu Á-TBD. Trong đó Việt Nam được coi là một trong những quốc gia trọng điểm mà Trung Quốc cần quan tâm bởi vị thế Việt Nam đã hoàn toàn khác.
Thứ hai là Bắc Kinh cũng phải tính đến phản ứng của Hà Nội.
Tuy ngôn ngữ phản đối rất ngoại giao nhưng sau mỗi lần như vậy, hành động chuẩn bị của Việt Nam sẵn sàng cho phòng thủ bảo vệ chủ quyền ngày một cao, đầy quyết tâm. Sau mỗi lần như vậy, lòng yêu nước của dân tộc Việt được kết nối thành một khối trước thách thức về an ninh…là vũ khí đáng sợ nhất, có sức răn đe mạnh nhất.
Với Việt Nam, Trung Quốc chỉ có thể hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển chứ không thể và không bao giờ dùng sức mạnh đơn phương để áp đặt ý chí chính trị cường quyền mà thành công. Hễ xảy ra xung đột hay chiến tranh thì sẽ có cảnh tôi bị “bươu đầu”, thì anh cũng bị “sứt trán”, đã thế lại không giải quyết được vấn đề gì, rốt cuộc kẻ thứ 3 được lợi.
Chính lẽ đó, Bắc Kinh không muốn chỉ vì một lũ quá khích mà làm ảnh hưởng đến đại cục. Và, đây có thể là một thông điệp về “lòng tin chiến lược” trong thời kỳ mới.
Thứ ba là Trung Quốc không muốn hướng dẫn dư luận, “quảng cáo, cổ súy” không công cho mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản.
Lưu ý một điểm là chính tàu này, Khải Phong 2, năm 2012 đã tìm mọi cách đổ bộ trái phép lên nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát bất chấp mọi nỗ lực ngăn cản của lực lượng chức năng Nhật Bản. Nhật Bản phải điều 2 tàu Cảnh sát biển “móc mang” tàu cá Khải Phong 2 cưỡng chế rời khỏi khu vực Senkaku.
Thực tế cho thấy, Việt Nam xử lý các hành động trực tiếp xâm hại đến chủ quyền trên biển đều “rắn” theo kiểu Việt Nam. Tàu cá Khải Phong 2 chắc chắn sẽ bị Cảnh sát biển Việt Nam xử lý theo đúng luật pháp Việt Nam và quốc tế. Khi đó, đương nhiên, chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc sẽ lu loa, báo chí sẽ đăng giật những tin đại loại như “Đối tượng tác chiến nguy hiểm của Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Nhật Bản là …” hay “Việt Nam và Nhật Bản có cùng một kẻ thù…”.
Rõ ràng là hoạt động quá khích mà vô tích sự của tàu cá Khải Phong 2 vô tình làm chất xúc tác cho Việt Nam và Nhật Bản không hẹn mà gặp, nhận ra rằng cả 2 cùng một phía. Đây là điều “kiêng kị”, điều không có lợi cho Trung Quốc.
Hành động của chính quyền Hồng Công ngăn cản hoạt động của tàu cá Khải Phong 2 được coi như là một hành động tích cực làm ổn định, hòa bình trên Biển Đông
Chúng ta hy vọng những tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế và UNCLOS trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, có được những giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được.
Qua đó, củng cố lòng tin chiến lược Việt Nam-Trung Quốc vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Theo Báo Đất Việt