Tại sao Google Stadia không có cửa trước Project xCloud của Microsoft
Google Stadia đã chính thức đi vào hoạt động, và các đánh giá ban đầu khá lẫn lộn. Google phải giải quyết những vấn đề lớn hơn nếu họ muốn cạnh tranh với Project xCloud.
Ngoài việc sở hữu một thư viện game hạn chế đến đáng cười, những giới hạn đầy nghi vấn về các thiết bị có khả năng sử dụng dịch vụ, và mô hình giá bán kỳ quặc, nhiều reviewer đã trải nghiệm Stadia cho biết chất lượng của dịch vụ này khá phập phù. Những ấn tượng đầu tiên là cực kỳ quan trọng, và Stadia dường như đã vấp phải rào cản đầu tiên trên con đường đánh chiếm thị trường stream game đang rất nóng .
Đối thủ của Stadia, Project xCloud đến từ Microsoft, dù chưa được triển khai rộng rãi nhưng đã chứng tỏ là một đối thủ cực kỳ khó chịu. Theo những công bố gần đây tại sự kiện X019 của Microsoft và các sự kiện khác thì nền tảng này không chỉ thân thiện với người tiêu dùng hơn, mà mấu chốt là nó thân thiện hơn với cả các nhà phát triển nữa. Giống mọi dịch vụ stream khác, nội dung là yếu tố then chốt, và Microsoft đã vùi dập Google trên trận tuyến này trước cả khi nền tảng của họ ra mắt công chúng.
Dẫu vậy, Microsoft từ trước đến nay nổi tiếng với việc bỏ lỡ những lợi thế vào tay đối thủ vì những chính sách trong nội bộ công ty, thói tự mãn, hay cả hai. Nếu Microsoft thất thủ trong cuộc đua streaming trước Google, đó sẽ là một thất bại…thực sự “ngoạn mục” bởi họ đang sở hữu một loạt những lợi thế mà bất kỳ ai nhìn vào cũng thấy chua chát cho Google.
Giả dụ rằng cả hai nền tảng đều có chất lượng dịch vụ tương đồng (và tốt như nhau) xét về độ trễ, và xét đến khá nhiều bất lợi mà Google phải vượt qua, có lý do để tin rằng Google Stadia hoàn toàn không có cửa khi so với Project xCloud của Microsoft.
xCloud là Xbox, Xbox là xCloud
Có một điều mà Microsoft đã học được trong suốt nhiều năm qua: nhà phát triển là những vị Chúa khi xây dựng một nền tảng mới. Đây giống như tình huống con gà và quả trứng đã bóp chết Windows Phone: các nhà phát triển không muốn xây dựng nội dung cho một nền tảng nhỏ bé, và người dùng không muốn giúp một nền tảng phát triển khi nền tảng đó không có nội dung cho họ sử dụng. Tương lai của các ứng dụng UWP mờ mịt khi thiếu sự ủng hộ của các nhà phát triển. Không có các ứng dụng bên thứ ba khiến Cortana trở thành một sản phẩm yếu kém khi so với Alexa của Amazon. Microsoft cực giỏi trong việc đổ sông đổ biển mọi nỗ lực của chính mình khi xây dựng các nền tảng mới, nhưng Project xCloud thì khác.
Các máy chủ của Project xCloud là tập hợp của nhiều máy chơi game Xbox One được tái sử dụng, với một môi trường phát triển giống hệt trước đây. Các nhà phát triển và các nhà phát hành chẳng cần phải nhấc dù chỉ một ngón tay để đưa được game lên nền tảng stream của Microsoft. Họ chỉ cần đồng ý mà thôi. Về phía Stadia, nếu các nhà phát triển muốn hỗ trợ, game sẽ phải được port sang hệ thống nền Linux của Google – một điều mà nhiều nhà phát triển sẽ không thấy có lợi về mặt kinh doanh trừ khi Google chấp nhận bỏ tiền ra để trợ cấp hoặc có những ưu đãi nhất định để bù đắp chi phí.
Tại X019, Microsoft khẳng định về lý thuyết, hàng ngàn tựa game Xbox One đã sẵn sàng để chơi trên xCloud, chỉ còn đợi sự chấp thuận từ các nhà phát triển mà thôi. Họ còn thêm hàng tá game bổ sung khác vào chương trình dùng thử của Project xCloud, khiến thư viện game của Stadia chẳng khác gì một gã lùn.
Liệu các nhà phát triển nào sẽ tham gia hỗ trợ Project xCloud, chúng ta chưa biết, nhưng Microsoft đảm bảo nền tảng của họ sẽ có một lượng lớn các nội dung bên thứ nhất khi đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào Xbox Game Studios của chính mình.
Video đang HOT
Xbox Game Studios là một gã khổng lồ
Giống như Netflix Originals, Xbox Game Studios của Microsoft đang trên con đường trở thành một gã khổng lồ khi thâu tóm rất nhiều studio và các tài năng lớn trong ngành công nghiệp game từ khắp nơi trên thế giới. Chắc chắn họ sẽ đầu tư mạnh vào nội dung, và Microsoft khẳng định sẽ đưa tất cả những tựa game đó vào Xbox Game Pass cũng như Project xCloud ngay khi ra mắt, bên cạnh các phiên bản bán lẻ của chúng.
Xbox Game Studios hiện đang phát triển hàng tá game. Từ các tựa game nhỏ như game sinh tồn Grounded, đến các game lớn hơn như Halo Infinite, Microsoft đang cố gắng đảm bảo có đủ nội dung cho mọi người chơi, với lịch trình ra mắt đều đặn.
Phía bên kia chiến tuyến, Google vẫn chưa thể hiện được nỗ lực nghiêm túc nào nhằm tạo nên các tựa game của chính mình. Thư viện game mà Stadia đang cung cấp hiện nay chỉ toàn các game cũ, trừ một vài tựa game bom tấn mà hầu hết người dùng hẳn đã mua từ trước. Một ngày nào đó, Google có thể có những Halo hay Mario của riêng mình, nhưng ở thời điểm 2019 này, Stadia trông thật ốm đói.
Sự nhảm nhí của Google
Mô hình giá của Stadia thật kỳ quặc. Microsoft cung cấp tất cả các tựa game bên thứ nhất của chính mình cùng với hàng tá các tựa game khác với mức phí 10-15 USD/tháng. Hãng còn xác nhận tại X019 rằng gói stream Project xCloud sẽ được tích hợp vào Xbox Game Pass, đảm bảo bạn có mọi nội dung mong muốn để chơi offline trên thiết bị của mình mà không phải bỏ thêm khoản phụ phí nào.
Ngược lại, Google kỳ vọng người dùng sẽ bỏ những khoản tiền lớn cho các tựa game không thể chơi offline và hầu như lệ thuộc vào độ trễ và chất lượng dịch vụ của Stadia. Gói trả phí sẽ cho phép bạn stream 4K, nhưng trừ khi bạn có kết nối mạng thật nuột, bạn sẽ chẳng muốn động đến tùy chọn này đâu. Nếu muốn chơi game UHD, có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu mua một chiếc Xbox One X hoặc PlayStation 4 Pro thay vì tiết kiệm ít tiền và kỳ vọng Stadia có thể mang lại cho bạn một trải nghiệm 4K đáng tin cậy.
Đó là chưa kể đến việc Stadia chỉ sử dụng được trên một số rất ít thiết bị, bao gồm các điện thoại Pixel của Google và một vài thiết bị khác. xCloud sẽ có mặt trên mọi điện thoại Android tương thích, Windows PC, tablet, và cuối cùng sẽ là iOS.
Google trong vài năm gần đây còn bị đánh giá là một công ty kém thân thiện, rời xa khỏi slogan “Đừng làm điều ác” mà họ đặt ra từ lúc thành lập. Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến những khoản tiền phạt độc quyền lên đến hàng tỷ USD tại châu Âu, những vụ điều tra xâm phạm quyền riêng tư tại Mỹ, và mới đây là vụ việc đánh cắp bản ghi y tế của hàng triệu người Mỹ khi chưa xin phép.
Microsoft có thể thất bại
Mặc cho mọi lợi thế Microsoft có được với Project xCloud, hãng này vẫn có thể không vượt qua được cái “dớp” khi phát triển các nền tảng mới. Khẳng định xCloud là một chiến thắng chắc chắn có lẽ không phải là điều khôn ngoan.
Google hiển nhiên có những lợi thế của riêng mình, đặc biệt khi bạn xét đến YouTube và Google Search, và gã khổng lồ tìm kiếm thậm chí sẵn sàng tận dụng thế độc quyền trên lĩnh vực tìm kiếm để tăng cường những lợi thế đó. Xét từ góc nhìn là một dịch vụ, khả năng chuyển đổi trực tiếp tức một video YouTube sang game là một tính năng tuyệt vời mà Microsoft chỉ có thể mơ ước, bởi hãng này sở hữu một cộng đồng Mixer rất nhỏ lẻ cùng một bộ máy tìm kiếm Bing chẳng mấy ai dùng.
Google Stadia có thể đánh bại được Microsoft khi lên kệ sớm hơn, nhưng Project xCloud vẫn hấp dẫn hơn nhiều và là một giải pháp có mức giá dễ chịu hơn. Câu hỏi lúc này là quy mô dịch vụ này sẽ ra sao, chất lượng stream như thế nào, và các linh kiện phần cứng cho xCloud có thú vị hay không.
Người ta vẫn thường nói “chậm mà chắc”, nhưng như bao nhiêu thứ khác, chỉ có thời gian mới đưa ra được kết luận cuối cùng.
Theo GenK
Google Stadia phiên bản Premiere có gì hot?
Trang tin Android Authority đã có trên tay hộp đựng Premiere Edition của dịch vụ chơi game online Google Stadia. Hãy xem phiên bản này có gì đặc biệt.
Google Stadia muốn mang đến trải nghiệm chơi game đám mây với "độ trễ âm", đánh bại cả PC và console
Đây là những gì người dùng sẽ nhận được nếu đặt mua Google Stadia phiên bản Premiere trên website của Google với giá 129 USD.
Khi mở hộp ra, đập vào mắt bạn là tay cầm. Google cho phép người dùng chọn một trong 3 màu tay cầm khi đặt mua: trắng, đen và xanh wasabi.
Cảm giác khi cầm thiết bị trên tay khá thoải mái. Nếu từng chơi máy console, bạn sẽ quen thuộc với cách bố trí 2 cần analog, nút D-pad và cụm 4 nút chức năng giống tay cầm của PS4. Một số nút bấm đặc biệt trên tay cầm gồm nút Google Assistant, nút chụp màn hình, nút cài đặt, nút menu và nút Stadia.
Cạnh trên tay cầm có cổng USB-C để sạc hoặc kết nối với máy tính. Tuy nhiên Google không kèm dây cáp USB-C sang USB-C nên bạn phải tự mua nếu muốn sạc tay cầm với củ sạc USB-C. Cạnh dưới tay cầm có jack tai nghe 3.5mm để sử dụng trong trường hợp không muốn làm phiền người khác.
Tay cầm sử dụng kết nối Bluetooth nên bạn có thể kết nối với máy tính hoặc smartphone một cách dễ dàng.
Trong hộp cũng kèm theo củ sạc cho tay cầm và cáp USB-C sang USB-A. Bên dưới là một chiếc Chromecast Ultra và bộ nguồn kèm dây cáp microUSB.
Khi mới phát hành, bạn phải sử dụng chiếc Chromecast Ultra kèm theo nếu muốn chơi Stadia trên TV. Google cho biết sẽ tung bản cập nhật hỗ trợ Stadia cho những chiếc Chromecast Ultra cũ trong thời gian tới.
Nếu muốn sử dụng tay cầm để chơi game trên smartphone, Google cũng sẽ bán giá đỡ để bạn gắn smartphone lên tay cầm.
Theo VN Review
Dàn CEO công nghệ đình đám làm gì 10 năm trước? Khi thập kỷ của những năm 2010 sắp kết thúc, hãy cùng nhìn lại những CEO ngành công nghệ đã đi được bao xa trong 10 năm. Vào tháng 5/2010, Tim Cook đã có buổi phát biểu tại trường Đại học Auburn. Ông nói rằng việc gia nhập Apple là "quyết định sáng suốt nhất từng có". Một năm sau Tim Cook được...