Tại sao Google lại bỏ mỏ vàng Pokemon Go?
Mặc dù mới chỉ xuất hiện nhưng Pokemon Go đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trong làng game di động. Ít ai biết rằng đáng lý ra Pokemon Go là “con đẻ” của Google.
Pokemon Go do Niantic Labs phát triển. Ban đầu, Niantic Labs trực thuộc Google nhưng sau vụ tái cơ cấu năm ngoái để lập ra công ty mẹ Alphabet, Google đã tống Niantic Labs ra đường. Trong lúc bơ vơ không biết bấu víu vào đâu, Niantic Labs đã được Nintendo cứu giúp để rồi giờ đây nổi tiếng với game gây nghiện Pokemon Go. Liệu đó có thực sự là quyết định ngờ ngệch khiến Google giờ đây phải ôm hận?
Thực tế không hoàn toàn vậy. Tuy tiếc rẻ nhưng việc chia tách đã nằm trong lộ trình từ đầu của Google. Sẽ chẳng có ai là người hoàn toàn thua thiệt trong chuyện này, kể cả Google. Gã khổng lồ đã có những tính toán khác và mọi thứ vẫn nằm trong vòng kiểm soát.
Sinh ra để chia tách
Cũng giống nhiều dự án trước đây của Google, Niantic Labs là sản phẩm của John Hanke, một lãnh đạo tài năng. Chính John Hanke là người đứng sau các dự án lớn và tham vọng như Google Maps và Google Earth. Năm 2010, ông được bật đèn xanh thành lập công ty Niantic. Ban đầu, ông và một nhóm nhỏ kỹ sư phụ trách dự án này, sử dụng công nghệ bản đồ của Google làm nền tảng.
John Hanke, “cha đẻ” của Pokemon Go.
Các ứng dụng đầu tiên của Niantic được phát triển cho nền tảng Android, bao gồm Field Trip – một dịch vụ thông báo dựa trên vị trí, và Ingress – game di động nhiều người chơi dựa trên các địa điểm có thật. Về cơ bản, Pokemon Go chính là Ingress đóng gói lại với sự góp mặt của các nhân vật Pokemon.
Ngay từ đầu, Niantic đã là một “đơn vị kinh doanh tự chủ”, như một kiểu thử nghiệm của Google trước khi lập ra công ty mẹ Alphabet để cai quản toàn bộ. Lộ trình của Niantic khi đó chỉ có 2 hướng: Sáp nhập với Google hoặc tách ra làm ăn riêng.
Một nguồn tin thân cận với Niantic cho biết, kế hoạch tách riêng Niantic đã có từ đầu, thậm chí trước cả khi quá trình tái cấu trúc Google bắt đầu. Về cơ bản, với thành công của Ingress, Niantic nghiêng hẳn về game hơn là một công ty chung chung như Google.
Pokemon Go bắt nguồn từ game “Ingress”.
Tại thời điểm tách Niantic ra, Google nói: “Giờ thì họ đã sẵn sàng tăng trưởng với vai trò là một công ty độc lập. Và điều đó sẽ giúp họ kết hợp sâu sát hơn với các nhà đầu tư và đối tác trong lĩnh vực giải trí”.
Ngược với tôn chỉ của Google
Việc Niantic hợp tác với Nintendo để phát triển Pokemon Go nằm ngoài dự đoán của Google. Thực tế, nó đi ngược với tôn chỉ trước đây của Google – đó là trung lập. Google chỉ ưa thích các nền tảng, kiểu như kho ứng dụng và bản đồ, và không muốn được nhìn nhận như một nhà phát triển giống các công ty khác. Trong khi đó, những đối tác tiềm năng như Nintendo thường chỉ muốn hợp tác với những công ty độc lập chứ không phải với một hãng lớn ôm đồm nhiều thứ như Google.
Video đang HOT
Pokémon Go là sản phẩm hợp tác giữa Niantic Labs và Nintendo.
Có lẽ nhận thấy điều đó nên Google đã có quyết định từ khá sớm. Một năm trước khi Niantic tách riêng ra, Google đã đổ tiền đầu tư cho Magic Leap, một công ty khởi nghiệp (startup) giống như Niantic – cũng làm về game và thực tế tăng cường (AR). Chỉ khác ở chỗ Magic Leap xác định mình là nền tảng chứ không phát triển các game độc lập.
Lợi cho cả hai
Thực tế, quyết định của Google lợi cho cả hai. Nếu vẫn giữ Niantic thì có lẽ đã không có một game kinh điển như Pokemon Go như bây giờ. Còn nếu buông (và thực tế đã buông), thành công có được của Niantic nhờ sự độc lập, tự chủ và linh hoạt vẫn mang lại danh tiếng cho Google.
Hãng vẫn được tiếng là “lò ấp” tạo ra những công ty thành công như Niantic. Và nếu Niantic có thể khiến người dùng quen nhiều hơn với công nghệ AR thì đó sẽ là chiến thắng cho Google. Hiện Google đang dồn nguồn lực thúc đẩy phát triển công cụ bản đồ 3D “Tango”, có thể mang lại sức mạnh rất lớn cho người dùng smartphone trong trải nghiệm thực tế ảo.
Google hy vọng dự án Tango sẽ thơm lây nhờ Pokémon Go.
Google cũng có thể kiếm tiền từ thành công của Niantic. Sau vụ chia tách, Google đang để lại số cổ phần 30 triệu USD trong Niantic. Hiện chưa rõ khoản đầu tư có bao gồm lợi nhuận kiếm được từ Pokemon hay không. Nhưng Google không phải công ty non trẻ, hãng đã có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên chắc chắn không thể để vuột mất miếng ngon.
Tuy vậy, nếu thành công chỉ có thể đạt được khi Niantic độc lập khỏi Google thì chẳng lẽ Google cứ phải từ bỏ những “mỏ vàng” mà mình tạo ra? Hãng này, và kể cả công ty mẹ Alphabet và chương trình ươm tạo, đang cố thúc đẩy và giữ các công ty khởi nghiệp cùng chung một mái nhà. Thậm chí, họ còn áp đặt cả văn hóa doanh nghiệp chung cho toàn bộ các công ty nhỏ trực thuộc. Những lãnh đạo công ty con có tài luôn muốn hoạt động độc lập, và khi đã đủ lông đủ cánh thì họ sẽ tìm mọi cách để thoát ra.
Gia Nguyễn
Theo Zing
Người làm nên cơn sốt Pokémon Go
Cơn sốt Pokémon đã lan tỏa khắp mọi nơi. John Hanke - Giám đốc điều hành Niantic (công ty phát triển Pokemon Go) đã có những chia sẻ thú vị trên Business Insider.
Pokémon Go không phải là một trò chơi bình thường. Nhiều người chấp nhận bỏ những hoạt động đang làm để ra ngoài, tìm kiếm Pokémon với giấc mơ trở thành một nhà huấn luyện đại tài.
Đó chính xác là những gì mà John Hanke, Giám đốc điều hành của Niantic, nhà phát triển Pokemon Go muốn nhìn thấy.
Giám đốc điều hành Niantic - John Hanke. Ảnh: Makinggames.
"Bản thân trò chơi phải là công cụ để phát triển cuộc sống thực tế một cách lành mạnh", Hanke nói với Business Insider. Phần thưởng mà người chơi đạt được chính là việc đi ra ngoài và trải nghiệm cuộc sống, chứ không phải là "cảnh màn cuối với cái chết của một ông trùm nào đó".
Đội phát triển Pokémon Go của Niantic có 3 mục tiêu lớn khi xây dựng nên trò chơi này, theo Hanke.
1. Hoạt động thể chất. Nhiều ứng dụng hỗ trợ tập thể dục làm người chơi cảm thấy như mình thực sự "là một vận động viên Olympic đích thực". Hanke cho hay, Pokemon Go được thiết kế để giúp người chơi vận động nhiều hơn, và "Pokemon mà họ bắt được là phần thưởng chứ không phải áp lực".
2. Nhìn cuộc sống qua lăng kính mới. Đội ngũ phát triển muốn đưa người chơi đến những địa điểm thú vị trong thành phố mà họ sinh sống. Đó có thể là các di tích lịch sử, các điểm du lịch, thư viện, bảo tàng... bằng cách biến chúng thành Pokéstop và phòng GYM.
3. Kết nối mọi người. Ở tất cả mọi nơi trên thế giới, Pokemon khuyến khích người chơi cùng nhau ra ngoài và dạo quanh khu phố của họ. Ở mức độ cao hơn, người chơi phải tổ chức thành một đội để chinh phục các phòng GYM. Thiết kế này, theo Hanke mô tả, là "Pokémon Go sẽ giúp chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho nhau".
Pokémon Pikachu trong Pokémon Go. Ảnh: BusinessInsider.
Ngay sau khi Pokémon Go được phát hành, giá cổ phiếu của Nintendo đã tăng lên chóng mặt. Điều đó cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của Pokemon Go trong cách tiếp cận với thế giới điện thoại thông minh ngày nay.
Hanke cho biết đội ngũ của ông đã mất rất nhiều công sức, và cần thêm cả một chút may mắn mới làm nên trò chơi đang gây sốt này.
Trước Pokémon Go, Niantic đã được biết đến qua "Ingress", một trò chơi trên Android và iOS, cũng với ý tưởng đưa người chơi khám phá thế giới xung quanh và giành lấy lãnh thổ. Lúc cao điểm, Ingress có thể đạt được hàng triệu người chơi trên toàn cầu.
Pokémon Go giống như là phần tiếp theo kế thừa tinh thần của Ingress. Niantic đã đúc kết những kinh nghiệm từ Ingress, vẫn giữ cho người chơi được an toàn trong hành trình tìm kiếm Pokémon. Họ đưa Pokémon Go đến với mọi người và làm cho nó phổ biến.
"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một sân chơi cho tất cả mọi người", Hanke chia sẻ.
Cơn sốt Pokémon Go đã phủ sóng toàn cầu. Ảnh: Apkformod.
Hanke cho biết những ý tưởng đầu tiên đã nảy sinh từ một clip Cá tháng 4 năm 2014 về một trò chơi Pokemon thông qua ứng dụng di động được chia sẻ rất mạnh.
Niantic sau đó đã bắt tay hợp tác ngay với Nintendo và công ty Pokémon cho dự án Pokémon Go. Một điều mà Hanke không ngờ là Giám đốc điều hành của công ty Pokémon - Tsunekazu Ishihara - cũng là một tay chơi Ingress cự phách. Mọi chuyện sau đó diễn ra khá suôn sẻ.
Có một điều thú vị, trong khi Niantic yêu thích Pokemon, thì những người đứng đầu công ty Pokémon lại muốn sản phẩm giống với Ingress. Cả hai đều muốn Pokémon Go ra đời với những bản sắc của nhau.
"Chúng tôi đã học hỏi rất nhiều từ nhau", Hanke nói.
Cả hai công ty đã chia sẻ những yếu tố quan trọng như các mô hình ba chiều hay âm thanh với nhau. Họ muốn cho Pokémon Go giữ được bản sắc của phiên bản cổ điển.
Niantic muốn giữ bản sắc của phiên bản Pokémon cổ điển. Ảnh: BusinessInsider.
Nhà soạn nhạc Junichi Masuda sản xuất phần âm nhạc trên phiên bản Pokémon gốc "Red và Blue" đã viết thêm cho Pokémon Go. Ông đồng thời cũng giúp Niantic trong việc phát triển phần ném những quả cầu Poké vào quái vật với độ chính xác cao hơn, Hanke cho biết.
Mục tiêu của Niantic là làm sao để những fan của Pokemon cổ điển vẫn sẽ nhận ra những đặc trưng của việc đánh bắt và chiến đấu trong phiên bản mới, đồng thời vẫn giúp cho bộ phận người chơi khác dễ dàng tiếp cận được với trò chơi hơn.
Thực tế, Niantic muốn loại bỏ một vài thứ như các yếu tố tác động lên Pokémon giúp cho chúng tiến hóa hoặc trở nên mạnh hơn. Họ sợ điều này là quá phức tạp đối với người chơi mới. Nhưng sớm hay muộn, các đặc điểm từng có mặt trong phiên bản gốc cũng sẽ xuất hiện trên Pokémon Go.
"Chúng tôi tự hào khi vẫn giữ được tinh thần của phiên bản gốc", Hanke nói.
Đại Việt
Theo Zing
Điều gì xảy ra nếu bạn gian lận trên Pokemon GO? Nếu đang có ý định sử dụng những thủ thuật gian lận để săn bắt sinh vật trên Pokemon GO thì bạn có thể đọc qua những thông tin như bài viết sau đây. Hãy suy nghĩ kỹ trước các hành động gian lận khi chơi Pokemon GO. ẢNH: AFP Theo BGR, việc thu thập tất cả sinh vật Pokemon sẽ ảnh hưởng...