Tại sao chuyển và nhận tiền qua “một ngân hàng”?
Đó là băn khoăn mà cộng đồng doanh nghiệp đặt ra khi góp ý với Ngân hàng Nhà nước về dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch chuyển khẩu hàng hóa.
Ảnh minh họa
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Dự thảo thì “việc chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán cho hợp đồng mua hàng và việc nhận nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa của thương nhân phải được thực hiện tại cùng một ngân hàng được phép”.
Theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp để góp ý dự thảo, quy định này cần được xem xét ở một số điểm. Thứ nhất, về mục tiêu quản lý nhà nước, mục đích của quy định trên là “giúp ngân hàng được phép kiểm soát nguồn ngoại tệ chuyển ra, cũng như đảm bảo doanh nghiệp phải chuyển nguồn thu ngoại tệ về nước”.
ADVERTISEMENT
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo thì “mọi hoạt động thanh toán, chuyển tiền liên quan đến kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa phải thực hiện thông qua ngân hàng được phép”, tức là các nguồn thu ngoại tệ chuyển ra và nguồn thu ngoại tệ chuyển về đều có thể được kiểm soát thông qua các ngân hàng được phép.
“Do đó, yêu cầu hoạt động chuyển tiền thanh toán cho hợp đồng mua hàng và nhận tiền từ hoạt động bán hàng qua một ngân hàng được phép để đảm bảo mục tiêu trên là chưa thực sự hợp lý” – VCCI nhận định.
Video đang HOT
Không những thế, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp còn cho rằng, quy định trên có thể gây ra những khó khăn và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh chuyển khẩu. Kinh doanh chuyển khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện hai giao dịch (hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng) với hai nhóm khách hàng khác nhau.
Đối với mỗi giao dịch, đối tác khác nhau các bên có thể thỏa thuận các phương thức thanh toán với những ngân hàng khác nhau. Việc yêu cầu hoạt động chuyển tiền của hai giao dịch này phải thông qua một ngân hàng sẽ có thể tác động đến quyền tự do thỏa thuận của các bên, gây khó khăn, rủi ro cho hoạt động kinh doanh.
“Để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo giải trình vấn đề tại sao việc chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán cho hợp đồng mua hàng và việc nhận nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng trong cùng một giao dịch kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa của thương nhân được thực hiện tại nhiều ngân hàng được phép khác nhau thì không thể kiểm soát được nguồn thu ngoại tệ chuyển ra và đảm bảo doanh nghiệp phải chuyển nguồn thu ngoại tệ về nước và đánh giá các tác động của quy định này đối với doanh nghiệp, nhất là các vấn đề nêu ở trên. Trong trường hợp không giải trình thuyết phục, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 3 Điều 3 Dự thảo”, VCCI kiến nghị.
Khoản 5 Điều 3 Dự thảo quy định “nguồn thu ngoại tệ từ hợp đồng bán hàng phải chuyển vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của thương nhân mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng hoặc các chứng từ thanh toán”.
Từ thực tiễn hoạt động, các doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu nguồn thu ngoại tệ của hợp đồng phải chuyển vào tài khoản phù hợp với “thời hạn thanh toán” dường như chưa phù hợp bởi trên thực tế việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của các bên trong hợp đồng có thể xảy ra vi phạm về thời hạn, vì vậy trong trường hợp này nguồn thu ngoại tệ không thể chuyển vào tài khoản phù hợp với “thời hạn thanh toán của hợp đồng” được. VCCI cho rằng, để đảm bảo tính hợp lý, phải sửa đổi quy định để có thể dự liệu được các trường hợp trên thực tế có thể xảy ra.
Bách Nguyễn
Theo Baophapluat.vn
Cần phá rào tư duy để các Fintech phát triển
Sự phát triển như vũ bão của nhiều mô hình tài chính công nghệ (fintech) như ví điện tử, cho vay ngang hàng... đòi hỏi phải sớm có những quy định quản lý chưa từng có tiền lệ, trong đó, cơ chế sandbox - một dạng hành lang pháp lý thử nghiệm - được xem là giải pháp hợp lý nhất.
Việc ban hành cơ chế sandbox cho fintech sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.
Thực tế cho thấy, sự xuất hiện của hàng loạt fintech đang làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thế nhưng, đa phần fintech hiện còn hoạt động theo kiểu tự phát.
Với sự trợ giúp của công nghệ, fintech hoàn toàn có thể vươn rộng xuống vùng sâu, vùng xa, phát huy lợi thế của công nghệ và mạng điện thoại để phục vụ lượng khách hàng lớn, trên phạm vi rộng hơn, đồng thời đẩy nhanh tài chính toàn diện. Song để giúp các fintech phát triển, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải đột phá, thậm chí phá rào tư duy khi xây dựng các quy định pháp lý.
Đơn cử, muốn khuyến khích người dân thanh toán điện tử, thì việc sử dụng dịch vụ phải đơn giản, tiện lợi hơn.
Thế nhưng, theo quy định hiện hành, khách hàng phải có tài khoản ngân hàng mới sử đụng được ví điện tử và cũng chỉ được nạp tiền vào ví thông qua tài khoản ngân hàng. Nếu có cơ chế thử nghiệm cho phép ví được áp dụng xác thực điện tử (e-KYC) khi khách hàng mở ví, cho phép nạp tiền vào ví không thông qua tài khoản ngân hàng (với giao dịch nhỏ)... thì chắc chắn, thanh toán điện tử sẽ còn tăng trưởng với cấp số nhân.
Năm 2008, lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước cho phép thí điểm mô hình trung gian thanh toán. 10 năm sau, Việt Nam có cả một thị trường thanh toán điện tử trị giá hàng tỷ USD. Rõ ràng, sự mạnh dạn của cơ quan quản lý có thể làm thay đổi cả cục diện thị trường, mở ra một ngành công nghiệp mới.
Với fintech, đòi hỏi có thể còn cao hơn nhiều, trong khi đến nay, chưa bộ, ngành nào tại Việt Nam ban hành sandbox trong lĩnh vực mình phụ trách. Nếu càng chậm ban hành sandbox, thì càng thêm nhiều fintech đứng trước rủi ro bị hồi tố, Nhà nước càng thêm thất thu thuế.
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, sandbox là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn. Với Việt Nam, việc ban hành cơ chế sandbox cho fintech sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.
Những đòi hỏi của thị trường đang buộc cơ quan quản lý phải nhanh chóng ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ý tưởng, các mô hình kinh doanh mới.
Chính phủ cần trao thêm quyền và ban hành những quy tắc miễn trừ nhất định để các bộ, ngành có động lực để xây dựng và triển khai sandbox.
Hiện Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đầu tiên trình đề án sandbox thuộc lĩnh vực mình quản lý lên Chính phủ với nhiều cơ chế chưa từng có. Đề án này đang thắp lên hy vọng được cởi trói cho các fintech, nhất là các mô hình kinh tế chia sẻ mới như ví điện tử, cho vay ngang hàng...Thông qua cơ chế thử nghiệm, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động nắm bắt được sự vận động của thị trường, thúc đẩy sự phát triển của cái mới, nhưng vẫn đảm bảo được quản lý hiệu quả các ý tưởng mới, hạn chế tối đa rủi ro.
Kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế cho thấy, khi xây dựng và triển khai sandbox cần có những quyết định đột phá, thậm chí đi ngược với truyền thống. Vì vậy, để các cơ quan quản lý mạnh dạn triển khai sandbox, Chính phủ cần trao thêm quyền và ban hành những quy tắc miễn trừ nhất định để các bộ, ngành có động lực để xây dựng và triển khai sandbox.
Một yếu tố nữa là cơ chế sandbox đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin & Truyền thông... Do đó, nhằm đẩy mạnh triển khai cơ chế sandbox và điều phối nhịp nhàng hơn, Chính phủ có thể cân nhắc thành lập tổ công tác về sandbox gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trên. Đây cũng là bộ phận "một cửa" tiếp nhận hồ sơ đăng ký sandbox, cấp phép thực hiện và giám sát thực thi các hồ sơ được thử nghiệm... như mô hình mà Nhật Bản đang triển khai.
Theo Hà Tâm /baodautu.vn
Mâu thuẫn trong đề xuất về phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dường như đang có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) thu đổi tiền không đủ điều kiện lưu thông, với mục tiêu hạn chế sử dụng tiền mặt, tại Dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định phí rút tiền mặt...