Tại sao Apple và Google lại muốn ‘theo dõi’ người dùng
Dữ liệu của người dùng được các công ty sử dụng để xác định vị trí trong trường hợp người đó không bắt được sóng GPS.
Thực ra, các phần mềm trên điện thoại thông minh đều theo dõi người dùng. Các hãng thiết kế hệ điều hành cho smartphone, như Apple, Google, Research In Motion (RIM), Microsoft và Nokia đều thu thập thông tin về vị trí của người sử dụng. Họ cho biết, những hoạt động như vậy đều được thực hiện một cách nặc danh và người dùng không thể bị lộ danh tính.
Thông tin thu thập được đều được đăng tải lên một cơ sở dữ liệu chung do chính các công ty trên quản lý và vận hành. Một phần rất nhỏ được lưu trên điện thoại của người sử dụng. Những thông tin về địa điểm thực chất là những địa điểm cụ thể, cứ không phải là vị trí của các điểm truy cập Wi-Fi cũng như các trạm thu phát sóng gần đó.
Dựa vào các trạm phát sóng di động và Wi-Fi mà Apple xác định được vị trí người dùng. Ảnh: Tech-Buzz.
Họ đang làm gì với dữ liệu của người sử dụng?
Đây là một cách xác định vị trí người sử dụng trong trường hợp không bắt được sóng GPS. Những thông tin ấy rất quan trọng khi sử dụng bản đồ và các ứng dụng smartphone.
Điện thoại sẽ đối chiếu thông tin với cơ sở dữ liệu chung, đồng thời cũng dựa vào thông tin từ các trạm phát sóng và Wi-Fi gần đó. Nhờ đó, Apple, Google và các hãng khác có thể nhanh chóng xác định vị trí của người sử dụng.
Ưu thế của việc xác định vị trí người dùng thông qua những điểm truy cập rất nhanh. Nhưng bất lợi lại nằm ở chỗ thông tin thu được không chính xác. GPS lại gặp phải vấn đề hoàn toàn ngược lại, đó là thông tin về vị trí của người sử dụng thì cực kỳ chính xác nhưng để đạt được kết quả lại phải mất đến vài phút đồng hồ.
Bằng cách ước chừng vị trí của người dùng thông qua các điểm truy cập Wi-Fi và mạng lưới các cột phát sóng, smartphone có có thể xác định vị trí phải bắt sóng vệ tinh GPS, giúp cho quá trình xử lý nhanh hơn.
Video đang HOT
Tại sao phải sử dụng dữ liệu về vị trí người dùng để biết mạng lưới thông tin nằm ở đâu? Bởi vì phương pháp này không tốn nhiều chi phí.
Trước khi iPhone hỗ trợ GPS, Steve Jobs, CEO của Apple, đã có những tuyên bố hấp dẫn tại hội thảo Macworld 2008, rằng Apple đã hợp tác với Skyhook Wireless để sử dụng tính năng Wi-Fi hotspots nhằm xác định vị trí trên bản đồ Google Maps. Hiện tại, Nokia cũng đã sử dụng Skyhook cho ứng dụng bản đồ Ovi Maps.
Nhưng Apple sớm đã nhận ra rằng tại sao họ lại phải chi trả cho Skyhook trong khi hàng loạt thiết bị của họ đang được sử dụng có thể giao tiếp với các trạm phát sóng Wi-Fi.
Microsoft, công ty có nền tảng người sử dụng điện thoại thông minh nhỏ hơn, cũng đang bổ sung thêm dữ liệu phát triển người dùng bằng những thông tin về vị trí được thu thập bởi các đội tìm kiếm Wi-Fi và các trạm không dây quanh đó.
Google cũng làm một việc tương tự với ứng dụng bản đồ sử dụng trên xe hơi của mình. Công ty này cũng không nói rõ thông tin thu thập được có được sử dụng để xác định vị trí của người dùng Android hay không.
Ai có thể truy cập những dữ liệu đó?
Người sử dụng có thể truy cập những thông tin về vị trí của bản thân trên điện thoại của mình nếu họ biết cách.
Ví dụ, với iPhone, dữ liệu về vị trí có thể được lưu trữ trên máy tính khi người sử dụng kết nối điện thoại và PC. Nhưng Apple cho biết việc này sẽ kết thúc trong đợt cập nhật phần mềm sắp tới của iPhone. Apple cũng sẽ sớm cho phép người dùng mã hoá những thông tin về vị trí trên những thiết bị của mình.
Hiện tại, Apple cho phép người sử dụng truy cập tất cả dữ liệu về vị trí của mình, có thể cách đó vài thàng hoặc thậm chí vài năm. Sau lần cập nhật phần mềm sắp tới, các thiết bị của Apple sẽ chỉ cho phép thu thập thông tin từ 7 ngày trước đó và xoá những thông tin cũ hơn.
Google, Microsoft và RIM không bình luận gì thêm về số lượng thông tin mình đã thu thập.
Người dùng hoàn toàn có thể không cho các công ty trên thu thập dữ liệu về vị trí của mình.
Apple đã tự động bật dịch vụ xác định vị trí đối với tất cả người dùng iPhone, nhưng bạn có thể tắt tính năng này trong mục cài đặt. Tuy nhiên, thông tin về vị trí vẫn sẽ bị thu thập ngay cả khi dịch vụ này bị tắt. Nó chỉ hoàn toàn bị vô hiệu hoá trong đợt cập nhật phần mềm, sửa lỗi sắp tởi của Apple.
Microsoft và RIM cũng bật dịch vụ xác định vị trí một cách mặc định, nhưng đều có thể tắt tính năng này trong mục cài đặt của BlackBerry và Windows Phone.
Google gợi ý người dùng nên chọn lựa những dịch vụ xác định ví trí khi cài đặt thiết bị chạy Android, và nếu như các bước cài đặt bị bỏ qua, hệ thống sẽ tự động không đăng ký dịch vụ cho người dùng. Trong trường hợp tính năng này được kích hoạt, hệ thống Android sẽ hiện lên thông báo giải thích những thông tin như thế nào sẽ được thu thập và hỏi người dùng xác nhận hay từ chối.
Theo Số Hóa
Apple và câu chuyện về bài thí nghiệm dành cho Đức Quốc Xã
Apple có được niềm tin rất lớn từ phía khách hàng, và Apple đã làm những gì để bảo vệ niềm tin ấy, khi hãng đang phải đối mặt với những câu hỏi ngày càng gay gắt về việc: "Tại sao lại theo dõi tôi?" từ phía người sử dụng các thiết bị iOS.
Cho những ai chưa kịp cập nhật với những diễn biến mới của sự việc trong tuần gần đây: Một phân tích cho thấy các thiết bị sử dụng iOS 4 ghi lại và lưu trữ trên máy, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng các thiết bị chạy iOS 4 (bao gồm iPad 1, 2, iPhone 3G, 3GS, 4) đang âm thầm ghi lại các dữ liệu về vị trí của người sử dụng (bằng cách đọc vị trí hiện thời của máy thông qua mạng Wifi hay sóng di động). Các dữ liệu này, khi kết hợp lại với nhau sẽ trở thành một "nhật ký hành trình" của người sử dụng. Nghiêm trọng hơn đó là các thiết bị kể trên làm việc này hoàn toàn âm thầm, người sử dụng không được cảnh báo về việc lộ trình di chuyển của mình đang bị lưu giữ và có thể bị người khác xem lại sau này. Các lo ngại về vấn đề quyền riêng tư của người sử dụng đã lan ra rất nhanh trong cộng đồng người sử dụng iPhone.
Và hôm nay, Apple đã chính thức lên tiếng về vụ việc này, CEO của Apple, Steve Jobs cũng trả lời thân mật với một khách hàng khi bị chất vấn về vụ bê bối này của các thiết bị iOS. Nhìn chung, nội dung của thông cáo báo chí phát đi từ Apple không có gì đặc biệt, GenK xin tóm lược lại những ý chính để bạn đọc tiện theo dõi:
- Các thiết bị của Apple không hề ghi lại tọa độ của người sử dụng, mà chúng ghi lại tọa độ của các trạm BTS, Wifi gần với vị trí của người sử dụng.
- Các dữ liệu này được lưu trữ với mục đích tạo thành một cơ sở dữ liệu về các trạm thu phát Wifi, giúp người sử dụng dễ dàng hơn trong việc tìm được các điểm kết nối wifi. Đồng thời iPhone cũng sử dụng dữ liệu này để tăng tốc độ khóa tọa độ khi sử dụng GPS.
- Các dữ liệu này được gửi về cho máy chủ của Apple để thực hiện công việc phân tích dưới dạng ẩn danh. Apple không và không thể sử dụng các dữ liệu này để theo dõi 1 khách hàng cụ thể nào.
- Việc người sử dụng không thể dừng hành vi đệm địa chỉ trên iOS là một lỗi của hệ điều hành này. Trong vài tuần tới, Apple sẽ đưa ra bản vá để người sử dụng có thể bỏ đi hành vi này của iOS.
Thông cáo này, thực ra là sự giải thích rõ ràng hơn tuyên bố ngắn gọn của Steve Jobs: Chúng tôi không theo dõi bạn, chúng tôi chỉ ghi lại địa chỉ của những nơi bạn đi qua (Và rất tiếc là người ta có thể theo dõi bạn bằng thông tin này, về chuyện này thì chúng tôi không quan tâm). Steve cũng không quên "chua" thêm một câu "tố" các smartphone chạy Android theo dõi người sử dụng, còn iPhone thì không. Cách giải thích này của Apple cũng tỏ ra thiếu thuyết phục vì thứ 1 là việc ghi lại địa chỉ của các điểm truy cập WiFi , hay vị trí của các trạng BTS cũng có thể dẫn đến việc tìm ra vị trí của người sử dụng, dù không quá chính xác, nhưng cũng vẫn rất đáng lo. Thứ 2 nếu việc ghi chép này thực sự chỉ dành cho việc lập 1 bản đồ về các điểm truy cập Wifi thì tại sao lại phải kèm cả thông tin về thời gian trong các dữ liệu đó? Đồng thời việc thu thập lại không có chọn lọc mà ở dạng ghi lại toàn bộ lộ trình của người sử dụng, nếu làm thế thì sẽ có rất nhiều địa điểm bị ghi chép trùng lặp, như thế không phải là sẽ rất lãng phí băng thông truyền dẫn dữ liệu này?
Sẽ là rất khó tin nếu nói những dữ liệu chi tiết như thế này lại vô hại khi bị sử dụng với mục đích xấu.
Tuy nhiên bài viết này của tôi không nhằm mục đích lôi ra những luận điểm về kỹ thuật mà đại đa số bạn đọc không hiểu, hoặc không quan tâm. Bài viết này của tôi sẽ chỉ bình luận về tuyên bố ấy của Apple, và những phản ứng của người sử dụng quanh thông cáo từ phía "Quả táo cắn dở".
Apple và câu chuyện niềm tin
Tôi từng nghe trong thế chiến thứ 2, để lý giải sự tàn ác của phát xít Đức, các nhà khoa học của đại học Yale, Hoa Kỳ đã tiến hành một thí nghiệm tên gọi là thí nghiệm Milgram. Về cụ thể nội dung của thí nghiệm này, các bạn có thể tìm đọc trên mạng, nhưng tựu chung lại, thí nghiệm Milgram đã khẳng định một điều rằng : Dưới áp lực của mệnh lệnh, con người ta sẵn sàng làm cả những điều có thể gây phương hại đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người khác.
Hiểu rộng ra, đại đa số chúng ta đều có xu hướng nghe theo sự sai bảo của một người "có vẻ" có quyền lực/chuyên môn, mặc dù bản thân chúng ta có thể không đồng ý hoặc không hiểu mệnh lệnh đó. Quay trở lại với câu chuyện của Apple và Steve Jobs. Nhớ lại thời điểm iPhone 4 bị dính lỗi "death grip": Các máy iPhone 4 có hiện tượng mất sóng khi bị cầm bằng tay trái, chạm vào phần viền kim loại của máy. Một khách hàng email hỏi Steve về chuyện này, và Steve trả lời gọn lỏn "Thế thì đừng có cầm máy kiểu đấy nữa".
Steve bảo bạn là bạn đang cầm điện thoại sai cách, chứ không phải là iPhone có lỗi, và bạn tự nhiên bạn nhận ra rằng từ trước đến giờ mình toàn cầm điện thoại... không đúng cách. Bạn tránh phần viền kim loại ra, cố tìm cách "chiều" chiếc smartphone khó tính, thay vì tiếp tục tìm cách chất vấn Steve và Apple sâu hơn về vấn đề này. Steve là "nhà chức trách", và khi nhà chức trách lên tiếng, đa số chúng ta đều có xu hướng làm theo lời họ mặc dù bản thân chúng ta cũng không "phục" những mệnh lệnh này cho lắm.
Không phải thế là không phải thế...
Thêm một ví dụ nữa: khi được hỏi về việc Apple cấm nội dung khiêu dâm (porn) trên điện thoại di động, Steve cũng buông gọn một câu "Nếu bạn thích xem các nội dung "người lớn", bạn có thể mua điện thoại chạy Android".
Cũng chẳng rõ có bao nhiêu người đổi từ iPhone sang Android vì porn, nhưng rõ ràng là sau lời tuyên bố này của Steve, chẳng ai thắc mắc gì về nội dung khiêu dâm nữa, tất cả đều ngậm bồ hòn làm ngọt. Nếu bây giờ điểm lại, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy, Steve và Apple thường xuyên "khuyên" người sử dụng về cái gì nên làm và cái gì không nên làm. "Và vì lợi ích của bạn, chúng tôi đã cấm luôn nội dung(dịch vụ, ứng dụng) mỗ mỗ trên iPhone". Và ngạc nhiên một điều là dường như các ifans "chung sống" với các cấm lệnh này một cách khá cam chịu.
Và lần này, Steve lại đẩy câu chuyện đi xa hơn, khi đã tuyên bố với khách hàng rằng: "Chúng tôi không theo dõi bạn, Android thì có".
Ai sẽ là người chuyển từ iOS sang Android vì sự cố này?
Nói một câu ngắn gọn: Không ai cả. Sự thực là như thế, và bạn sẽ thấy tôi nói đúng. Mua 1 chiếc iPhone đồng nghĩa với việc bạn phải chia tay với flash, porn, và bây giờ có thể là cả quyền riêng tư nữa. Thế nhưng số lượng kích hoạt mới các thiết bị chạy iOS vẫn "giữ phong độ" ở mức 300.000/ngày. Dường như sức hút từ iDevices quá lớn, đã làm khách hàng "quên" mất quyền của mình.
Có thể khách hàng của Apple sẽ cảm thấy bị phản bội, bị coi thường, bị đối xử như những thằng ngốc ngay trong thời điểm này. Thế nhưng chỉ một thời gian nữa thôi, khi "nhiệt" của sự kiện đã lắng, sẽ chẳng còn ai cảm thấy lo lắng về vấn đề này nữa, và khi vụ việc đã "chìm xuồng", iOS vẫn sẽ thẳng tiến mà không rụng một cọng lông, sợi tóc. Chúng ta đã từng học cách chung sống với 1 thế giới không flash, không copy paste, không ứng dụng đa nhiệm, không truyện tranh, không porn và còn không rất nhiều thứ nữa. Lần này chỉ đơn giản là khách hàng sẽ phải học cách sống trong một thế giới không có sự riêng tư.
Vì sao lại đặt vấn đề có vẻ nghiêm trọng như thế?
Đây có vẻ là thắc mắc của rất nhiều người. Họ sẽ hỏi: "chiếc iPhone của tôi hoạt động vẫn tốt, không có gì trục trặc, dường như sự cố này không ảnh hưởng trực tiếp đến tôi. Vậy thì tại sao mọi người (trong đó bao gồm cả người viết bài này) lại tỏ ra quan tâm quá nhiều đến sự cố này, thậm chí lại lên án Apple một cách thậm tệ như vậy?"
Liệu khách hàng có nghi ngại hơn khi đứng trước các iDevices do ảnh hưởng của sự kiện này?
Câu trả lời đó là lỗi này không thực sự "vô hại" như bạn nghĩ. Và vấn đề là ở chỗ, một sự cố như thế này xảy ra, không phải cứ gây ra hậu quả cụ thể thì mới là nghiêm trọng. Thực ra hành vi ghi lại lộ trình của người sử dụng tồn tại cả trên Android, và hầu như tất cả các thiết bị có tính năng định vị GPS, thế nhưng phản ứng của chúng ta đối với Android lại không nặng nề bằng, bởi vì chúng ta được quyền lựa chọn có cho Android ghi lại vị trí của mình hay không. Việc Android thông báo cho người sử dụng một cách minh bạch về việc này khiến tất cả đều hài lòng và không ai thắc mắc gì.
Thậm chí, chúng ta chỉ đòi hỏi Apple trả lời khách hàng một cách thẳng thắn, thừa nhận những thiếu sót của hãng trong việc bảo đảm quyền riêng tư của khách hàng, hoặc ít nhất là một lời xin lỗi chính thức từ phía Apple. Nếu Apple làm được một trong những điều kể trên, có lẽ chúng ta sẽ có cách nhìn khác đối với "Táo sứt".
Thế nhưng những gì mà Apple làm lại là từ chối trách nhiệm, lấp liếm sự việc bằng những giải thích sơ sài và thậm chí có thể là thiếu trung thực. Đồng thời Steve lại vẫn muốn chiếm thế thượng phong so với Android bằng cách "chĩa mũi dùi" sang phía hệ điều hành này. Cách làm "đánh bùn sang ao" của Apple thực sự đã khiến nhiều người cảm thấy thất vọng. Và chúng ta cảm thấy thất vọng không phải là vì Apple làm sai, mà là vì Apple luôn luôn tìm cách che giấu lỗi sai của mình bằng cách phủ nhận những sự thực mà ai cũng nhìn thấy. "iPhone 4 bị lỗi Ăng-ten? Không, là bạn cầm nó sai cách. iPhone 4 đang theo dõi khách hàng? Không, toàn chuyện bịa thôi".
Thay cho lời kết
Apple là một hãng lớn, và cách mà Apple ứng xử với những sự cố như thế này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến hình tượng của hãng. Từ nhiều năm nay, Apple đã xây dựng được một hình ảnh thân thiện, ổn định và đáng tin cậy cho những sản phẩm của mình. Thế nhưng bằng những hành động và tuyên bố phản cảm, dường như Apple đang tự bôi nhọ hình ảnh vốn rất đẹp trong lòng người sử dụng và những ai quan tâm đến hãng.
Chúng ta có thể hiểu rằng với một CEO có tiếng là độc đoán như Steve, Apple chắc chắn sẽ bám sát theo những gì mà hãng tuyên bố hôm nay. Sẽ không có chuyện Apple nhận sai, và đính chính lại những phát biểu của mình. Tuy nhiên, ở vị thế là "thượng đế", bạn hãy tự nhận thức và biết trân trọng những quyền mà mình đáng được hưởng. Chúng ta xứng đáng được tôn trọng, được đối xử bằng một thái độ cầu thị và thành thật. Chúng ta xứng đáng được quyền lựa chọn cho bản thân những gì mình cần và muốn, chứ không phải trao quyền lựa chọn cho một hãng hay một cá nhân chỉ có mỗi một mục đích duy nhất đó là "vơ vét" lợi lộc về cho mình.
Kết luận ấy có lẽ đúng với tất cả các hãng sản xuất ở mọi lĩnh vực, ngành nghề chứ không riêng gì Apple.
Theo PLXH
Apple chính thức phủ nhận "theo dõi người dùng" Trước những cáo buộc Apple vi phạm quyền riêng tư vì tự ý theo dõi dấu vết người dùng iPhone, sau một thời gian dài im lặng, cuối cùng Apple đã chính thức lên tiếng. Apple mới đây đã công bố những chi tiết để giải thích cách thức và lý do mình thu thập dữ liệu về vị trí của người dùng....