Tai nạn mỏ than ở Trung Quốc, 16 người chết, 1 người nguy kịch
Các vụ tai nạn hầm mỏ thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc, nơi điều kiện và các quy định về an toàn lao động còn lỏng lẻo.
Lực lượng cứu hộ được triển khai tới mỏ khai thác than Songzao ở Trùng Khánh, Trung Quốc sau vụ rò rỉ khí carbon monoxide CO ngày 27/9/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo Tân Hoa xã, ngày 27/9, giới chức địa phương cho biết trong vụ tai nạn mỏ than ở thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc cùng ngày, đã có 16 thợ mỏ thiệt mạng và 1 người còn lại đang ở tình trạng nguy kịch.
Mỏ than trên thuộc công ty năng lượng Trùng Khánh, nằm ở huyện Kỳ Giang, ngoại ô thành phố Trùng Khánh.
Rạng sáng cùng ngày, băng chuyền của mỏ bị bắt lửa và dẫn tới lượng khí carbon monoxide (CO) vượt mức an toàn, khiến 17 thợ mỏ mắc kẹt bên trong.
Hiện người sống sót duy nhất đang được cấp cứu tại bệnh viện. Nhà chức trách cũng đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.
Các vụ tai nạn hầm mỏ thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc, nơi điều kiện và các quy định về an toàn lao động còn lỏng lẻo.
Vào tháng 12 năm ngoái, ít nhất 14 thợ mỏ đã thiệt mạng trong vụ nổ tại một mỏ khai thác than và khí đốt ở tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam.
Trước đó, vào tháng 10/2018, vụ sập hầm mỏ tại tỉnh Sơn Đông, miền Đông, cũng đã cướp đi sinh mạng của 21 thợ mỏ./.
Video đang HOT
Trung Quốc xây nhà cho dân để xóa đói nghèo
Trong phòng khách thơm mùi sơn mới treo chân dung Chủ tịch Tập Cận Bình, Ashibusha ôm con gái ngồi cạnh chiếc ghế "quà tặng của chính phủ".
Người phụ nữ ba con này nằm trong số 6.600 thành viên cộng đồng thiểu số dân tộc Di, những người đã rời khỏi 38 ngôi làng miền núi ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, đến một thị trấn mới xây theo sáng kiến chống đói nghèo của chính phủ.
Những người nông dân từng canh tác bên sườn núi nay được nhận vào làm việc trong một trang trại trồng táo. Trẻ con, những em bé chỉ biết nói tiếng Lô Lô mẹ đẻ, nay đi học tại trường mẫu giáo giảng dạy bằng tiếng Hán, ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc.
"Mọi người đều ở cùng nhau", Ashibusha, 26 tuổi, nói.
Toàn cảnh khu tái định cư Gan'en ở châu tự trị dân tộc Di, Lương Sơn, Tứ Xuyên, hôm 28/8. Ảnh: Xinhua.
Trong khi những quốc gia khác đầu tư vào phát triển khu vực nghèo đói, Bắc Kinh không ngần ngại thực hiện dự án tham vọng hơn, đó là di dời các cộng đồng dân tộc thiểu số tới những thị trấn mới xây trong nỗ lực hiện đại hóa đất nước. Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố mục tiêu chấm dứt đói nghèo cùng cực vào cuối năm nay, trước kỷ niệm 100 năm quốc khánh vào năm 2021.
Nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố những sáng kiến này đã giúp hàng triệu người thoát đói nghèo, nhưng chúng cũng đòi hỏi những hành động quyết liệt, như phải di dời cả cộng đồng đến nơi ở mới.
Một số người chỉ trích động thái này là nỗ lực xóa bỏ các nền văn hóa, vì nó thúc đẩy các nhóm dân tộc thiểu số chấp nhận ngôn ngữ và lối sống của người Hán, vốn chiếm hơn 90% dân số Trung Quốc.
Trước những chỉ trích như vậy, giới chức Trung Quốc đã mời phóng viên AP đến Gan'en, khu tái định cư của người Di ở Thành Bắc, Châu tự trị dân tộc Di ở Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, và 4 thôn nữa là Xujiashan, Qingshui, Daganyi và Xiaoshan để cho thấy họ quan tâm tới văn hóa các dân tộc thiểu số tới mức nào.
Những khu tái định cư này thuộc dự án mà chính quyền coi là đã thành công trong việc phát triển cộng đồng dân tộc Di ở Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Đây cũng là một trong số hàng trăm sáng kiến được đưa ra trong 4 thập kỷ qua nhằm đưa phồn vinh từ khu vực phía đông của Trung Quốc tới các vùng nông thôn và khu vực phía tây.
Việc di dân hàng loạt tới các khu tái định cư bởi một số khu dân cư ở miền núi quá xa xôi, cách trở, theo Wang Sangui, giám đốc Viện Nghiên cứu Xóa đói Giảm nghèo Trung Quốc thuộc đại học Nhân dân Bắc Kinh. "Không thể giải quyết nghèo đói tuyệt đối nếu không di dời họ", ông nói.
Tại Tứ Xuyên, nơi có những khu vực nghèo đói nhất Trung Quốc, chính quyền đã rót 12 tỷ USD tái định cư 1,4 triệu người, theo Bành Thanh Hoa, bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên. Ông cho hay số tiền này bao gồm xây 370.000 ngôi nhà mới và hơn 110.000 km đường giao thông nông thôn.
Tại khu tái định cư Gan'en, chính quyền chi 60 triệu USD xây 25 tòa nhà màu trắng giống hệt nhau với tổng cộng 1.440 căn hộ, cùng một bệnh viện, một trường mẫu giáo và một trung tâm dưỡng lão.
Những người làm thủ công bán đồ trang sức, đầu bò được sơn vẽ và quần áo truyền thống cho khách du lịch người Hán. Phụ nữ dân tộc Di có thể học nghề bảo mẫu, công việc đang có nhu cầu cao ở thành thị Trung Quốc, trong các lớp học thực hành bằng búp bê nhựa màu hồng.
Phụ nữ dân tộc Di ở khu tái định cư Gan'en, Lương Sơn, Tứ Xuyên, học nghề bảo mẫu hôm 11/9. Ảnh: Xinhua.
Biển báo ven đường kêu gọi người dân nói ngôn ngữ chính thức với những khẩu hiệu như "Hãy nói tiếng Hán khi vào trường mẫu giáo", "Nói tiếng Hán lưu loát sẽ thuận tiện hơn cho mọi người", "Ai cũng nói tiếng Hán, bông hoa văn minh sẽ nở khắp mọi nơi".
Tranh vẽ trên tường các tòa nhà mô tả người Di và người Hán sinh sống hòa hợp. Một bức vẽ cảnh em bé ôm trái tim trang trí bằng biểu tượng búa liềm.
Trong thôn Xujiashan, thu nhập bình quân của các hộ gia đình đã tăng từ 260 USD năm 2014 lên 1.600 USD, theo phó bí thư thôn Zhang Lixin.
Bí thư châu tự trị Lương Sơn Lin Shucheng thừa nhận sáng kiến di dời dân không hoàn toàn vì mục đích kinh tế.
"Các nhà chức trách muốn xóa bỏ những thói quen lỗi thời", Lin nói, nhắc tới những tập tục như của hồi môn xa hoa, giết thịt quá nhiều động vật để làm đám tang và thói quen vệ sinh kém. "Chúng tôi đang chiến đấu chống lại những thói quen thâm căn cố đế".
Chính quyền Lương Sơn khẳng định họ đang bảo tồn ngôn ngữ Lô Lô của người Di thông qua chương trình giáo dục song ngữ ở trường học, thành lập một tờ báo và một kênh truyền hình tiếng Lô Lô nhờ sự giúp đỡ của chính phủ.
"Chúng tôi bảo vệ và thúc đẩy việc học, sử dụng và phát triển tiếng Di", bí thư tỉnh Tứ Xuyên nói.
Một lớp học mẫu giáo ở khu tái định cư Gan'en hôm 28/8. Ảnh : Xinhua.
Lin, bí thư Lương Sơn, cho hay khu vực này cũng giống nhiều nơi khác ở Trung Quốc, đang khó khăn vì Covid-19. Tuy nhiên, công tác chống đói nghèo đang quay lại đúng hướng và nhà chức trách tự tin có thể hoàn thành mục tiêu xóa đói nghèo đúng thời hạn mà chính phủ giao phó.
Những người lớn tuổi trong thôn hoan nghênh sáng kiến chống đói nghèo của chính quyền bởi đời sống của họ được cải thiện.
"Giờ chúng tôi muốn ăn gì đều có", cụ bà Wang Deying, 83 tuổi, có 5 đứa cháu, nói. "Bây giờ đến lợn cũng được ăn cơm".
Pakistan: Sạt lở đá, ít nhất 38 người chết và mất tích Ngày 8-9, tờ Daily Sabah dẫn lời giới chức Pakistan cho biết, ít nhất 18 người chết, 20 người mất tích trong vụ sạt lở đá xảy ra tại một mỏ đá ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan. Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ sạt lở mỏ đá thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan ngày...