Tắc ruột non – Nguy hiểm, vì sao?
Tắc ruột non có thể do nguyên nhân cơ học hay do liệt ruột. Tuy ruột liệt vô động lực hay xảy ra hơn, nhưng thường tự giới hạn và không phải phẫu thuật. Tắc cơ học có thể gây nên bởi những yếu tố nội tại hay ngoại lai. Nếu tắc ruột non hoàn toàn, không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phúc mạc và tử vong.
Vì sao bị tắc ruột non?
Một người bị tắc ruột non thường do các nguyên nhân sau: dính ruột, thoát vị, ung thư chiếm hơn 90% các trường hợp. Dính ruột sau mổ là hay gặp nhất gây tắc ruột non (56%). Thoát vị nghẹt chiếm (25%). Tắc ruột do dính chiếm khoảng 5% bệnh nhân hậu phẫu nội soi. Thoát vị bẹn và thoát vị đùi cũng có thể gặp. Những nguyên nhân khác ít gặp hơn gồm: ung thư, viêm ruột, sỏi mật, xoắn ruột, lồng ruột, áp- xe, các thương tổn bẩm sinh, do giun đũa…
Dính duột sau phẫu thuật dễ gây tắc ruột.
Dấu hiệu nhận diện tắc ruột non
Khi bị tắc ruột, bệnh nhân thường đau bụng và trướng bụng. Tính chất đau quặn, đôi khi co thắt ở vùng thượng vị hay quanh rốn. Khi tắc, phản xạ ruột non thường gây trướng bụng nhiều hơn. Bệnh nhân bị nôn và bí trung, đại tiện. Nôn thường xảy ra muộn, nếu nôn ra chất phân là do tắc ở đoạn cuối của ruột non. Bí trung, đại tiện rõ nhất khi tất cả phân ở đoạn ruột dưới chỗ tắc được thụt tháo sạch. Khi tắc ruột non hoàn toàn ở giai đoạn sớm có thể khó chẩn đoán.Trường hợp bệnh nhân chỉ bị tắc ruột non bán phần thường tiếp tục trung tiện (đánh hơi) và đi cầu ra ít phân. Tuy nhiên khi tắc ruột non bán phần hay hoàn toàn giai đoạn đầu cũng có triệu chứng tương tự, nên cần phải chú ý phân biệt với tắc hoàn toàn. Khám bụng thường thấy bệnh nhân nhạy cảm đau lan tỏa. Cần chú ý phát hiện thoát vị hay các khối u. Thăm trực tràng thường chỉ thấy một vòm trống rỗng, nhưng đôi khi có thể phát hiện một khối u hay phân bị nêm chặt. Khi ruột bị tắc, dịch ứ đầy lòng ruột do sự giảm hấp thụ và sự tăng tiết dịch. Các dịch tiết của dạ dày, tụy, dịch mật cũng tích tụ trong lòng ruột. Dịch có thể thấm qua thành ruột gây phù thành ruột và có thể rỉ vào trong phúc mạc. Do ứ dịch tại ruột, nôn nhiều làm cho bệnh nhân bị mất nước và chất điện giải nghiêm trọng dẫn đến choáng. Nếu quá trình này kéo dài, ruột giãn ra, tổn thương mạch máu, do áp lực trong lòng ruột tăng lên hay do thắt nghẹt có thể dẫn đến hoại tử và thủng ruột. Vi khuẩn từ ruột đi vào thành ruột bị thương tổn, tăng sinh và xâm nhập vào phúc mạc gây nên viêm phúc mạc dẫn đến tử vong cao.
Khi tắc ruột non hoàn toàn thường khó phân biệt với thắt nghẹt ruột trong giai đoạn sớm. Bệnh nhân thắt nghẹt ruột có thể có sốt, nhịp tim nhanh, nhạy cảm đau rõ rệt ở bụng, cảm ứng phúc mạc, tiếng động ruột bị giảm, hay thấy một khối u ở giai đoạn muộn. Xét nghiệm có thể nhiễm toan chuyển hóa, amylase… Những dấu hiệu Xquang của một tắc quai đóng bao gồm dấu hiệu hột cà phê, xoắn manh tràng, quai căng khí với lòng được ngăn cách bởi một dải ruột phù nề lớn, đặc, dấu hiệu u giả: quai ruột đầy dịch như một khối u. Phim chụp không chuẩn bị có độ nhạy cảm 41 – 86% và tính đặc hiệu 25 – 85%. Chụp CT scan bụng có độ nhạy cảm 100% và tính đặc hiệu 83% nên rất có giá trị chẩn đoán.
Video đang HOT
Chữa trị và phòng bệnh
Cấp cứu một trường hợp tắc ruột gồm: trợ tim phổi, bồi phụ chất điện giải, đặt ống thông mũi – dạ dày để giảm đè ép, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Do khó phân biệt một tắc ruột non nghẹt với một tắc ruột non hoàn toàn, nên cần hội chẩn ngoại khoa sớm. Nếu tắc ruột không hoàn toàn thường được xử trí không phẫu thuật trong khoảng 48 giờ, nếu không kết quả phải can thiệp ngoại khoa sớm.
Điều trị liệt ruột cần duy trì thể tích trong huyết quản. Hạn chế ăn uống bằng đường miệng, điều chỉnh các chất điện giải, đặc biệt là giảm kali-huyết. Cần đặt một ống thông mũi-dạ dày hay miệng-dạ dày để điều trị triệu chứng trướng bụng và gây khó chịu. Ngưng ngay các thuốc làm chậm nhu động ruột như opiate. Trường hợp liệt ruột kéo dài trên 3 – 5 ngày, cần chụp hình ảnh để phát hiện nguyên nhân gây tắc ruột.
Phòng bệnh: cần điều trị tốt các bệnh là nguyên nhân gây dính ruột, thoát vị, hậu phẫu nội soi, ung thư, viêm ruột, sỏi mật, lồng ruột, áp-xe, giun đũa…
ThS. Bùi Quỳnh Nga
Theo Sức khỏe đời sống
Thầy giáo liệt 18 năm dạy tiếng Chăm không lương
Dù bị liệt hai chân, thầy vẫn dốc hết tâm trí, sức lực để duy trì vốn chữ Chăm cho trẻ em người dân tộc.
Ở ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh có một người thầy bị liệt hai chân, kiên trì dạy chữ Chăm không biên chế, không lương cho con em đồng bào dân tộc Chăm suốt 18 năm nay.
Bị "bắt" làm thầy
Thầy Chàm To Hiết bị bệnh teo chân từ nhỏ, không tự đi đứng được. Trước đây, thầy theo cha mẹ sống ở Campuchia ven biên giới với Việt Nam mở lớp dạy tiếng Chăm. Một số trẻ em người dân tộc Chăm ở Tây Ninh nghe tiếng đã sang đó học với thầy. Trong một lần về nhà học trò ở Tây Ninh chơi, thầy "bị" các già làng "bắt cóc" giữ lại cưới vợ cho và làm thầy giáo ở ấp Chăm từ đó đến nay.
Bà Thị Ha, mẹ vợ của thầy, kể: "Lúc mới về, cuộc sống nó khó khăn lắm, không có nhà, không có trường để dạy nên rất bị động. Mới đó mà giờ nó có tới năm mặt con rồi đó, học trò thì cả ngàn đứa không tài nào nhớ hết".
Thầy Chàm To Hiết ngồi trên bàn dạy chữ Chăm.
Trường của thầy được Nhà nước xây năm 1993, ban ngày dành cho các em học tiểu học, buổi tối thầy dạy tiếng Chăm. Sau khi xã xây trường mới, trường này giao hẳn lại cho thầy. Nói là trường vậy thôi nhưng thực ra chỉ có hai phòng học hoen ố, xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Thầy kể: "Hồi mới xuống đây, cái trường Chăm này có nóc mà không có tường đâu, mình vừa dạy, vừa ở ngay trong trường luôn, thấy thầy sống một mình buồn nên các em học sinh thay phiên nhau qua sống chung cho vui. Vậy mà giờ đứa nào cũng lớn, cũng thành đạt hết".
Trăm bề thiếu thốn Nhà thầy Chàm To Hiết ở sát mé trường, cứ đến giờ, thầy đẩy xe lăn vào lớp, ngồi trên bàn vừa viết chữ lên mặt bảng, vừa dạy phát âm từng chữ một. Học trò bên dưới cả mấy chục em bi bô đọc theo.
Duy trì tiếng Chăm
Thầy khiêm tốn kể: "Trong xã chỉ có lớp dạy tiếng phổ thông thôi, không có lớp dạy tiếng Chăm, chỉ có dưới phố mới có. Mình biết tiếng Chăm nên dạy học cho các em thứ tiếng mà mình biết. Nếu mình không dạy, các em chỉ biết đọc mà quên đi cái mặt chữ. Tiếng là thầy nhưng chỉ là người biết dạy cho người không biết thôi. Mình dạy không lấy tiền, ai có thì góp 1.000 đồng/buổi để mình mua phấn, trả tiền điện, ai không có thì thôi".
Thầy kể tiếp: "Mình dạy cho chúng, sau này chúng giỏi, sẽ dạy thêm cho các thế hệ sau này. Như thế ai cũng tiến bộ. Đã chấp nhận làm thầy là phải dạy thôi. Nhiều hôm có một, hai em cũng phải dạy chứ thấy ít mà bỏ lớp sinh quen, lớp rất dễ vỡ. Phải dạy thường xuyên, đều đặn để tạo một thói quen cho các em tới trường".
Những năm đầu mới thành lập, một mình thầy dạy hơn 300 em, phải chia ra nhiều ca trong ngày nhưng bây giờ lớp chỉ có vài chục em, thầy và ông thầy cả của thánh đường phải đi vận động các em đến trường. "Nhiều lúc học trò không vào, mình buồn lắm, được có một vài em thôi cũng phải dạy, không thôi mất lớp, rồi chiều lại phải vào nhà các em vận động bố mẹ cho học. Giờ các em chỉ thích học tiếng Kinh thôi vì các em đi làm xa, chứ tiếng Chăm chỉ cần biết nói thôi, không cần viết. Nên mình và các thầy ở đây buồn lắm. Phải tìm cách dạy và bảo tồn tiếng của dân tộc cho các em thôi.
Năm ngoái, có cô học trò cũ tên Ma Ri Dâm, cô này học rất khá nên mình nhờ cô ấy dạy thêm cho các em học sinh, được hai năm, rồi nghèo khó quá nên cô cũng qua Ả Rập làm ăn".
Nói về học sinh của mình, thầy kể: "Thằng Chàm A Mắt sau khi đi học ở thủ đô Ai Cập về được bố trí làm việc dưới thị xã. Nó là thằng khá và thương thầy nhất, công việc bận rộn nhưng lâu lâu đi ngang qua lại ghé về thăm thầy. Lúc dạy các em, mình luôn khuyên các em rằng nghề giáo là nghề cao quý, nên nếu ai có thể dạy học được thì rất quý. Nhiều học sinh không chỉ dạy ở thôn mình, mà còn sang thôn khác dạy nữa. Bên xóm Đào Bắc, xã Tân Hưng cũng có một em học sinh của mình đang dạy học miễn phí cho các em học sinh bên đó".
Mười mấy năm nay nhờ có thầy Hiết dạy cho cái chữ mà các em biết đọc, biết viết chữ Chăm, biết cách hành lễ theo truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc Chăm ở đây. (Ông Cả chùa Chàm Sợt, đại diện tôn giáo ở ấp Chăm) Thầy Hiết sức khỏe yếu, làng sắp cho nghỉ hưu nên tui phải cố gắng thay thế. Mình phải dạy cho các em biết mặt cái chữ Chăm, chứ nếu không lâu dần như con chim vậy đó, chả biết gì đâu, lâu dần nó quên đi cái nơi sinh ra nó. Mình biết chữ thì dạy cho người không biết chữ. Mấy thầy ở đây, đặc biệt là thầy Hiết, đi dạy gần 20 năm nay mà chưa bao giờ lấy tiền. Chỉ có lúc nào đói quá, không có cái ăn thì mới kêu gọi các em giúp đỡ, người cho ngô, cho khoai, người cho gạo mà ăn. Có thầy dạy buổi chiều tối, còn buổi sáng vẫn phải lao động, đi chặt mía, trồng sắn, buôn bán để kiếm sống chứ không có lương nên phải làm thôi. Mình không dạy là có tội, với lại mình cũng thương các em lắm. (Thầy Chàm Gia Mil, cùng dạy học với thầy Hiết)
Theo Pháp luật TPHCM