Tác dụng ít biết của mỡ trong cơ thể
Cơ thể chứa 5 loại mỡ khác nhau và không thể loại bỏ tất cả thông qua dinh dưỡng hay tập luyện.
Việc đổ mồ hôi trong phòng gym cùng nỗ lực ăn uống lành mạnh với mục tiêu giảm mỡ của đa số người tập đang vô tình khiến chúng ta nhìn nhận về mỡ khá tiêu cực.
Tuy nhiên, theo huấn luyện viên Đàm Trọng Triển (Hà Nội), phần mỡ thừa ảnh hưởng đến vóc dáng chỉ là một trong 5 loại mỡ của cơ thể. Mỗi loại mỡ có tỷ lệ và vai trò khác nhau với sức khỏe.
Esential Body Fat (Mỡ thiết yếu)
Tác dụng chính của những tế bào mỡ thiết yếu là điều chỉnh thân nhiệt và giúp cơ thể hấp thụ vitamin. Ngoài ra, loại mỡ này còn là tiền chất cho các hormone cần thiết và tạo nên lớp màng bao bọc tế bào, cơ quan khác như não bộ, thần kinh, tủy xương…
Đối với nam giới, mỡ thiết yếu chiếm khoảng 3-4%. Trong khi đó, con số này ở nữ giới là 7-8%.
“Do đó, chúng ta có thể thấy một số vận động viên thi đấu thể hình có lượng mỡ rất thấp cũng chỉ dừng lại ở 3-4%. Nguyên nhân là lượng mỡ này không thể thiếu đối với sức khỏe con người”, Trọng Triển khẳng định.
Brown Fat (Mỡ giữ ấm)
Mỡ giữ ấm, hay còn gọi là mô mỡ nâu. Khi được kích hoạt, chúng có thể tiêu tốn năng lượng nhằm giữ ấm cho cơ thể. Do đó, loại mỡ này còn được nhận định là có khả năng tương tự cơ bắp.
Mỡ giữ ấm thường có nhiều hơn ở người trẻ và sinh sống tại khu vực có nhiệt độ thấp. Ảnh minh họa: Business Insider.
Vai trò này xuất phát từ việc mỡ nâu chứa nhiều ti thể – bộ máy sản xuất năng lượng trong tế bào. Trọng Triển cho biết mỡ giữ ấm thường có nhiều hơn ở những người sinh sống tại vùng khí hậu lạnh và trẻ nhỏ do nhu cầu sinh học. Lượng mỡ này sẽ giảm dần khi chúng ta về già.
Visceral Fat ( Mỡ nội tạng)
Không tác động tốt đến sức khỏe như 2 loại trên, loại mỡ này nằm sâu trong cơ thể và bao quanh các cơ quan nội tạng như gan, tụy, tim…
Video đang HOT
Huấn luyện viên Trọng Triển nhận định: “Thông thường, những người béo bụng, bụng bia sẽ có tỷ lệ mỡ nội tạng rất cao. Đây cũng là loại mỡ xấu nhất trong cơ thể khi liên quan các vấn đề kháng insulin, tiểu đường type 2, đột quỵ, cao huyết áp…”.
Tuy nhiên, mỡ nội tạng là phần khá dễ giảm so với các loại khác khi có nhiều mạch máu đi qua cùng tính chất kháng insulin. Do đó, với chế độ ăn lành mạnh cùng thói quen tập luyện hợp lý, chúng ta có thể dễ dàng loại bỏ lượng mỡ này trong thời gian ngắn.
Subcutaneous Fat (Mỡ dưới da)
Loại mỡ này nằm bên dưới lớp da của chúng ta và chiếm phần lớn lượng mỡ của cơ thể. Đây cũng chính là tác nhân gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng tới vóc dáng. Thành phần chủ yếu của loại mỡ này là mỡ trắng với mật độ ti thể và mao mạch đi qua tương đối thấp. Trái ngược mỡ nội tạng, việc giảm mỡ dưới da gây nhiều khó khăn hơn.
Vai trò chủ yếu của lớp mỡ này là dự trữ năng lượng và liên quan việc tổng hợp một số loại hormone như adiponectic hay leptin. Mỡ dưới da thường tập trung ở vùng mông, đùi với phụ nữ. Ngoài ra, bụng, tay hay ngực cũng là những vị trí tích mỡ dưới da khá phổ biến ở đàn ông.
Mỡ dưới da chính là thủ phạm gây ảnh hưởng tới vóc dáng và sức khỏe. Ảnh minh họa: Havard Health.
Tuy nhiên, Trọng Triển khẳng định chúng ta không thể giảm mỡ dưới da ở một bộ phận nhất định. Do đó, việc cần làm để giảm mỡ dưới da và cải thiện vóc dáng cũng như sức khỏe là lập chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng chương trình tập lâu dài. Tỷ lệ mỡ dưới da sẽ giảm xuống khi chúng ta có thể đảm bảo sự chênh lệch trong năng lượng tiêu hao và nạp vào.
Intramuscular Triglycerides (Mỡ trong cơ)
Loại mỡ này sẽ được huy động để chuyển hóa thành năng lượng khi chúng ta tập luyện. Nguyên nhân là mỡ trong cơ tham gia trực tiếp vào quá trình tổng hợp năng lượng khi hoạt động thể chất.
“Fatty axit (thành phần cấu tạo chất béo) khi được đưa đến cơ sẽ có 2 con đường. Con đường đầu tiên là tham gia vào quá trình tạo ra năng lượng tại nhóm cơ đó. Con đường thứ 2 là dự trữ thành mỡ trong cơ”, huấn luyện viên Trọng Triển giải thích.
Khi tập luyện với cường độ từ trung bình đến cao, cơ bắp sẽ ưu tiên sử dụng năng lượng từ mỡ trong cơ. Nguyên nhân là lượng mỡ này đã tồn tại sẵn tại đó và dễ dàng đưa vào ti thể để sản xuất năng lượng.
Ngoài ra, ở những người thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, do mật độ ti thể trong tế bào nhiều hơn, khả năng sử dụng mỡ trong cơ sẽ hiệu quả hơn người không có thói quen vận động hoặc béo phì.
7 thực phẩm giúp đốt cháy mỡ bụng hiệu quả
Mỡ nội tạng trong gan, dạ dày, ruột, khiến vòng 2 mất cân đối và tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Chất béo tích trữ dưới da có nhiệm vụ giúp chúng ta sinh nhiệt, giữ ấm cơ thể. Không giống vậy, mỡ nội tạng là chất béo tích tụ sâu bên trong khoang bụng, bao quanh gan, ruột và các cơ quan. Mỡ nội tạng chiếm khoảng 1/10 tổng lượng chất béo trong cơ thể.
Cơ thể dư thừa mỡ nội tạng khiến vòng 2 mất cân đối, béo bụng và tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe. Người gầy cũng có tỷ lệ mỡ nội tạng lớn nếu chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ.
Mỡ nội tạng gây mất cân đối vòng 2 và tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe. Ảnh: Freepik.
Nguy cơ tử vong vì béo bụng
Đại học Johns Hopkins (Mỹ) lý giải chất béo nội tạng nằm sâu trong khoang bụng, gần với gan nên cơ quan này dễ biến mỡ nội tạng thành cholesterol. Cholesterol di chuyển trong máu, tích tụ trong các động mạch, thu hẹp chúng và gây xơ cứng.
Ngoài ra, mỡ bụng còn tạo các chất hóa học trong hệ miễn dịch gọi là cytokine. Cholesterol và cytokine đều là thủ phạm gây nên các bệnh về tim mạch, huyết áp, quá trình đông máu. Cytoline còn gây ảnh hưởng độ nhạy insulin, tăng nguy cơ mắc tiểu đường type II.
Theo Health Harvard Publishing, chất béo (nhất là ở bụng) có hoạt tính sinh học, dễ ảnh hưởng hoạt động của các hormone. Sự gián đoạn chức năng hormone là tác nhân gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Mỡ nội tạng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị rối loạn chuyển hóa, bao gồm hàng loạt bệnh mạn tính như huyết áp cao, béo phì, thừa cholesterol, kháng insulin... Những bệnh này làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường type II và thậm chí tử vong.
Báo cáo của tổ chức Diabetes dành cho những người tiểu đường tại châu Âu cho thấy mỡ nội tạng còn liên quan ung thư vú, đại tràng, bệnh Alzheimer.
Cuối tháng 9, các nhà nghiên cứu tại Canada và Iran nhận thấy nhóm người có chất béo ở nội tạng cao, nhất là vùng bụng, tiềm ẩn nguy cơ giảm tuổi thọ. Họ đã phân tích 72 nghiên cứu với 2,5 triệu người tham gia từ khắp nơi trên thế giới. Nhóm tác giả phát hiện ở phụ nữ, mỗi 10 cm vùng bụng tăng lên sẽ làm tăng 8% nguy cơ tử vong. Với nam giới, cứ 10 cm vòng 2 thừa mỡ làm tăng 12% khả năng chết sớm.
Mỡ nội tạng nằm sâu dưới da, bao quanh các cơ quan như gan, đường ruột, dạy dày... Ảnh: Freepik.
Nguyên nhân gây mỡ nội tạng
Health Harvard Publishing cho hay mỡ nội tạng sinh ra do nhiều nguyên nhân. Trước hết, chất béo tích tụ trong các cơ quan khi bạn tiêu thụ nhiều calo, hoạt động thể chất ít. Một số người béo bụng do gene di truyền.
Ở phụ nữ, khi chúng ta già đi, cơ thể tích mỡ bụng nhiều hơn. Đặc biệt sau khi mãn kinh, lượng cơ ít dần, chất béo tăng lên. Ngay cả không tăng cân, phụ nữ ở tuổi mãn kinh cũng có khả năng béo bụng.
Ở nam giới, tuổi tác và di truyền cũng là thủ phạm gây béo bụng. Ngoài ra, uống rượu bia, hút thuốc tăng khả năng tích mỡ vòng 2.
Giảm mỡ nội tạng như thế nào?
Cách duy nhất để giảm mỡ nội tạng là luyện tập thể dục kết hợp ăn uống. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng mỡ bụng có thể giảm qua các bài tập vòng 2. Chúng chỉ giúp bạn săn chắc cơ bụng, không có tác dụng giảm mỡ nội tạng.
Do đó, luyện tập thể thao để giảm mỡ vùng này cần kết hợp nhiều bài, tập trung toàn bộ bó cơ lớn trong cơ thể. Ngoài ra, bạn nên đạp xe, đi bộ, chạy thường xuyên để bổ trợ hệ tim mạch.
Trong chương trình The Early Show năm 2011, Tổng biên tập Lucy Danziger của tạp chí Self đưa lời khuyên về các thực phẩm giúp giảm mỡ bụng, chất béo tích tụ quanh gan và nội tạng khác. Theo CBS News, kinh nghiệm này được bà rút ra từ những chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, thể hình.
Bơ: 1/2 quả bơ chứa 10 gram chất béo bão hòa lành mạnh. Nó có tác dụng ngăn đường trong máu tăng đột biến, hạn chế khả năng tích mỡ quanh vùng bụng.
Chất béo lành mạnh từ quả bơ còn giúp ngăn đầy bụng, hấp thụ carotenoid (hợp chất chống ung thư) trong các loại trái cây, rau xanh tốt hơn. Một nghiên cứu từ Đại học bang Ohia, Columbus, Mỹ cho thấy những người ăn salad với bơ thường xuyên có khả năng hấp thụ carotenoid cao gấp 15 lần nhóm còn lại.
Bơ là thực phẩm hỗ trợ giảm mỡ nội tạng tốt. Ảnh: Healthline.
Chuối: Loại quả này chứa 422 miligram kali - khoáng chất giúp hạn chế lượng natri gây chướng bụng. Chuối còn được chứng minh tốt cho tim mạch, hạn chế nguy cơ đột quỵ.
Sữa chua: Một cốc sữa chua giúp kích thích sự phát triển của lợi khuẩn trong đường ruột, loại bỏ các chất gây đầy hơi, rối loạn tiêu hóa. Sữa chua Hy Lạp là thực phẩm bổ dưỡng giúp ổn định hormone insulin.
Quả mọng: Chất chống oxy hóa trong quả mọng như mâm xôi, dâu, việt quất, giúp cải thiện lưu thông máu. Nó cung cấp oxy cho các cơ, tốt cho hệ tim mạch. Bạn có thể kết hợp sữa chua với quả mọng trước khi tập luyện để tăng hiệu quả.
Trà xanh: Một nghiên cứu trên tạp chí Medicine and Science in Sports and Exercise cho thấy uống 3 cốc trà xanh mỗi ngày giúp tăng cường trao đổi chất và đốt cháy 30 calo. Hợp chất ECGC trong trà là trợ thủ đắc lực cho những ai muốn giảm mỡ bụng, đánh bay chất béo tích tụ trong vòng 2.
Ngũ cốc nguyên hạt: Chất xơ bổ sung trong các thực phẩm như bột yến mạch, gạo lứt... giúp cân bằng mức insulin trong cơ thể. Điều này góp phần thu nhỏ các tế bào mỡ. Nghiên cứu trên 2.800 người do dự án Framingham Heart Study thực hiện cho thấy ngũ cốc nguyên hạt tiêu diệt mỡ dưới da và quanh nội tạng hiệu quả. Ngược lại, bánh mì trắng, gạo, mì ống làm tăng mỡ bụng.
Dưa hấu: Dưa hấu là trái cây yêu thích của nhiều người vì vị ngon, ngọt, mát, dễ ăn. Trong dưa hấu chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Nó có 82% là nước, giúp loại bỏ natri dư thừa ra khỏi cơ thể, ngăn đầy hơi. Ngoài ra, dưa hấu cũng chứa nhiều vitamin C và lượng calo khoảng 100 gram/cốc.
6 lý do tại sao bạn làm đủ kiểu mà không giảm mỡ bụng Mặc dù có được một cơ bụng phẳng có thể giúp bạn tự tin hơn khi mặc đồ tắm, nhưng việc loại bỏ lớp mỡ xung quanh ruột cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Táo là món ăn nhẹ tuyệt vời khi bạn phải di chuyển - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK Mỡ nội tạng, loại mỡ bao quanh các...