Tác động từ đại dịch COVID-19: Bài cuối – Gỡ khó cho doanh nghiệp
Những vướng mắc của doanh nghiệp, những ách tắc trong chuỗi cung ứng hàng hóa đã làm nóng nghị trường trong ngày 25/7, khi Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ nhất tiến hành phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
Lực lượng chức năng tỉnh Nam Định kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người và phương tiện qua chốt kiểm soát dịch ở ngã 3 cầu Tân Đệ, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN
Cần có sự thừa nhận giữa các địa phương
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề cập, trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh ở các địa phương rất khác nhau và các biện pháp phòng, chống dịch cũng rất khác nhau. Trong một hoàn cảnh nào đó, đây là các biện pháp cần thiết, nhưng sự khác biệt giữa các địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch sẽ dẫn đến ùn tắc về việc lưu thông hàng hóa, con người. Ông Hiếu cho rằng, các địa phương cần giảm tối đa các điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết, như kết quả xét nghiệm được một địa phương thừa nhận thì địa phương khác cũng nên thừa nhận, từ đó giúp giảm tắc nghẽn trong việc cung ứng, vận chuyển hàng hóa; di chuyển chính đáng của người dân.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), thời gian qua, xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng đến điểm cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu vì mỗi tỉnh một quy định.
“Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả, phải làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế mới là quan trọng”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy ví dụ.
Bà đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và yêu cầu dừng áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây nguy cơ làm gãy chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn.
Phòng, chống dịch, nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”
Có lẽ chưa bao giờ tần suất ban hành văn bản của các cơ quan chức năng, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, để gỡ vướng cho hàng hóa lại dày đặc như những ngày qua. Các Bộ Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải đã ban hành hàng loạt văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, nhưng xem ra vẫn không thấm vào đâu. Bộ, ngành cứ kêu, doanh nghiệp cứ chờ đợi, còn địa phương vẫn mỗi nơi một kiểu.
Tối 25/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19.
Video đang HOT
Lực lượng chức năng tỉnh Nam Định kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người và phương tiện qua chốt kiểm soát dịch ở ngã 3 cầu Tân Đệ, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN
Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán Giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.
Ngay sau văn bản của Phó Thủ tướng, tối 25/7, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội; Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 thành phố Hà Nội; Cục Cảnh sát giao thông về việc xử lý ùn tắc, tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa theo Chỉ thị 16.
Trong văn bản, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong hai ngày từ 24/7-25/7, qua kiểm tra thực tế hiện trường các chốt kiểm dịch y tế của thành phố Hà Nội đặt trên các tuyến quốc lộ trọng yếu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận thấy có nhiều phương tiện bị dồn ứ có lúc dài tới 3-5km tại trạm kiểm tra y tế cầu Phù Đổng quốc lộ 1 (hướng Bắc Ninh vào Hà Nội). Nguyên nhân do các phương tiện chủ yếu là xe container, xe tải lớn có biển kiểm soát của các tỉnh phía Nam di chuyển dài ngày lên phía Bắc khi quay về đến địa giới Hà Nội thì thành phố áp dụng Chỉ thị 16 nên không kịp chuẩn bị các điều kiện để cấp phép thẻ “luồng xanh” hoặc chưa chuẩn bị kịp các giấy tờ theo quy định của thành phố Hà Nội nên không được thông qua chốt y tế, mặc dù không có nhu cầu vào nội đô.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người điều khiển và các phương tiện mắc kẹt tại cầu Phù Đổng (ranh giới Hà Nội-Bắc Ninh), Tổng cục
Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn, dẫn đoàn các xe có nhu cầu đi các tỉnh phía Nam (không có điểm đến là thành phố Hà Nội) di chuyển ra khỏi địa giới hành chính thành phố Hà Nội theo luồng xanh quốc gia đã công bố: Pháp Vân-Cầu Giẽ – Ninh Bình nhằm giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông.
Ngày 26/7, Bộ Y tế cũng đã có văn bản phúc đáp công văn của Bộ Giao thông vận tải về việc xin ý kiến sử dụng test nhanh kháng nguyên COVID-19 và thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa. Bộ Y tế – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiếp tục phân bổ test nhanh kháng nguyên đã nhận cho các địa phương để lấy mẫu, xét nghiệm cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa. Giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính của lái xe vận chuyển hàng hóa có thể bằng test nhanh kháng nguyên hoặc
RT-PCR được thực hiện trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu.
Ngày 27/7, Bộ Công Thương một mặt gửi công văn hỏa tốc cho các Sở Công Thương đề nghị rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với một số nhóm mặt hàng thiết như thực phẩm, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhiên liệu, năng lượng…; mặt khác, Bộ cũng gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhưng do cách hiểu cũng như tổ chức thực hiện của một số địa phương khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng không được lưu thông tại một địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác. Để xử lý vấn đề trên, Bộ này kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh.
Có thể thấy, tình trạng trên chỉ đạo một đằng, dưới thực hiện một nẻo lại khá phổ biến. Thực tế những ngày qua, nhiều địa phương thực hiện “máy móc”, không đồng nhất, nơi chấp nhận test nhanh, nơi yêu cầu phải có kết quả RT-PCT gây khó khăn cho các tài xế trong quá trình lưu thông, vận chuyển.
Một vị đại diện Bộ Giao thông vận tải chua chát mà nói rằng “tắc đường do các địa phương mỗi nơi một chính sách phòng, chống COVID-19, Bộ không theo kịp các chính sách đột xuất áp dụng ngay của các địa phương, gỡ được khu vực này thì lại phát sinh khu vực khác. Tình trạng như một số người nói là ‘ngăn sông, cấm chợ’ Bộ không có thẩm quyền yêu cầu các địa phương bãi bỏ mà phải thuyết phục từng địa phương”.
Không ít doanh nghiệp băn khoăn, hơn 1 năm rưỡi chống chọi với dịch COVID-19, nhiều làn sóng dịch đã qua, nhiều địa phương đã từng thực hiện giãn cách xã hội và hàng hóa cũng nhiều lần bị ách tắc do mỗi nơi thực hiện biện pháp phòng, chống dịch một cách khác nhau, song, điệp khúc ách tắc vẫn luôn xảy ra và không có được một quy trình cụ thể cho mỗi cấp độ dịch.
Mới nhất, vào chiều 29/7, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19. Trong đó nêu rõ, để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành Giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Trường hợp phương tiện không có Giấy nhận diện có QR Code hoặc có những hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.
Việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa khi ra, vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất…) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.
Người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.
Tại các vùng có dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp, hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng, chống dịch bệnh nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt qua địa bàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung trên từ 0 giờ ngày 30/7/2021; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Văn bản đã cụ thể, 3 vướng mắc lớn: giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2, giấy nhận diện phương tiện “luồng xanh” và quy định về hàng hóa thiết yếu đã được tháo gỡ. Doanh nghiệp đang chờ đợi để văn bản đó được thực hiện đúng, để giãn cách xã hội nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”.
Lộ trình cho phương tiện không vào Hà Nội để tránh ùn tắc tại chốt kiểm soát
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị vừa có hướng dẫn lộ trình cụ thể cho phương tiện không đi vào Hà Nội để tránh ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch.
Ô tô xếp hàng dài cả km tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô, sáng 24/7/2021. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Theo bà Hiền, việc phân luồng từ xa giúp phương tiện qua Hà Nội đi đúng lộ trình, không vào chốt kiểm dịch của Hà Nội để tránh ách tắc. Mặt khác, Thủ đô Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nên phương tiện không được đi vào, trừ các xe có thẻ nhận diện theo "luồng xanh".
Theo đó, xe từ Hòa Bình đi về Hà Nam, Ninh Bình, các tỉnh phía Nam và ngược lại đi theo các tuyến đường:
- Ngã ba Xuân Mai (Hà Nội) - Quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh (Hòa Bình) - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Kon Tum - Gia Lai - Đăk Lăk - Đăk Nông - Bình Phước.
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 1- Hà Nam.
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 12B - Quốc lộ 1- Ninh Bình.
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 9 - Quốc lộ 1 - các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Xe từ Hòa Bình đi đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái và ngược lại đi theo đường:
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - Quốc lộ 2 - Vĩnh Phúc.
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 32 - Yên Bái.
Xe đi từ Hòa Bình đi Thái Nguyên, Bắc Ninh và ngược lại theo tuyến:
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - Quốc lộ 2 - Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh - Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Quốc lộ 21 - Quốc 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - Quốc lộ 2 - Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh - Bắc Ninh.
Xe từ Ninh Bình đi đến Lạng Sơn và ngược lại theo tuyến:
- Ninh Bình - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Quốc lộ 38 - Quốc lộ 39 - Quốc lộ 5 - cao tốc Hà Nội -Bắc Giang - cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Quốc lộ 1 - Lạng Sơn.
- Ninh Bình - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Quốc lộ 38 - Quốc lộ 39 - Quốc lộ 5 - Quốc lộ 27 - Quốc lộ 18 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Quốc lộ 1 - Lạng Sơn.
Sẽ xử nghiêm phương tiện cố tình đi sai 'luồng xanh' Ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết vừa ký văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố về hoạt động thanh tra...