Tác động của IE9 và Firefox 4 đến cuộc chiến trình duyệt web
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, hai phiên bản trình duyệt web mới đã được ra mắt.
Tháng ba vừa qua là một tháng nhiều sự kiện đối với ngành phát triển trình duyệt web. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, hai phiên bản trình duyệt web mới đã được ra mắt: Internet Explorer 9 và Firefox 4. Tuy nhiên, sự ra đời của chúng có vẻ như không ảnh hưởng mấy đến kết quả tạm thời của cuộc chiến thị phần trình duyệt web trong tháng 3 vừa qua.
Giống như tháng 2, thị phần của IE cũng như Firefox đều giảm, trong khi sự cạnh tranh mạnh mẽ của Google Chrome đã giúp nó tăng thị phần của mình lên thêm 0,64%, đạt 11,57%.
Trình duyệt của Microsoft mất đi 0.85% thị phần, trong khi Firefox chỉ giảm nhẹ (gần như giữ nguyên tỉ trọng) và đứng ở mức 21,8%. Nhưng phiên bản trình duyệt mới vẫn chưa tạo được tác động lớn khiến cho mọi người chuyển sang sử dụng, khi có vẻ như thị phần của IE9 và Firefox 4 đều là những người nâng cấp lên từ những phiên bản cũ hơn. Bên cạnh đó, Safari của Apple cũng tăng 0.25% lên thành 6,61%. Opera vẫn giữ nguyên vị trí khi sở hữu 2,15% thị phần trình duyệt web.
Internet Explorer: Vẫn là quân cờ đầy tiềm năng
Những số liệu này tại các quốc gia cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Ví dụ như tại Châu Âu, Firefox chiếm tỉ lệ cao hơn con số 21,8%, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là thành trì vẵng chắc của Internet Explorer.
Đôi khi lý do cho sự khác biệt này lại rất rõ ràng. Trong khoảng thời gian từ 1999 đến giữa năm 2010, thay vì sử dụng giao thức HTTPS tiêu chuẩn, Hàn Quốc lại sử dụng một dạng plug-in cho Internet Explorer để phục vụ cho hoạt động thuơng mại điện tử. Do đó mọi tác vụ liên quan đến ngân hàng hay giao dịch qua mạng đều phải thực hiện trên IE.
Những trình duyệt khác có thể “ăn tiền” nhờ vào công tác chuyển ngữ và chức năng nhập ký tự tốt, nhất là với những thứ tiếng không thuộc ngữ hệ Latinh (Trung Quốc, Thái Lan…). Tuy nhiên đối với những người đã sử dụng quen Internet Explorer, thì những trình duyệt trên lại có phần khó hiểu và khó sử dụng, điều này lại càng khiến cho IE được “tin dùng”.
Video đang HOT
Internet Explorer 6, trình duyệt hiện vẫn đang được tin tưởng tại Trung Quốc là một ví dụ. Không chỉ có các cá nhân, mà ngay cả những doanh nghiệp cũng như ngân hàng lớn cũng yêu cầu giao dịch qua trình duyệt lẽ ra phải được cho “về vườn” từ rất lâu này.
Để giải thích cho tình trạng này, một vài người đổ lỗi cho tình trạng ăn cắp bản quyền tràn lan hiện nay. Những bản Windows XP lậu không thể tự update Internet Explorer lên những phiên bản mới hơn như IE 7 hay 8 được. Tuy nhiên lý do trên vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục khi phải thừa nhận rằng, Mozilla hay Google vẫn chưa cố hết sức để thâm nhập những thị trường lớn như Trung Quốc.
Dù lý do có là gì đi chăng nữa, sự khác biệt giữa các vùng lãnh thổ là quá rõ ràng. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiến gần một phần tư tổng số người sử dụng Internet. Vì thế cho dù cả thế giới có “tẩy chay” tuyệt đối IE đi nữa, trình duyệt của Microsoft vẫn cứ chiếm được khoảng 23% thị phần.
Trong khi số liệu chung về thị phần trình duyệt trên toàn thế giới được thu thập và cập nhật đều đặn, thì những báo cáo tương tự với từng quốc gia cụ thể lại ít được chú ý hơn. Trong tháng qua, Net Applications đã ghi nhận sự thay đổi về số lượng người sử dụng Internet tại Trung Quốc.
Trong khi số lượng người sử dụng Internet tăng, thị phần của Internet Explorer lại giảm. Điều này cho thấy chính thị trường 1 tỉ dân (khoảng 420 triệu người dùng Internet) đã góp phần cân bằng cán cân thị phần trình duyệt web, vốn vẫn đang nghiêng rất nhiều về phía Microsoft.
Tác động của các phiên bản mới
Khi nhìn vào thị phần của từng phiên bản trình duyệt web đơn lẻ, chúng ta thấy rõ ràng hơn ảnh hưởng của những phiên bản trình duyệt mới (mà cụ thể ở đây là IE9 và Firefox 4). Trong tháng vừa qua, lần đầu tiên Internet Explorer 8 bị mất thị phần, xuống còn 34,41%. Firefox 3.6 cũng mất đi 0,64%.
Microsoft đã rất nhanh tay tung ra Internet Explorer 9, và trong 24 tiếng đầu tiên, đã có 2,5 triệu lượt tải về. Một con số ấn tượng. Tuy nhiên nếu đem so với 7,1 triệu lượt tải về của Firefox 4, thì IE vẫn quá thua kém. Những lượt download nói trên đã được chuyển thành 1,04% thị phần cho Microsoft, và 1,68% cho Mozilla.
Theo PLXH
Vì sao Internet Explorer sẽ tồn tại còn Firefox thì không?
Dù được đánh giá cao nhưng có lẽ, "cuộc đời" của Firefox sẽ còn rất lắm chông gai ở phía trước.
Trong tháng 3 này đã có nhiều điều thú vị xảy ra. Google ra mắt phiên bản thứ 10 cho trình duyệt Chrome, Microsoft xuất xưởng phiên bản Internet Explorer 9. Và giờ đây, sau 12 phiên bản thử nghiệm, Mozilla cũng chính thức "ra lò" sản phẩm Firefox 4.
Ba nhà phát triển trình duyệt hàng đầu thế giới cùng giới thiệu sản phẩm mới nhất của mình trong 1 tháng là điều chưa từng có tiền lệ trước đây. Microsoft đã phải mất tới 15 năm để cho ra mắt 9 phiên bản của Internet Explorer. Firefox có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn, cũng mất gần 2 năm kể từ phiên bản 3.5 và là gần 3 năm đối với phiên bản 3.0. Còn Google chỉ cần hơn 2 năm để trình làng Chrome 9, và nó được thay thế bằng Chrome 10 chỉ sau 4 tuần.
Nếu nhìn sang lịch sử phát triển Internet Explorer của Microsoft, chúng ta sẽ cho rằng họ không thể bắt kịp với tốc độ phát triển trong thời đại này. Chúng ta lại càng có lý do để nghi ngờ về lộ trình đầy tham vọng mà Mozilla đề ra khi lần lượt đưa các phiên bản 5, 6, 7 ra mắt trong năm nay. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào quá trình phát triển dành cho Internet Explorer 9 thì chúng ta sẽ phải xem xét lại điều này.
Phiên bản beta đầu tiên của Internet Explorer 9 được công bố vào 16/3/2010. Phiên bản chính thức "cập bến" đúng dịp kỷ niệm tròn 1 năm Internet Explorer 9 được giới thiệu - tức là ngày 16/3/2011. Có lẽ đó không phải là sự trùng hợp. Internet Explorer là một phần của Windows và sự phát triển của nó phản ánh chính xác lộ trình nghiêm ngặt mà chúng ta thấy ở Windows 7: Lên kế hoạch, phát triển, định hình, công bố.
Hơn nữa, trong 1 năm ròng, Microsoft tung ra đúng một bản Beta và 1 bản RC. Quan trọng hơn, họ vẫn liên tục update nền tảng trước (IE 8) theo định kỳ 6 - 8 tuần một lần hoặc lâu hơn. Nên lưu ý Microsoft có thể phát hành các phiên bản thay đổi giao diện liên tục, và nếu vậy, tốc độ ra phiên bản mới của họ còn nhanh hơn đối thủ Chrome nhiều. Nhưng họ đã không làm thế. Họ bỏ qua những việc phiền nhiễu này để tập trung vào các engine render và phiên bản mới.
Mặc dù kế hoạch tương lai vẫn phụ thuộc vào Microsoft, bạn có thể tin rằng Internet Explorer 9 vẫn tiếp tục được phát triển với các giai đoạn và tốc độ tương tự. Phiên bản ra mắt lần này không phải là điểm kết thúc mà là khởi đầu của hàng loạt dự định lớn hơn. Công nghệ sử dụng trên Internet Explorer 9 sẽ có mặt trên các smartphone cuối năm nay và nó sẽ đóng vai trò lớn trong Windows 8, dự kiến sẽ ra mắt sau 18 tháng nữa.
Điều gì là thách thức lớn nhất với Microsoft hiện nay ?
Chúng ta không còn sống trong kỷ nguyên của máy tính để bàn mà đang hướng tới các thiết bị thông minh nhỏ gọn, tiện dụng hơn. Xu hướng này cần sự phát triển của một nền tảng mới có thể tương thích với các thiết bị cầm tay, những chiếc smartphone, máy tính bảng và cả những thiết bị trình chiếu cỡ lớn. Microsoft sẽ không thể đạt được mục đích chỉ bằng cách chỉnh sửa một chút giao diện Windows hiện tại. Với người dùng máy tính bảng chạy Windows 7 thì họ cần nhiều thứ cải tiến hơn, không chỉ đơn thuần là một nút Start hay Taskbar to hơn.
Tại hội nghị MIX năm ngoái, Microsoft đã nói về nền tảng ứng dụng mới dựa trên một triết lý thiết kế đơn giản: "viết mã một lần, dùng cho nhiều nền tảng".
Đó cũng là hướng mà gã khổng lồ Google đang phát triển. Google hiện đang có rất nhiều ứng dụng chạy độc quyền cho Chrome.Trong khi Google có Gmail, Google Docs và có cả Google Apps Marketplace, nơi các bên thứ ba xây dựng quản lý dự án, CRM, và các ứng dụng kế toán thiết kế để làm việc trong Chrome thì Microsoft cũng có Microsoft Outlook Web Access(OWA) 2010, là bước tiến đáng kinh ngạc của giao diện Outlook (nếu bạn đang sử dụng OWA 2007 thì bạn sẽ thực sự choáng ngợp với phiên bản 2010).
Microsoft Office Web Apps cũng là thứ khá hấp dẫn đến từ Microsoft, nhưng khoảng cách giữa Office trên nền Web và Office cài đặt trên máy vẫn còn rất lớn. Hy vọng rằng tới thời điểm này nằm sau chúng ta sẽ thấy một phiên bản beta của Microsoft Office nền Web được thiết kế để chạy trong một Tabs của trình duyệt Internet Explorer. Và có lẽ chúng ta sẽ thấy một phiên bản Internet Explorer mới hơn dành riêng cho Windows 8, được viết bằng HTML 5 và được dùng trên cả máy tính bảng.
Vậy vị trí dành cho Firefox ở đâu?
Trình duyệt này không có hệ thống ứng dụng cũng như những nhà phát triển trung thành. Các Add-on ư? nó chỉ thực sự có chỗ đứng vào năm 2005, nhưng 2012 sẽ là câu chuyện của những ứng dụng. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ muốn sử dụng cùng một trình duyệt có cài đặt những ứng dụng mạnh mẽ. Google và Microsoft đã và đang thống lĩnh mảng máy tính để bàn. Và nó sẽ không còn chỗ cho bên thứ 3 như Mozilla.
Hãy nhớ rằng, trong thế giới hiện đại như hiện nay, tiền cho dù thế nào luôn là một yếu tố quan trọng. Microsoft và Google đều có giá trị vốn hóa tới hàng trăm tỷ USD trong khi Mozilla chỉ là một đối thủ quá nhỏ bé (nếu so với 2 ông lớn trên). Nên nhớ, doanh thu năm 2010 của Mozilla chỉ là 100 triệu USD (còn lâu mới bằng được 1% của 2 đối thủ). "Cáo lửa" đơn giản chỉ là một trình duyệt mã nguồn mở, tận dụng được sức mạnh của cộng đồng, vậy liệu công nghệ của nó có theo kịp Microsoft và Goolge không? Firefox mạnh trong giai đoạn vừa qua đơn giản là do IE chững lại và Chrome mới ra đời. Nay, IE và Microsoft trở lại, Google Chrome mạnh mẽ hơn. Vậy còn cơ hội nào cho Firefox?
Theo PLXH
Microsoft khẳng định IE9 tiết kiệm điện nhất Một nhóm chuyên gia của Microsoft đã thực hiện vài thử nghiệm và cho rằng trình duyệt của họ phù hợp với người dùng laptop vì nó có khả năng sử dụng pin hiệu quả hơn đối thủ. Họ đã tiến hành trên một máy tính xách tay sử dụng hệ điều hành Windows 7 cùng 5 trình duyệt hàng đầu hiện nay...