Tà Xùa – Không giới hạn
Đỉnh Tà Xùa thuộc xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là một trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, có độ cao 2.865m so với mực nước biển, thuộc dãy Phusaphin, là phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn trải dài từ Lai Châu xuống tới đèo Lũng Lô.
Lên đỉnh Tà Xùa chỉ có một con đường đất độc đạo với độ dốc rất lớn. Đây là thử thách không dễ vượt qua nhưng khi đã một lần lên tới đây sẽ cảm nhận được Tà Xùa không giới hạn.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền “săn” mây Tà Xùa.
Tôi có hẹn với Tà Xùa – một cuộc hẹn mong chờ và phải chuẩn bị khá kỹ lưỡng không chỉ tư trang, sức khỏe mà cả một ý chí mạnh mẽ. Chúng tôi tới trước một ngày để cảm nhận cái nắng, gió và mùi núi rừng Trạm Tấu. Với chút kinh nghiệm đi rừng, chúng tôi chuẩn bị những vật dụng cần thiết mang theo trong chiếc ba lô nhỏ.
5h sáng, xuất phát từ trung tâm huyện trên chiếc xe máy hướng thẳng xã Bản Công. Con đường dốc ngược nhưng đã được đổ bê tông phẳng lì. Sự phát triển của giao thông mang tới cho những người dân nơi đây cuộc sống sung túc hơn. Hết đoạn đường bê tông, chiếc xe máy dừng tại một ngôi nhà nhỏ, chia nhau nước và những chiếc gậy đi rừng không thể thiếu – chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình chinh phục Tà Xùa.
Đi được chừng 100 mét, trời sáng dần, chợt quay lại nhìn xuống phía thị trấn thì chao ôi là biển mây. Xa xa phía chân mây là một màu đỏ rực của bình minh bắt đầu. Chúng tôi hò reo, xuýt xoa rồi nhanh tay lấy máy ảnh ra bấm chụp, ai cũng muốn ở lại chứng kiến sự thức dậy của đất trời. Sương lất phất, mùi ngai ngái nồng nồng của đất, đan xen trong hương của những bông hoa rừng cho chúng tôi một cảm giác dễ chịu khoan khoái.
Cứ thế chúng tôi ngược những con dốc, đi xuyên qua những cánh rừng. Tiếng gió rít như âm thanh của chiếc sáo trúc, những chiếc lá rừng va vào nhau xào xạc, cùng với tiếng chim hót tạo nên một bản nhạc miên man say lòng những người khách bộ hành. Dù đã tập luyện mỗi ngày để chuẩn bị cho mình sức khỏe tốt, thế nhưng độ dốc cao của cung đường khiến chúng tôi khá mệt. Chốc chốc, tai, mũi, miệng lại tranh nhau thở. Những lúc dừng lại nghỉ chỉ cần quay đầu nhìn về phía con đường mình vừa đi qua là biển mây ngay trong tầm mắt, lấp ló những chóp núi xanh rì tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt trần.
Anh Nguyễn Việt Hưng – Giám đốc Công ty du lịch Hưng Việt là đơn vị đang khai thác các tour du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Yên Bái chia sẻ trong lúc chúng tôi còn thở ra bằng tai: “Săn được mây đó là cái duyên. Nhưng nếu không săn được mây thì còn rất nhiều những điều tuyệt vời mà Tà Xùa đem tới cho chúng ta trong hành trình này”.
Lời chia sẻ ấy khiến ai trong đoàn cũng cảm thấy hãnh diện vì mình đang có duyên với “nàng công chúa” Tà Xùa. Đang đi xuyên qua rừng trúc bỗng tiếng khèn Mông vang lên. Chúng tôi hướng mắt theo tiếng âm thanh rồi nhận ra anh porter (người gùi đồ) vừa đi vừa thổi. Tiếng khèn của anh ấy khiến chúng tôi chạy theo để ghi lại âm thanh, để thưởng thức thứ đặc sản tuyệt vời ấy. Tốc độ di chuyển nhanh hẳn lên trong lúc anh potter thổi khèn. Anh dừng lại cho chúng tôi nghỉ rồi cười: “Vậy là sức mọi người có thể đi nhanh hơn được nữa”.
Lúc này A Súa – hướng dẫn viên ở phía trước hô lớn: “Tới mỏm Đầu Rùa rồi!”. Như uống thêm tăng lực, chúng tôi bật dậy leo nhanh qua đoạn cuối của khu rừng, vừa ra khỏi những tán cây thì ngước lên, A Súa đã cầm lá cờ phất trên nền trời xanh ngắt, chỗ mỏm đá chìa ra bên vách núi mà nhìn từ dưới lên thì trông như đầu con rùa ló ra ngắm biển mây. Ôi, thứ ánh sáng tuyệt đẹp, quá hoàn hảo cho những tay ảnh chuyên nghiệp! Để bắt lấy khoảnh khắc ấy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền vội giơ máy lên: “Quá tuyệt vời! Tôi đã đi rất nhiều nơi, nhưng Tà Xùa mang vẻ đẹp thật khác lạ, độc đáo đến mức lạ thường”.
Video đang HOT
Rồi chúng tôi cùng nhau ghi lại khoảnh khắc – nơi dấu chân mình đã chạm đến. Muốn ngồi lại mà ngắm mây, ngắm ánh nắng xuyên xuống tầng mây, chốc chốc gió thổi mạnh khiến cho tầng mây dày đặc cuồn cuộn như sóng trắng xóa. Tiếc nuối lắm mà vẫn phải tạm biệt mỏm Đầu Rùa để tiếp tục hành trình. Đến trưa, tới lán nghỉ thứ nhất. Bữa ăn nóng hổi với xôi trắng và thịt nướng thơm phức đã “sạc” đầy năng lượng cho chúng tôi đi tiếp.
Từ lán thứ nhất leo thêm khoảng 2 giờ đồng hồ đường dốc thẳng đứng, lởm chởm đá, nhiều khi chúng tôi phải leo bằng cả tứ chi, cố đu bám vào những rễ cây để leo lên thì tới sống lưng Khủng Long. Nhìn con đường bé tẹo, 2 bên là vực, gió tạt mạnh, cộng thêm với việc mất sức quãng đường vừa qua, tôi ngồi thụp xuống và nghĩ rằng chắc mình không thể đi tiếp được nữa.
Nước mắt chực trào, bỗng giọng A Súa cất lên: “Em cảm thấy các anh chị đang rất mệt. Sau đây em thổi bài “Xuân về trên bản Mông” để có tinh thần đi tiếp”.
Mọi người vỗ tay hò reo tán thưởng. Tôi quay người lại, hình ảnh ngược sáng của cậu con trai rắn rỏi tay cầm chiếc sáo trúc mới nên thơ làm sao. Những nốt nhạc cất lên, nền trời xanh trong vắt, những biển mây trắng xóa đang dạt dào đuổi theo những đợt gió. Ôi, có buổi hòa nhạc nào lại vĩ đại như màn độc tấu sáo này! Có nhà hát nào hoành tráng hơn nơi này! Từng nốt nhạc hòa vào biển mây, quyện vào thiên nhiên Tà Xùa kỳ bí… Sau bài sáo trúc độc đáo ấy, tôi như thêm động lực vượt qua sống lưng Khủng Long.
Vách đá cheo leo, để khai thác tour du lịch này, chính quyền địa phương đã làm dây cáp, để khách du lịch an toàn bám vào rồi leo qua. Nhưng chỉ cần đặt chân sai vị trí là có thể trượt xuống nên chúng tôi phải đi từng bước chân cẩn trọng trên vách núi. Vượt qua sống lưng Khủng Long, ngồi nhìn lại quãng đường mình vừa đi qua thầm tự hào khi chính mình đã vượt qua giới hạn bản thân.
Niềm vui chiến thắng chinh phục đỉnh Tà Xùa.
Chúng tôi đùa vui với nhau: “Đi Tà Xùa mới thấy sức chịu đựng của con người là không giới hạn”. Hết sống lưng Khủng Long, chúng tôi lại tiếp tục xuyên qua những cánh rừng già ẩm ướt, trơn trượt. Độ dốc của đường đi cũng thoải dần nhưng lúc này khá thấm mệt, tốc độ của chúng tôi chậm hơn, dừng nghỉ nhiều hơn.
Đang đi phía xa tán cây rừng già xuất hiện một làn khói mỏng, A Súa hô lên: “Tới lán 2 rồi các anh chị”. Cứ đi trong rừng đằng đẵng rồi xuất hiện mục tiêu gần khiến chúng tôi như được tiếp thêm động lực. Đi nhanh về phía ấy, bên lán gỗ, một đoàn khách Hà Nội vừa từ trên đỉnh xuống. Quần áo, giày dép lấm lem nhưng khuôn mặt ai cũng rạng ngời, hạnh phúc. Thấy chúng tôi, họ reo hò cổ vũ: “Cố lên! Từ đây trở lên đến đỉnh tuyệt vời lắm! Tà Xùa rất đẹp, rất bõ công”. Sung sướng vì vui, chúng tôi quên hết mệt nhọc.
Hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa như một thước phim quay chậm cho ta cảm nhận rõ sự biến đổi của khung cảnh thiên nhiên. Nếu như đoạn đường trước đó giống chơi trò cảm giác mạnh thì đoạn đường từ lán 2 tới đỉnh như tự mình trải nghiệm những cảnh trong phim giả tưởng, ma mị.
Theo những dấu chân trong rừng chúng tôi cứ thế đi. Mỗi bước chân đều cảm nhận rõ sự bùng nhùng của những lớp lá xếp chồng lên nhau. Tán cây rừng đan vào nhau dày đặc, thân được bao phủ bởi những lớp rêu dày chỗ mang màu đỏ rực, chỗ lại xanh mướt tạo nên đặc trưng của rừng Tà Xùa. Lúc này chẳng ai còn hỏi: “Bao lâu nữa tới đỉnh?”.
Có lẽ tâm trí mọi người cũng như tôi lúc ấy, chỉ ngắm nhìn những cây thân phủ đầy rêu cao tít, khẽ chạm tay lên những lớp rêu mềm mại ấy như chạm vào bầu má nàng công chúa Tà Xùa mà xuýt xoa. Không còn giới hạn về không gian và thời gian, chúng tôi cứ đi và cảm nhận sự kỳ bí của rừng rêu Tà Xùa như đang đi trong những khu rừng cổ tích. Vừa ra khỏi đoạn rừng rêu tuyệt đẹp thì khối inox cột mốc hiện ra.
Rừng rêu đẹp như trong cổ tích.
Đúng là Tà Xùa mang tới cho ta từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và cảm giác tới đỉnh cũng thật ngỡ ngàng. Không hiểu sao thời khắc ấy, chúng tôi không ai vội chạm tay vào khối inox ngay mà ngắm nhìn những dãy núi tầng tầng lớp lớp phía dưới vừa đi qua, tự cảm phục mình đã vượt qua tất cả giới hạn của bản thân. Rồi như bừng tỉnh, chúng tôi bật nhảy thật cao xung quanh cột mốc, lần lượt chụp ảnh, rồi đánh dấu theo cách riêng của mỗi người.
Mặt trời lặn dần, chúng tôi nhanh chóng xuống núi. Đường trơn trượt, lại tối nên thi thoảng có pha “vồ ếch” khiến cả đoàn lại phá lên cười, cái mệt cũng tan biến. Hơn 19h, chúng tôi về tới lán nghỉ. Lạnh, đói và mệt! Các anh potter đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi cốc trà gừng, nước ấm ngâm chân, và bữa tối với thịt dê nướng cùng đón trăng giữa rừng Tà Xùa. Sáng hôm sau, chúng tôi xuống núi mang theo “gói mây” trong những bức ảnh, mang theo một Tà Xùa không giới hạn trong tim mỗi người.
Tà Xùa - Những bàn chân sắc màu nối trời mây
Nhắc đến huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái chắc hẳn những bạn trẻ có đam mê leo núi khám phá không thể nào không nhắc đến Tà Xùa - đỉnh núi có độ cao 2.865m, với cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, đại ngàn còn hoang sơ thuần đơn.
Sự chuẩn bị cần thiết của cả nhóm trước khi xuất phát leo núi
Đỉnh Tà Xùa được mệnh danh là " vương quốc của mây gió", đến với Tà Xùa khách du lịch sẽ được trở về với thiên thiên, được ngắm nhìn những khu rừng nguyên sinh cổ kính và được tận mắt chiêm ngưỡng những " rẻo mây vờn qua núi". Tà Xùa mang một vẻ đẹp tuyệt vời " trời ban" nhưng đây cũng là một hành trình khó đi, vất vả và gian nan cho những người thích đam mê xê dịch. Quãng đường khoảng 12km đường rừng, chủ yếu là dốc đá với 3 đỉnh của "sống lưng Khủng Long" tạo nên những cung đường hiểm trở, đầy thách thức với những nhà leo núi. Do vậy các bạn trẻ để hành trình chinh phục đỉnh cao của mình được an toàn và nhẹ nhàng hơn đã thuê những người Mông bản địa tại chân núi Tà Xùa làm người dẫn đường và từ đó người Mông ở Trạm Tấu đã có thêm nghề porter leo núi, để rồi những bàn chân của các anh porter đã nối liền Tà Xùa, nối liền đam mê và hơn hết là nối quê hương mình đến với nhiều người hơn.
Chúng tôi theo chân anh Giàng A Cu - một porter đã có hơn 10 năm kinh nghiệm để trải nghiệm một hành trình khác của Tà Xùa, một hành trình không chỉ để cảm nhận cảnh sắc mây núi, mà còn là hành trình để cảm nhận về con người Trạm Tấu, những con người nỗ lực để Tà Xùa ngày càng đẹp hơn, ngày càng gần gũi hơn.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Giàng A Cu là một anh trung niên nhỏ người nhưng rất nhanh nhẹn với đôi mắt sáng, thân hình thoăn thoắt. Hôm nay anh chuẩn bị đồ cho một đoàn 13 người là các bạn trẻ ở Hà Nội chinh phục Tà Xùa với lịch trình 2 ngày 1 đêm. Đồng hành cùng với anh Cu có thêm 2 porter nữa để đảm bảo lịch trình và vận chuyển lương thực cho du khách. Đội porter của anh Giàng A Cu có tất cả 5 người, các anh đều là dân bản địa, thông thuộc địa hình và có sức khỏe dẻo dai. Tùy vào số lượng du khách các porter sẽ tư vấn để đi kèm sao cho hợp lý và an toàn nhất.
Trước khi đón đoàn khách sắp tới anh và các " đồng nghiệp" phải chuẩn bị lương thực và nước uống cho đoàn đủ để sử dụng trong thời gian leo núi. Các thực phẩm mà porter chuẩn bị cho du khách thường là cơm nếp Lẩu Cáy Trạm Tấu, khoai sọ nương, thịt lợn đen bản địa và một số loại thịt sấy, đây là vừa là những món ngon đặc sản để giới thiệu cho du khách vừa là những thực phẩm của bà con dân bản sẵn có. Trên đường đi mỗi porter sẽ phải gùi từ 20-30kg gồm các nhu yếu phẩm và có khi là cả đồ đạc cho khách.
Nhóm porter của anh Giàng A Cu đang chuẩn bị đồ ăn cho đoàn khách.
Nhóm porter của anh Giàng A Cu đón đoàn khách lúc 8h sáng, sau khi làm quen với mọi người, hành trình chinh phục đỉnh cao Tà Xùa chính thức bắt đầu. Với trách nhiệm là " Người dẫn đường" các porter sẽ đi dẫn đầu và chốt đoàn để đảm bảo đúng cung đường cho cả đoàn mà không để ai bị bỏ lại phía sau. Khi gần đến nơi dừng chân, một số porter sẽ đến trước để dọn dẹp lán nghỉ, đun nước nóng cho khách và chuẩn bị bữa tối. Các porter luôn phải dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho khách. Họ cũng là người ngủ cuối cùng sau khi đã dọn dẹp, chuẩn bị đồ cho hành trình hôm sau. Trong quá trình đi lên đỉnh Tà Xùa tôi đã được nghe anh Cu kể về nhiều câu chuyện, những kỷ niệm trong những lần leo núi dẫn đoàn của mình.
Anh Cu nói: "Cách đây 10 năm mỗi năm Tà Xùa chỉ có 2-3 đoàn khách đi thôi, họ leo núi, còn mình đi rừng tìm con chim, con sóc, gặp thì họ hỏi đường, mình biết thì mình chỉ cho thôi. Rồi họ thuê mình dẫn đi, từ đó các đoàn giới thiệu cho nhau, mình làm nghề này từ bao giờ cũng không biết".
Trong 10 năm anh Cu cũng không nhớ là đã đi lại đỉnh Tà Xùa biết bao lần, đón bao nhiêu đoàn khách. Dù đã quen với từng ngọn cây từng hòn đá trên cung đường này nhưng mỗi lần đi Tà Xùa anh lại cảm nhận được những vẻ đẹp riêng của ngọn núi nơi anh sinh ra, gắn bó và nuôi sống anh. Bằng những trải nghiệm của mình anh tỉ mỉ và nhiệt huyết kể lại những câu chuyện đường rừng, kể về từng khóm cây từng chiếc lá trên đỉnh núi vờn mây. Hành trình đoàn của anh 2 ngày 1 đêm nên sẽ có một đêm ngủ lại trên lán nghỉ, đây là lúc nghỉ ngơi của cả đoàn cũng là lúc anh Giàng A Cu và các đồng nghiệp của mình kể về những trải nghiệm leo núi, kể về đời sống của người Mông tại Trạm Tấu đưa tình yêu núi rừng yêu đại ngàn lan tỏa đến những con người xa lạ.
Anh Giàng A Cu ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu.
Mùa leo núi thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 hằng năm. Đây là giai đoạn thời tiết mát mẻ, khô ráo, giúp cho người leo đỡ mệt và mất nước. Các loài cây rừng vào mùa trổ bông, khiến khung cảnh thiên nhiên vùng cao thêm sắc màu rực rỡ. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng làm cho biển mây trên những đỉnh núi đẹp hơn. Rất hiếm đoàn leo núi mùa hè vì nắng nóng và mưa rừng, lũ quét rất nguy hiểm. Trung bình hằng tháng, các anh đi từ 2 đến 4 chuyến, với thu nhập khoảng 400.000 - 500.000 đồng một ngày công cho mỗi người. Từ khi chuyển sang làm porter, anh Cu nói riêng và người dân tộc Mông tại Trạm Tấu nói chung có thêm thu nhập, kinh tế cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Những ngày trong tuần các anh vẫn làm nương rẫy, chăn nuôi, đến cuối tuần lại đồng hành cùng những đoàn khách chinh phục núi non.
Anh Cu chia sẻ: "Mình đi lên Tà Xùa đã quen cái chân, thấy không vất vả đâu, từ ngày làm Porter dẫn đường cho khách mình còn kiếm được tiền bằng công sức của mình, và kiếm được tiền từ vẻ đẹp quê hương, mình rất vui, và mình cũng nhắc nhở bản thân, con cháu, cũng như khách du lịch trong quá trình leo núi, phải bảo vệ môi trường và cảnh quan để núi Tà Xùa mãi đẹp, con người Trạm Tấu sẽ làm giàu được từ chính quê hương mình".
Porter đóng vai trò vừa là người đồng hành, vừa là người bầu bạn. Với anh Giàng A Cu và những đồng đội của mình porter không đơn giản chỉ là một nghề mà Porter còn là những người mang những bước chân của mình để nối Tà Xùa. Để Tà Xùa mãi là một điểm du lịch hấp dẫn trong mắt khách du lịch và người Mông là những bàn chân sắc màu nối trời mây.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp "đệ nhất hoa" của núi rừng Ky Quan San Được mệnh danh là "nóc nhà" của huyện Bát Xát, là đỉnh núi cao thứ 4 của Việt Nam và cao thứ 2 ở Lào Cai sau Fansipan, Ky Quan San (trước còn gọi là Bạch Mộc Lương Tử) không hổ danh là một trong những "đại đỉnh" thuộc dãyHoàng Liên Sơn khi mang vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ và đầy bí...