Syria: Tháng 7 đẫm máu
Những cuộc giao tranh đẫm máu giữa quân nổi dậy và quân đội của chính phủ Syria đã đưa tổng số người chết tại đất nước này lên 19.000 người. Riêng trong 3 tuần đầu tháng 7, bạo loạn đã cướp đi sinh mạng của 2.750 người, gần bằng tổng số người chết trong cả tháng 6.
Các thành viên của Quân đội tự do Syria tại Sukari, thành phố Aleppo hôm 20/7 – Nguồn: Reuters
Hiện nay, giao tranh lan đến tận thành phố quan trọng thứ hai của Syria cho thấy lực lượng nổi dậy ngày càng tự tin hơn mặc dù lực lượng này vẫn chưa thể chống lại nổi quân chính phủ được trang bị vũ khí hạng nặng. Cuộc tấn công vào thành phố Aleppo cũng đánh dấu cuộc nội chiến Syria bước vào một giai đoạn giao tranh tại chiến tranh đô thị với sức tàn phá lớn.
Hôm Chủ Nhật (22/7), một nhóm tự xưng là “Lữ đoàn thống nhất” đã đăng tải một đoạn băng trên mạng, tuyên bố nhóm này sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào thành phố Aleppo, thành phố đông dân nhất của Syria và là trung tâm kinh tế then chốt, nơi vẫn khá yên bình kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu.
“Chúng tôi đã ra lệnh tiến vào Aleppo để giải phóng thành phố này”, một lãnh đạo của nhóm này, Đại tá Abdul-Jabbar Mohammed Akidi, nói.
Mặc dù lực lượng nổi dậy ngày càng có qui củ và tổ chức tốt hơn, giúp lực lượng này có thể tấn công vào các thành phố lớn, họ vẫn không thể đánh bại lực lượng của Tổng thống Assad và trở nên vô dụng trước các máy bay trực thăng của quân đội Syria.
Theo cơ quan quan sát nhân quyền Syria, bạo lực trong tuần qua ở Syria đã đẩy số người thiệt mạng vì nổi dậy ở nước này lên tới 19.000 người. Cũng theo cơ quan này, tháng 7 là tháng đẫm máu nhất của cuộc nội chiến với hơn 2.750 bị thiệt mạng chỉ ngay trong 3 tuần đầu tiên của tháng, gần bằng tổng số người thiệt mạng trong tháng 6.
Ngày hôm qua (22/7), hơn 100 người đã thiệt mạng trong đó có ít nhất 24 binh sĩ chính phủ.
Xung đột leo thang cũng khiến dư luận càng thêm lo ngại rằng cuộc chiến Syria sẽ vượt qua biên giới, lan sang các quốc gia láng giềng.
Chính quyền Assad là cầu nối giữa Iran và nhóm chiến binh dòng Shiite, Hezbollah ở Li Băng. Phía bên kia của cuộc xung đột là lực lượng nổi dậy chủ yếu là những người thuộc nhóm Sunni chiếm đa số ở Syria, có mối quan hệ với các quốc gia thuộc dòng Hồi giáo Sunni trong khu vực như Ả rập Xê út.
Video đang HOT
Tình hình còn phức tạp ở chỗ, hầu hết các nhóm nói trên đều thù ghét Israel – đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông.
Hôm qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng ông lo sợ tình trạng rối loạn sau khi chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ sẽ giúp nhóm Hezbollah tiếp cận được kho vũ khí hóa học của Syria.
Nhà vua Abdullah của Ả rập Xê út thông báo về một chiến dịch quốc gia nhằm thu thập sự ủng hộ trong nước đối với “những người anh em của chúng ta ở Syria”. Ả rập Xê út và các quốc gia khác đã bày tỏ quan điểm tích cực về lực lượng đối lập mặc dù không quốc gia nào chính thức tuyên bố ủng hộ lực lượng này.
Cuộc nổi dậy Syria bắt đầu vào tháng 3 năm 2011 khi chính quyền đàn áp các cuộc nổi dậy kêu gọi cải cách chính trị. Khi phong trào đào ngũ lan rộng và số người thiệt mạng tăng lên, các nhóm nổi dậy đã hình thành để chống lại quân đội chính phủ và cuộc xung đột phát triển thành nội chiến.
Trong suốt thời gian diễn ra xung đột, lực lượng nổi dậy Syria không thể đánh bại được quân đội của Tổng thống Assad được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại mua từ Nga. Các nhóm nổi dậy chủ yếu là những nhóm địa phương có vũ khí hạng nhẹ và không có nhiều mối liên hệ ngoài vùng hoạt động của mình.
Tuần qua, một nhóm nổi dậy khác cũng vừa tuyên bố thành lập với khoảng 1.000 chiến binh, chủ yếu được trang bị súng trường, mặc đồ rằn ri và hô vang khẩu hiệu: “Thánh Alla vĩ đại”. Hiên dư luận vẫn chưa biết gì nhiều về nhóm này nhưng lực lượng chiến binh xuất hiện trong đoạn băng cho thấy nhóm này có lẽ lớn hơn tất cả các nhóm nổi dậy Syria từng được dư luận biết đến.
Một đoạn băng tải trên mạng ngày hôm qua cho thấy hàng chục xe tải và xe hơi chở đầy quân nổi dậy hướng về thành phố Aleppo trước bình minh. Các đoạn băng khác cho thấy nhóm nổi dậy này bắn vào một chiếc xe tải tại một bốt của chính quyền cho tới khi chiếc xe chìm trong lửa.
Một số đoạn băng khác lại cho thấy xe tăng đi dọc theo đường chính và quân nổi dậy trốn ở sau một bức tường trong lúc tiếng súng bắn và tiếng nổ vang lên.
Đài truyền hình trung ương Syria cho biết quân đội nước này đang săn lùng “những kẻ khủng bố” và đã tiêu diệt số lượng lớn quân nổi dậy.
Mặc dù quân nổi dậy có thể tấn công các bốt kiểm tra của quân đội nhưng lực lượng này thiếu vũ khí để đánh trả máy bay trực thăng và không thể làm gì với xe tăng, loại vũ khí mà chính quyền ngày càng dùng thường xuyên hơn.
Tại Damascus, chính phủ đã đánh bật lực lượng nổi dậy sau loạt tấn công tuần trước. Cơ quan quan sát nhân quyền Syria cho biết quân đội đã cử binh lính và xe tăng đến chiếm lại vùng phía tây nam của thủ đô và hàng chục người đã bị thương.
Máy bay trực thăng của chính quyền dùng súng máy hạng nặng bắn vào các khu vực có quân nổi dậy còn quân đội thì đột kích và tiến hành bắt bớ. Ít nhất 4 người đã thiệt mạng tại quận Barzeh ở phía bắc.
Đài truyền hình Syria phủ nhận rằng chính phủ đã sử dụng máy bay trực thăng ở thủ đô và tuyên bố Damascus đã trở lại yên bình và quân đội đã quét sạch tàn dư của “những tên khủng bố”.
Thế giằng co của cuộc xung đột thể hiện rõ nét khi quân nổi dậy chiếm được một chốt kiểm tra tại biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại mất một chốt khác tại biên giới với Iraq.
Sự căng thẳng của cuộc xung đột Syria còn được thể hiện bằng việc Malaysia đã đóng cửa đại sứ quán và di tản công dân của mình ra khỏi Syria. Ngoài ra, Ý cũng yêu cầu công dân mình rời nước này do tình hình “ngày càng tồi tệ”.
Theo Infonet
Tổng thống Syria "mất tăm" sau vụ đánh bom
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đột nhiên mất tăm sau vụ đánh bom khiến nhiều quan chức quốc phòng thương vong trong khi lực lượng nổi dậy đã tiến gần trung tâm Damascus, tuyên thệ "giải phóng" thủ đô.
Nhà lãnh đạo Syria đã không xuất hiện trước công chúng và không phát biểu gì sau vụ đánh bom khiến Bộ trưởng Quốc phòng Syria-Tướng Daoud Rajha, thiệt mạng.
Rạng sáng nay, những người nổi dậy tuyên bố sẽ không dừng cuộc đấu tranh khốc liệt nhất tấn công vào thủ đô trong 16 tháng nổi dậy chống lại chế độ Assad.
Cuộc đấu tranh diễn ra gần trụ sở an ninh, nơi quả bom bất thình lình làm náo loạn một cuộc họp của các quan chức an ninh và quốc phòng.
Anh rể của ông Assad, Assef Shawkat, một chỉ huy tối cao và là một trong những trụ cột của chính quyền Assad, đã tử vong trong vụ nổ cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Rajha.
Các vụ nổ được báo cáo tại các quận trung tâm thủ đô như Mezze và Kafar Souseh, trong khi đó một đồn cảnh sát tại quận Hajar al-Aswad đã bị thiêu rụi.
Đám đông đã bắn phá thủ đô từ những ngọn núi xung quanh khi màn đêm buông xuống. Quân đội chính phủ, tuyên bố trả thù vụ ám sát này, đã xối đạn từ trực thăng xuống thủ đô.
Một nguồn tin an ninh cho biết kẻ đánh bom, người đã tấn công vào các cơ quan an ninh là một cận vệ của tổng thống Assad. Đài truyền hình trung ương đưa tin đây là một vụ đánh bom tự sát. Các nhóm chống đối lại chính quyền Assad đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Được biết, vụ nổ hôm qua là một phần của một cuộc tấn công phối hợp vào thủ đô, vốn đã leo thang từ đầu tuần. Những người nổi dậy gọi đó là "giải phóng Damascus" sau nhiều tháng diễn ra các vụ đụng độ dữ dội khiến khoảng 17.000 thiệt mạng.
"Đây là giai đoạn cuối cùng. Chúng sẽ sớm bị lật đổ," Abdelbasset Seida, một lãnh đạo của Hội đồng Quốc gia phe đối lập Syria nói. "Hôm nay là một bước ngoặt trong lịch sử Syria. Nó sẽ gây thêm áp lực đối với chính quyền Assad và mang tới một kết cục sớm trong vòng vài tuần hoặc vài tháng."
Ahmad Zaidan, phát ngôn viên của Hội đồng Chỉ huy Cách mạng, một tổ chức đối lập, cho biết vụ nổ đã giáng một đòn nặng vào tinh thần chiến đấu của quân đội.
"Đây chỉ là khởi đầu, chính phủ đã bị mất kiểm soát và những người xung quanh Bashar al Assad đã ra đi. Nền tảng của chế độ đã bị lung lay. Đã tới lúc Bashar là người ra đi," Zaidan nói.
Washington, lo ngại hiệu ứng của vụ tấn công này lan tỏa ra các bang lân cận, cho rằng tình hình đang vượt quá tầm kiểm soát.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã hoãn cuộc bỏ phiếu về vấn đề Syria. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người bảo vệ quan trọng nhất của Assad, để thuyết phục Moscow ngừng hỗ trợ cho tổng thống Syria.
Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng lo sợ rằng cuộc xung đột, có sự tham gia của các phần tử thánh chiến phong cách al Qaeda, có thể gây mất ổn định các quốc gia láng giềng như Israel, Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Jordan.
Theo VietNamNet
Toàn cảnh xung đột đẫm máu ở Syria Cuộc đấu giữa phe nổi dậy và chính quyền Assad vẫn chưa có hồi kết. Quốc gia này lại vừa xảy ra vụ thảm sát hơn 200 người ở Tremseh, Hama. Xung đột kéo dài 16 tháng qua khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Thủ đô Damascus của Syria bị tàn phá nặng nề. Homs, nơi được coi là thành trì của...