Suy dinh dưỡng vì… ăn cơm quá sớm?
Con tôi được 10 tháng, đã chuyển sang ăn cơm nát. Tôi đã cố nấu cho cháu nhiều món, đủ chất nhưng không hiểu sao cháu vẫn không tăng cân tốt…
Bạn đọc Trần Thị Thu Tr. (27 tuổi, TP HCM) hỏi: Con gái tôi hiện được 10 tháng tuổi và khoảng hơn 1 tháng trước đã chuyển sang ăn cơm nát sau gần 2 tháng tập ăn cháo. Tôi cố nấu nhiều món, cháu thường hào hứng bắt đầu bữa ăn nhưng ăn không nhiều và không tăng cân tốt, nhất là khoảng thời gian từ khi ăn cơm. Có người bảo tại bé bú sữa mẹ quá nhiều nên ngán cơm, mà sau 6 tháng sữa mẹ không còn đủ dinh dưỡng cho bé nữa. Tôi có nên bớt cho bé bú lại hay cai hẳn sữa?
Bạn đọc Phạm T. (29 tuổi, Long An) hỏi: Tôi có cảm giác sữa mẹ hơi ít nên dù con tôi đạt các tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng vẫn thấy lo lo. Hiện bé 4 tháng tuổi, còn bú sữa mẹ hoàn toàn. Lúc nào thì tôi có thể tập cho bé ăn dặm và nên ăn gì? Đến tuổi nào bé có thể ăn cơm được? Lúc ăn cơm có nên cai sữa không vì tôi nghe nói nhiều bé tuổi ăn dặm vì bú sữa quá nhiều nên biếng ăn?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:
Trong từ 4-6 tháng đầu đời, trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn. Bạn có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm từ lúc 4-6 tháng bằng các loại bột dinh dưỡng, song song với việc bú sữa mẹ.
Video đang HOT
Đến khoảng 7 tháng, các bé có thể bắt đầu tập ăn cháo. Giai đoạn này, cháo cần thật loãng, rau, thịt phải dùng máy xay xay thật nhuyễn.
Khoảng 9 tháng tuổi, bé có thể dần ăn cháo đặc hơn và đến 12 tháng tuổi, giai đoạn mà đa phần các bé đã có ít răng để nhai thức ăn, có thể tập cho bé ăn cơm mềm, nát với phần thức ăn cũng được xử lý để mềm, miếng nhỏ vừa miệng.
Thời gian hợp lý để bắt đầu tập ăn cơm phụ thuộc vào bé mọc răng khi nào vì bé cần có răng mới nhai được cơm. Nếu bé mọc răng sớm, trước 12 tháng ít lâu đã nhiều răng thì ăn cơm sớm một chút cũng không sao, tuy nhiên, tập ăn cơm từ hồi 9 tháng là quá sớm. Có thể chính việc không đủ răng để nhai khiến bé khó khăn khi ăn, ăn kém đi, khó tiêu vì thức ăn không được nhai kỹ.
Nên lưu ý rằng tuyệt đối không bỏ sữa khi trẻ bắt đầu ăn dặm. 2 bạn đều đang cho con bú sữa mẹ, điều đó càng tốt hơn cho sự phát triển của trẻ, vì vậy không có gì phải lo lắng hay nghĩ đến chuyện cai sữa sớm nếu vẫn còn khả năng cho con bú.
Theo Người lao động
Bé hay nôn ói là bệnh gì?
Con trai thứ 2 của tôi rất hay bị ọc sữa, nôn ói từ nhỏ đến giờ, tần suất gấp mấy lần các bé cùng tuổi khác.
Ảnh minh họa
Bạn đọc Trần An (35 tuổi, TP HCM) hỏi: Con trai 18 tháng tuổi của tôi từ nhỏ đã hay bị ọc sữa, có lần vì vậy mà viêm phổi, phải nằm viện; giờ cháu ăn cũng hay ói. Tôi biết trẻ con hay vậy nhưng so sánh với con gái đầu lòng của mình và các cháu nhỏ khác thì thấy tần suất cháu bị ọc sữa, nôn ói nhiều hơn, có thể nói là gấp 3 lần các bé khác. Không biết bé bị bệnh gì?
Bạn đọc phamnguyenhang...@gmail.com hỏi: Con em được 14 tháng tuổi, đang chăm sóc tại nhà. Bé phát triển tốt, có da có thịt nhưng mỗi lần cho bé ăn thì vô cùng khó vì bé rất dễ bị nôn ói; tình trạng này đã gặp từ khi bắt đầu ăn dặm. Xin bác sĩ cho hỏi vậy có bất thường không, em nên làm gì?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:
Có 2 nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng con của các bạn hay bị ọc sữa, nôn ói hơn các trẻ khác: một là bé có thể bị hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, hai là do nguyên nhân tâm lý.
Về hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, triệu chứng dễ quan sát nhất là bé hay bị nôn ói. Vấn đề này thì các bạn phải đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và điều trị.
Về nguyên nhân tâm lý, các bạn có thể thử một vài sự thay đổi trong bữa ăn của bé.
Các bạn thử xem lại mình có ép con ăn hơi quá? Tâm lý người Việt thường thích những em bé mũm mĩm, vì vậy các em bé có cân nặng chuẩn, trông "roi roi", lại bị cho là gầy. Nhiều em bé bị ép ăn nhiều hơn nhu cầu nên ăn uống khó khăn, hay nôn ói. Nếu bé rơi vào tình trạng này, hãy điều chỉnh khẩu phần phù hợp hơn.
Ngoài ra, bữa ăn của bé có thực sự thoải mái? Hãy nói chuyện với bé, chỉ cho bé hiểu ăn là sự tận hưởng, chứ không phải một nghĩa vụ nặng nề. Tránh ép bé ăn bằng các hình phạt, la mắng bé nếu bé biếng ăn, nôn ói, vì tình trạng chỉ ngày một tồi tệ hơn.
Thay vì cố ép bé ăn, hãy đầu tư vào bữa ăn cho bé: trẻ em ở tuổi con các bạn đã biết ăn ngon và có thể nói là rất biết ăn ngon, vì vậy bữa ăn của bé nên đa dạng, thường xuyên đổi món, nêm nếm vừa miệng, trình bày bắt mắt.
Trẻ em ở tuổi con các bạn cũng nên được tập cầm muỗng để sớm tự ăn, khi đó việc ăn sẽ dễ dàng hơn và hạn chế tâm lý khó chịu khi ăn.
Anh Thư thực hiện
Theo nld.com.vn
Anh: Hướng dẫn mới về dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi Các cố vấn của chính phủ Anh hôm qua đã công bố hướng dẫn đầu tiên sau 24 năm để giúp phụ huynh trong việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Số liệu cho thấy 3/4 số trẻ dưới 1 tuổi ở Anh đang được cho ăn quá nhiều calo, nguyên nhân chính gây béo phì. Các chuyên gia hy vọng xu hướng đáng lo...