Súp thập cẩm – món ăn bổ dưỡng
Cua hấp chín nhờ hơi nước nên giữ được vị ngọt nguyên chất. Tách yếm, mai cua…. để lấy thịt, gạch cua để riêng.
Tùy theo số người ăn mà căn lượng nước súp, ví dụ như mỗi người ăn 1 chén to thì lường 1 chén nước đổ vào nồi. Luộc qua xương ống heo (hoặc xương ức gà) rồi rửa sạch lại cho hết chất bẩn. Thả xương vào ninh với một ít củ hành tím đập dập nướng sơ dùng làm nước súp. Thấy nhà đông mà chỉ một con cua thì hơi ít, nên chế Hai thả thêm miếng ức gà và miếng nạc heo vào luộc chín, xé sợi mịn. Biết ý mấy đứa nhỏ, chế còn luộc riêng 20 trứng cúc.
Mấy đứa nhóc ở nhà được bà và cô “huấn luyện”, chăm chút kỹ nên ăn rau củ rất hay. Mà súp chỉ toàn thịt không cũng ngán, vì thế, sau khi vớt xương đã ninh ra, lọc lại lấy nước dùng, chế Hai “độn” thêm nhiều loại rau củ như: bắp hạt, đậu Hà Lan, cà-rốt, nấm rơm xắt hạt lựu, nấm đông cô ngâm mềm thái sợi mịn thả vào nồi nước dùng, nấu lửa nhỏ khoảng 15 phút.
Khi rau củ hơi mềm, thả thịt cua và thịt heo, gà đã xé sợi vào. Nêm gia vị (muối, bột nêm, bột ngọt, đường) vào nước dùng, nếm sao cho có vị hơi mặn hơn khi nêm canh là được. Hòa tan chút bột năn (hoặc bột bắp) với nước lọc, quậy mịn hỗn hợp, tránh vón cục. Nồi nước súp sôi lăn tăn, rưới từng ít bột vào quậy đều cho nước hơi sánh lại, chờ nước sôi trở lại thì đập vỡ 2 trứng gà, tách lòng đỏ, lòng trắng ra riêng, đánh tan nhẹ, quậy súp theo một chiều tạo xoáy, cho trứng gà vào tiếp tục quậy một chiều. Cuối cùng, thả trứng cúc đã lột vào, rắc ít ngò rí xắt nhỏ, tiêu và cho chút dầu mè vào để dậy mùi thơm rồi tắt lửa.
Đi học về, nghe có món “súp công viên” (ngoài công viên có quán bán súp cua, cứ vài ngày là tụi nhỏ đòi ăn nên chúng đặt tên như vậy), tụi nhỏ reo vui, vội vã cất cặp, không kịp thay quần áo là chạy ùa xuống bếp, rửa mặt rửa tay lên bàn ngồi chờ sẵn. Khác với mọi hôm, đi học về là tìm remote bật tivi, hoặc chúi mũi vào mấy quyển truyện tranh, kêu mấy lượt mới chịu ra ăn.
Tô súp thập cẩm với màu sắc bắt mắt, hài hòa, sực nức mùi thơm và đặc biệt là đậm vị ngọt ngon của cua biển và xương ống heo, rất bổ dưỡng. Súp thập cẩm dùng kèm với chén nước tương dầm ớt, có thể ăn kèm với chút dấm đỏ cũng rất ngon.
Giòn dai với những món ăn từ nấm mối
Tháng 5, tháng 6 (âm lịch) hàng năm, các khu rừng, đồi ở BR-VT bắt đầu xuất hiện nấm mối. Nấm mối được bán với giá từ 500-600 ngàn đồng/kg nhưng vẫn được rất nhiều người tìm mua vì mỗi năm nấm mối chỉ có một mùa.
Nấm mối được chế biến thành nhiều món ăn ngon và trở thành thứ đặc sản quý từ thiên nhiên.
Nấm mối được bán tại thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức).
Anh Tuấn Anh, một người chuyên đi săn nấm mối ở Châu Đức cho biết, vào khoảng đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (âm lịch), khi những cơn mưa bắt đầu đổ xuống rừng cao su sẽ có nấm. "Những con mối làm tổ lâu ngày dưới đất, nơi cao ráo tạo thành một cái gò và meo nấm sinh ra từ đây. Khi gặp nhiệt độ thích hợp, meo thành nấm đội đất chui lên", Tuấn Anh nói. Rạng sáng, nấm đội đất nhú lên và bung dù khi trời ló dạng nên phải chạy đua với thời gian để kịp nhổ. "Không phải ai đi săn cũng gặp được nấm, người đi cả mùa chỉ tìm thấy vài kg, có người nhổ được cả chục kg một đêm", Tuấn Anh cho biết.
Theo những người đi săn nấm mối, nhổ nấm cũng phải có kỹ thuật, phải nhổ lên hết cả phần chân nấm. Nếu nấm mọc chỗ đất cứng thì phải lay nhẹ hoặc dùng cành cây cạy đất để nhổ hết. Điều đáng chú ý là không được dùng dao, vì "hơi sắt" sẽ làm mối bỏ đi, năm sau nấm không mọc nữa. Nấm hái đem về cạo rửa sạch đất, để nguyên tai, nấm lớn chẻ làm đôi, sau đó ngâm chút nước muối cho sạch rồi tùy ý mà chế biến. Nấm mối dễ làm, dễ nấu, không kén chọn gia vị. Nấm mối ăn dai dai, cùng với vị ngọt và béo tự nhiên, hàm lượng đạm rất cao nên món ăn từ nấm mối rất được ưa chuộng. Nấm mối có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như: nấm mối nướng hay cuốn bánh xèo, nấm mối xào mướp, nấm mối nấu với cháo gà hay canh măng giò heo... Cách đơn giản nhất để ăn nấm mối là xào hoặc nấu cháo. Tuy nhiên, với những người sành ăn thì nấm mối nướng muối ớt và tráng bánh xèo là ngon nhất, bởi 2 món ăn này người ăn được thưởng thức trọn vẹn vị ngon ngọt, thơm giòn của nấm mối.
Với món nấm mối nướng muối ớt, người ta chọn những tai nấm mối còn búp, chẻ nấm ra làm đôi, rửa sạch nấm với nước có pha muối, vớt ra để ráo. Tiếp đến, cho muối hột vào chảo, bắc lên bếp rang khô để nguội. Đâm nhuyễn muối cùng với vài trái ớt hiểm xanh, để sẵn ra tô, không thêm gia vị (đường, bột ngọt), vì gia vị sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của nấm mối. Cho nấm mối vào tô muối ớt trộn đều vừa khẩu vị, để ngấm khoảng 10 phút rồi lấy lá chuối lau sạch, phơi nắng hơi héo, xếp nấm mối lên và gói lại. Sau đó, dùng rơm đốt cháy hay nướng trên bếp than hồng cũng được, nướng cho đến khi lớp lá chuối bên ngoài cháy thì gỡ ra, đổ nấm mối vào đĩa và ăn nóng. Nấm mối nướng muối ớt vừa dai, vừa giòn, lại đậm đà hòa lẫn vị cay của muối ớt khiến người ăn nhớ mãi.
Nếu đổ bánh xèo, thì vẫn giữ nguyên công thức như các cách chế biến thông thường, chỉ thay nhân bánh bằng nấm mối. Khi ăn, vị ngọt béo, dai dai của nấm mối và củ sắn, hành tây hòa quyện vỏ bánh vàng ruộm, giòn tan, cùng nước chấm cay cay, chua chua, ăn kèm rau tía tô, diếp cá... tạo nên một món ăn ngon và hấp dẫn. Ngày nay, với kỹ thuật đông lạnh, người ta đã biết bảo quản nấm để có nấm ăn quanh năm.
Hàu chiên trứng - món ăn bổ dưỡng Là loại hải sản bổ dưỡng, hàu có thể chế thành nhiều món ngon như xào hẹ bông, nấu cháo hay nướng phô mai, nướng mỡ hành... Đặc biệt, món hàu chiên trứng được xem như lựa chọn tuyệt vời cho chị em trong những hôm bận rộn mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng, có thể đổi khẩu vị cho bữa...