Sừng tê giác: Alô là có!
Số lượng động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm bị buôn bán tràn lan trên mạng ngày càng tăng chóng mặt. Vào trang tìm kiếm Google và gõ các từ khóa “bán sừng tê giác”, “bán cao hổ”, “bán ngà voi”… không khó khăn gì để tìm ra hàng trăm trang mạng rao bán những sản phẩm trên.
Vài dòng ngắn gọn kèm theo số điện thoại, người bán và người mua dễ dàng liên hệ với nhau để giao dịch.
Một cân giá cả tỉ đồng
Trên mạng, một người xưng tên Mạnh rao bán: “Bán sừng tê giác Châu Á, giá 40 triệu có fix… Nhà em làm đông y nên muốn chia sẻ cho những người quan tâm đến sức khỏe của chính mình và những người thân của mình…
Video đang HOT
Mọi chi tiết về sừng xin liên hệ 0906106xxx… Giao dịch tại nhà em. Vì nhà em làm thuốc đông y nên các bác ko phải sợ đây là hàng quốc cấm… Trong thuốc đông y có vị thuốc sừng tê giác!”. Ngay lập tức, có hàng trăm comment quan tâm và hỏi han về giao dịch này. Khi gọi đến số điện thoại trên, tôi nhận được giọng nói dè dặt của bên kia đầu dây: “Nếu muốn mua thì đến tận nhà để giao dịch và kiểm tra chất lượng, tôi không muốn trao đổi lâu trên điện thoại”.
Như vậy, chỉ bằng số điện thoại, người mua chỉ cần alô là có thể tiếp cận được nguồn hàng một cách an toàn và bí mật nhất giữa hai bên. Ngoài tê giác, hàng trăm sản phẩm khác được rao bán phổ biến như: Cao hổ, ngà voi, mật gấu, tay gấu, các loài bò sát (rắn, rùa, tắc kè)… Tại nhiều diễn đàn về nuôi thú cưng, nhiều người đã lợi dụng website này để trao đổi, mua bán các ĐVHD nhằm mục đích nuôi thú cảnh như rùa, chim cảnh, bò sát…
Nguyễn Duy Hùng – nhân viên văn phòng của một DN ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) – cho biết: “Mua bán trên mạng đang quá phổ biến, mua những sản phẩm hiếm lại càng dễ do giao dịch bí mật giữa hai bên, không hề qua bất cứ khâu trung gian nào!”. Bằng cách này, nhiều người đã tiếp cận được nguồn hàng. Giao dịch thành công hay không, chất lượng hàng như thế nào, đó là câu chuyện khác. Chỉ biết rằng, ĐVHD với nhiều loại cực kỳ quý hiếm, thậm chí với loài đã hoàn toàn tuyệt chủng ở VN như tê giác, thì lại càng dễ dàng tìm mua trên Internet.
Theo một nghiên cứu mới nhất vừa công bố của Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD tại VN (WCS), trong vòng hai tháng, lượng ĐVHD được rao bán trên Internet chiếm tỉ lệ nhiều nhất ở các trang web rao vặt với 43%, 33% rao ở web các công ty, 21% được rao ở các diễn đàn (forum)… Tổng số loài ĐVHD được rao bán lên tới 108 loài với khoảng hơn 200 lượt đăng tải. Cũng theo nghiên cứu này, mục đích mua bán các loài ĐVHD nói trên chủ yếu là để làm cảnh (chiếm 84%) và làm thực phẩm (chiếm 9%). Còn đối với các sản phẩm làm từ ĐVHD, mục đích dùng để làm thuốc chiếm 61%.
Riêng với sừng tê giác, công dụng của bột sừng tê giác có đúng là có thể chữa được bệnh hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Tuy nhiên, một thực tế vô cùng khủng khiếp là lợi nhuận từ sừng tê giác lớn hơn nhiều so với các sản phẩm khác từ ĐVHD như mật gấu hay cao hổ, thậm chí ngang với vàng. Theo WCS, 1kg bột sừng tê giác có thể được bán với giá tới 60.000USD (trên một tỉ đồng). Con số này lớn hơn cả mức giá của 1kg cocaine được bán trên các đường phố của Mỹ.
Giám đốc WCS – ông Scott Roberton – lo ngại: “Trong khi nhiều nước trên thế giới xem việc lợi dụng Internet để buôn bán ĐVHD là một mặt trận bị giám sát chặt chẽ thì ở VN, việc lợi dụng Internet nhằm buôn bán ĐVHD đã diễn ra trong một thời gian dài mà chưa hề được ưu tiên quan tâm”.
Khó kiểm soát qua Internet
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TNMT) mới đây cũng cho biết, số lượng cá nhân tham gia buôn bán ĐVHD trên Internet ngày càng phổ biến (với hơn 70%). Điều đáng nói là phạm vi buôn bán ĐVHD rải khắp cả nước, trong đó chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM và việc quản lý các giao dịch mua bán ĐVHD qua Internet đang vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hiện đã có hành lang pháp lý xử lý việc mua bán trái phép trên Internet, song khung hình phạt với các hành vi buôn bán trái phép trong lĩnh vực này còn thấp.
Rượu rắn rừng bán tràn lan ở Tam Đảo. Ảnh: D.H
Việc quản lý về đăng ký và nội dung các trang mạng về buôn bán, diễn đàn, mạng xã hội… chưa được quan tâm đúng mức. Bản thân cơ quan quản lý sát sườn nhất là Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, thách thức lớn nhất với các nhà quản lý hoạt động thương mại trên Internet bao gồm mua hàng theo nhóm, kinh doanh đa cấp, quản lý website bán hàng trực tuyến… Cục này đang hoàn thiện, bổ sung nghị định về thương mại điện tử để trình Chính phủ – đây được coi là một công cụ để kiểm soát các hoạt động thương mại điện tử đang bùng nổ quá mạnh mẽ hiện nay.
Còn theo ông Đỗ Quang Tùng – GĐ Cơ quan quản lý CITES VN (Bộ NNPTNT) – kiểm soát việc mua bán ĐVHD qua Internet còn quá mới mẻ ở VN. “Sử dụng mạng để quảng cáo, rao bán ĐVHD làm thay đổi phương thức mua bán truyền thống và tạo cơ hội để các đối tượng thoả sức mua bán gian lận các loài ĐVHD quý hiếm trong thiên nhiên, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong giám sát và ngăn chặn. Đã đến lúc các cơ quan thực thi pháp luật, các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, quản lý, đưa ra những biện pháp xử phạt thật nặng đối với hành vi này”.
Cụ thể hóa hơn các bước trên, WCS đưa ra kiến nghị, cần tăng cường quản lý việc đăng ký và nội dung các trang mạng về buôn bán, diễn đàn. Mặt khác, ban quản trị các trang mạng cần xem xét tăng cường đưa quy định, luật về bảo tồn ĐVHD vào website, thường xuyên theo dõi chặt chẽ các chủ đề về buôn bán ĐVHD. Các cơ chế xử phạt vi phạm cũng cần được tăng cấp hơn chứ không chỉ dừng ở phạt hành chính.
Theo Dantri