Suleco: Kinh doanh yếu kém, cổ đông bức xúc
Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco) vừa qua, một số chất vấn của cổ đông không được chủ tọa trả lời với lý do “hết thời gian thảo luận”.
Suleco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và cho thuê lại lao động. Trong 3 năm trước cổ phần hóa, Công ty đều có lãi, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn nhà nước ở mức 17 – 27%. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn nhà nước là 75%. Suleco dự kiến lợi nhuận 3 năm sau cổ phần hóa ở mức 7 – 8 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ khoảng 7 – 8%, trả cổ tức 5 – 6%.
Thực tế, sau cổ phần hóa (2015), lợi nhuận của Suleco giảm sút, Công ty không chia cổ tức nhiều năm. Năm 2016, doanh thu không đạt kế hoạch, lợi nhuận sau thuế âm 8,5 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận không đạt kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 2,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế 5,5 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu đạt 69,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6,5 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là lãi 11,2 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2018, Suleco có nợ phải trả 56,3 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn là 37,7%.
Báo cáo tài chính năm 2017 và 2018 của Suleco có nhiều khoản mục đáng chú ý như khoản đầu tư cổ phiếu Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, cổ phiếu Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí, khoản góp vốn 39,5 tỷ vào Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Long… Ngoài ra, Suleco cho Công ty cổ phần Môi trường Công ích miền Nam vay 29,6 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm mà không có tài sản đảm bảo. Báo cáo tài chính còn thể hiện 2 khoản phải thu ngắn hạn đối với công ty này là 16,2 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tại đại hội, cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo Suleco về cơ sở pháp lý của việc cho vay, nhất là các khoản vay không có tài sản bảo đảm, trong khi Công ty không có chức năng cho vay. Phần vốn nhà nước tại Suleco là 25%, nên khoản tiền cho vay có 25% của Nhà nước, liệu Hội đồng quản trị Suleco có được quyền sử dụng tiền nhà nước cho vay và đầu tư chứng khoán? Việc cho vay và góp vốn của Công ty có được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền? Trước đó, tại đại hội năm ngoái, cổ đông HFIC đã có ý kiến về các khoản nói trên và Suleco hứa sẽ thu hồi trong năm 2018, nhưng đến nay chưa thực hiện.
Tuy nhiên, Chủ tịch đoàn đã không trả lời chất vấn của cổ đông với lý do “hết thời gian thảo luận, sẽ trả lời sau bằng văn bản”.
Hội đồng quản trị Suleco đã trình đại hội biểu quyết dự án đầu tư viện dưỡng lão ở Lâm Đồng, nhưng không nêu rõ tổng vốn đầu tư, nguồn vốn tự có hay vốn vay, dự kiến doanh thu, chi phí và đề nghị đại hội ủy quyền toàn bộ cho Hội đồng quản trị quyết định cụ thể.
Ngoài ra, Suleco đề nghị ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định nhiều vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông như quyết định việc thuê cơ sở vật chất để mở rộng hoạt động kinh doanh; thành lập, giải thể các chi nhánh, văn phòng đại diện; đầu tư ra nước ngoài; góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp, bán cổ phần thuộc sở hữu của Công ty tại các công ty con và các doanh nghiệp; đăng ký thay đổi trụ sở chính, đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp nghề Suleco trở thành cơ sở đào tạo trường trung cấp, tìm kiếm, làm việc và thương lượng với các đối tác để đầu tư, khai thác, sử dụng quỹ đất hiện có…
Được biết, Suleco đang quản lý và sử dụng một số khu “đất vàng” ở TP.HCM như lô đất 842 m2 tại 635A đường Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5 và lô đất 12.305 m2 tại 165 Đại lộ 3, Phường Phước Bình, Quận 9. Khi cổ phần hóa, các lô đất này đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp.
Một vấn đề khác là Suleco thông báo chốt danh sách cổ đông tổ chức Đại hội, ngày đăng ký cuối cùng là 5/4/2019 và ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/4/2019. Sau đó, Suleco gia hạn thời gian tổ chức đại hội, hủy đăng ký công ty đại chúng (do không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng) và hủy giao dịch trên UPCoM (từ ngày 27/5/2019). Đến ngày 14/6/2019, Suleco có thư mời họp, trong đó nêu rằng, cổ đông có quyền dự họp khi có tên trong danh sách ngày 13/6/2019, nhưng Công ty không chốt lại danh sách cổ đông.
Đại diện Suleco cho biết, Công ty hiện có trên 130 cổ đông và theo quy định, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 13/6, Công ty sẽ thực hiện nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng.
Suleco hiện có khoản tiền 103,6 tỷ đồng (tiền đặt cọc, ký quỹ của tu nghiệp sinh phát sinh từ năm 1996 – 2014) và nhiều khoản tiền đối tác nghiệp đoàn nước ngoài, quỹ hỗ trợ việc làm… chưa được đối chiếu và bàn giao cho ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Quyết định số 6341/QĐ-UBND ngày 1/12/2015.
Ngoài ra, Suleco chưa hoàn thành việc quyết toán nộp trả ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian trước khi cổ phần hóa.
Bùi Trang
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
6 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD
6 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018.
TTXVN
Theo Báo Tin tức
5 tháng năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD Năm tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Năm tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt...