Sudan lần đầu đồng ý nhận viện trợ qua CH Chad và Nam Sudan
Ngày 6/3, Chính phủ Sudan tuyên bố lần đầu tiên đồng ý nhận hàng viện trợ nhân đạo qua Cộng hòa Chad và Nam Sudan.
Người tị nạn Sudan sơ tán tránh xung đột tại thị trấn Gallabat. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tuyên bố nêu rõ Chính phủ Sudan sẽ chỉ định các tuyến đường và sân bay ở các khu vực khác nhau để nhận hàng viện trợ.
Kể từ khi xung đột nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) hồi tháng 4/2023, gần 18 triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng; 2/3 dân số không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khiến nhiều bệnh dịch lan rộng; khoảng 19 triệu trẻ em Sudan không được đến trường; 50% dân số Sudan – khoảng 25 triệu người – cần được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo. Hơn 1,5 triệu người đã rời bỏ đất nước để tìm kiếm sự an toàn tại Cộng hòa Trung Phi, CH Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan. Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), xung đột đã khiến 12.000 người thiệt mạng nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Giao tranh vẫn tiếp tục leo thang bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.
Trong lời kêu gọi chung mới đây, Cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR) và Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA) đã đề nghị huy động 4,1 tỷ USD. Số tiền này gồm 2,7 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho 14,7 triệu người Sudan và 1,4 tỷ USD hỗ trợ gần 2,7 triệu người tại 5 quốc gia láng giềng đang tiếp nhận lượng lớn người tị nạn Sudan.
Hơn 380.000 người di cư đến Nam Sudan do xung đột ở Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 22/11, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát ở Sudan vào ngày 15/4 đến nay, đã có tổng cộng 386.973 người ở nước này vượt biên sang Nam Sudan, trong đó 83% là công dân Nam Sudan.
Người dân Sudan rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại Koufroun, CH Chad. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo mới nhất được công bố tại thủ đô Juba của Nam Sudan, OCHA cho biết thêm một nửa trong số những người di cư trên là phụ nữ và trẻ em dưới 18 tuổi, và người tị nạn Sudan chỉ chiếm 16%. Theo cơ quan này, các nhóm giám sát biên giới đã ghi nhận số người Sudan xin tị nạn giảm 16% trong hai tuần qua, từ hơn 3.056 người trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 8/11 xuống còn 2.557 người trong thời gian từ ngày 9 đến 15/11.
OCHA đánh giá việc giảm số lượng người tị nạn Sudan và người xin tị nạn đến khu vực biên giới Wunthow/Joda trong những tuần gần đây một phần là do việc đăng ký sinh trắc học.
Theo báo cáo trên, hầu hết những người di cư tới Nam Sudan đang nhập cảnh qua 22 điểm được giám sát. Các tổ chức nhân đạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển những người này, theo đó mỗi tuần có từ 7.000 đến 10.000 người di cư từ Wuthnow/Joda đến thị trấn Renk bằng xe buýt, 3.100 người từ Renk đến thành phố Malakal bằng thuyền và 2.000 người bằng đường hàng không từ Malakal đến nhiều địa điểm khác nhau ở nước này.
Cũng theo OCHA, cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan và những thách thức hiện tại như lũ lụt, xung đột cộng đồng và nạn tội phạm ở Nam Sudan đã làm gián đoạn nguồn cung, dẫn đến giá cả tăng đều và giảm khả năng tiếp cận các mặt hàng cơ bản cho người hồi hương và cộng đồng sở tại.
LHQ: Hơn 20 triệu người phải đối mặt với nạn đói trầm trọng ở Sudan Theo ước tính của Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP), hiện có 20,3 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói trầm trọng và phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo ở Sudan. Con số này tương đương với 42% tổng dân số Sudan. Người dân tị nạn nhận lương thực cứu trợ tại Bentiu, Nam Sudan...