Trên 200.000 người chạy trốn sang Nam Sudan do xung đột
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 23/8, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết tính đến hết tháng 7, các cuộc đụng độ giữa lực lượng vũ trang Sudan và các Lực lượng hỗ trợ nhanh ( RSF) đã buộc 202.263 người phải vượt qua biên giới nước này để đến Nam Sudan.
Người dân Sudan sơ tán tránh xung đột tại thị trấn Gallabat ở biên giới Sudan – Ethiopia, ngày 3/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ khi xung đột bắt đầu xảy ra ở Sudan ngày 15/4, nhu cầu nhân đạo của người dân ở Nam Sudan tiếp tục gia tăng do các cuộc khủng hoảng liên quan đến xung đột, tình trạng mất an ninh lương thực, hoạt động di dời của người dân, dịch bệnh, khủng hoảng khí hậu cũng như tình trạng suy thoái kinh tế. Theo OCHA, hầu hết những người chạy trốn từ Sudan sang Nam Sudan đang phải đối mặt với tình trạng không có nơi ở ổn định, xung đột giữa các cộng đồng, nguy cơ bệnh tật, giá hàng hóa tăng cao, sự mất an ninh lương thực và tình trạng mất sinh kế. Nhu cầu về cứu trợ nhân đạo ở Nam Sudan trong tháng 7/2023 tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng của những yếu tố trên.
OCHA cho biết thêm mưa nhiều trong những ngày qua đã gây chia cắt giao thông, cản trở các nhân viên cứu trợ tiếp cận và cung cấp cứu trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng do xung đột.
Cũng theo cơ quan này, trong năm nay, khoảng 9,4 triệu người ở Nam Sudan, bao gồm 2,2 triệu phụ nữ, 4,9 triệu trẻ em và 337.000 người tị nạn được dự đoán sẽ cần các dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo.
LHQ kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, ngày 9/8, phát biểu trước báo giới, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách châu Phi, bà Martha Ama Akyaa Pobee nhấn mạnh rằng cần phải có một giải pháp đàm phán để chấm dứt xung đột quân sự ở Sudan càng sớm càng tốt.
Khói bốc lên sau giao tranh tại Khartoum, Sudan ngày 14/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Pobee nhấn mạnh rằng sẽ không thể có giải pháp thay thế nào khác. Theo quan chức LHQ, những lời kêu gọi tiếp tục chiến tranh để giành chiến thắng quân sự của một số người sẽ chỉ góp phần hủy hoại đất nước này. Chiến tranh càng kéo dài, nguy cơ chia cắt, can thiệp nước ngoài, xói mòn chủ quyền và đánh mất tương lai của Sudan, đặc biệt là đối với giới trẻ, càng lớn.
Hơn 100 ngày đã trôi qua kể từ khi giao tranh nổ ra giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vào ngày 15/4 vừa qua. Các cuộc đụng độ giữa 2 bên tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau của đất nước châu Phi này, đặc biệt là ở Khartoum, Bahri, Omdurman và Darfur. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa bên nào giành được chiến thắng hoặc đạt được bất kỳ lợi ích đáng kể nào.
Đáng chú ý, thủ đô Khartoum vẫn tiếp tục là trung tâm của cuộc xung đột, với các cuộc giao tranh lớn tập trung xung quanh các cơ sở quan trọng của SAF, bao gồm cả trụ sở của bộ tổng chỉ huy SAF.
LHQ cũng cảnh báo rằng các bên đã gây ra nỗi khổ to lớn cho người dân vùng Darfur. Giao tranh ở Darfur đang khơi lại những vết thương cũ về căng thẳng sắc tộc từ các cuộc xung đột trước đây trong khu vực. Tình hình đang rất đáng lo ngại và có thể nhanh chóng đẩy đất nước này vào một cuộc xung đột kéo dài với tác động lan tỏa ra khắp khu vực.
LHQ: Trên 2,6 triệu người Sudan rời bỏ nhà cửa do xung đột Ngày 29/6, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết kể từ khi giao tranh nổ ra ở Sudan hồi giữa tháng 4 đến nay tại nước nay đã có trên 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó hơn 560.000 người trở thành người tị nạn quốc tế. Người dân sơ tán...