Sức mạnh lòng dân
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc ta.
Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khẳng định giá trị vô địch của sức mạnh lòng dân, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí “dòng máu Lạc Hồng”, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù xâm lược.
Một góc TP Thanh Hóa hôm nay. Ảnh: Minh Hiếu
Thấm thía giá trị của sức mạnh lòng dân xuyên suốt chiều dài lịch sử máu và hoa của dân tộc, Đảng ta luôn trân trọng thứ “vũ khí” quý giá ấy. Hiến pháp năm 2013 đã trang trọng khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điều ấy cũng có nghĩa là phục vụ Nhân dân không chỉ là trách nhiệm, sứ mệnh chung của bộ máy Nhà nước, mà phải trở thành trách nhiệm, sứ mệnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; từng cán bộ, công chức, viên chức phải trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân.
Video đang HOT
Năm 2021 – năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt… Trong nước, nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Cùng với đó Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX chỉ ra những khó khăn của tỉnh: “Chất lượng tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và các sản phẩm còn thấp; nguồn lực còn hạn hẹp so với yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển. Tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…”. Song, bước vào năm 2021, tỉnh ta cũng có nhiều thời cơ, thuận lợi, đó là: môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; thế và lực của tỉnh được củng cố và nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ; một số dự án lớn, có sức lan tỏa đã đi vào hoạt động, các dự án mới được khởi công xây dựng; các chủ trương, định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đã được chỉ rõ trong Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và được xác định cụ thể trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trong Nhân dân được tăng cường.
Tình hình trên đòi hỏi mỗi chúng ta tiếp tục phải chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là vận dụng hiệu quả giá trị của sức mạnh lòng dân; tranh thủ tối đa các cơ hội và điều kiện thuận lợi; phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc Tổ quốc, sớm thực hiện thành công “khát vọng thịnh vượng” và trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao ở huyện Hoằng Hóa
Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch nhằm mục đích nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đây cũng là một trong 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhằm bắt kịp xu thế, tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp phát triển bền vững.
Nông dân chăm sóc bầu hồ lô xuất khẩu được trồng tại HTX sản xuất nông nghiệp sạch Hoằng Đạo.
Khu nông nghiệp CNC ở thôn Nhân Đạo, xã Hoằng Đạo, trước kia vốn là vùng đất cát pha bạc màu, bị bỏ hoang nay đã trở thành khu nông nghiệp khá hiện đại với nhà màng, nhà lưới. Chị Lê Thị Quyên "bà chủ" của HTX sản xuất nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, chia sẻ: Tháng 7-2019, chị thuê của xã Hoằng Đạo 2 ha đất đang bị bỏ hoang để đầu tư mô hình nông nghiệp CNC. Sau khi thuê đất, vợ chồng chị tập trung san lấp mặt bằng, đào ao, bón phân cải tạo lại ruộng đất và xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà lưới, nhà màng với diện tích 10.000m2 để sản xuất các loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Với kinh nghiệm sẵn có, sau 2 năm đầu thực hiện, chị lựa chọn cây trồng chính là dưa Kim Hoàng hậu, đan xen, kết hợp nhiều cây rau màu khác. Kết quả đạt được cũng ngoài mong đợi khi từng lứa, từng lứa cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Chị Quyên nhẩm tính, mỗi năm trừ các chi phí, khu nông nghiệp CNC này mang lại cho gia đình gần 400 triệu đồng tiền lãi, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và nhiều lao động thời vụ khác. Vụ xuân năm nay, HTX chuyển sang trồng nha đam và bầu hồ lô xuất khẩu theo hình thức liên kết... Mô hình sản xuất của HTX sản xuất nông nghiệp sạch Hoằng Đạo là một trong những mô hình đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở huyện Hoằng Hóa.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, toàn huyện có 3 ha nhà màng, 5 ha nhà lưới, tập trung tại các xã: Hoằng Đạt, Hoằng Đạo, Hoằng Thắng, Hoằng Hợp...; có 61 ha sản xuất cây rau, củ, quả, cây dưa đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Hoằng Giang, Hoằng Hợp, Hoằng Thắng,... trong đó một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau quả VietGAP đã được hình thành. Toàn huyện đã hình thành được 3 vùng sản xuất tập trung, gồm: Vùng sản xuất giống lúa lai F1 và khảo nghiệm giống lúa mới tại các xã Hoằng Quỳ, Hoằng Sơn (62 ha); vùng sản xuất súp lơ xanh, bắp cải, cà rốt tại các xã Hoằng Thành, Hoằng Lưu, Hoằng Đạo (52 ha); vùng liên kết sản xuất khoai tây tại các xã Hoằng Đạo, Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Ngọc, Hoằng Đông, Hoằng Thanh (quy mô từ 300 đến 350 ha/năm). Trong quá trình sản xuất, nhiều kỹ thuật, CNC đã được ứng dụng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Theo tính toán, hiệu quả kinh tế đối với diện tích sản xuất trồng trọt quy mô lớn, diện tích ứng dụng CNC, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP được cung ứng theo chuỗi đều cao hơn so với sản xuất thông thường từ 1,2 cho đến 2 lần.
Không chỉ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ cũng là lĩnh vực lợi thế của huyện ven biển Hoằng Hóa khi "sở hữu" 1.832,4 ha NTTS ở 17 xã với 891 cơ sở NTTS. Điểm nổi bật trong NTTS của huyện trong những năm gần đây đó là việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào NTTS, tạo ra sự tăng trưởng cao và trở thành mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Đặc biệt nhất phải kể đến diện tích nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng theo hướng CNC đã đạt 229,2 ha (gấp 2 lần so với năm 2015), trong đó diện tích nuôi siêu thâm canh ứng dụng CNC đã đạt 18,9 ha tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Hà, Hoằng Châu, Hoằng Lưu, Hoằng Phụ. Hình thức nuôi siêu thâm canh ứng dụng CNC đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và kiến thức khoa học - kỹ thuật...
Những dấu ấn trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở huyện Hoằng Hóa là minh chứng sinh động nhất góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, về cơ bản sản xuất nông nghiệp trong huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích đất được tích tụ, tập trung để tổ chức sản xuất quy mô lớn so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn thấp; hiện tượng nông dân không thiết tha với sản xuất có biểu hiện gia tăng; tích tụ tập trung đất đai gặp nhiều khó khăn do tư tưởng giữ ruộng chờ có dự án; chưa có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp... Các mô hình liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi còn thiếu tính bền vững. Một số diện tích đất được tích tụ, tập trung nhưng lại hạn chế về vốn, nguồn nhân lực nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo ra đột phá trong phát triển...
Trước thực tế đó, tháng 11-2020, khi ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, giai đoạn 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa xác định mục tiêu: Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng CNC và nông nghiệp sạch theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới... Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đạt 1.250 ha (diện tích đạt tiêu chí do UBND tỉnh quy định 880 ha; diện tích đạt tiêu chí của huyện 370 ha); diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và theo hướng CNC đạt tiêu chí do UBND tỉnh quy định 880 ha; diện tích sản xuất được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ hoặc tương đương 200 ha ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi...
Huyện đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch vùng huyện, các xã, thị trấn tiến hành lập quy hoạch chung giai đoạn 2020-2030, trong đó có các vùng sản xuất trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi gắn với quy hoạch hệ thống hạ tầng đồng bộ về giao thông, thủy lợi, điện đáp ứng sản xuất quy mô lớn; lựa chọn các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế để đưa vào quy hoạch. Do huyện đang tiến hành đô thị hóa nông thôn và phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030 nên ưu tiên thu hút đầu tư vào trồng trọt và nuôi trồng, khai thác thủy sản, đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại phải xem xét cân nhắc thận trọng khi chọn vùng quy hoạch và thu hút đầu tư để đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, HTX, tổ hợp tác và nông hộ, cá nhân sản xuất lớn, tạo môi trường thuận lợi để khơi dậy sức sản xuất, phát huy tối đa năng lực, vai trò của mỗi tổ chức, cá nhân; hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất đai. Đồng thời, từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trọng tâm là phát triển các vùng trồng trọt là thế mạnh, nuôi trồng và khai thác thủy sản là mũi nhọn để khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất và thu hút đầu tư...
Các kế hoạch, chỉ tiêu từng năm, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị và các cơ chế, chính sách, đề án đã và đang được triển khai thực hiện. Hy vọng với sự quan tâm tích cực đó sẽ khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, tạo "đòn bẩy" phát triển kinh tế nông nghiệp ở huyện ven biển Hoằng Hóa.
Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 177 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) với 121 đảng bộ, 56 chi bộ cơ sở. Với số lượng đông đảo, công tác xây dựng TCCSĐ vững mạnh toàn diện luôn được Đảng bộ Khối quan tâm. Đảng bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Thanh Hóa...