Sức mạnh hai chiến hạm Ấn Độ mới thăm VN
Hai tàu INS Shivalik và INS Karmuk đều là những tàu chiến hiện đại hàng đầu của Hải quân Ấn Độ.
Hôm 19/5, hai chiến hạm này đã cập cảng Hải Phòng bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam. Xin giới thiệu một số thông tin về hai chiếc tàu này:
Tàu khu trục INS Shivalik
INS Shivalik là tàu khu trục thế hệ mới, một trong những chiến hạm mới nhất, hiện đại nhất của Hải quân Ấn Độ.
Tàu khu trục tàng hình thế hệ mới INS Shivalik
Tàu được thiết kế có khả năng tàng hình nhẹ, giảm tín hiệu phản xạ radar để tránh bị đối phương phát hiện. Tàu tích hợp các công nghệ vũ khí, hệ thống điện tử của của Nga, Israel và phương Tây.
INS Shiavalik có lượng giãn nước 6.200 tấn, dài 142,5m. Thủy thủ đoàn đông đảo lên tới 257 người. Shivalik là tàu đầu tiên của Hải quân Ấn Độ dùng hệ thống động cơ kết hợp diesel và tuốc bin khí (gồm 2 động cơ diesel Pielstick 16 PA6 STC và 2 động cơ tuốc bin khí GE LM2500) cho phép đạt tốc độ tối đa lên tới 32 hải lý/h.
Video đang HOT
Tàu được trang bị hệ thống vũ khí “khủng” đáng để chiến hạm lớn hơn của Mỹ – Trung Quốc hay nhiều nước khác cũng phải e dè:
- Đầu tiên, tổ hợp tên lửa đối hạm Brahmos (với 8 quả đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng). Brahmos là tên lửa hành trình siêu âm tàng hình tầm xa do Nga – Ấn Độ hợp tác thiết kế sản xuất. Tên lửa lắp hai động cơ (rocket đẩy và động cơ phản lực tĩnh) cho phép đạt vận tốc gần gấp 3 lần vận tốc siêu thanh, nguy hiểm hơn trong hành trình bay tới mục tiêu, Brahmos bay cách mặt nước 10m vì vậy nó thực sự khó đánh chặn. Tên lửa có tầm bắn lên tới 290km, lắp đầu đạn xuyên giáp nặng 300kg đủ sức tiêu diệt chiến hạm cỡ lớn.
Tên lửa hành trình siêu âm Brahmos vốn được trang bị cho Shivalik
- Năng lực phòng không của Shivalik tương đối mạnh với 3 lớp: lớp đầu tiên là tổ hợp tên lửa đối không tầm trung 3M917 Shtil (24 quả) có thể đánh chặn máy bay ở tầm 38km và tên lửa hành trình ở tầm 20km. Tên lửa được dẫn đường bằng 4 Radar MR-90, mỗi radar có 2 kênh dẫn đồng thời 2 đạn tên lửa cùng tiến công mục tiêu.
Lớp thứ hai là tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Barak của Israel có tầm bắn 10-12km, độ cao tiêu diệt mục tiêu từ 500-5,5km.
Lớp cuối là 2 tổ hợp pháo phòng không siêu tốc Ak-630, trang bị một pháo cỡ 30mm 6 nòng cho tốc độ bắn cực cao 5.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 4.000m. Đây là lá chắn cuối cùng trên tàu Shivalik nếu như máy bay hay tên lửa đối phương vượt qua hai lớp trên.
- Hỏa lực chống ngầm của Shivalik bình thường với 2 cụm giàn phóng rocket săn ngầm RBU-6000 có tầm bắn chỉ 1.000m và 2 cụm máy phóng ngư lôi.
Cụm giàn phóng rocket săn ngầm RBU-6000 (Ảnh: QĐND)
Ngoài ra, tàu còn trang bị một pháo hạm Otobreda 127mm (Italia sản xuất) để tiêu diệt mục tiêu tầm gần nếu cần.
Tàu hộ vệ tên lửa INS Karmuk
INS Karmuk thuộc lớp tàu hộ vệ tên lửa Kora (project 25A) do Ấn Độ tự thiết kế và sản xuất nhằm thay thế cho các loại tàu Petya II lỗi thời trong Hải quân nước này.
Tàu hộ vệ tên lửa INS Karmuk
Tàu có lượng giãn nước 1.350 tấn, dài 91,1m, thủy thủ đoàn 134 người. Cũng tương tự INS Shivalik, tuy do Ấn Độ thiết kế, đóng mới từ “A-Z” nhưng toàn bộ vũ khí và hệ thống điện tử của tàu đều do Nga sản xuất.
Hỏa lực chống hạm của tàu Karmuk là 16 tên lửa hành trình đối hạm 3M24E Uran. Tên lửa này đã khá quen thuộc với Việt Nam, vì vốn dĩ hầu hết chiến hạm tên lửa hiện đại của Hải quân Việt Nam cũng dùng Uran.
Cận cảnh cụm 16 ống phóng trên tàu INS Karmuk (nằm ngay sau tháp pháo 76mm)
Tên lửa Uran có tầm bắn tối đa 130km, tốc độ bay cận âm, lắp đầu đạn nặng 145kg được đánh giá là đủ khả năng đánh chìm tàu có lượng giãn nước 4.000 tấn. Khi bắn, tên lửa bay bằng hệ thống định vị quán tính và cập nhật thông tin liên tục từ tàu, ở giai đoạn bay cuối radar chủ động của tên lửa sẽ tự quét – tìm – khóa mục tiêu.
Năng lực phòng không của Karmuk ở tầm thấp với tên lửa đối không tầm ngắn Strela-2M có tầm bắn 3,2km và 2 tổ hợp pháo Ak-630.
Tàu còn trang bị một pháo hạm cỡ 76mm để tấn công tiêu diệt mục tiêu tầm gần, hoặc cũng có thể dùng cho phòng không nếu cần.
Nhìn chung, cấu hình vũ khí của Karmuk tương tự tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ 1241.8 của Hải quân Việt Nam, nhưng nó hơn ở kích thước. Một phần vì chiếc tàu thiết kế thêm một sân đáp trực thăng ở đuôi tàu.
Tàu trang bị 2 động cơ diesel cho phép đạt tốc độ 25 hải lý/h, tầm hoạt động gần 10.000km.
Theo KhamPha