Sức mạnh của đội đặc nhiệm nữ duy nhất thế giới
Trong Hunter Troop, chương trình huấn luyện đặc nhiệm nữ đầu tiên trên thế giới của Na Uy, các nữ binh sĩ đều phải mang trên mình những thiết bị nặng hàng chục kg, hành quân nhiều cây số, bắt động vật làm thức ăn trong suốt khóa huấn luyện sinh tồn và luyện tập nhảy khỏi máy bay để thoát khỏi quân thù.
Lực lượng Hunter Troop, hay còn được gọi là Jegertroppen ở Na Uy, được thành lập vào năm 2014. Theo các chỉ huy quân sự tại đây, cuộc chiến ở Afghanistan đã chứng minh sự cần thiết của những chiến binh nữ được huấn luyện bài bản để thu thập thông tin tình báo và tiếp cận với phụ nữ và trẻ em trong các cộng đồng bảo thủ.
Dù ban đầu chỉ được xem là chương trình thử nghiệm nhưng đến nay, Hunter Troop đã trở thành một thành công lớn. Trong năm đầu tiên, có tới hơn 300 phụ nữ đăng ký gia nhập và mỗi năm có khoảng một chục người trải qua chương trình huấn luyện khắc nghiệt thường niên. Những người này chính là các nữ binh sĩ tinh nhuệ có thể hoạt động cả ở trong nước lẫn nước ngoài.
Ảnh: Mohamed Madi
Gia nhập Hunter Troop và trải qua các chương trình huấn luyện gian khổ nhưng Jannike, cô gái 19 tuổi đến từ phía Bắc Na Uy, chỉ khiêm tốn cho rằng mình “khá mạnh mẽ”. “Tôi muốn làm điều gì đó lớn lao hơn, những thử thách gian khổ nhất mà quân đội mang lại. Tôi muốn biết giới hạn của bản thân” – Jannike khẳng định.
Sau 6 tháng, mặc dù có “những lúc vô cùng thất vọng” nhưng cô gái 19 tuổi vẫn quyết tâm hoàn thành khóa huấn luyện. Những thử thách trong khóa bao gồm kỹ thuật cận chiến và lái xe tấn công.
Jannike tiết lộ phần huấn luyện khó nhất cho đến nay chính là “tuần lễ địa ngục”. Đây là một cuộc kiểm tra tâm lý và sức mạnh thể chất, bao gồm hoạt động hành quân cường độ cao suốt nhiều ngày mà lại có rất ít thức ăn và nước uống. “Họ muốn kiểm tra xem bạn có thể xử lý áp lực khi kiệt quệ hay không” – cô gái 19 tuổi nói.
Tuần tra mùa đông, một bài quan trọng của khóa học. Ảnh: Norwegian Special Forces
Hiện nay, những phụ nữ trẻ này đang luyện tập cách vừa chiến đấu vừa tìm cách thoát khỏi một cuộc phục kích trong thành phố. Họ sẽ hành động theo nhóm 2 người, 1 người ẩn nấp đằng sau những chiếc xe tăng cháy rụi rồi bắn yểm trợ bằng súng tiểu liên và ném bom khói để nhóm có thể trốn thoát an toàn.
“Để chuẩn bị cho họ, chúng tôi cố gắng huấn luyện một cách tốt nhất và thực tế nhất có thể. Họ bị buộc phải trải qua các bài tập nhiều lần để quen với chúng” – Đại úy Ole Vidar Krogsaeter, người giám sát khóa huấn luyện, nói.
Tuy vậy, mỗi khi đến giờ giải lao, những binh sĩ nữ trong độ tuổi 19-27 đều thay đổi hoàn toàn. Họ hồn nhiên ca hát, đùa giỡn với nhau rồi nhóm lửa và mở tiệc nướng.
Ảnh: Mohamed Madi
Video đang HOT
Trong giai đoạn giữa những năm 1980, Na Uy trở thành một trong những nước đầu tiên trong NATO cho phép phụ nữ hoạt động trong tất cả các vị trí chiến đấu, mặc dù số người thực sự đảm nhiệm việc này vẫn còn thấp. Khi đó, dù phụ nữ được phép đăng kí gia nhập lực lượng đặc nhiệm nhưng lại không có ai tham gia.
Trong khi đó, Mỹ và Anh chỉ mới bắt đầu gỡ bỏ giới hạn cho phụ nữ đăng ký vào các đơn vị chiến đấu thời gian gần đây. Tuy vậy, các binh sĩ đặc nhiệm tại Mỹ lại tỏ ra đặc biệt chống đối với những thay đổi này.
Một khảo sát do Viện Rand thực hiện năm 2014 cho thấy 85% cánh đàn ông thuộc Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc biệt Mỹ phản đối việc phụ nữ đảm nhận các công việc chuyên môn của họ. Ngoài ra, số người không đồng ý cho phụ nữ gia nhập đơn vị cũng rất cao, chiếm tới 71%.
Danh tính các thành viên trong đội đều được giữ kín. Ảnh: Mohamed Madi
Nguyên nhân chính là do họ cho rằng các nếu có phụ nữ gia nhập, độ khắt khe của những tiêu chuẩn sẽ giảm đi và làm ảnh hưởng đến sự gắn kết trong đội. Thêm vào đó, các đấng mày râu còn than phiền về những ảnh hưởng đáng lo ngại của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), phải đối mặt với sự phàn nàn, nghi kỵ của vợ hay những phiền phức của việc chia khu nhà ở.
Tuy nhiên, ông Magnus, một binh sĩ trong lực lượng đặc nhiệm Na Uy, người chịu trách nhiệm huấn luyện đội đặc nhiệm nữ Jegertroppen, thì tỏ ra mất kiên nhẫn với những vấn đề mà “đàn ông tạo ra”. Ông Magnus cho biết tại Na Uy, phần lớn các binh sĩ nam và nữ đều ở chung phòng và PMS “không phải là một vấn đề” trong quá trình huấn luyện.
Dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng có một số lo ngại đáng lưu tâm, đặc biệt là khả năng cáng đồng đội nam đến nơi an toàn một cách nhanh chóng của các binh sĩ nữ. “Tôi cho rằng bạn không nên nghĩ là các cô gái sẽ hành động y hệt như các chàng trai. Mặc dù họ sẽ không thắng trong một cuộc chiến tay đôi nhưng phần lớn thời gian chúng tôi lại dùng súng. Có nhiều lúc họ bắn tốt hơn cả đàn ông” – ông Magnus nói.
Những cô gái được huấn luyện nhảy dù giống như đàn ông. Ảnh: Norwegian Special Forces
Mặc dù sự bình đẳng giới luôn được giữ vững trong quân đội cũng như xã hội Na Uy, chỉ có 11% số thành viên quân đội là phụ nữ. Con số này phản ánh sự chững lại trong việc tuyển dụng và giữ lại các cô gái.
Phần lớn các thành viên của Jegertroppen đều là những vận động viên ưu tú của các trường trung học. Ngoài sức khỏe thể chất, họ còn sở hữu nhiều điểm mạnh khác. Cô Venderla, 22 tuổi, người vượt qua khóa huấn luyện năm 2016, nhận định: “Phụ nữ có suy nghĩ sáng tạo. Đàn ông chỉ làm những thứ họ phải làm. Có thể chúng tôi tốt hơn trong việc nhìn ra giải pháp khác hay hơn”.
Venderla nói cô chưa từng bị phân biệt giới tính trong lực lượng đặc nhiệm nhưng lại gặp tình huống trên trong một tiểu đoàn khác. Khi đó, một số binh sĩ cho rằng vì là phụ nữ nên Venderla yếu hơn hơn và ít năng lực hơn, một người thậm chí còn đưa ra những bình luận khiếm nhã về cô gái trẻ. Sau khi Venderla báo cáo sự việc, tình trạng trên liền chấm dứt.
“Tôi nghĩ có thể anh ta cảm thấy thiếu an toàn một chút. Tôi biết rằng mình đủ khả năng vì đã vượt qua kỳ kiểm tra nên đó là vấn đề của riêng anh ta” – Venderla tự tin nói.
Tình cảm giữa các thành viên trong đội khăng khít như chị em. Ảnh: Mohamed Madi
Hiện nay, lực lượng đặc nhiệm Na Uy đang được triển khai ở Jordan để giúp đỡ huấn luyện phe nổi dậy Syria chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đến nay, chưa có nữ binh sĩ nào thuộc đội Jegertroppen được triển khai vào chiến dịch đặc biệt, nhưng các chỉ huy cho rằng điều quan trọng là họ đã được huấn luyện và sẵn sàng khi cần thiết.
Với giọng nói điềm tĩnh nhưng tràn đầy niềm tin, cô gái Jannike cho biết ở đất nước yên bình như Na Uy, rất khó để cô giữ được suy nghĩ rằng họ đang thật sự “học để giết chóc”. “Nhưng tôi sẽ cố gắng vì đó là những gì chúng tôi đang thật sự được huấn luyện” – Jannike khẳng định.
Theo Bảo Hạnh/ BBC
Người Lao động
Vì sao Na Uy soán ngôi quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới mới được Liên Hợp Quốc công bố cho thấy Na Uy nắm giữ vị trí số một, soán ngôi Đan Mạch, để trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm nay thuộc về Na Uy.
Theo CS Monitor (Mỹ), Liên Hợp Quốc ngày 20.3 công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, nhân Ngày Hạnh phúc Quốc tế, trong đó xếp hạng 155 quốc gia dựa trên mức độ hạnh phúc của công dân mỗi nước.
Na Uy từ vị trí thứ 4 năm ngoái đã vượt lên xếp đầu bảng năm nay, thay thế Đan Mạch xếp số một vào năm ngoái.
Hạnh phúc không chỉ đơn giản là thu nhập
Các chỉ số từ năm 2014-2016 được xây dựng xoay quanh một nguyên tắc cơ bản, gọi là "sự hài lòng trong cuộc sống", hay đơn giản hơn là hạnh phúc. Các thông tin được hỏi ngẫu nhiên từ 1.000 người mỗi năm, trong 155 quốc gia. Người dân nước sở tại được hỏi những câu cố định để hé lộ hạnh phúc cá nhân.
"Hãy tưởng tượng một chiếc thang với những bậc được đánh số từ 0 đến 10. Nấc trên cùng của thang thể hiện cuộc sống tốt đẹp nhất đối với bạn, còn nấc dưới cùng là những điều tệ hại nhất. Bạn nghĩ mình đang đứng ở bậc thang nào", bản khảo sát mở đầu bằng câu hỏi.
Bằng cách thống kê trung bình kết quả, các nhà nghiên cứu sẽ tổng hợp thông tin thu được từ các quan điểm chủ quan với các dữ liệu thực nghiệm, dựa trên 6 yếu tố: tổng sản phẩm quốc nội, mức độ hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, tự do xã hội, hào phóng, tình trạng tham nhũng.
Theo công bố của Liên Hợp Quốc, mặc dù Na Uy vượt lên dẫn đầu nhưng 4 quốc gia trong top đầu đều duy trì khoảng cách sít sao,không có sự khác biệt rõ ràng giữa các nước trong nhóm này". Những quốc gia còn lại xếp theo thứ tự giảm dần là Đan Mạch, Iceland và Thụy Sĩ.
Người dân Na Uy.
Jeffrey Sachs, giám đốc Mạng lưới Giải phát Phát triển Bền vững cho biết, Na Uy hoàn toàn xứng đáng với vị trí số một thế giới. Bởi kết quả xếp hạng được dựa trên việc đánh giá một quốc gia "có được sự cân bằng bền vững giữa sự thịnh vượng và tài nguyên xã hội, người dân tin tưởng cao vào xã hội, tình trạng bất bình đẳng thấp cũng như lòng tin vào chính phủ".
Cường quốc như Mỹ đang có dấu hiệu đi theo chiều hướng ngược lại, ông Sachs nói. Chính sách của chính quyền mới đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và vấn đề kinh tế.
Na Uy vượt lên dựa vào nhiều yếu tố
Xét về mặt kinh tế, Na Uy là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất ở khu vực Bắc Âu và trên toàn thế giới. Nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú, Na Uy có GDP rất cao, đạt hơn 512 tỷ USD (số liệu năm 2013). Dân số Na Uy chỉ ở mức 5 triệu người nên GDP bình quân đầu người lên tới gần 101.000 USD. Tuổi thọ bình quân của người dân Na Uy vào khoảng 81,45 tuổi.
Trong những năm gần đây, giá dầu thế giới liên tục giảm, kinh thế thế giới trải qua nhiều biến động nhưng mức độ hài lòng về kinh tế của người dân Na Uy và các nước Bắc Âu vẫn không hề suy giảm.
John Helliwell, chuyên gia kinh tế nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và phúc lợi tại Đại học British Columbia nói: "Bằng cách sử dụng nguồn dầu thô hợp lý và đầu tư vào quá trình phát triển có lợi cho thế hệ tương lai, Na Uy đã tự bảo vệ mình trước làn sóng lên xuống của nhiều quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào giàu mỏ khác".
Mức độ hạnh phúc của người dân Na Uy được đánh giá trên nhiều mặt.
Na Uy cũng được coi là một trong những quốc gia có mức độ an sinh xã hội cao nhất thế giới. "Quyền được tiếp cận với trình độ giáo dục cao, được sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao đóng góp không nhỏ vào sự hạnh phúc của người dân", Jon-Age Oyslebo, quan chức phụ trách các vấn đề thông tin, văn hóa và giáo dục tại đại sứ quán Na Uy ở Mỹ nói.
Theo ông Oyslebo, các chương trình hỗ trợ xã hội ở Na Uy cũng rất hào phóng. Những cặp vợ chồng sinh con lần đầu ở Na Uy sẽ được nghỉ ở nhà chăm con gần một năm mà vẫn hưởng nguyên lương.
"Na Uy là một xã hội tương đối bình đẳng cả về giới lẫn thu nhập", ông Oyslebo nói. Đây được coi là những yếu tố quan trọng giúp Na Uy soán ngôi Đan Mạch, đứng đầu trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc được các nhà quan sát đánh giá là một nguồn thông tin quan trọng để các lãnh đạo quốc gia nhìn nhận lại tình trạng bất bình đẳng và mức độ kém hài lòng của người dân trong nước, từ đó đưa ra những điều chỉnh chính sách đúng đắn hơn.
Việt Nam xếp thứ 94 Theo khảo sát quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 94 trong số 155 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại châu Á, Singapore xếp thứ 26, Thái Lan thứ 32, Malaysia thứ 42, Nhật Bản thứ 51, Hàn Quốc 56, Philippines 72, Trung Quốc 79, Indonesia 81.
Theo Danviet
Việt Nam xếp thứ 94 trên 155 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới Việt Nam xếp thứ 94 theo bảng xếp hạng Quốc gia Hạnh phúc nhất Thế giới của Liên Hợp Quốc, đứng đầu là Na Uy. Một người đàn ông dắt em bé dọc bến cảng thị trấn Bergen, tây nam Na Uy. Ảnh: Reuters Na Uy đã nhảy từ vị trí thứ 4 suốt hai năm qua lên vị trí thứ nhất, vượt...