Sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nữ cán bộ, Thẩm phán TAND
Trong suốt quá trình 75 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là giai đoạn mới thành lập, TAND luôn nhận được sự quan tâm, chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc rèn luyện phẩm chất đạo đức người cán bộ cách mạng, về lập trường chính trị và công tác tổ chức cán bộ.
Ngành TAND luôn nhận được sự quan tâm, chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc rèn luyện phẩm chất đạo đức người cán bộ cách mạng
Tháng 5/1950, Hội nghị tư pháp do Trung ương triệu tập, quy tụ khoảng 100 cán bộ từ Liên khu năm trở ra được tổ chức tại một cánh rừng Việt Bắc (thực chất đây là một lớp học nhằm phổ biến quan điểm, lập trường chính trị – pháp lý mới cho cán bộ tư pháp). Dù bận rộn nhiều công việc chỉ đạo kháng chiến, nhưng Bác vẫn dành thời gian đến dự Hội nghị bởi theo Người tư pháp là một công tác hết sức quan trọng. Khi bước vào hội trường, Bác Hồ quan sát nhanh khắp lượt các hàng ghế. Rồi Bác đưa ra câu hỏi (cũng là một lời phê bình) cho các đồng chí lãnh đạo, phụ trách Hội nghị: “Lớp học không có một đồng chí nữ nào sao? Tư pháp các đồng chí lạc hậu quá!”. Thực ra, chẳng riêng gì lớp học, mà gần như toàn ngành tư pháp lúc bấy giờ chưa có một đồng chí phụ nữ nào tham gia, dù chỉ là nhân viên.
Bác đi khắp từ hàng ghế trên đến hàng ghế cuối hội trường, bắt tay từng người thân mật, vui vẻ. Sau đó, Bác hỏi đồng chí Trần Công Tường, khi đó là Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Chưa có Thẩm phán là phụ nữ sao?”. Đồng chí Thứ trưởng lúng túng báo cáo: “Thưa Bác, chưa có ạ…Dạ, mới có một nữ thẩm phán ở ngoại thành Hà Nội!”. Bác tiếp: “Thế là khuyết điểm rồi! các chú phải quan tâm đào tạo Thẩm phán là phụ nữ mới được”.
Bà Hồ Thị Xuân Hiền, nguyên Phó Chánh Tòa Dân sự TANDTC, người vinh dự 3 lần được gặp Hồ Chủ tịch, nhớ lại: Tại Hội nghị vào năm 1960 với chủ đề Phụ nữ tham gia công tác chính quyền, Bác đến dự và đã nói: “Cán bộ phụ nữ lần đầu tiên tham gia công tác lãnh đạo ở các ngành, các cấp chính quyền sẽ có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, vất vả…Nhưng các cô không nên tự ti, phải chịu khó, kiên nhẫn tìm tòi, học hỏi. Học để nâng cao kiến thức, học kinh nghiệm từ người đi trước, nhất là phải sâu sát quần chúng để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng”…”Việc gì nam giới làm được, phụ nữ cũng làm được, nếu có ý chí và lòng tự trọng”…
Video đang HOT
Quan điểm, định hướng về bình đẳng giới, chủ trương đào tạo, phát triển cán bộ nữ của Bác Hồ và Đảng ta đã được ghi trong nhiều Nghị quyết của Đảng, chính sách của Chính phủ và đã được hiện thực hóa trong thực tế.
Trong hệ thống Tòa án nhân dân, nhiều chị đã phấn đấu học tập nâng cao năng lực, rèn luyện đạo đức tốt, được Trung ương phân công giữ vị trí lãnh đạo tại cơ quan xét xử cao nhất. Đó là các chị Lê Thị Phương Hằng, Phó Chánh án TANDTC (từ 1979 đến 1988); chị Nguyễn Thị Ngọc Khanh, Phó Chánh án TANDTC (từ 1979 đến 1991); chị Dương Thị Thanh Mai, Phó Chánh án TANDTC (từ 1987 đến 2002); chị Nguyễn Thuý Hiền, Phó Chánh án TANDTC (từ 2015 đến 2020)
Các nữ Thẩm phán TANDTC nhiệm kỳ 2015-2020 có chị Nguyễn Thúy Hiền, Lương Ngọc Trâm Nguyễn Hoàng Anh, Đào Thị Xuân Lan…, đều là những Thẩm phán có năng lực, có uy tín xã hội, nhiều chị là Tiến sĩ Luật, đã kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng trước khi được Quốc Hội phê chuẩn làm Thẩm phán TANDTC.
Cho đến nay, TANDTC có 16 nữ vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương; 40 công chức nữ lãnh đạo cấp phòng và tương đương; 04 nữ/17 thẩm phán. Số nữ cán bộ, công chức tham gia cấp ủy là 23 người. Tại các các TAND cấp cao có 01 nữ Phó Chánh án/10 Phó Chánh án; 06 nữ/36 người giữ chức vụ chánh tòa, phó chánh tòa và tương đương; 13 công chức nữ/31 người giữ chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương;
Tại các TAND cấp tỉnh có 10 nữ Chánh án/63 Chánh án; 28 nữ Phó Chánh án/150 Phó Chánh án; 114 nữ trưởng phòng/360 người giữ chức vụ trưởng phòng; 205 nữ/434 người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương; 400/1.118 Thẩm phán. Số nữ cán bộ, công chức tham gia BCH tỉnh ủy là 07 người.
Tại các TAND cấp huyện có 127 nữ Chánh án/679 Chánh án; 339 nữ Phó Chánh án/1.028 Phó Chánh án; 205 nữ Trưởng phòng/435 người giữ chức vụ Trưởng phòng; 149 nữ/255 người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương; 2.060/4.666 thẩm phán. Số nữ cán bộ, công chức tham gia BCH huyện ủy là 109 người.
Những con số trên cho thấy, từ chỗ không có phụ nữ tham gia công tác tư pháp những năm đầu thành lập, cho đến sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán nữ của hệ thống TAND. Tỷ lệ cán bộ nữ TAND tham gia các vị trí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các đơn vị trung bình khoảng 30%.
Là “phái yếu”, là “một nửa của thế giới”, nhưng các chị em phụ nữ TAND rất mạnh mẽ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành các phiên tòa lớn (như vụ đánh bạc nghìn tỷ qua internet tại TAND tỉnh Phú Thọ là một minh chứng rõ rệt).
Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, người được phân công làm Chủ tọa phiên tòa này, tâm sự: “Vụ án này có số bút lục lớn, lên đến hơn 100.000 bút lục kèm theo hàng nghìn chứng từ, hóa đơn, sao kê tài khoản ngân hàng, chứa trong 7 tủ hồ sơ (mỗi tủ có 4 ngăn) đều được mã hóa bảo mật. Khi Viện KSND tỉnh Phú Thọ bàn giao hồ sơ, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ phải dùng xe cẩu để đưa các tủ hồ sơ lên phòng, đồng thời, huy động hơn 10 thư ký để kiểm đếm bút lục trong 2 ngày. Để đảm bảo kịp tiến độ đưa vụ án ra xét xử, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ phải nghiên cứu hồ sơ ngày đêm, kể cả ngoài giờ hành chính, thứ Bảy, Chủ nhật. Tôi cùng anh em đã phải ăn cơm hộp, bám trụ sở Tòa án trong nhiều ngày nghiên cứu hồ sơ, để tìm hiểu kỹ mô hình, cách thức tổ chức, vận hành, thanh toán tiền đánh bạc, để hiểu đúng bản chất, từ đó mới đánh giá đúng vị trí, vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội và có sự phân hóa đối với các nhóm bị cáo cụ thể”…
Mặt khác, các Thẩm phán nữ cũng rất chân thành, thân thiện tại các phiên hòa giải, đối thoại trong các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính. Các chị không chỉ gánh vác nhiệm vụ nặng nề là bảo vệ công lý, giữ cán cân công bằng xã hội, mà còn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đảm đang việc nuôi dạy con cái, nữ công gia chánh, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc của mình. Nhiều chị được vinh danh là Thẩm phán giỏi, Thẩm phán mẫu mực, được khen thưởng về hành động liêm chính, kiên quyết không nhận hối lộ của đương sự, là những tấm gương điển hình trong hệ thống TAND.
Từ lời phê bình, nhắc nhở của Bác Hồ năm xưa, đến nay chúng ta vinh dự, tự hào về sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ nữ cán bộ, Thẩm phán TAND. Với định hướng, kế hoạch hành động “Vì sự tiến bộ Phụ nữ” của TANDTC, chúng ta kỳ vọng trong giai đoạn mới, chị em phụ nữ các TAND sẽ được tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, được rèn luyện thử thách qua các vị trí công tác, phấn đấu vươn lên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp bảo vệ công lý, nhiệm vụ thật nặng nề những cũng hết sức thiêng liêng, cao cả.
Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh: Hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ, nhân viên y tế phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu".
Những năm qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh không ngừng trau dồi y đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng khám, điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh.
Là bệnh viện hạng II theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh có quy mô 80 giường bệnh kế hoạch (thực kê 280 giường bệnh). Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn mang tính đặc thù của một đơn vị y tế hoạt động trên địa bàn huyện miền núi, như thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, song bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp với mục tiêu "Tất cả hướng tới sự hài lòng của người bệnh".
Bệnh viện luôn xác định, khắc phục khó khăn để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, tăng cường công tác đào tạo, đẩy mạnh việc nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật... là những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhưng yếu tố cốt lõi là phải tạo được niềm tin đối với bệnh nhân. Bệnh viện thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, trau dồi và nâng cao nghiệp vụ, y đức cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ; phát động các phong trào thi đua thực hiện tốt quy tắc ứng xử của Bộ Y tế; tích cực cải cách thủ tục hành chính từ khâu thanh toán ra viện; ứng dụng công nghệ thông tin vào phần mềm quản lý bệnh viện; duy trì hòm thư góp ý, đường dây nóng 24/24h, tiếp nhận phản ánh của người bệnh. Cùng với đó, bệnh viện cũng thực hiện cải tiến một số quy trình khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh như quy trình khám, chữa bệnh ngoại trú, quy trình khám và cấp giấy sức khỏe, quy trình chuyển viện. Bệnh viện tăng cường kiểm tra, giám sát các khoa, phòng thực hiện quy chế chuyên môn, hồ sơ bệnh án, kê đơn điều trị, chăm sóc người bệnh, xử lý chất thải, kiểm soát nhiễm khuẩn. Tại các khoa lâm sàng, đã bố trí tối đa các buồng bệnh để người bệnh không phải nằm ghép; mua sắm chăn, ga, gối, đệm ở buồng bệnh, bổ sung thêm giường bệnh cho các khoa vào giai đoạn cao điểm đông bệnh nhân. Đồng thời, công khai giá viện phí mới, các dịch vụ kỹ thuật theo khoa; lắp đặt các bảng công khai về quy tắc ứng xử trong bệnh viện, các bảng nội quy, quy chế của bệnh viện, nội quy phòng bệnh, số điện thoại đường dây nóng; sửa chữa các công trình vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh ngoại cảnh, sửa sang bồn hoa, cây cảnh tạo khuôn viên sạch đẹp. Ngoài ra, các khoa cũng thực hiện nghiêm túc quy chế giao tiếp, ứng xử; quy chế chuyên môn; quy chế sử dụng hợp lý về thuốc. Thuốc và các phương tiện cấp cứu luôn được chuẩn bị sẵn sàng. Khi có bệnh nhân cấp cứu nặng nguy kịch, bệnh nhân tai nạn giao thông, cấp cứu sản khoa khác từ tuyến dưới chuyển lên được cấp cứu kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường về lực lượng, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới về phương thức hoạt động. Từ đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm bệnh viện đã xây dựng và triển khai phương án phòng chống dịch năm 2021, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thực hiện tốt công tác sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, khai báo y tế, sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh theo tình hình mới của dịch bệnh COVID-19; tăng cường kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bác sĩ CKII Hoàng Văn Chính, giám đốc bệnh viện, cho biết: Kết quả có được hôm nay là sự vượt khó đi lên, cùng với lòng yêu nghề, tinh thần thái độ tận tụy với công việc của tập thể cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, y, bác sĩ; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị; đi đôi với nêu cao y đức, tận tâm, tận lực phục vụ người bệnh.
Khắc ghi lời Bác dạy: Lương y phải như từ mẫu! Làm theo lời Bác dạy, trong những năm qua, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục đội ngũ thầy thuốc nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nghề, nâng cao trách nhiệm và tình yêu thương người bệnh, cảm thông chia sẻ với người...