Sự thỏa hiệp cần thiết
Sau rất nhiều tranh cãi gay gắt tại nghị trường, bộc lộ nhiều mâu thuẫn trong chính giới và dư luận về điều gọi là “văn hóa súng đạn”, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật kiểm soát súng đạn.
Khách hàng lựa chọn mua súng tại một cửa hàng ở Merrimack, New Hampshire (Mỹ). Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ngày 25/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành đạo luật được đánh giá là quy định về vũ khí quan trọng nhất trong gần 30 năm qua ở đất nước đang đối mặt với bạo lực súng đạn tràn lan, các vụ xả súng kinh hoàng, tự tử bằng vũ khí nóng cướp đi nhiều sinh mạng mỗi năm
Với 234 phiếu thuận và 193 phiếu chống, ngày 24/6, Hạ viện Mỹ đã tán thành dự luật lưỡng đảng “Vì cộng đồng an toàn hơn” về kiểm soát súng đạn. Trước đó, ngày 23/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật này với 65 phiếu thuận.
Dự luật này phê duyệt gói 11 tỷ USD tài trợ cho vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 tỷ USD cho các chương trình đảm bảo an toàn học đường, các chương trình can thiệp khủng hoảng và khuyến khích các bang đưa hồ sơ vị thành niên vào Hệ thống Kiểm tra lý lịch hình sự quốc gia. Dự luật cũng đưa ra những thay đổi đáng kể về quy định mua súng đối với các đối tượng ở độ tuổi từ 18 đến 21 cũng như cấp kinh phí để khuyến khích các bang thực hiện luật “cờ đỏ”, tước quyền sở hữu súng của những người được coi là mối đe dọa.
Đạo luật lưỡng đảng vì cộng đồng an toàn hơn yêu cầu các cá nhân “liên tục mua và bán vũ khí” phải đăng ký giấy phép sở hữu vũ khí liên bang và thực hiện kiểm tra lý lịch đối với khách hàng của họ. Đặc biệt, Chính phủ Mỹ sẽ chi một khoản tiền lên tới 1 tỷ USD để tài trợ cho “các chương trình sau giờ học, trước khi tới trường và chương trình học hè”, trong đó chi 300 triệu USD để huấn luyện học sinh và giáo viên “cách ngăn chặn và ứng phó với bạo lực cho bản thân và người khác”. Văn kiện này giúp “bịt” một lỗ hổng nhiều năm nay trong luật hôn nhân gia đình của Mỹ, gọi là “Lỗ hổng bạn trai”, theo đó các đối tượng có tiền sử bạo lực với bạn đời hoặc người yêu sẽ không được phép mua súng trong vòng tối thiểu là 5 năm.
Sự kiện lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật quan trọng nói trên được đánh giá là thắng lợi chính trị của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đặc biệt trong bối cảnh năm nay nước Mỹ tiến hành bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Đây là một sự thỏa hiệp cần thiết của các nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vì sự an toàn của người dân. Tổng thống Biden đánh giá đây một trong những bước đi ý nghĩa nhất vài thập niên qua mà cơ quan lập pháp Mỹ thực thi nhằm giảm tình trạng bạo lực súng đạn tại nước này.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đạo luật này bao gồm các bước tiến mạnh mẽ để cứu mạng mọi người, không chỉ khỏi các vụ xả súng hàng loạt kinh hoàng mà còn khỏi các vụ tấn công hằng ngày của tội phạm bạo lực súng đạn, hành vi tự sát hay sự cố thương tâm. Trước đó, tuyên bố trong phiên bỏ phiếu tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John Crony phát biểu: “Tôi không tin rằng chúng ta sẽ không làm gì khi đối mặt với những điều mà chúng ta thấy trong vụ xả súng ở Uvalde và những điều cũng nhìn thấy ở các cộng đồng khác”. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Chris Murphy khẳng định: “Dự luật này là một sự thỏa hiệp. Nó không phải là tất cả những thứ mà chúng tôi muốn. Nhưng điều mà chúng tôi đang làm sẽ cứu sống hàng nghìn mạng người”.
Sau khi thông qua Đạo luật Phòng chống bạo lực súng ngắn Brady năm 1993 cùng Đạo luật Kiểm soát tội phạm bạo lực và thực thi pháp luật năm 1994, Quốc hội Mỹ gần như không có thêm động thái đối phó bạo lực súng đạn trong nhiều thập niên qua.
Theo giới phân tích, dự luật lưỡng đảng vì cộng đồng an toàn hơn là một nỗ lực mang tính liên bang mới quan trọng nhất nhằm giải quyết nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ. Dự luật trên được đưa ra sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu tại một trường tiểu học ở thị trấn Uvalde, bang Texas, và tại một siêu thị ở thành phố Buffalo, bang New York, khiến hàng chục người thiệt mạng và gây chấn động nước Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ tìm cách thúc đẩy để dự luật được thông qua trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ ngày 4/7 tới.
Sau vụ xả súng tại trường tiểu học Robb, Tổng thống Biden lập tức kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật kiểm soát súng đạn. Ông từng gọi bạo lực súng đạn ở Mỹ là “dịch bệnh”, “nỗi hổ thẹn” với cộng đồng quốc tế. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy bày tỏ sự sợ hãi và phẫn nộ về vụ xả súng ở trường tiểu học Robb. Ông lớn tiếng chỉ trích các đồng nghiệp không chịu hành động suốt nhiều năm qua, bất chấp hàng loạt thương vong từ bạo lực súng đạn. Cựu Tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố phải nhanh chóng hành động để xử lý bạo lực súng đạn ở Mỹ. Ông nói thêm nước Mỹ đã tê liệt không phải vì nỗi sợ, mà vì những người vận động hành lang ủng hộ súng đạn và vì đảng Cộng hòa không sẵn sàng hành động để ngăn chặn các vụ xả súng tái diễn.
Video đang HOT
Súng được trưng bày tại một cửa hàng giới thiệu sản phẩm của RTD Arms & Sport ở Goffstown, New Hampshire (Mỹ), ngày 2/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Số liệu mới nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho thấy nước này năm 2021 ghi nhận 61 vụ xả súng, cao nhất trong hơn 20 năm, khiến 103 người thiệt mạng và 140 người bị thương. Báo cáo của FBI còn chỉ ra rằng California là bang ghi nhận nhiều vụ nổ súng nhất vào năm ngoái, với 6 trong tổng số 61 vụ, dù đây là một trong những bang có luật về súng đạn nghiêm ngặt nhất đất nước. Đứng sau California là Texas và Georgia, đều ghi nhận 5 vụ xả súng. Mới đây, tạp chí New Republic dẫn số liệu từ Kho lưu trữ thông tin bạo lực súng đạn của Mỹ cho biết, trong 21 tuần đầu tiên của năm 2022, nước Mỹ đã chứng kiến tổng cộng 216 vụ xả súng hàng loạt, trong đó có 27 vụ xảy ra ở trường học. Trung bình mỗi tuần có khoảng 10 vụ xả súng ở nước này.
Các chuyên gia nhận định số lượng súng khổng lồ và việc người dân có thể dễ dàng sở hữu là nguyên nhân chính khiến Mỹ phải chứng kiến các vụ xả súng và trong nhiều thập niên qua sống chung với “văn hóa súng đạn”. Theo Giáo sư Adam Lankford, Đại học Alabama, người đã nghiên cứu về các vụ xả súng hàng loạt trên thế giới suốt nhiều năm, Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu 42% số súng trên thế giới. Từ năm 1966 đến 2012, khoảng 31% đối tượng xả súng trên thế giới là người Mỹ. Ông nhấn mạnh yếu tố lớn nhất để lý giải cho điều này là súng ở Mỹ rất dễ dàng tiếp cận, ngay cả với những người có nguy cơ cao. Do vậy, để ngăn chặn bạo lực súng đạn, vấn đề cần làm ngay và làm một cách dứt khoát là siết chặt các quy định về sở hữu vũ khí nóng.
Tuy nhiên, cần thừa nhận một thực tế: bạo lực và kiểm soát súng đạn sẽ vẫn là vấn đề thời sự đeo bám nước Mỹ khi buôn bán vũ khí mang lại nguồn thu ngân sách không hề nhỏ, do vậy thế lực phản đối siết chặt quy định súng đạn vẫn rất mạnh. Điều này đã thể hiện qua số phiếu phản đối dự luật tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ, lần lượt là 193/435 và 33/100 phiếu. Theo công ty nghiên cứu IBISWorld, thị trường sản xuất và kinh doanh súng đạn ở Mỹ trị giá khoảng 34 tỷ USD, cung cấp công việc cho hơn 150.000 người. Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) được coi là tổ chức có khả năng vận động hành lang mạnh mẽ, từng ngăn Quốc hội Mỹ thông qua các dự luật về kiểm soát súng đạn. Theo dữ liệu của tổ chức phi chính phủ Open Secrets, NRA chi khoảng 3 triệu USD một năm để gây ảnh hưởng đến các chính sách về súng đạn. Việc Quốc hội Mỹ có được sự đồng thuận với dự luật lưỡng đảng vì cộng đồng an toàn hơn là sự thỏa hiệp cần thiết ban đầu, song để văn kiện này thực sự hiệu quả trong thực tế đúng như tên gọi của nó, có lẽ vẫn cần thêm những sự thỏa hiệp.
5 tiếng lánh nạn của ông Mike Pence trong vụ bạo loạn Điện Capitol
Giữa cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol, cựu Phó tổng thống Mỹ Mike Pence có lúc chỉ cách những đối tượng gây rối - gồm cả những người muốn tấn công ông - hơn 10 m.
Sáng ngày 6/1/2021, ông Pence bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện tại dinh thự chính thức của phó tổng thống. Vây quanh ông là các nhân viên tùy tùng.
Trước nỗ lực đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 của Tổng thống Donald Trump, họ đã dự đoán về một ngày khó khăn.
Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó nằm ngoài sức tưởng tượng của tất cả. Vì chỉ vài giờ sau, một đám đông giận dữ hô vang khẩu hiệu "Treo cổ Mike Pence" và chỉ cách ông khoảng 40 feet (hơn 12 m), theo New York Times.
Các nhân viên mật vụ Mỹ phải đưa vị phó tổng thống tới một địa điểm bí mật dưới Điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) trong gần 5 giờ.
Tại Nhà Trắng, ông Trump gọi ông Pence là "nhu nhược" và nhiều từ ngữ còn tồi tệ hơn. Trong khi đó, một nhân chứng cho biết nhóm cực hữu Proud Boys (tạm dịch: Những chàng trai tự hào) sẵn sàng tấn công ông Pence và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nếu có cơ hội.
Đây là những thông tin mới được hé lộ sau buổi điều trần hôm 16/6 của "Ủy ban 6/1", cơ quan được Hạ viện Mỹ thành lập để điều tra về vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021.
Kỳ vọng của ông Trump
Chánh văn phòng phó tổng thống khi đó, Marc Short, là một trong những người cùng cầu nguyện với ông Pence vào buổi sáng ngày 6/1/2021, khi Quốc hội Mỹ nhóm họp để xác nhận chiến thắng của ứng viên Joe Biden.
Ông Trump và những người ủng hộ kỳ vọng ông Pence, với tư cách Chủ tịch Thượng viện Mỹ, sẽ ngăn cản động thái mang tính thủ tục này với hy vọng đảo ngược kết quả bầu cử.
Hình ảnh ông Pence ở nơi trú ẩn được chiếu trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ. Ảnh: New York Times.
Sáng hôm đó, cựu Tổng thống Trump ở trong Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng cùng các thành viên gia đình và nhân viên tùy tùng. Ông đã đăng tải hai bài viết trên Twitter lúc 1h và 8h để gây thêm áp lực tới vị phó tổng thống. "Hành động đi Mike, đây là thời điểm cần sự dũng cảm đặc biệt", ông viết.
Vào 11h20, ông Trump nhấc máy gọi cho ông Pence. Ban đầu, những người trong Phòng Bầu dục không mấy chú ý. Dù vậy, khi giọng ông Trump bắt đầu nóng lên, họ không thể bỏ ngoài tai.
"Tôi nhớ là nghe thấy từ 'nhu nhược'", ông Nick Luna, một nhân viên tùy tùng của ông Trump, kể lại.
"Giọng điệu khác với những gì tôi nghe ông ấy nói chuyện với phó tổng thống trước đó", bà Ivanka Trump, con gái ông Trump, nói.
Trong khi đó, bà Julie Radford, Chánh văn phòng khi đó của Ivanka Trump, cho biết sếp của bà kể lại rằng ông Trump đã có cuộc trò chuyện "khó chịu" và sử dụng cả từ ngữ chửi thề với ông Pence.
Sau cuộc trò chuyện, ông Pence trở lại phòng với vẻ mặt "sắc lạnh", "quyết tâm" và "nghiêm nghị", ông Greg Jacob, cố vấn của vị phó tổng thống, nói.
Trong khi đó, ông Trump xem lại bài phát biểu của mình trước đám đông người ủng hộ trước Nhà Trắng. Ban đầu, bài phát biểu không nhắc đến ông Pence. Sau cuộc điện thoại, vị tổng thống bổ sung một số câu văn khuấy động đám đông có liên quan tới cấp phó của mình.
"Tôi hy vọng Mike sẽ làm điều đúng đắn", ông nói. "Tôi hy vọng vậy, vì nếu Mike làm điều đúng đắn, chúng ta sẽ chiến thắng. Tôi hy vọng Mike sẽ dũng cảm để làm điều ông ấy cần làm".
Bạo loạn trong Điện Capitol
Khi ông Pence cùng vợ và con gái tới Điện Capitol, đám đông giận dữ đã tập hợp ở bên ngoài.
Tới khoảng hơn 14h10, phiên họp bên trong tòa nhà bị gián đoạn bởi các tiếng ồn lớn khi các phần tử quá khích tràn vào tòa nhà. Vào lúc 14h24 - thời điểm các đảng viên đảng Dân chủ trong ủy ban điều tra cho rằng ông Trump đã biết tin Điện Capitol bị tấn công - vị tổng thống viết trên Twitter: "Mike Pence không có dũng khí để làm điều cần thiết".
Khi đó, ông Pence đã được lực lượng mật vụ đưa từ phòng họp của Thượng viện Mỹ về văn phòng. Các cố vấn của ông cho biết họ nghe thấy tiếng ồn và đoán rằng đám đông đã vào được tòa nhà. Dù vậy, họ chưa cảm thấy bị đe dọa.
Ông Pence cùng gia đình và các cố vấn trong phòng làm việc, ngay sau khi được đưa ra khỏi phòng họp của Thượng viện Mỹ. Ảnh: New York Times.
Tuy nhiên, ông Tim Giebels, người đứng đầu bộ phận mật vụ bảo vệ ông Pence, vẫn thuyết phục - và sau đó là yêu cầu - phó tổng thống và gia đình đến một nơi an toàn hơn.
Cả đoàn người sau đó được đưa tới một địa điểm dưới lòng đất. Có lúc, họ chỉ cách những kẻ bạo loạn khoảng 40 feet (hơn 12 m). Khi đó, cả ông Pence và các nhân viên tùy tùng đều không biết thông tin này.
"Tôi có thể nghe tiếng ầm ĩ của những kẻ bạo loạn trong tòa nhà", ông Jacob kể lại. "Tôi không nghĩ mình nhận thức được việc họ ở gần như thế".
Tại nơi trú ẩn, ông Pence gọi điện cho các lãnh đạo quốc hội - những người cũng đã được sơ tán - và yêu cầu Lầu Năm Góc gửi lực lượng Vệ binh Quốc gia đến.
Cơ quan mật vụ muốn sơ tán ông Pence bằng xe hơi, nhưng ông từ chối rời tòa nhà vì "không muốn thế giới thấy phó tổng thống Mỹ đào thoát khỏi Điện Capitol", ông Jacob nói.
New York Times cho biết cả ông Trump và Chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó là Mark Meadows đều không gọi điện để hỏi thăm ông Pence.
Tới sau 20h, khi những kẻ bạo loạn bị đuổi khỏi tòa nhà, phòng họp của Thượng viện Mỹ mới được mở cửa trở lại.
"Hôm nay là một ngày đen tối trong lịch sử Điện Capitol. Hãy trở lại công việc", ông Pence nói trong tiếng vỗ tay.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ hoãn thăm châu Á do mắc COVID-19 Ngày 7/4, ông Drew Hammill, người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết bà Pelosi đã hoãn chuyến thăm châu Á sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN Theo ông Hammill, bà Pelosi, 81 tuổi, đã mắc COVID-19 mà không có biểu...