Sự thật về loại thuốc lạ chữ Trung Quốc được đồn đại trị Covid-19
Loại thuốc có nhãn mác in toàn chữ Trung Quốc được rao bán với giá vài trăm ngàn đồng một hộp, đang được nhiều người chú ý vì lời quảng cáo có thể điều trị, phòng ngừa Covid-19.
Mới đây, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức phê duyệt 2 loại thuốc Paxlovid và Molnupiraviz, sử dụng khẩn cấp để điều trị Covid-19 tại nhà. Đây cũng là những loại thuốc trị Covid-19 dạng viên đầu tiên được Mỹ cấp phép.
Tại Việt Nam, Molnupiraviz và Favipiravir là các thuốc đặc trị dạng viên được sử dụng thí điểm cho F0 ở một số địa phương do Bộ Y tế cho phép, chỉ định. Tuy nhiên gần đây, mạng xã hội bỗng xuất hiện một “thần dược” in chữ Trung Quốc trên nhãn mác, với tên được phiên âm là “Lianhua Qingwen Jiaonang”.
Dạng thuốc này được bán tràn lan, quảng cáo có thể điều trị, phòng ngừa Covid-19 cấp tốc.
PV Dân trí cũng nhận phản ánh của người dân về loại thuốc “lạ” này xuất hiện ở một số khu vực trên địa bàn TPHCM, Bình Dương.
Loại thuốc chữ Trung Quốc đang được rao bán tràn lan (Ảnh: Người dân cung cấp).
Uống vào nóng trong người để… “lọc phổi”?
Trên một nhóm chuyên bán hàng nội địa Trung Quốc, tài khoản có tên Q.N. giới thiệu thuốc “Lianhua Qingwen Jiaonang” (tên tạm dịch là Liên Hoa Thanh Ôn) giá chỉ hơn 170.000 đồng/hộp 2 vỉ (24 viên) nhưng có công dụng rất hấp dẫn như hỗ trợ điều trị nhiều chủng cúm đang lưu hành, cải thiện tình trạng viêm đường hô hấp.
Tài khoản này còn khẳng định, đây là loại thuốc được cơ quan y tế Trung Quốc khuyên dùng để chẩn đoán và điều trị viêm phổi do virus chủng mới.
Thậm chí, có người bán còn đăng hẳn giấy xác nhận hoàn thành điều trị Covid-19 tên T.B.P., giới thiệu là của chính mình với lời cam đoan đã hết bệnh sau khi dùng Liên Hoa Thanh Ôn. Giá người này bán là 130.000 đồng/hộp.
Video đang HOT
Người đàn ông đưa cả giấy xác nhận khỏi Covid-19 lên mạng để bán “Liên Hoa Thanh Ôn” (Ảnh: MXH).
Trong vai người tìm mua thuốc trị Covid-19, PV liên hệ với anh P. Người đàn ông này xác nhận chính mình đã đăng quảng cáo bán thuốc trên mạng và khẳng định từng là một F0 khỏi bệnh nhờ loại thuốc trên.
Theo đó, anh P. cho biết, tháng 11 bị nhiễm Covid-19, anh rất lo lắng nên dò hỏi và tìm kiếm khắp nơi các loại thuốc chữa bệnh. Sau đó, qua lời người quen giới thiệu, anh mua loại thuốc Liên Hoa Thanh Ôn dùng thử. Chỉ 4 ngày sau, anh đã âm tính với SARS-CoV-2.
PV đặt vấn đề muốn đặt một vài lọ cho người thân, nhưng thắc mắc uống loại thuốc trên sẽ cảm giác thế nào. Anh P. báo trước, khi uống vào sẽ thấy nóng trong người, nhưng đó là tác dụng của thuốc, dùng để… lọc phổi cho sạch diệt virus, không giống như biểu hiện các thuốc mà Việt Nam đang sử dụng điều trị Covid-19.
PV tiếp tục thắc mắc, giá rẻ như vậy liệu có đảm bảo an toàn không và nguồn gốc thuốc này thế nào, anh P. thật thà chia sẻ: mình cũng… không biết thuốc từ đâu ra, chỉ thấy uống được nên nhập về bán kiếm lời.
“Liên Hoa Thanh Ôn” được bán theo dạng viên thuốc con nhộng, mỗi hộp 2 vỉ (Ảnh: Người dân cung cấp).
Chuyên gia y học cổ truyền nói gì?
PV đã chuyển thông tin, hình ảnh mà mình thu thập được đến các chuyên gia y học cổ truyền để truy tìm nguồn gốc loại thuốc trên.
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho biết, Liên Hoa Thanh Ôn là tên một bài cổ phương đã xuất hiện từ những năm 2000, từng được Trung Quốc dùng điều trị các loại cúm gia cầm như H5N1, H7N9.
Về công dụng, thuốc chuyên dùng chữa các triệu chứng về cúm, như bệnh nhân nóng, sốt cao, sợ lạnh. Công thức của bài thuốc Liên Hoa Thanh Ôn chủ yếu là các vị thuốc thanh nhiệt, trị viêm.
Tuy nhiên với Covid-19, Liên Hoa Thanh Ôn không hẳn phù hợp. Bởi với virus gây bệnh cúm gia cầm, triệu chứng thường nặng hơn và bùng phát ngay khi xâm nhập. Còn Covid-19 có tính ủ bệnh (chủng Alpha là 10-14 ngày, chủng Delta hiện tại là khoảng 3 ngày).
Khi đã có tải lượng lớn sau thời gian ủ bệnh, virus mới vào phổi và tấn công cơ thể, làm cho cơ thể suy yếu. Lúc này người bệnh mới có triệu chứng suy nhược, vã mồ hôi và kết hợp cả triệu chứng cảm cúm. Vì vậy, những người có sức khỏe yếu sẽ bị nặng hơn.
Trong khi đó, Liên Hoa Thanh Ôn chủ yếu chỉ làm cải thiện các triệu chứng mà không có chức năng bồi dưỡng cơ thể. Chưa kể, trong bài thuốc còn có các vị thuốc hơi mạnh, như “đại hoàng” làm bệnh nhân đi tiêu nhiều (phù hợp với các dạng cúm gây sốt cao, táo bón).
Ngoài ra, TS.BS Lan khẳng định, Liên Hoa Thanh Ôn không có tác dụng phòng ngừa Covid-19.
Chuyên gia khẳng định, Liên Hoa Thanh Ôn không có tác dụng phòng Covid-19 như quảng cáo (Ảnh: MXH).
Tại Việt Nam, Liên Hoa Thanh Ôn chưa được cấp phép và cũng không được nhập khẩu chính hãng từ Trung Quốc mà chủ yếu qua lan truyền và mua từ đường tiểu ngạch về. Thay vào đó, nước ta sử dụng các bài thuốc như Nhân sâm bại độc tán, Ngọc bình phong tán, đã được Bộ Y tế cấp phép và có công trình nghiên cứu chứng minh giúp hỗ trợ phòng ngừa bệnh và cải thiện triệu chứng bệnh sau ít ngày sử dụng.
Chuyên gia cảnh báo, với những sản phẩm bán trên mạng, không có nguồn gốc xuất xứ thì không thể phân biệt được thật giả, càng không kiểm soát được chất lượng và giá cả.
“Hiện nay, nhiều F0 tại TPHCM đã được điều trị tại nhà. Ngoài Covid-19, F0 còn có bệnh nền và phải kết hợp với điều trị Tây y, do đó trước khi sử dụng loại thuốc nào cũng cần có hướng dẫn từ nhân viên y tế.
Với Liên Hoa Thanh Ôn, chưa có một công trình nghiên cứu nào ở Việt Nam chứng minh tác dụng điều trị cụ thể và cũng chưa được lưu hành” – TS.BS Lan nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM khẳng định, hiện nay tất cả các loại thuốc đông y mới chỉ dùng hỗ trợ chứ chưa có thuốc nào điều trị dứt điểm Covid-19.
Tất cả các quảng cáo sai sự thật cần báo cáo Thanh tra Sở Y tế làm việc và xử lý, tránh để người dân ngộ nhận.
Vaccine COVID-19 ảnh hướng đến kinh nguyệt của phụ nữ thế nào?
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy tác động của tiêm phòng COVID-19 đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là rất nhỏ và tạm thời.
Nghiên cứu đã theo dõi gần 4.000 phụ nữ ở Mỹ trong 6 chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm khoảng 2.400 người đã được tiêm vaccine COVID-19 và khoảng 1.550 người không được tiêm. Trung bình, kỳ kinh sau khi tiêm vaccine bắt đầu muộn hơn bình thường khoảng 1 ngày, nhưng không có sự thay đổi về số ngày chảy máu kinh nguyệt sau tiêm.
Tiến sĩ Alison Edelman của Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ), người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: "Điều này sẽ khiến phụ nữ có thể yên tâm hơn khi tiêm vaccine ngừa COVID-19".
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ một ứng dụng kiểm soát sinh sản được gọi là Natural Cycles, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) công nhận để giúp phụ nữ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và cho biết khi nào họ có khả năng mang thai cao nhất.
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh này đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Sự thay đổi nhẹ giữa các tháng là bình thường. Căng thẳng, chế độ ăn uống, thậm chí tập thể dục có thể gây ra những thay đổi tạm thời.
Được biết, những phụ nữ trong nghiên cứu có độ dài chu kỳ kinh bình thường, trung bình từ 24 đến 38 ngày. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những phụ nữ được tiêm chủng trong 3 chu kỳ trước khi tiêm và 3 chu kỳ ngay sau đó (bao gồm cả những tháng họ được tiêm). Nhóm đối chứng là những phụ nữ không được tiêm chủng.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Obstetrics & Gynecology cho thấy, một nhóm nhỏ gồm 358 phụ nữ được tiêm 2 liều vaccine COVID-19 trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt đã có chu kỳ kinh tiếp theo dài hơn một chút, trung bình là 2 ngày. Khoảng 10% trong số họ có chu kỳ dài hơn bình thường từ 8 ngày trở lên, nhưng sau đó trở lại mức bình thường. Nhóm không được chủng ngừa không có thay đổi đáng kể nào về chu kỳ kinh nguyệt trong 6 tháng.
Tiến sĩ Edelman cho biết một giả thuyết là khi hệ thống miễn dịch được kích hoạt vào những thời điểm nhất định trong chu kỳ, đồng hồ cơ thể của chúng ta hoặc những gì kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng. Theo bà, sẽ có nghiên cứu bổ sung để tìm hiểu liệu có những thay đổi về mức độ nặng nhẹ của chảy máu kinh nguyệt hay không hoặc những phụ nữ có kinh nguyệt không đều có phản ứng khác nhau hay không.
"Phát hiện này cung cấp bằng chứng mới quan trọng cho thấy bất kỳ tác động nào của vaccine COVID-19 đối với kinh nguyệt đều là tối thiểu và tạm thời", Tiến sĩ Christopher Zahn thuộc Đại học Sản phụ khoa Mỹ, khẳng định.
"Thuốc trị Covid-19 không chỉ định cho người trẻ, khỏe, không triệu chứng" Về nguồn gốc các loại thuốc rao bán, lực lượng công an, ngành y tế và các ban chỉ đạo của thành phố đang điều tra, xác minh - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM trả lời Dân trí. Chiều 9/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin...