Sự thật về cánh cửa bí ẩn bị vùi sâu trong tuyết ở Nam Cực
Nhiều người dùng Internet tranh luận sôi nổi về cánh cửa xuất hiện ở Nam Cực khi xem qua Google Earth nhưng các nhà khoa học đưa ra lời giải thích hoàn toàn khác.
Người dùng Google Earth (chương trình máy tính hiển thị hình ảnh 3D của Trái Đất, chủ yếu dựa trên hình ảnh vệ tinh) đã phát hiện một cánh cửa bí ẩn tại Đông Nam Cực, ngay phía đông nam trạm nghiên cứu Showa của Nhật Bản.
Một tài khoản Reddit đã chia sẻ về dấu hiệu khác thường ở tọa độ 69⁰00′50S 39⁰36′22E và đặt câu hỏi: “Một cánh cửa khổng lồ ở Nam Cực?”.
Ngay lập tức, hình ảnh này trở thành chủ đề bình luận sôi nổi trên mạng xã hội. Một số người nói rằng, đó là nhà của Bigfoot (quái vật chân lớn) hoặc một tàu con thoi bị mắc kẹt từ bộ phim Star Trek (Du hành giữa các vì sao).
“Đó chỉ là cánh cửa của chiếc Boeing bị thổi bay”, một dân mạng phỏng đoán và liên tưởng đến tai nạn máy bay xảy ra vào tháng 1 năm ngoái.
Người dùng Internet phát hiện cánh cửa bí ẩn ở tọa độ 69⁰00′50S 39⁰36′22E (Ảnh: Google).
Video đang HOT
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tiết lộ sự thật không hề thú vị bằng những suy đoán của dân mạng.
Sau khi xem tọa độ trên Google Earth Pro và đối chiếu hình ảnh lịch sử, Giáo sư Bethan Davies – giảng dạy về Băng hà học tại Đại học Newcastle (Australia) – cho biết, cánh cửa bí ẩn nằm trong khu vực băng nhanh ngay ngoài khơi bờ biển.
“Đây là một tảng băng trôi đã bị mắc kẹt và tan chảy tại chỗ. Mọi người có thể quan sát thấy nhiều tảng băng trôi khác trong khu vực”, ông Davies giải thích.
Giáo sư Martin Siegert – đồng giám đốc Viện Grantham về Biến đổi khí hậu và Môi trường của Đại học Hoàng gia London (Anh) – đồng tình với ý kiến trên.
Ông nói thêm rằng, cánh cửa chỉ đơn giản là dòng băng chảy xung quanh một chướng ngại vật dưới băng rắn, bị ảnh hưởng bởi sự tan chảy và đóng băng trở lại, cũng như bởi gió katabatic (gió thổi từ trên cao xuống).
“Đó là một hình ảnh thú vị, nhưng không hề bất thường hoặc đáng ngạc nhiên về mặt băng hà học”, Giáo sư Siegert khẳng định.
Giáo sư Smellie nói thêm, cánh cửa trông giống như một sườn núi đá ngắn đã lộ ra do băng tan chảy. Ông phủ nhận bất kỳ “thuyết âm mưu” nào được đưa ra trước đó.
“Tôi chắc chắn rằng, đó chỉ là một hiện tượng tự nhiên và không có gì để phấn khích”, ông tuyên bố.
Vệ tinh chụp được 'kim tự tháp' ở Nam Cực, cư dân mạng đồn đoán do người cổ đại xây từ 10.000 năm trước
Đến nay, các nhà khoa học vẫn tranh cãi về thứ mà vệ tinh chụp được là kim tự tháp hay chỉ là một đỉnh núi.
Vệ tinh bất ngờ tìm thấy "kim tự tháp" bí ẩn
Vào năm 2016, cư dân mạng xã hội rầm rộ chia sẻ một bức ảnh về một "kim tự tháp" mới được vệ tinh Google Earth tình cờ chụp lại. Tuy nhiên, điều bất ngờ là nó được tìm thấy ở Nam Cực. Theo những chi tiết trong bức ảnh, có thể thấy "vật thể lạ" này có cấu trúc gồm 4 cạnh dốc xuống, ước tính kích thước của mỗi cạnh chân núi khoảng 2km khiến nhiều người liên tưởng tới các kim tự tháp Ai Cập. Ngay lập tức, bức ảnh này đã tạo nên một làn sóng tranh cãi về xuất xứ của "vật thể lạ" này.
Một số người khẳng định rằng đây là một kim tự tháp được xây dựng bởi một nền văn minh cổ đại cách đây 10.000 năm khi Nam Cực còn ấm áp. Thậm chí, họ còn cho rằng người cổ đại đã xây dựng kim tự tháp này trước cả những người Ai Cập.
"Vật thể lạ" do vệ tinh Google Earth chụp được có hình dáng rất giống một kim tự tháp. (Ảnh: Oddity Central)
David Childress, một trong những người đầu tiên đưa ra giả thuyết này cho rằng: " Kim tự tháp này là một trong những công trình cổ nhất thế giới. Nó có thể là kim tự tháp đầu tiên được tạo nên và sau đó đã trở thành khuôn mẫu của những kim tự tháp khác".
"Kim tự tháp" hay đỉnh núi?
Tuy nhiên, các chuyên gia địa chất lại bác bỏ lập luận này. Họ cho rằng đây thực chất chỉ là một ngọn núi có vẻ ngoài giống với một kim tự tháp. Eric Rignot, giáo sư địa chất đến từ đại học Irvine tin rằng cấu trúc giống kim tự tháp hoàn toàn có thể xảy ra trong tự nhiên. Cấu trúc này thực ra chỉ là do sự hội tụ của các dòng sông băng ở trên các bề mặt của ngọn núi. Đặc điểm này thường xuất hiện trên các ngọn núi ở khu vực phủ đầy băng giá.
Tiến sĩ Mitch Darcy, một nhà địa chất tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức cũng đồng ý với ý kiến của giáo sư Eric Rignot. Theo tiến sĩ Mitch Darcy, đây là một dạng cấu trúc thường gặp. Dạng địa chất này còn được gọi tên là "nunatak". Có thể hiểu đơn giản rằng, dạng địa chất này là một đỉnh đá nhô lên khỏi một dòng sông băng hoặc một tảng băng trôi.
Đỉnh Matterhorn thuộc dãy núi Alps cũng có hình dáng khiến người khác liên tưởng tới một kim tự tháp. (Ảnh: Oddity Central)
Cụ thể, đỉnh Matterhorn thuộc dãy núi Alps hay núi Bulandstindur ở Iceland cũng có hình dáng khiến người khác liên tưởng tới một kim tự tháp. Vì vậy, ông tin rằng hình dáng đặc biệt của đỉnh núi đá ở Nam Cực chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông cũng khẳng định thêm nó không phải là công trình của một nền văn minh nào.
Mặc dù có nhiều nhà khoa học đã lên tiếng nhưng vẫn có nhiều cư dân mạng không chấp nhận lời giải thích này. Họ cho rằng, "kim tự tháp" ở Nam Cực này là công trình của người ngoài hành tinh để lại. Hơn nữa, chúng ta vẫn còn quá nhiều thứ chưa tìm hiểu hết về lịch sử cổ đại và những con người ở thời đó.
Báo động về tốc độ 'xanh hoá' cực nhanh tại Nam Cực Một số vùng Nam Cực băng giá đang hình thành thảm thực vật xanh mướt với tốc độ đáng báo động trong bối cảnh khu vực này cũng bị tác động từ các đợt sóng nhiệt, dấy lên mối lo ngại về sự thay đổi cảnh quan trên lục địa rộng lớn này. Thảm thực vật, chủ yếu là rêu, tại Bán đảo...