Sự thật phía sau những đe dọa của Triều Tiên
Bình Nhưỡng biết rằng chương trình hạt nhân của họ sẽ bị đánh bại trước hàng nghìn đầu đạn hạt nhân mà Mỹ đang sở hữu, giới phân tích bình luận.
Tuyên bố đe dọa chiến tranh mà Triều Tiên dành cho Hàn Quốc và Bình Nhưỡng đã không còn xa lạ, nhưng mức độ đe dọa đó ngày càng tăng và nghiêm trọng nhất kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền.
Những tuyên bố đe dọa từ lâu đã trở thành yếu tố chính của các nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhưng không thể phủ nhận rằng, kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, những đe dọa này ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ.
Mới đây nhất, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ để trả đũa cho cuộc tập trận của liên minh Mỹ- Hàn. Bình Nhưỡng tuyên bố, hành động tập trận của Mỹ -Hàn là bước chuẩn bị cho xâm lược Triều Tiên và rằng, Bình Nhưỡng đã sẵn sàng để ấn nút hạt nhân hủy diệt “kẻ thù”. Lời cảnh báo mới nhất được Triều Tiên đưa ra là sẽ biến kẻ thù của họ thành “biển lửa và tro bụi” bằng những quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đang “chĩa” vào các mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc và Mỹ ở Thái Bình Dương và cả phần lục địa của Mỹ.
Video đang HOT
Binh lính Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung với Mỹ.
Đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-Gyun cho biết: “Bình Nhưỡng nên tránh những đe dọa hiếu chiến, bởi hành động hiếu chiến này có thể sẽ khiến Triều Tiên tự hủy diệt chính mình”.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng, Mỹ xem xét những mối đe dọa của Triều Tiên một cách nghiêm túc. Ông kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng lời nói và hành vi khiêu khích.
Bình Nhưỡng thường phản ứng một cách tức giận trước các cuộc tập trận vào mùa Xuân của liên quân Hàn-Mỹ vì cho rằng đó là “cuộc tập dượt để xâm lược Triều Tiên”.
Theo bình luận của hãng tin AP, những lời cảnh báo về “tấn công hạt nhân” của Triều Tiên thực chất đều chỉ là những lời đe dọa được họ sử dụng nhằm tuyên truyền chứ không phải là dấu hiệu thực sự của một cuộc chiến tranh sắp nổ ra.
Bình Nhưỡng biết rằng chương trình hạt nhân của họ sẽ bị đánh bại trước hàng nghìn đầu đạn hạt nhân mà Mỹ đang sở hữu. Do vậy, rất khó có khả năng Bình Nhưỡng sẽ làm một điều gì đó có thể buộc quân đội Mỹ và Hàn Quốc “trả đũa”.
Giới phân tích cũng cho rằng, với lời lẽ đao to búa lớn trên truyền thống, Bình Nhưỡng hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế. Trên thực tế, khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo củaTriều Tiên còn rất thô sơ, chưa có thể biến đe dọa thành hành động.
Tuy nhiên, những lời đe dọa lớn tiếng của Triều Tiên không phải là không chứa đựng những mối nguy hiểm. Ngay cả các nhà phân tích ở Hàn Quốc cũng biết rất ít về Triều Tiên nên những lời đe dọa lớn tiếng đó của Bình Nhưỡng đã góp phần làm cho bán đảo Triều Tiên vốn bất ổn trở nên căng thẳng hơn.
Theo đó, chỉ cần một đánh giá sai lầm của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un của Triều Tiên cũng có thể dẫn tới việc gia tăng vũ lực nếu nổ ra đụng độ ở quy mô nhỏ. Các nhà phân tích của Hàn Quốc cho rằng sau những lời đe dọa nói trên, Triều Tiên sẽ có những hành động khiêu khích ở cấp độ thấp.
Trong khi đó, từ Washington, những mối đe dọa của Triều Tiên trở thành đề tài thảo luận sôi nổi của các ứng cử viên tổng thống Mỹ. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, nếu trở thành tổng thống, ông Donald Trump và bà Hillary Clinton sẽ đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên như thế nào? Sẽ nghênh chiến hay lặng lẽ đàm phán? Sẽ cho duy trì các cuộc tập trận thường niên như nó vốn có hay giảm số lượng tập trận để “giữ hòa khí” với Triều Tiên? Những câu hỏi này cử tri Mỹ đang tìm kiếm ở những cuộc tranh luận tiếp theo trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Theo Danviet