Sự thật đáng yêu về clip các bà nấu ăn cho khu cách ly òa khóc
Mạng xã hội chia sẻ đoạn video ghi lại khoảnh khắc những người phụ nữ luống tuổi bật khóc khi khép lại 21 ngày nấu ăn cho các khu cách ly, bệnh viện ở Bạc Liêu. Lý do bật khóc của họ khiến nhiều người xúc động.
Đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội với dòng trạng thái: “Những giọt nước mắt hạnh phúc khi kết thúc kỳ nấu 21 ngày cho bà con cách ly, mỗi ngày 1.000 phần”. Nội dung clip dài gần 10 giây, ghi lại cảnh 5 người phụ nữ bật khóc nức nở, có người còn dùng áo để lau nước mắt khi được hỏi: “Rồi sao khóc hết trơn vậy. Trời ơi khóc hết trơn vậy trời!”, khiến người xem rưng rưng.
Khóc vì những lời cảm ơn chân thành
Sau vài ngày đăng tải, đoạn clip nhận được hơn 2 triệu lượt xem, hàng chục nghìn bình luận và chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Theo tìm hiểu của Thanh Niên , đoạn clip được anh La Thành Đệ (27 tuổi), trưởng nhóm thiện nguyện Châu Long (xã Châu Thới, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), quay khi nhóm kết thúc kỳ nấu cơm thiện nguyện gửi đến các chốt kiểm soát, khu cách ly và bệnh viện tại địa phương. Những người phụ nữ trong đoạn clip là các thành viên mẫn cán trong nhóm anh suốt nhiều năm qua.
“Hôm đó là buổi tổng kết, tôi đã đọc nhiều lời cảm ơn, tâm sự từ những người ở khu cách ly đã ăn cơm của nhóm nấu suốt thời gian qua. Nghe xong, mấy cô xúc động quá hay sao mà ai cũng òa khóc nức nở. Mình thấy thương ghê!”, anh tâm sự.
Những người phụ nữ bật khóc sau khi nghe đọc thư cảm ơn – NVCC
Bà Trần Thị Ánh (61 tuổi), một trong những người xuất hiện trong đoạn clip, chia sẻ sở dĩ bà và các thành viên khác trong nhóm bật khóc vì khi nghe anh Đệ đọc thư của người nhận cơm thì không kiềm được xúc động. Thêm vào đó, bà nhớ lại hành trình suốt thời gian qua gắn bó với bếp ăn, với các thành viên trong nhóm, nên nước mắt tự nhiên cứ lăn dài.
Suốt 6 năm tham gia các hoạt động thiện nguyện của nhóm anh Đệ, mùa dịch bà Ánh cũng tích cực tham gia vào bếp ăn thiện nguyện hỗ trợ cho địa phương. Bà nói nhóm có 10 thành viên, đa phần là chị em phụ nữ trong xóm với nhau, người nhỏ nhất U.30, người lớn nhất U.70, chủ yếu làm ruộng. Dù vậy, ai cũng tranh thủ thu xếp việc nhà để tham gia nấu bếp.
Clip các bà, các cô bật khóc ở khu cách ly
Mỗi ngày, bà thức dậy lúc 3 giờ sáng để hoàn tất các công việc trong nhà, gần 5 giờ thì đi bộ hơn 15 phút đến bếp ăn mượn ở một ngôi chùa gần đó để bắt đầu công việc, đến 17 giờ mới về đến nhà. Dù vậy, các thành viên trong nhóm không ai thấy mệt vì biết rằng những phần cơm của mình sẽ giúp được cho nhiều người.
Khi đoạn clip được lan tỏa trên mạng xã hội, bà Ánh cho biết “rất bất ngờ” và “cũng hơi ngại”, nhất là khi người thân hàng xóm chọc “má 8 nổi tiếng rồi!”. Tuy nhiên, bà cũng rất vui vì có thể góp một chút sức nhỏ của mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Nhóm anh Đệ mượn bếp một ngôi chùa và các thành viên bếp ăn đa phần là phụ nữ
Còn sức là còn nấu ăn từ thiện
Anh Đệ cho biết thêm thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhóm thường xuyên hỗ trợ các em nhỏ mồ côi, bệnh nhân tâm thần ở Bạc Liêu. Từ đầu tháng 7, nhóm chuyển qua nấu cơm gửi cho các chốt kiểm soát, các bệnh viện và khu cách ly. Trung bình mỗi ngày các thành viên nấu từ 300 – 400 suất. Thời gian gần đây dòng người từ TP.HCM về quê tăng lên, hơn 21 ngày qua đều đặn mỗi ngày 10 thành viên phải nấu hơn 1.000 suất ăn trưa, chiều phục vụ cho người cách ly.
Công việc có phần áp lực hơn nhưng trưởng nhóm thiện nguyện cho biết không ai than vãn một lời nào, vẫn cật lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kinh phí của bếp ăn do anh Đệ vận động từ các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, mùa dịch việc kêu gọi gặp nhiều khó khăn nên đôi lúc anh phải tự xuất tiền để duy trì bếp ăn.
“Tôi sống bằng việc kinh doanh nhà trọ, mùa dịch cũng giảm tiền, thậm chí không lấy tiền thuê trọ người thuê nếu họ gặp khó khăn. Dù thế nào thì còn sức chúng tôi vẫn còn làm, duy trì bếp ăn lâu nhất có thể”, anh tâm sự. Cũng theo chia sẻ của anh, sau khi hoàn thành đợt nấu ăn này, hiện nhóm vẫn tiếp tục đỏ lửa mỗi ngày nấu những suất ăn gửi đến các nhân viên y tế, thân nhân các F0 tại Trung tâm y tế H.Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Bà Nguyễn Thị Tùng (63 tuổi, thành viên bếp ăn) cũng cho biết khi nào bếp còn hoạt động là bà vẫn góp sức để có thể giúp đỡ nhiều người hơn. “Tôi thì không có tiền, nhưng có sức, người ta còn cần là mình còn nấu à. Đợt rồi nấu nhiều, tôi lớn tuổi rồi cũng đuối nhưng nghĩ tới những người vui khi ăn cơm mình làm là lại có sức”, bà cười nói.
Chở vợ về quê nhưng hình hài đã hóa tàn tro, người đàn ông gạt nước mắt: "Cho em xin bát cơm chay cúng vợ"
Anh Tươi xin cơm chay từ một nhóm thiện nguyện, ngồi thụp xuống lề đường. Một bát để lên trên hũ tro vợ, còn anh ngồi cạnh, rệu rã nhai những hạt cơm nguội trong nước mắt.
"- Anh ơi, anh có cơm chay không anh ?
- Anh đang ăn mặn mà, sao lại hỏi cơm chay chi vậy ?
- Dạ, cơm chay để em cúng cơm vợ em. Vợ em ở trong thùng nè anh".
Nói xong câu đó với nhóm thiện nguyện, anh Võ Văn Tươi(37 tuổi) cay mắt rồi bật khóc như mưa. Cứ nghĩ rằng, chặng đường hồi hương lần này, vợ anh sẽ ngồi phía sau, ôm chặt anh, cười nói về những ước mơ còn dang dở ở tương lai phía trước. Nhưng đó sẽ mãi là những hình ảnh chỉ còn trong hồi ức. Đường anh về hôm nay sao lạnh lẽo, vợ anh giờ chỉ còn nằm lặng yên trong hũ tro cốt buộc phía sau thùng xe máy...
Anh Tươi đặt hộp cơm chay lên thùng xốp, phía trong là hũ tro của vợ anh
Nén nước mắt, anh lấy tay nâng niu tấm di ảnh vợ ra từ trong ba lô. Chị Nguyễn Thị Bích Phượng (36 tuổi) nhiễm virus SARS-CoV-2 từ đầu tháng 9. Ngày biết tin vợ bệnh, anh Tươi lòng như lửa đốt. Ngày nào anh cũng gọi điện hỏi thăm, động viên vợ cố gắng mau khỏe về với gia đình. Nhưng phép màu đã không xảy đến. Sau 16 ngày điều trị, vợ anh trút hơi thở cuối cùng vào ngày 23/9.
"Hôm bả mất, người ta đưa cái điện thoại cho tôi gọi, nhìn vào chỉ thấy dây rợ cắm cho bà thở oxy, bả cũng không kịp nói lời nào với mấy cha con hết. Nghĩ buồn lắm nhưng biết sao giờ. Tôi khóc nên đứa nhỏ cũng khóc theo. Nó nói: Thôi cha nín đi, cha lau nước mắt đi. Mà thương bả, thương 2 đứa giờ không còn mẹ nó ở bên".
Anh Tươi trước đi làm phụ hồ, sau chuyển qua làm công nhân. Còn vợ anh ngày ngày dựng lán ở quê, bán nước mía. Đồng lương mọn không đủ nuôi cả gia đình 4 miệng ăn, vợ chồng anh đành cho 2 đứa con nghỉ học.
Đứa lớn 16 tuổi ở cùng trọ trên thành phố, chỉ ở nhà phụ cơm nước. Còn bé nhỏ 13 tuổi gửi về cho bà chăm. Nhìn con đang ở tuổi ăn tuổi lớn phải chịu nỗi đau mất mẹ, anh Tươi khổ tâm khôn cùng.
"Tôi mang hũ tro vợ về mai táng, để cháu lớn ở lại xóm trọ nhờ hàng xóm người ta qua ngó giúp. 2 đứa cũng ngoan, ham học mà nhà không lo đủ, giờ thiếu mẹ nó mình tôi biết sống sao" , anh Tươi nghẹn ngào.
Anh Tươi nghẹn ngào nhìn di ảnh vợ
Chặng đường về quê hôm nay rất xa, nhưng chỉ còn mình anh độc bước
Sau 2 ngày đi từ Bình Dương về quê Hậu Giang, hiện anh Tươi đang ở trong khu cách ly. Chặng đường gần 300km, anh mang theo vài trăm bạc dằn túi với 2 chai nước suối. Cầm lái suốt 1 ngày, cánh tay người đàn ông mỏi nhừ.
Đi qua tỉnh Cần Thơ, anh gặp một nhóm thiện nguyện, hỗ trợ cháo, đồ ăn, thức uống. Anh Phạm Đỗ Minh Trung, đại diện nhóm cũng gửi anh thêm chút tiền hỗ trợ về lo hậu sự cho vợ. Anh Tươi xúc động nhận hộp cơm nghĩa tình rồi ngồi thụp xuống lề đường ăn. Anh cũng không quên xin thêm các nhà hảo tâm một hộp cơm chay cho vợ.
"Sáng tôi cúng cho bả rồi, mà tối chưa có gì. Tôi cũng đói quá nên chưa ăn. May có mấy anh đi đường tốt bụng giúp đỡ. Thời gian tới mai táng cho bà xong, tôi về lại Bình Dương đi làm công nhân, nuôi 2 đứa. Chứ ở lại quê cũng không mần gì ra tiền" , anh Tươi ngậm ngùi.
Một số nhà hảo tâm hỗ trợ anh chút tiền để anh về quê lo hậu sự cho vợ
Ảnh: Phạm Đỗ Minh Trung
Giang Kim Cúc: "Chiến đấu cho bà con rồi giờ chiến đấu cho chính mình và con gái nha..." Trên trang cá nhân, Giang Kim Cúc đã đăng tải phiếu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Chiều ngày 15/10, Giang Kim Cúc bất ngờ đăng tải phiếu xét nghiệm Covid-19 trên trang cá nhân của mình. Theo đó, phiếu xét nghiệm có thời gian vào ngày 14/10. Cô chú thích: "Chiến đấu cho bà con rồi giờ chiến đấu cho chính mình...