Sự nuông chiều và lỏng lẻo đã giết chết Man United
Man United vùng lên rồi lại gục ngã. Solskjaer đi một hành trình dài rồi trở về với vạch xuất phát. Tại sao? Có phải do Man United đã để các cầu thủ thao túng hay không?
Thất bại 0-4 trước Everton không chỉ tố cáo chất lượng Man United về cơ bản chưa được cải thiện mà còn vạch trần một sự thật: Kỷ luật, yếu tố tiên quyết tạo nên thành công, đang bị buông lỏng tới mức khó cứu vãn ở Old Trafford.
Từ Jose Mourinho tới Ole Gunnar Solskjaer đều có chung một bài than vãn về chuyện “cầu thủ Man United thi đấu không hết mình”. Những lời ai oán đầy bất lực của 2 vị chiến lược gia đang dần tố cáo lực cản lớn nhất khiến Quỷ đỏ Manchester không thể trở lại đỉnh cao.
Ole Gunnar Solskjaer đơn độc xin lỗi fan Man United vì trận thua tan nát trước Everton.
Giá Pogba làm học trò của Sir Alex
Kết thúc trận đấu thảm họa với Everton, Ole Gunnar Solskjaer rời ghế huấn luyện đi về phía khán đài nơi các cổ động viên Man United đang ngồi. Ông giơ tay làm động tác xin lỗi. Bi kịch ở chỗ, Solskjaer vừa bước đi vừa ra dấu hiệu cho các học trò đi theo mình để cùng nói lời xin lỗi, nhưng chỉ có Diogo Dalot và Scott McTominay lẽo đẽo đi theo chiến lược gia người Na Uy.
Càng bi kịch hơn khi Solskjaer dù đã rất kiên nhẫn đứng đó vẫy tay gọi các học trò, Paul Pogba vẫn không thèm để tâm. Siêu sao người Pháp đổi áo với Kurt Zouma rồi cứ thế bước thẳng vào đường hầm trong sự ngỡ ngàng của ông thầy. Solskjaer đã nổi cáu. Gary Neville cũng nổi cáu trên sóng truyền hình kênh Sky Sports về thái độ của Pogba.
Cáu là dễ hiểu. Nhưng cáu xong rồi làm gì? Solskjaer có dám loại Pogba ra khỏi đội hình hay không? Ông có dám kéo Pogba vào phòng riêng quát cho một trận hay không? Đó là thời khắc khiến không ít người hâm mộ (NHM) Man United bất giác nhớ về Sir Alex Ferguson.
Thái độ khệnh khạng, ngông nghênh của Pogba giá như mà gặp Sir Alex.
Ngoài yếu tố chuyên môn, Sir Alex vốn là hình mẫu HLV yêu cầu kỷ luật và sự phục tùng của các học trò được đặt lên hàng đầu. Ông từng lôi Cristiano Ronaldo vào phòng quát cho một trận khiến CR7 phải “bật khóc thút thít”. Ông buộc tiền đạo David Bellion phải bán chiếc siêu xe Aston Martin của mình vì không thích các cầu thủ khoe khoang sự giàu có của mình trước mặt fan.
Ông phi chiếc giày vào mặt David Beckham. Ông đuổi Roy Keane khỏi đội hình. Ông thẳng tay loại chân sút số 1 Ruud van Nistelrooy vì cầu thủ này chửi bậy trên băng ghế dự bị. Ông cấm Ryan Giggs tiếp xúc với báo chí suốt 3 năm liền thời Giggs mới nổi. Tờ Daily Mail cũng đã xác nhận chuyện này. Nhiều nhà báo khẳng định, Giggs từng trải qua 3 năm không đồng ý thực hiện bất kỳ cuộc trả lời phỏng vấn chính thức nào.
Cái uy của Sir Alex bao trùm Man United và tạo nên một tập thể kỷ luật, đồng lòng từ trên xuống dưới. Nhiều bình luận trên Twitter cho rằng, với thái độ như Pogba mà diễn ra dưới thời Sir Alex, anh không bao giờ có cơ hội thứ hai để lặp lại sự ngông nghênh, khệnh khạng của mình.
Man United hay cái chợ
Nhưng Man United của ngày hôm nay đã quá nuông chiều các cầu thủ của mình. Anthony Martial từng bỏ đội về Pháp thăm con mà không thèm báo với HLV một câu và cũng chẳng thèm hẹn ngày trở lại. Jose Mourinho khi đó nổi cáu yêu cầu ban lãnh đạo Man United trừng phạt Martial bằng cách đuổi anh khỏi Old Trafford. Nhưng rốt cuộc Martial vẫn ở lại và thậm chí còn mới được gia hạn hợp đồng.
Pogba lại càng quá đáng hơn. Suốt hơn 1 năm ròng, 10 lần Pogba lên tiếng thì 9 lần anh yêu sách đòi được tăng lương. Lý do Pogba đưa ra vô cùng lố bịch: “Tôi muốn hưởng mức lương ngang với Alexis Sanchez”. Khi yêu cầu không được đáp ứng, Pogba vùng vằng tỏ thái độ và thậm chí còn tự đánh tiếng muốn sang Barcelona.
Để trở lại thời đỉnh cao, Man United phải thiết lập lại kỷ luật và xây dựng sự tôn nghiêm trong mắt các cầu thủ.
Quỷ đỏ phải xuống nước vỗ về Pogba bằng cách trao cho anh băng đội trưởng và hứa hẹn về một tương lai rực rỡ. Ngay từ thời khắc xuống nước để giữ chân Pogba, Man United không chỉ đánh mất sự uy nghiêm của một đội bóng, mà còn tạo ra một tiền lệ xấu. Nếu cầu thủ nào cũng nghĩ rằng họ xứng đáng với một mức lương nhất định mới chịu đá bóng đúng khả năng thì Man United sớm muộn cũng thành cái chợ.
Việc phải chấp nhận ở thế “cửa dưới” trước những yêu sách của nhóm siêu sao cũng phản ánh sự bế tắc và bất lực của Man United. Phải chăng Quỷ đỏ đang lo lắng rằng sức hút của họ giờ đây đã quá kém trong mắt thế giới nên cố gắng giữ chân các cầu thủ lớn bằng việc đánh đổi cả tự tôn của mình?
Vấn đề của Man United giờ đây không nằm ở Solskjaer, Mourinho hay Louis van Gaal, mà ở thái độ và sự tôn nghiêm của một thương hiệu trong mắt các cầu thủ. Quỷ đỏ phải mạnh tay loại đi những mầm họa, những cầu thủ coi bản thân còn lớn hơn cả tập thể như Paul Pogba chẳng hạn, mới có hy vọng tìm lại hình ảnh huy hoàng của quá khứ.
Theo zing.vn
Tại sao Old Trafford liên tiếp bị thất thủ?
Man United vừa thua trận sân nhà thứ 2 liên tiếp tại Champions League, điều chưa từng xảy ra trong 5 năm qua. Tại sao Old Trafford bây giờ biến thành ác mộng?
Sau thất bại 0-2 trước PSG, Old Trafford lại vừa chứng kiến thêm một trận thua nữa, và nó cũng thảm họa không kém. Trận thua 0-1 trước Barca rạng sáng qua đi kèm với bi kịch lần đầu tiên sau 4 năm, Man United không có nổi một cú sút trúng đích nào.
Tại sao Old Trafford - nơi vốn là thánh đường đầy tự hào của Man United, nơi được ví von là Nhà hát của những giấc mơ, lại liên tục chứng kiến những thảm họa như thời gian qua?
Trận thua trước Barcelona đã là thất bại thứ 2 liên tiếp của Man United trên sân nhà tại Champions League.
Nhà hát của những cơn ác mộng
Đi vào chi tiết hơn một chút: 6 trận sân nhà gần nhất tại Champions League của Man United chứng kiến tới 4 trận thua trước Sevilla, Juventus, PSG và Barca. 2 trận không thua còn lại, một trận Quỷ đỏ bị Valencia cầm hòa 0-0 và chiến thắng duy nhất cũng chỉ đến trước đội bóng tí hon Young Boys.
Càng giật mình hơn khi biết, đã 4 tháng 16 ngày Man United không ghi nổi bàn thắng nào trên sân nhà. Xa hơn, kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay, Quỷ đỏ mới ghi được đúng... 1 bàn thắng trên sân nhà tại Champions League, và chủ nhân của pha lập công đó hiện tại cũng không còn là người của Man United nữa (Marouane Fellaini, đã chuyển sang thi đấu cho Shandong Luneng của Trung Quốc).
Những con số này kinh hoàng tới mức độ nào thì cần so sánh: trước khi trải qua giai đoạn đá 6 trận sân nhà mà thua tới 4, Man United đá tới 71 trận sân nhà mới thua tròn 4 trận. 4 trận thua sân nhà trước đó của Man United trải dài trong thời gian lên tới 8 năm (từ năm 2005 đến 2013). Còn 4 trận thua gần đây của Quỷ đỏ xuất hiện chỉ sau vỏn vẹn 1 năm.
Chỉ sau 1 năm, Man United thua số trận nhà tại Champions League bằng... 8 năm trước đó.
Nếu mở rộng ra tất cả các đấu trường, nỗi buồn còn đậm sâu hơn. Man United từng bị đội bóng tí hon Derby loại khỏi Cúp Liên đoàn ngay trên sân nhà. Tại Old Trafford, Quỷ đỏ cũng từng thua Tottenham 0-3, thua Liverpool 1-4 hay tệ hơn là thua cả West Brom 0-1. Không thể miêu tả hết nỗi thất vọng của người hâm mộ (NHM) Man United khi chứng kiến đội nhà trở nên mong manh tới kỳ lạ trên sân nhà.
Vì sao nên nỗi này?
Tại sao Man United bỗng dưng lại kém cỏi đến vậy trên sân nhà? Một bộ phận giới chuyên môn cho rằng 2 trận thua liên tiếp tại Champions League chỉ là sự trùng hợp. M.U thua PSG ở vòng 1/8 vì thi đấu tệ hơn hẳn so với đối thủ, trong khi đó thất bại 0-1 trước Barcelona lại có phần thiếu may mắn.
Nếu trọng tài chính xác hơn, Quỷ đỏ lẽ ra đã được hưởng penalty sau khi Scott McTominay bị Gerard Pique đốn ngã trong vòng cấm phút 29, hay chí ít, Man United cũng phải được đá hơn người trong 43 phút thi đấu sau khi Sergio Busquet chơi bóng bằng tay ở phút 51.
Có nghĩa là về mặt bản chất mà nói thì 2 trận thua sân nhà gần nhất tại Champions League của Man United đến theo hai cách khác nhau, rõ ràng là không có mẫu số chung để tìm ra một quy luật giải thích rõ ràng hiện tượng này.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tờ Daily Mail thì một hiện tượng đặc biệt như vậy ắt phải có lý do phía sau. Cây bút Oliver Holt cho rằng, bất kể là Jose Mourinho hay Ole Gunnar Solskjaer thì M.U đều có xu hướng nhập cuộc thận trọng ở những trận sân nhà.
Dấu ấn của Jose Mourinho được cho là một trong những nguyên nhân khiến Man United đá tệ trên sân nhà thời gian qua.
Việc tự chọn tư thế cửa dưới ở những trận sân nhà vốn dĩ đã tự đánh mất lợi thế khi được đá sân nhà rồi. "Dưới sức ép của khán giả nhà, các đội chủ nhà nếu đá phòng ngự phản công thường dễ bị sốt ruột hơn hẳn so với khi sử dụng lối chơi này trên sân khách. Các pha lên bóng nóng vội dẫn tới hiệu quả thấp hơn. Và mọi sự nóng vội trong bóng đá đều có thể bị trừng phạt", Oliver Holt viết.
Dưới thời Mourinho thì phong độ kém trên sân nhà càng dễ được lý giải. Man United thời điểm đó được nhồi vào đầu tư tưởng lấy phòng ngự làm trọng tâm. Quỷ đỏ duy trì đội hình rất thấp ở ngưỡng 35-38 m (tính từ khung thành của De Gea).
Tuy nhiên khi đá sân nhà và trước những đối thủ yếu hơn, Man United-Mourinho buộc phải áp đặt lối chơi tấn công và điều này vô tình biến Quỷ đỏ thành một tập thể hoàn toàn vô dụng, vì họ vốn không được truyền dạy và tập luyện thường xuyên để làm một đội bóng cửa trên hoàn toàn.
Bước sang đến thời Solskjaer, Man United đúng là có tấn công nhiều hơn và đẩy đội hình lên cao hơn, nhưng công bằng mà nói thì Quỷ đỏ vẫn chưa thể tẩy sạch hoàn toàn dấu ấn của Mourinho. Một đội bóng nửa muốn phòng ngự, nửa bị sức ép phải tấn công để duy trì được triết lý của huấn luyện viên, khá dễ hiểu tại sao Quỷ đỏ lại đá tệ đến vậy ở những trận đấu lớn trên sân nhà.
Vậy nên nếu muốn lấy lại thanh danh cho Old Trafford, Man United cần thuộc hoàn toàn về Solskjaer và tẩy sạch những dấu ấn của Mourinho.
HLV Solskjaer: 'Chiến thắng trước Barca sẽ là thành tựu lớn' Vị chiến lược gia người Na Uy khẳng định lội ngược dòng trước Barca sẽ khó khăn hơn trận đấu với PSG. Nếu làm được điều này, đây sẽ là thành tựu lớn của Man Utd.
Theo zing.vn
CĐV MU hát vang tên Solskjaer trong ngày MU đại bại NHM Quỷ đỏ vẫn rất tin tưởng tân HLV trưởng của họ, mặc cho "Quỷ đỏ" vừa đón nhận thất bại thứ 6 trên 8 trận liên tiếp. Man United nhận thất bại thứ 6 trong 8 trận gần nhất bằng kịch bản không thể tan nát hơn. Quỷ đỏ nhận trận thua trắng 4 bàn trên sân Everton với không một chút...