Sự nguy hiểm của lá trầu không ít người biết
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, nhiều người tự sử dụng lá trầu không theo kinh nghiệm dân gian mà không biết rằng nó có tác dụng phụ.
Trao đổi với Zing.vn chiều 28/9, bác sĩ chuyên khoa da liễu Hoàng Văn Tâm nói về ca bệnh liên quan lá trầu không khiến không ít người giật mình.
Hai chân của nữ bệnh nhân sau khi ngâm trong nước lá trầu không. Ảnh: BSCC.
Bệnh nhân là cô gái 20 tuổi, đã ngâm chân vào chậu nước lá trầu không để trị mùi hôi. Để tăng hiệu quả, cô gái lấy tay phải vớt nước tưới thêm vào mu và cẳng chân. Hôm sau, tay phải và 2 chân của cô bị đỏ da, rồi bong vảy, giống như bạch biến.
“Bệnh nhân điều trị bằng thuốc uống, thuốc bôi trong thời gian dài nhưng không hiệu quả. Sau đó, cô tham gia hội bạch biến trong nỗi tuyệt vọng”, bác sĩ Tâm kể.
Khám và khai thác lại tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân không mắc bạch biến. Nguyên nhân thực sự dẫn tới tình trạng bệnh lý này là viêm da tiếp xúc giảm sắc tố do lá trầu không. Hiện tại, bệnh nhân này được điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội).
Video đang HOT
“Bệnh nhân được chiếu UVB và bôi tacrolimus nhưng sau 1,5 tháng không đỡ. Hiện tại, cô gái này dùng excimer phối hợp tacrolimus, có dấu hiệu giảm. Nếu không hết hoàn toàn, bệnh nhân có thể sẽ được cấy tế bào hắc tố vào vùng tổn thương”, bác sĩ Tâm cho hay.
Tay phải của cô gái cũng bị giảm sắc tố. Ảnh: BSCC.
Không chỉ cô gái nói trên, bác sĩ Tâm từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng nề từ việc sử dụng lá trầu không khi chăm sóc da mặt, trị nám.
“Nhiều người sử dụng lá trầu không theo kinh nghiệm dân gian mà không biết rằng tác dụng phụ của nó khi được hấp, chiết xuất để bôi hoặc ngâm có thể gây viêm da tiếp xúc nặng, tăng, giảm sắc tố”, bác sĩ Tâm cảnh báo.
Ông cho biết thêm lá trầu chứa phenolic compounds, có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên tác dụng làm trắng nhanh. Nhóm này bao gồm benzen, phenol, catechol, hydroquinone.
Nếu dùng lâu dài, nó sẽ làm mất hoàn toàn màu da, tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố. Tác dụng giảm sắc tố của những chất này sẽ tự mất đi theo thời gian. Nhiều người có thói quen ăn trầu cũng dẫn đến việc giảm sắc tố vùng khoang miệng.
Bác sĩ Tâm dẫn một nghiên cứu trên 15 con chuột sử dụng lá trầu không hấp cho thấy viêm da tiếp xúc gặp ở 13/15 con, tăng sắc tố 12/15 con và làm cho lông chuột trở nên trắng 8/15 con.
Do vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân trước khi sử dụng phương pháp dân gian, trị bệnh với loại lá này, nên thận trọng để giảm thiểu tác dụng phụ.
Theo Zing
Bệnh nặng vì 'bác sĩ Google'
Chỉ vì nghe lời mách bảo của người khác, nhiều bà mẹ đã mắc sai lầm khi dùng kinh nghiệm dân gian là lấy lá trầu hơ nóng để chữa bệnh cho con.
Bé gái bị bỏng nặng vùng ngực do người nhà trị sổ mũi cho bé bằng lá trầu không.
Mới đây, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) đã tiếp nhận một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nặng kèm theo bỏng da độ II diện rộng vùng bụng và ngực. Bệnh nhi nói trên là cháu M.H.P.L. (14 ngày tuổi), trú xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Mẹ bệnh nhi cho biết, trước đó một ngày thấy cháu bị chướng bụng, nghe người khác mách bảo theo kinh nghiệm dân gian nên chị đã dùng lá trầu không hơ nóng và dán lên bụng, ngực bé. Sau khi dán, thấy cháu quấy khóc, xuất hiện sốt, da vùng bụng, ngực bị đỏ và phồng rộp nên gia đình đã cho cháu nhập viện.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Phụ trách khoa Nhi cho biết, đây là một trường hợp tự chữa bệnh ở nhà theo kinh nghiệm dân gian dẫn đến biến chứng."Hiện tại, toàn trạng cháu đang ổn định, bỏng nhiệt độ II diện rộng vùng bụng và ngực. Chúng tôi đã tiến hành hội chẩn và điều trị tích cực cho cháu", bác sĩ Hân cho hay.
Cũng theo các bác sĩ, xuất phát từ tâm lý không lạm dụng kháng sinh, chữa bệnh bằng mẹo dân gian, nhiều mẹ trẻ hiện nay đang tự chữa bệnh cho con theo kiểu truyền miệng hoặc chữa bệnh theo "bác sĩ Google". Điều này thực sự rất nguy hiểm, có thể gây tổn hại nặng nề cho sức khỏe của trẻ.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cũng đã từng tiếp nhận trường hợp một bé gái bị bỏng nặng vùng ngực do người nhà trị sổ mũi cho bé bằng lá trầu không. Mẹ bệnh nhi cho hay, từ khi 3 tháng tuổi, bé thường bị sổ mũi và khò khè về đêm. Dù được chữa nhiều lần tại bệnh viện tuyến dưới, bé vẫn không khỏi. Được mọi người mách hơ nóng lá trầu không đắp lên ngực sẽ khỏi bệnh nên bà nội của cháu đã thực hiện theo phương pháp đó. Tuy nhiên, sau khi đắp lá trầu không lên ngực, bé quấy khóc nhiều. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, gia đình mới hốt hoảng bế con đến bệnh viện thăm khám.
Qua những trường hợp trên, các bác sĩ cảnh báo, da của trẻ rất non nớt, dễ bị bỏng và dị ứng, vậy nên việc cha mẹ tự ý dùng các loại lá, thảo dược đắp lên da trẻ sẽ dễ gặp phải những hậu quả tai hại.
Do đó, nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để phát hiện và điều trị kịp thời, không dùng bất cứ thuốc gì, phương pháp gì khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Nói về phương pháp chữa bệnh bằng lá trầu không, thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết lá trầu không được dùng trong đông y để sát trùng và giảm đau. Lá trầu không rất nóng, có tinh dầu, nếu hơ nóng và đắp lên ngực trẻ có thể gây bỏng.
Hiện nay, đông y có nhiều vị thuốc trị chướng bụng và sổ mũi tác dụng tốt hơn lá trầu không rất nhiều. Gừng và tỏi là những gia vị quen thuộc và hữu hiệu. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không đắp các loại gia vị này trên da trẻ, vì chúng đều có tính nóng có thể gây bỏng.
Cẩm Xuyên
Theo ngaynay
Kiêng thịt gà khi ho, bác sĩ nói gì? Trên thực tế, chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định khi ho cần kiêng thịt gà như dân gian thường truyền tai nhau. Theo các chuyên gia, trong tất cả các loại thịt thì thịt gà có giá trị dinh dưỡng, hàm lượng protein, đạm cao nhất so với các loại thịt khác. Ngoài ra, thịt gà cũng có rất nhiều...