Sự khác biệt giữa Deep Web và Dark Web
Cả “ Deep Web” và “ Dark Web” đều nghe có vẻ đáng sợ nhưng điều đó không có nghĩa là chúng giống nhau.
Mặc dù chúng có liên quan với nhau nhưng biết sự khác biệt có thể giúp bạn an toàn trước những hiểm họa trên internet.
Internet không phải là web
Trước khi phân biệt hai thuật ngữ deep web ( web chìm) và dark web ( web tối), chúng ta cần làm rõ một sự nhầm lẫn phổ biến khác khi có xu hướng sử dụng từ “internet” và “web” thay thế cho nhau, nhưng thực sự chúng rất khác nhau.
Web tối là nơi được tội phạm đa quốc gia yêu thích
Internet là cơ sở hạ tầng mạng mà chúng ta sử dụng để giao tiếp trên toàn cầu, bao gồm card mạng trong máy tính, bộ định tuyến, đường dây cáp quang, cáp dưới biển và tất cả thành phần khác trên khắp hành tinh. Internet cũng bao gồm các giao thức – là ngôn ngữ của internet và mô tả chính xác cách thông tin được mã hóa và định tuyến qua internet.
Trong khi đó, World Wide Web là một dịch vụ chạy trên cơ sở hạ tầng internet. Cụ thể, đó là mạng lưới các trang web được lưu trữ trên các máy chủ web được kết nối với internet. Internet đóng vai trò lưu trữ nhiều dịch vụ khác nhau chẳng hạn như phát trực tuyến video, FTP (giao thức truyền tập tin), email…
Video đang HOT
Cuộc sống trên web nổi ( surface web)
Web nổi là bộ mặt công khai của internet. Khi bạn đang truy cập một trang web bất kỳ, bạn đang truy cập web nổi. Các định nghĩa có thể thay đổi một chút nhưng web nổi về cơ bản là tất cả các trang web và tài nguyên được kết nối với internet và có thể được khám phá, truy cập miễn phí. Ví dụ như công cụ tìm kiếm của Google “thu thập dữ liệu” web để tìm kiếm các trang web giúp mọi người truy cập dễ dàng hơn.
Bước vào web chìm (Deep web)
Deep web là tất cả những thứ được kết nối với internet nhưng ẩn đằng sau một số hình thức bảo mật, và là xương sống trong trải nghiệm internet hằng ngày của chúng ta. Khi bạn đăng nhập vào dịch vụ webmail của mình hay tài khoản Facebook, bạn đang truy cập vào Deep Web. Deep web sẽ không hiển thị nội dung cho đến khi bạn qua được các bước bảo mật này.
Còn web tối (Dark Web) là gì?
Web tối là một phần của web chìm. Đây là những trang web và máy chủ đã được cố tình ẩn đi. Những người điều hành trang web không muốn bất kỳ ai biết họ là ai và họ chắc chắn không muốn bất kỳ ai cũng có thể truy cập trang web của họ.
Sự ẩn danh này có thể đạt được theo nhiều cách khác nhau, nhưng hầu hết các trang web trên dark web đều là các trang định dạng onion (có thể hiểu đơn giản với hình ảnh củ hành, gồm nhiều lớp) và chỉ có thể được truy cập bằng trình duyệt Tor Browser. Mạng Tor được tạo ra để cho phép giao tiếp hoàn toàn ẩn danh (với một số biện pháp phòng ngừa bổ sung) qua internet. Khi một người dùng và một trang web gửi dữ liệu cho nhau qua Tor, các gói dữ liệu sẽ được định tuyến ngẫu nhiên thông qua một mạng lưới máy tính tình nguyện khổng lồ. Mỗi nút này chỉ biết gói tin vừa đến từ đâu và nó sẽ tiếp theo ở đâu, vì mỗi lớp của một onion mã hóa sẽ bị loại bỏ khỏi nội dung gói. Chỉ khi gói đến đích cuối cùng thì lớp mã hóa cuối cùng mới bị loại bỏ và người nhận dự định sẽ nhận được dữ liệu ban đầu.
Mặc dù dark web không phải là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia nhưng nhanh chóng được bọn tội phạm áp dụng để xáo trộn nội dung và thông tin liên lạc bất hợp pháp trên khắp thế giới. Kết hợp với sự gia tăng của tiền điện tử, dark web đã cho phép giao dịch bất hợp pháp hàng tỉ USD.
Có rất nhiều trang web hợp pháp trên dark web nhưng nói chung, hầu hết người dùng nên tránh xa nó vì đi kèm với các rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng và bất kỳ trang web nào cũng có thể bị xâm phạm.
Telegram nổi lên như một dark web mới - mảnh đất màu mỡ cho tội phạm mạng
Nghiên cứu mới cho thấy Telegram đã bùng nổ như một trung tâm cho tội phạm mạng tìm cách mua, bán và chia sẻ dữ liệu bị đánh cắp, cũng như các công cụ hack, khi ứng dụng nhắn tin này nổi lên như một giải pháp thay thế cho dark web.
Cuộc điều tra mới đây của nhóm tình báo mạng Cyberint đã phát hiện ra một mạng lưới tin tặc chuyên chia sẻ công khai dữ liệu cá nhân của hàng triệu người trong các nhóm và kênh trên Telegram với hàng nghìn thành viên.
Telegram ra mắt vào năm 2013, cho phép người dùng gửi tin nhắn thông qua "kênh" hoặc tạo các nhóm công khai và riêng tư. Người dùng cũng có thể gửi và nhận các tệp dữ liệu lớn trực tiếp thông qua ứng dụng, bao gồm tệp văn bản và đính kèm. Theo dữ liệu từ SensorTower, nền tảng này hiện có hơn 500 triệu người dùng đang hoạt động và đứng đầu trong tháng 8 với 1 tỷ lượt tải xuống.
Được biết, Telegram cũng có chức năng tương tự như dark web, gồm các trang web ẩn, có thể truy cập bằng phần mềm ẩn danh, nên thường được các tin tặc sử dụng phổ biến. Tal Samra, nhà phân tích mối đe dọa mạng tại Cyberint cho biết: "Gần đây chúng tôi đã ghi nhận mức độ gia tăng của tội phạm mạng là hơn 100% trên Telegram. Dịch vụ nhắn tin mã hóa của ứng dụng này ngày càng tiện lợi cho những kẻ đe dọa thực hiện hoạt động gian lận và bán dữ liệu bị đánh cắp, thậm chí còn tiện hơn so với dark web".
Sự gia tăng hoạt động bất chính xuất hiện khi người dùng đổ xô vào ứng dụng trò chuyện này vào đầu năm nay, sau khi đối thủ WhatsApp thuộc sở hữu của Facebook thay đổi chính sách quyền riêng tư khiến nhiều người tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Theo Cyberint, số lượt đề cập trong Telegram về "Email: pass" và "Combo" đã tăng gấp 4 lần trong năm qua, lên gần 3.400 lượt. Được biết, đây là cách hacker sử dụng khi chia sẻ danh sách email và mật khẩu bị đánh cắp.
Điển hình, trong một kênh Telegram công khai có tên là "combolist" có hơn 47.000 người đăng ký, tin tặc đã bán hoặc công khai kho dữ liệu lớn của hàng trăm nghìn tên người dùng và mật khẩu bị rò rỉ. Bên cạnh đó, một bài đăng có tiêu đề "Combo List Gaming HQ" đã cung cấp 300.000 email và mật khẩu hữu ích trong việc hack các nền tảng trò chơi điện tử như Minecraft, Origin hoặc Uplay.
Telegram đã xóa kênh này ngay sau khi nhận được lời phản ánh. Tuy nhiên, việc rò rỉ mật khẩu email chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các hoạt động đáng lo ngại trên thị trường Telegram. Các loại dữ liệu khác được giao dịch còn bao gồm dữ liệu tài chính như thông tin thẻ tín dụng, bản sao hộ chiếu và thông tin đăng nhập cho các tài khoản ngân hàng và các trang web như Netflix. Không những thế, Cyberint cho biết tội phạm trực tuyến cũng chia sẻ các phần mềm độc hại và hướng dẫn hack thông qua ứng dụng.
Trong khi đó, các diễn đàn trên dark web đã chia sẻ hơn 1 triệu liên kết dẫn đến các nhóm trên Telegram vào năm 2021. Điều này cho thấy tin tặc đang ngày càng hướng người dùng đến nền tảng này với lí do là dễ sử dụng hơn. Hầu hết người dùng ấn vào liên kết để truy cập vào các nhóm này thường ít hiểu biết về công nghệ hơn bất kì người dùng dark web nào.
Samra cho biết quá trình tội phạm mạng chuyển từ dark web sang Telegram đang diễn ra một phần vì tính ẩn danh được cung cấp bởi mã hóa, dù nhiều nhóm trong số này cũng công khai. Telegram cũng dễ tiếp cận hơn, dễ sử dụng hơn và nhìn chung ít có khả năng bị cơ quan chức năng theo dõi hơn so với các diễn đàn dark web.
Telegram từ lâu đã thực hiện việc kiểm duyệt nội dung lỏng lẻo hơn so với các ứng dụng truyền thông xã hội lớn như Facebook và Twitter, tạo điều kiện cho các nhóm thù địch và thuyết âm mưu phát triển.
Việc thế giới ngầm của tội phạm mạng để mắt đến ứng dụng có thể làm tăng áp lực lên nền tảng có trụ sở tại Dubai, đòi hỏi sự tăng cường kiểm duyệt nội dung nếu các nhà quản lý có kế hoạch phát hành ra công chúng trong tương lai và muốn quảng cáo cho dịch vụ của mình.
Nghiên cứu của Cyberint, đặc biệt là việc phát hiện ra các nhóm công khai nhằm tìm kiếm tội phạm mạng, đã đặt ra thêm câu hỏi về các chính sách kiểm duyệt nội dung của Telegram vào thời điểm công ty đang chuẩn bị bán quảng cáo trên các kênh Telegram công khai.
Đồng thời, đây cũng là lúc công ty chuẩn bị tham gia thị trường đại chúng sau khi huy động được hơn 1 tỷ USD thông qua việc bán trái phiếu vào tháng 3 cho các nhà đầu tư khác.
Để đáp lại, Telegram cho biết trong một tuyên bố rằng họ "có chính sách xóa dữ liệu cá nhân được chia sẻ mà không cần sự đồng ý". Họ cũng nói thêm rằng "lực lượng kiểm duyệt chuyên nghiệp ngày một tăng" của Telegram mỗi ngày đã xóa hơn 10.000 nhóm công khai vì vi phạm điều khoản dịch vụ sau khi người dùng báo cáo.
Hacker bị tóm gọn vì sai lầm ngớ ngẩn Bộ Tư pháp Mỹ vừa dẫn độ một công dân Ukraine do sử dụng botnet để chiếm đoạt mật khẩu của hàng loạt người dùng. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Glib Oleksandr Ivanov-Tolpintsev sử dụng botnet để cướp thông tin của người dùng mục tiêu rồi bán trên web đen (dark web). Theo cáo trạng, Ivanov-Tolpintsev kiếm được hơn 80.000 USD từ...