“Sự cố” JVC và kỳ vọng 2016
Thời khắc bước sang năm mới là lúc chúng ta tĩnh tâm nhìn lại những gì còn tồn tại của năm qua. Trên sàn chứng khoán 2015, một cú sốc đáng nhớ chính là sự kiện cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC, sàn HOSE) bị bắt hồi tháng 6/2015.
Giới đầu tư kỳ vọng về môi trường thông tin ngày càng minh bạch trên sàn chứng khoán. Ảnh: ĐT
Cú nổ lớn
Những tưởng, việc một vị lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp, nhưng với sàn chứng khoán thì không đơn giản như vậy. Tài sản của nhà đầu tư “bốc hơi” trong phút chốc, niềm tin bị sụp đổ… Và hơn thế nữa, đó là một cú nổ lớn khiến mọi người cùng giật mình nhìn lại về chất lượng quản trị vẫn còn khá nghiệp dư trong đại bộ phận các công ty đại chúng.
JVC trong cơn khủng hoảng hồi giữa năm 2015 như con tàu nghiêng ngả giữa bão táp đại dương. Trong 18 phiên, giá cổ phiếu đã giảm 65,6% và đến hết năm 2015, giảm tới 73% giá trị. Đương nhiên, cả thị trường chứng khoán cũng bị chòng chành theo, chỉ số VN-Index trong 2 tháng, 7 và 8/2015, đã “bốc hơi” mất gần 100 điểm, từ mốc hơn 630 điểm hồi đầu tháng 7 xuống chỉ còn quanh 530 điểm cuối tháng 8/2015.
Thực tế, sự cố mang tên JVC có thể ít trầm trọng, nếu hoạt động quản trị và công bố thông tin của JVC được công ty này thực hiện chuyên nghiệp hơn. Bởi lẽ, mặc dù ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị JVC bị bắt từ 17/6, nhưng mãi đến ngày 26/6, JVC mới chính thức công bố thông tin này ra công chúng. Điều đáng chú ý là cổ phiếu JVC đã đổ dốc từ ngày 9/6. Điều này cho thấy tác động của tin đồn thật ghê gớm.
Ngay cả những ngày gần đây, khi năm 2015 sắp đi qua, thì câu chuyện lùm xùm quanh cổ phiếu JVC vẫn chưa khép lại. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra thông báo về việc đưa cổ phiếu JVC vào diện cảnh báo từ ngày 28/12/2015.
Nguyên nhân bị cảnh báo là do công ty này thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Trước đó, HOSE đã có công văn nhắc nhở lần 2 đối với JVC về việc chậm công bố báo cáo tài chính hợp nhất và riêng công ty mẹ soát xét bán niên 2015.
Thực tế, câu chuyện về chất lượng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết luôn là đề tài “ nóng” trong các nỗ lực phát triển thị trường chứng khoán. Những người tâm huyết với thị trường hy vọng sự cố mang tên JVC sẽ là lời nhắc nhở để các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tổ các hoạt động quản trị.
Bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về quản trị công ty của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết chưa tự nguyện thực thi các thông lệ về quản trị công ty, mà chỉ đang cố gắng tuân thủ các quy định của luật pháp. “Các doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là các thành viên Hội đồng Quản trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng và thực thi bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Chỉ khi đó, các tiêu chí về quản trị công ty mới được thực thi tốt, công bố thông tin đầy đủ và minh bạch”, bà Liên nói.
Video đang HOT
Kỳ vọng một môi trường thông tin minh bạch
Tuy các cơ quan tổ chức thị trường chứng khoán đã có nỗ lực không nhỏ trong việc nâng cao quản trị doanh nghiệp, nhưng câu chuyện quản trị có lẽ vẫn là đề tài nóng trong năm 2016. Theo công bố của Diễn đàn Các thị trường vốn ASEAN (ACMF), Việt Nam hiện đang đứng thứ hạng thấp nhất trong số 6 quốc gia ASEAN có các doanh nghiệp tham gia đánh giá thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
Với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vấn đề quản trị công ty đang được quan tâm mạnh mẽ. Theo đó, ACMF đã phát hành báo cáo hàng năm Thẻ điểm Quản trị công ty của các nước khu vực ASEAN. Với thẻ điểm này, các công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các thị trường của các nước trong ASEAN được chấm điểm để đánh giá mức độ quản trị.
Cách đây không lâu, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng có một số ý kiến “soi” lỗ hổng Điều lệ mẫu công ty đại chúng khi cho rằng, điều lệ mẫu hiện hành và Dự thảo Điều lệ mẫu đang tạo thế rất thuận lợi cho Hội đồng Quản trị hiện hành và tạo thế bất lợi cho cổ đông không nằm trong Hội đồng Quản trị. Ngoài ra, VAFI cũng tỏ ra bất bình về một số quyền đang bị vô hiệu hóa…
Có thể, những ý kiến của VAFI chỉ là một góc nhìn, nhưng điều đó cũng ít nhiều thể hiện sự mong mỏi và kỳ vọng của giới đầu tư về một môi trường thông tin minh bạch trên sàn chứng khoán, để thị trường chứng khoán thực sự là một trụ cột về vốn phục vụ nền kinh tế.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Giảm lãi suất USD có giảm găm giữ ngoại tệ?
Việc giảm lãi suất gửi USD đối với cá nhân từ 0,25%/năm xuống 0% có làm giảm đô-la hóa và làm cho người gửi tiền chuyển sang VND như kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)?
NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD đối với cá nhân xuống 0% với hy vọng giảm găm giữ ngoại tệ, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá. Ảnh: Đ.T
Sau động thái tăng lãi suất cơ bản USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã phản ứng theo hướng hoặc tăng lãi suất đồng nội tệ hoặc giảm tỷ giá đồng nội tệ so với USD.
Ở Việt Nam, NHNN cũng có phản ứng, nhưng theo cách hoàn toàn khác, đó là giảm lãi suất tiền gửi USD cá nhân từ 0,25%/năm xuống 0%. Có thể thấy, kỳ vọng của NHNN là giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhờ đó giảm áp lực lên tỷ giá.
Chúng ta có thể hiểu và chia sẻ khó khăn của NHNN, nhưng liệu việc giảm lãi suất tiền gửi cá nhân từ 0,25%/năm về 0% có giảm đô-la hóa và làm cho người gửi tiền chuyển sang VND như kỳ vọng của NHNN không?
Một số người đồng ý rằng, việc giảm lãi suất USD sẽ làm giảm động cơ nắm giữ USD, nhờ đó giảm đô-la hóa, đồng thời khuyến khích chuyển sang nắm giữ VND, tác động kéo theo sẽ là giảm lãi suất VND. Hiển nhiên, trên thị trường sẽ có người bán USD chuyển sang VND, nhưng chắc chắn cũng vẫn có nhiều người tiếp tục giữ USD với kỳ vọng vào sự sinh lợi của USD.
Đầu tiên, chúng ta cần phân tích con số 0,25%/năm. Với lãi suất 0,25%/năm, nếu gửi 100.000 USD, thì sau 1 năm sẽ nhận được 250 USD tiền lãi, tương đương 5,6 triệu đồng. Vậy gửi hơn 2,25 tỷ đồng để sau 1 năm nhận được 5,6 triệu đồng tiền lãi liệu có đáng không? Tại sao kể từ tháng 9/2015, khi lãi suất tiền gửi cá nhân giảm từ 0,75%/năm xuống còn 0,25%/năm mà nhiều người vẫn tiếp tục duy trì tiền gửi USD? Vậy mục đích chính của họ là gì?
Với mức lãi suất 0,25%, người gửi tiền có lẽ không phải chờ sinh lời, mà để sử dụng những tiện ích khác, như đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng thanh toán (nhập khẩu, trả nợ, du học, chữa bệnh...) và đặc biệt là nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Một nước có nền kinh tế mở và ngày càng hội nhập như Việt Nam, việc loại bỏ tình trạng đô-la hoá là hết sức khó khăn và tốn kém. Tỷ lệ đô-la hóa của Việt Nam đã giảm đáng kể, nay còn 10 - 12%, song đây đã là một mức tương đối thấp theo phân loại của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Việc tiếp tục giảm lãi suất USD của NHNN đến mức tiệm cận zero thì không thể giảm thêm được nữa. Khi đó, công cụ lãi suất của NHNN trở nên không còn tác dụng và chính sách tiền tệ dễ rơi vào cái gọi là bẫy thanh khoản (liquidity trap). Theo đó, người dân vẫn tiếp tục nắm giữ USD vì tính thanh khoản của nó, chứ không phải để sinh lời. Do đó, ngay cả khi lãi suất VND cao hơn USD như hiện nay, thì cũng chưa phải là mức để người ta từ bỏ USD sang nắm giữ VND như NHNN kỳ vọng.
Việc nắm giữ USD, ngoài nhu cầu thanh khoản, còn là một phương thức giúp đa dạng hóa đầu tư. Do đó, trong trường hợp này, việc lãi suất USD về 0% không phải là vấn đề chính.
Lý do quan trọng hơn cả là, người ta vẫn kỳ vọng USD tiếp tục lên giá trong tương lai. Phải hiểu rằng, ngay cả khi tỷ giá USD/VND trong nước không đổi, nhưng việc USD đang mạnh lên trên thị trường tài chính quốc tế vẫn làm cho người nắm giữ USD có lợi. Một người có nhu cầu mua các dịch vụ nước ngoài (giáo dục, y tế...), hay một doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu trong tương lai vẫn có thể chọn giữ USD, bởi nếu không sẽ phải bỏ nhiều VND hơn để mua USD nếu NHNN điều chỉnh tỷ giá.
Chẳng hạn, lợi ích và chi phí sẽ đảo chiều nếu như sắp tới, giả sử trong vòng 3 tháng nữa, NHNN điều chỉnh tỷ giá ở mức tối thiểu 0,25%. Khi đó, tỷ lệ lợi về vốn 0,25%/3 tháng này lớn gấp 4 lần so với 0,25%/năm của lãi suất tiền gửi USD bị mất đi.
Một số người còn quả quyết rằng, người dân sẽ chuyển USD sang nắm giữ VND. Tuy nhiên, ngoài tiền gửi VND, còn nhiều kênh đầu tư khác mà người ta có thể lựa chọn, như bất động sản, chứng khoán, kể cả vàng. Giả sử có một làn sóng bán USD diễn ra, liệu bất ổn vĩ mô có giảm?
Đối với các nhà đầu tư gián tiếp đang nắm giữ danh mục đầu tư ở Việt Nam, một khi kỳ vọng tới đây NHNN điều chỉnh tỷ giá, thì ngay khi NHNN chưa điều chỉnh tỷ giá, họ cũng sẽ tính chuyện bán nhanh các danh mục và tháo vốn ra bên ngoài, bởi nếu chậm chân, khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, họ sẽ bị thiệt hại. Điều này cũng lý giải vì sao những ngày qua, các nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán. Việc bán đi các danh mục đầu tư tài chính, trong đó có trái phiếu chính phủ, sẽ càng làm tăng lãi suất trong nước, tăng gánh nặng tài chính lên các khoản nợ công và thâm hụt ngân sách.
Việc lãi suất USD giảm để giảm hiện tượng người dân găm giữ ngoại tệ (nếu có) nhờ đó tăng cung (đúng hơn là giảm cầu) ngoại tệ cho nền kinh tế liệu có lợi bất cập hại? Trước đây, khi lãi suất ở Mỹ thấp, trong khi lãi suất USD trong nước cao hơn, nhờ đó đã khuyến khích một dòng vốn chuyển vào Việt Nam dưới dạng kiều hối để đầu tư hưởng chênh lệch lãi suất. Nay khi lãi suất ở Mỹ tăng, mà lãi suất USD ở Việt Nam giảm, thì liệu có làm giảm nhu cầu chuyển dịch USD vào thị trường Việt Nam hay không?
Có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới thấy mức độ tác động. Song, nếu điều này xảy ra thì việc giảm cầu USD trong nước liệu có bù đắp được cho việc suy giảm nguồn cung ngoại tệ do giảm dòng kiều hối và các hình thức đầu tư gián tiếp khác từ bên ngoài vào không?
Nói tóm lại, để giảm sức ép lên tỷ giá, giảm hiện tượng găm giữ ngoại tệ, tích trữ ngoại tệ... thì bài toán căn cơ là phải ổn định được giá trị VND, giữ cho bằng được ổn định vĩ mô từ các nền tảng của khu vực sản xuất của nền kinh tế. Lạm phát thấp 2 năm qua là một tín hiệu tốt, giúp giảm bớt phần nào áp lực lên tỷ giá trong những năm qua so với thời kỳ hết sức căng thẳng trước đây vào các năm 2009 - 2010.
Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa lạm phát đã qua với lạm phát kỳ vọng. Lạm phát thấp trong 2 năm qua là điều kiện cần để người dân kỳ vọng lạm phát cũng tiếp tục thấp trong những năm tới đây, nhưng người ta còn nhìn vào những xu hướng vĩ mô sắp tới nữa. Nếu lạm phát kỳ vọng vẫn cao, thì VND sẽ còn chịu sức ép giảm giá và sức ép lên tỷ giá trong năm tới là điều khó tránh khỏi.
Để ổn định tỷ giá thì phải ổn định vĩ mô, mà ổn định vĩ mô chỉ có được từ việc giữ được nền tảng sản xuất ổn định với một mức lạm phát thấp và ổn định. Tỷ giá biến động là một chỉ báo cho thấy nền tảng vĩ mô không ổn định, nó là hệ quả, chứ không phải nguyên nhân. Những công cụ hành chính và chính sách áp chế tài chính, như trần lãi suất chẳng hạn, luôn kìm hãm sự phát triển của hệ thống tài chính, làm méo mó các quan hệ kinh tế, làm cho nguồn lực bị phân bổ lệch lạc, chủ yếu hướng vào khu vực nhà nước thường có năng suất thấp.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc kìm giữ tỷ giá thấp để tạo thuận lợi trong tiếp cận ngoại tệ cho khu vực nhà nước mà cái giá phải đánh đổi là làm tăng lãi suất trong nền kinh tế. Lãi suất tăng sẽ khiến sự phục hồi kinh tế thêm khó khăn và cản trở công cuộc tái cơ cấu kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi.
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright)
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Giá vàng ngày 17/10: giảm giá nhưng vẫn được kỳ vọng tăng Sau khi tăng mạnh trong phiên thứ Năm, giá vàng liên tiếp có các phiên cuối tuần bị điều chỉnh lại khi các nhà đầu tư chốt lời. Mặc dù vậy, triển vọng cho giá vàng tuần tới là khá sáng sủa. Tại thị trường trong nước, giá vàng bám sát diễn biến của thị trường quốc tế, được điều chỉnh ổn định...