Startup Việt – Trăm nghìn nỗi lo
Khởi nghiệp đang dần trở thành một xu hướng trong một thế hệ trẻ người Việt. Gần như bạn có thể cảm nhận được không khí “người người làm startup, nhà nhà nghĩ chuyện làm startup” ở khắp mọi nơi.
“Ra riêng” là một việc rất khó khăn và một người làm startup cần phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với liên tiếp thất bại này đến thất bại khác. Trước thời điểm dự án của bạn nhận được đầu tư và bắt đầu vào guồng thì mọi thứ đều thật kinh khủng. Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại nói muốn làm khởi nghiệp thì phải biết sống bằng “niềm tin”. Giữa bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện tại, gần như ai ai cũng phải sống trong hy vọng nên việc làm khởi nghiệp không còn là một thử thách quá cam go về tinh thần đối với một số người. Mặc dù vậy, tất cả vẫn không thể chối bỏ được gánh nặng về kinh tế. Nếu như từ bỏ công việc với mức thu nhập ổn định hiện tại để làm startup thì bạn đã phải đối mặt với một rủi ro cực lớn trong khi khả năng thành công sau 1 2 năm của mình vẫn còn quá mong manh.
Đỗ Hoài Nam, CEO và founder của Emotiv System.
Chỉ riêng chuyện kiếm tiền nuôi dự án thôi đã là cả một vấn đề lớn. Nhiều người được hỗ trợ bởi gia đình có kinh tế mạnh thì còn phần nào yên tâm. Những startup khác thì phải chạy vạy đủ nơi mong trụ lại được đến thời điểm có thể đem sản phẩm ra trước mắt các nhà đầu tư để gọi vốn. Với một số ít startup đã thành công, kinh nghiệm mà họ chia sẻ lại cho các hậu bối là mọi quá trình đầu tư đều có các phase (bước) rõ ràng. Trong team của bạn ít nhất nên có một người có tư duy tài chính đủ mạnh và nắm được tâm lý của các nhà đầu tư để biết những thời điểm nào là thích hợp để đi xin vốn, xin bao nhiêu và xin như thế nào. Khi đó, lộ trình dự đoán sẽ trở nên rõ ràng hơn và mọi người sẽ không phải sống trong lo sợ.
Ở thời điểm này, cách vận động nguồn tiền vẫn là một bài toán khó đối với cả nền kinh tế. Nỗi lo không phải chỉ của riêng mình bạn. Đó là còn chưa kể đến sự cạnh tranh của các startup khác hoặc một số dự án của các tập đoàn lớn. Nếu như sản phẩm của bạn có nhiều đối thủ cạnh tranh thì việc giành giật vốn lại càng khó khăn hơn. Lúc đó, chỉ riêng sản phẩm tốt vẫn là chưa đủ. Khi đứng trước các nhà đầu tư, tầm nhìn, tâm lí và bản lĩnh vững vàng sẽ có thể đem về những khoản tiền lớn hơn cả trông đợi. Thế nhưng, đó cũng có thể là một mất mát lớn bởi cơ hội không hề xuất hiện hàng ngày.
Bill Nguyễn, founder Color, một dự án gặp khá nhiều lùm xùm về tài chính.
Video đang HOT
Phần lớn các startup hiện nay đều là tech startup. Đây là một thực trạng đáng lo bởi thị trường tech startup đang dần bão hòa và các nhà đầu tư cũng trở nên đặc biệt khắt khe với những dự án truyền thông và công nghệ. Nếu dấn thân vào lĩnh vực này thì bạn cũng tự chọn một thử thách với tỉ lệ mạo hiểm cao hơn.
Trong khi đó, những doanh nghiệp xã hội (social enterprise), phát triển những sản phẩm và dịch vụ không liên quan nhiều đến công nghệ, đóng góp được cho cộng đồng và xã hội thì lại nhận được nhiều sự ủng hộ. Lí do đầu tiên nằm ở việc họ là những người đang đi tiên phong cho một thị trường mới. Khi kinh tế đang đi xuống thì việc ở lại với những thị trường cũ là một điều không nên. Chuyên gia marketing Philip Kotler cũng nói rằng tạo ra được thị trường mới là việc rất đáng làm ở thời điểm này. Những startup liên quan đến du lịch, dịch vụ hay sản xuất áo phông đang hoạt động tốt mà chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh.
Chuyện xây dựng một team mạnh luôn là điều mọi người phải cân nhắc đầu tiên khi làm startup. Vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chỉ riêng việc tạo lập mối quan hệ tốt sẽ đem về rất nhiều cơ hội cho chính bạn. Việc thường xuyên gặp mặt những người trong ngành cũng sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức đa chiều về thị trường mà mình đang tấn công. Một số mạng lưới như iStart trong thành phố Hồ Chí Minh còn mở ra một Start Center để các startup có thể đến họp mặt, trao đổi, cùng làm việc với nhau thường xuyên.
Tuy nhiên, có một ít startup lại không mặn mà với chuyện quan hệ. Họ biết rằng ở thời điểm này mình cần tập trung tối đa để có thể launch được sản phẩm đúng hạn định hơn là đầu tư quá nhiều công sức cho những mục đích dư thừa. Đôi khi, yêu tố cạnh tranh chủ lực của dự án lại là sự mới mẻ của ý tưởng. Thế nên, cần hạn chế tối đa việc tiết lộ bí mật của công ty.
Làm startup thì lúc nào cũng thiếu. Thiếu tiền. Thiếu nhân lực. Thiếu thời gian. Thiếu sự hỗ trợ thì các nhà đầu tư và chính sách từ chính phủ. Thế nhưng, khả năng làm việc trong khuôn khổ hạn hẹp lại là một thứ mà mọi người cần phải có nếu làm startup ở Việt Nam.
Vào ngày 6 tháng 12 năm nay, một đại hội Startup sẽ được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Cất cánh hay Thảm họa”.
Theo Genk
Color - Bài học về sự thất bại của một startup kiêu ngạo
Có một starup đã từng được coi là một hiện tượng của giới công nghệ San Francisco khi nó được gây dựng bởi một nhà sáng lập vốn được biết đến với danh tiếng của một triệu phú, người mà trước đó đã từng đạt được rất nhiều thành công trên thương trường. Đặc biệt hơn nữa, ngay khi startup này được ra đời, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm chỉ cần nghe đến cái tên của nhà sáng lập, đã không ngần ngại đổ một đống tiền vào đó mà không hề quan tâm nó sẽ mang lại sản phẩm gì. Để rồi cuối cùng thì cũng có một sản phẩm được ra đời.
Nhưng trái với sự kì vọng ban đầu, chỉ có rất ít người sử dụng và tỏ ra thích thú với nó. Thế là lại mất thêm nhiều tháng trời cộng thêm kha khá tiền bạc nữa để startup này có thể nâng cấp sản phẩm của mình lên một phiên bản mới, nhưng vẫn chẳng có ai thích. Cuối cùng là sau ít tháng lay lắt nữa, startup đó đã tuyên bố đóng cửa.
CEO của Color - Bill Nguyen.
Đó chính là câu chuyện tóm tắt về "lịch sử" tồn tại và phát triển trong vỏn vẹn hơn 2 năm (từ tháng 3/2010 đến tháng 10/2012) của startup Color Labs, nhà phát triển của ứng dụng chia sẻ ảnh Color trên Facebook. Số tiền mà startup này đã huy động được trước khi cho ra đời ứng dụng Color chính xác là 41 triệu USD (khoảng 861 tỉ VNĐ). Một số báo đã đưa tin rằng, một số nhân tài của startup này đã được Apple mời gọi với số tiền từ 2 đến 5 triệu USD và sau đó, ứng dụng Color đó sẽ chính thức được khai tử. Ngoài những nhân tài được Apple trọng dụng đó ra, có lẽ tất cả những người còn lại của Color Labs, bao gồm cả nhà đầu tư, ban lãnh đạo và nhân viên công ty, đều phải "khóc thầm" trước tình cảnh hiện tại của công ty và của chính bản thân mình.
Color - Một startup "ít bạn"
Khách quan mà nói, thật chẳng vui vẻ gì khi phải chứng kiến sự sụp đổ của một công ty, cho dù đó chỉ là một công ty khởi nghiệp còn non trẻ. Thế nhưng, có một sự thật là nếu đó là một starup được gây dựng bởi những người tài giỏi nhưng tự phụ và sản phẩm của startup đó lại không gây được thiện cảm nhiều với người dùng, thì khi nó sụp đổ, nhiều người sẽ cảm thấy khoái chí hơn là tiếc nuối. Sự ra đi của Color là dịp để toàn bộ những startup khác trong giới công nghệ được dịp chép miệng và nói "Thấy chưa, đã bảo mà!".
Khi ra đời, Color được biết đến với tư cách là một ứng dụng chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội. Ý tưởng này có vẻ khá thú vị và đã xuất hiện ở một số startup khác, bao gồm cả Highlight. Cơ chế hoạt động của ứng dụng này đại khái như sau: Khi bạn chụp một tấm ảnh ở một địa điểm nào đó, bạn có thể sẽ biết được đã có những ai từng chụp ảnh ở đây. Đó có thể được coi là một cách để tối đa hóa tính xã hội của mạng xã hội, nhưng như thế vẫn chưa thể nào đủ để lôi kéo và thỏa mãn nhu cầu của người dùng Facebook, chứ đừng nói đến việc "đánh bại Instargram" như tuyên bố ban đầu của Color. Trên kho ứng dụng của cả Android và iOS, đã có lúc Color bị gỡ bỏ. Và sau đó vài tháng lại tái ra mắt với tư cách là một ứng dụng cho Facebook.
Điều đáng mừng duy nhất còn sót lại trong câu chuyện của Color, có lẽ chính là việc Apple còn nhận ra những giá trị đích thực của startup này nằm ở những kỹ sư phát triển, và chấp nhận bỏ ra vài triệu USD để kéo họ về với mình.
Sự kiêu ngạo không làm người ta thích
Vấn đề thực sự của Color nằm ở sự kiêu ngạo và hiếu chiến của người lãnh đạo, giống như câu nói "nhà dột từ nóc" của người Việt ta. Tỷ phú kiêm CEO gốc Việt của Color - Bill Nguyễn - là một người đã điều hành một số startup khác và khôn khéo khi sử dụng tên tuổi của mình để vay hàng chục triệu USD từ các nhà đầu tư khác. Khi tình hình của Color dần trở nên tồi tệ hơn, người ta đã ít thấy vị CEO này xuất hiện ở văn phòng hơn, và nhiều báo đã gọi là hiện tượng này là "chán việc, bỏ đi chơi". Còn nhân viên của anh cũng trở nên dễ cáu giận hơn rất nhiều mỗi khi có ai đó nhắc tới sản phẩm ứng dụng của công ty mình.
Liệu Bill Nguyen có quá tự phụ?
Nói về số tiền được đầu tư cho Color, Alexia Tsotsis - BTV của trang TechCrunch - đã từng tweet trên trang Twitter của mình vào ngày 17/10 rằng: "Ước gì tất cả số tiền của Color được mang ra làm từ thiện". Dẫu biết điều ước thì cũng chỉ là điều ước, nhưng có lẽ cũng có không ít người có chung suy nghĩ với Alexia khi thấy sự phí phạm của 41 triệu USD được đổ vào cho một startup hoạt động kém hiệu quả như Color. Trong khi nhiều startup phải vật lộn để chứng tỏ năng lực của mình, tiết kiệm chi tiêu và tính toán sát sao từng đồng vốn xoay vòng sao cho hiệu quả, thì số tiền mà Color nhận được quá dễ dàng và tiêu tốn quá phung phí đã khiến họ không khỏi bức xúc.
Tóm lại, sự phồng lên và xẹp xuống quá nhanh chóng của Color có thể được coi như một bài học về sự lao động nghiêm túc đối với các startup công nghệ. Có tiền một cách dễ dàng có thể khiến bạn vui mừng trước mắt, nhưng nó cũng sẽ khiến bạn mắc phải sự chủ quan chết người. Hãy tập trung vào kế hoạch phát triển sản phẩm trước đã, cũng như hãy sử dụng số tiền vay được một cách hợp lý và đừng vội khoe khoang về bản thân. Color đã thất bại trong cả ba yêu cầu trên, và cái giá mà bây giờ họ phải trả chính là sự thất bại không thể cứu vãn.
Theo genk
Xa vời ước mơ Silicon Valley của người Việt? Việt Nam không thể xây dựng một thành phố giống như Silicon Valley của Hoa Kỳ, đó là điều không thể bàn cãi. Chúng ta không được hậu thuẫn bởi những điều kiện lịch sử và cơ hội phát triển như cường quốc nằm ở đầu bên kia bán cầu. Việt Nam cũng không có duyên được dẫn đầu làn sóng vận động...