‘Star Trek’ – 50 năm gây chú ý vì đan cài hiện thực ‘nóng’ vào phim
Loạt bom tấn lấy bối cảnh thế kỉ 23 luôn bám sát những vấn đề đương đại như chiến tranh, kỳ thị sắc tộc hay nhu cầu được công nhận của người đồng tính.
Ra mắt cuối tuần qua, Star Trek Beyond đánh dấu 50 năm loạt phim viễn tưởng chào đời. Trong nửa thế kỷ qua, series ăn khách cả truyền hình và điện ảnh Bắc Mỹ này không chỉ là thương hiệu về phiêu lưu vũ trụ, mà còn gây sốt khi đan cài đề tài thời sự nóng hổi trên thế giới cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Phôi thai từ ý tưởng gốc về chuyện một con tàu không gian đi trinh thám và vướng vào các rắc rối giữa thiên hà, Star Trek mùa đầu tiên lên truyền hình Mỹ năm 1966 và ngay lập tức là hiện thân của khát khao chinh phục vũ trụ của giới chính trị và khoa học phương Tây.
Ra đời trong thời Chiến tranh lạnh, “Star Trek” là câu chuyện về hòa hợp các quốc gia.
Câu nói mở đầu phim “dũng cảm đi tới nơi chưa ai từng tới” gần như lấy nguyên văn từ một tập sách về không gian của Nhà Trắng được xuất bản sau cuộc phóng vệ tinh Sputnik vào năm 1957. Ba năm sau tập đầu tiên của Star Trek, người Mỹ đặt chân lên Mặt trăng. Mae Jemison, người phụ nữ da màu đầu tiên của Mỹ bay vào không gian, từng chia sẻ chính nhân vật Uhura truyền cảm hứng cho cô gia nhập trạm vũ trụ NASA. Ngay cả nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking cũng là một fan của phim.
Năm 1976, tàu con thoi đầu tiên được thiết kế để đi vào quỹ đạo Trái Đất được đặt tên là Enterprise – chính là tên của con tàu của Star Trek. Sự liên hệ giữa loạt phim và các chương trình không gian của Mỹ kéo dài đến thập niên 1990 khi diễn viên Leonard Nimoy được mời đọc lời dẫn cho một phim tài liệu Destiny in Space của NASA. Một số công nghệ giả tưởng vào thời điểm phim ra mắt đến nay đã trở thành hiện thực như máy tính cầm tay, vũ khí bằng laser hay robot có hình dạng người.
Cuối những năm 1960 và suốt thập kỷ 1970, thế giới của thời Chiến tranh lạnh phân cực mạnh mẽ. Hành tinh Trái Đất là nơi đầy rẫy mâu thuẫn chính trị, phân biệt chủng tộc và chiến tranh. Khi đó, nhiều nhà quan sát bi quan thậm chí e ngại về một Thế chiến thứ ba đe dọa nhân loại. Giữ lúc ấy, Star Trek mạnh dạn đề cao sự hòa hợp của các giống loài và thể hiện các quan điểm phản chiến rõ rệt. Cho tới nay, chiến tranh và hòa bình vẫn là chủ đề được nhắc tới nhiều nhất.
Video đang HOT
Nụ hôn khác màu da đầu tiên trên truyền hình thuộc về “Star Trek”.
Từ khi lên sóng tới thập niên 1990, các tập Star Trek luôn gieo mầm hy vọng về một thế giới đại đồng. Câu chuyện phim mùa một xoay quanh cuộc sống và chiến đấu của hàng loạt phi hành gia thuộc nhiều quốc gia và sắc tộc ở ngôi nhà chung hư cấu ngoài không gian – con tàu Enterprise. Ở đó có phi hành gia người Scotland, người Mỹ gốc Phi, người Nhật và cả người hành tinh Vulcan với đôi tai nhọn mà sau này đã trở thành biểu tượng của phim – thuyền phó Spock.
Trong mùa thứ hai, phi hành đoàn có thêm một người Nga bất chấp sự căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô ngoài đời. Nhiều người da đen và phụ nữ cũng xuất hiện với vai trò bác sĩ và nhà khoa học trên tàu, thể hiện tư tưởng tiến bộ và bình đẳng. Mùa ba Star Trek lập kỷ lục khi chiếu nụ hôn đầu tiên giữa người da trắng và da màu trên truyền hình Mỹ. Đây là nụ hôn giữa hai nhân vật thuyền trưởng Kirk và sĩ quan liên lạc nữ giới – Uhura. Ngay sau khi ra mắt năm 1968, nụ hôn này gây tranh cãi dữ dội với không ít người xem bảo thủ nhưng giờ đây được xem là một dấu mốc của phim ảnh Bắc Mỹ.
Nhân vật Han Sulu tiết lộ là gay trong phần mới – “ Star Trek Beyond”.
Sau lần chuyển thể lên màn ảnh rộng, mỗi tập phim tích hợp thêm nhiều bài học triết lý về đạo đức. Tới hiện tại, Star Trek đã làm 13 phim điện ảnh và thu về hơn 1,9 tỷ USD. Trong số đó, The Wrath of Khan (1982) được nhiều fan đồng thuận là tác phẩm hay nhất. Năm 2002, Star Trek: Nemesis thất bại cả về chất lượng lẫn doanh thu khiến thương hiệu lừng danh này tưởng chừng rơi vào ngõ cụt. Hai tập phim Star Trek (2009) và Star Trek Into Darkness (2013) do J.J. Abrams đạo diễn làm mới loạt phim và thành công khi vừa làm thỏa mãn giới phê bình, vừa thắng lớn tại phòng vé.
Mùa hè năm nay, Star Trek Beyond tiếp tục gây chú ý khi lần đầu tiên đưa vào phim nhân vật đồng tính như một cách khuyến khích nhu cầu được công nhận của nhóm người thế giới thứ ba. Trong phim, nhân vật phi hành gia người Nhật – Hikaru Sulu – tiết lộ giới tính thật là người đồng tính. Giữa phim có cảnh anh hội ngộ cùng bạn đời và cô con gái xinh xắn. Sự thay đổi về chi tiết này là để tri ân nam diễn viên George Takei, người thủ vai Sulu trong loạt phim truyền hình gốc và đã công khai việc đồng tính vào năm 2005.
Giữa một Hollywood luôn bị chỉ trích vì kỳ thị sắc tộc và giới tính, Star Trek tiếp tục bày tò quan điểm tiến bộ.
Theo VnExpress
Phim 'Star Trek' mới gặp khó khăn lớn trong việc hoàn vốn
Tuy dẫn đầu phòng vé Bắc Mỹ cuối tuần qua, nhưng dự án phim khoa học viễn tưởng "Star Trek Beyond" của Paramount còn cách rất xa chiến thắng chung cuộc.
Chính thức ra rạp tại thị trường quê nhà hôm 22/7, Star Trek Beyond lập tức thu về 59,6 triệu USD sau ba ngày trình chiếu, qua đó chấm dứt chuỗi thắng lợi của dự án hoạt hình The Secret Life of Pets. Tuy nhiên, hãng Paramount chưa thể yên tâm với thành tích đó.
Trong khoảng hai năm qua, các phim như Terminator: Genisys, Warcrafthay mới đây nhất là Ice Age: Collision Course đều được "giải cứu" bởi thị trường ngoại địa. Tuy nhiên, số phận của những The Legend of Tarzanhay Alice Through the Looking Glass thì không may mắn như vậy, bởi chúng mang kinh phí khổng lồ nhưng không thể thu hút đủ lượng người xem cần thiết.
Các nhà sản xuất đã tìm đủ mọi cách để quảng bá cho Star Trek Beyond trong thời gian qua. Ảnh: Paramount
Hãng Paramount và nhà sản xuất J.J. Abrams đã tìm đủ mọi cách để khuếch trương Star Trek Beyond. Phim có buổi ra mắt hoành tráng trong khuôn khổ sự kiện Comic-Con 2016 tại nước Mỹ.
Tại châu Âu, tác phẩm từng có mặt tại CineEurope - hội chợ quy tụ các nhà phát hành phim châu Âu. Đích thân ngôi sao Simon Pegg mang đến trích đoạn đặc biệt từ bộ phim cho sự kiện.
Quan trọng hơn, Paramount còn mời Alibaba tham gia đầu tư cho Star Trek Beyond giống như Mission: Impossible - Rogue Nation (2015). Tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu châu Á giúp hãng phim tiết kiệm được một khoản tiền quảng bá nhất định tại Trung Quốc, đồng thời trở thành "sứ giả" cho bộ phim tại quốc gia tỷ dân.
Kết quả mà phần năm của Nhiệm vụ bất khả thi đạt được hồi mùa hè 2015 là khá ấn tượng, khi Rogue Nation thu về 135,7 triệu USD tại riêng Trung Quốc, tức cao hơn 25% so với tập bốn. Với Star Trek Beyond, Paramount chỉ có thể biết kết quả cuối cùng vào đầu tháng 9 tới.
Trên thực tế, chỉ có 30% doanh thu của tập Star Trek (2009) là đến từ các thị trường quốc tế. Doanh thu ngoại địa của bộ phim là 130 triệu USD, tức chỉ nhỉnh hơn một nửa thành tích nội địa lên đến 257,7 triệu USD.
Bước sang Star Trek Into Darkness (2013), cán cân đó đã thay đổi. Hơn một nửa trong thành tích 467,7 triệu USD toàn cầu của bộ phim là đến từ các thị trường quốc tế.
Brazil và Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thành bại của Star Trek Beyond vào đầu tháng 9 tới. Ảnh: Paramount
Lúc này, Star Trek Beyond đã ra mắt tại 37 quốc gia, chỉ đứng đầu ở 16 thị trường trong số đó. Ở Anh, phim mở màn kém Star Trek khoảng 15% vàStar Trek Into Darkness khoảng 37%. Tại Đức và Italy, tình trạng tương tự cũng đang xảy ra.
Nếu nhìn vào tình hình lúc này, Paramount không khỏi sốt ruột. Tuy nhiên, Star Trek Beyond còn chưa ra mắt tại một số thị trường lớn như Hàn Quốc (18/8), Brazil (1/9), Trung Quốc và Mexico (cùng 2/9).
Dù thế nào, các fan của Star Trek có lẽ cũng không cần phải quá lo lắng. Bởi đơn vị sản xuất đã công bố sẽ thực hiện phần tiếp theo cho Beyond, cũng như một series truyền hình mới dành cho thương hiệu vừa tròn 50 năm tuổi.
Theo Zing
Nhân vật châu Á trong 'Star Trek' là người đồng tính Chi tiết gây chấn động về giới tính của nhân vật Hikaru Sulu trong loạt "Star Trek" sẽ được tiết lộ ở bộ phim điện ảnh mới "Star Trek: Không giới hạn". Trả lời phỏng vấn tờ Herald Sun, John Cho tiết lộ Hikaru Sulu là người đồng tính, đã nhận nuôi con gái với bạn trai của mình. Chi tiết đáng chú...