Sri Lanka tâm điểm trong cuộc đối đầu Ấn – Trung?
Sự kiện được coi là trọng tâm trong bức tranh địa chính trị toàn cầu trong thế kỷ 21 sẽ là cuộc đối đầu Đông Tây giữa Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc, đó gần như đã là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng nếu như một ai đó nghĩ rằng đây sẽ là một bản sao của cuộc chiến tranh lạnh, trong đó thế giới chia làm hai phe đối đầu nhau, thì họ đã nhầm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại New Dehli. Ảnh: EP
Thế giới hầu như đã quên mất sự trỗi dậy của một cường quốc khác, về tiềm lực không thua kém gì Trung Quốc, đó là Ấn Độ. Và so với cuộc đối đầu mang tính toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, thì cuộc đối đầu ở phạm vi châu lục giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang hấp dẫn không kém. Và nếu có một quốc gia đang cảm nhận rõ nhất sức nóng từ cuộc đối đầu tầm châu lục này, thì đó phải là Sri Lanka.
Nhắc đến Sri Lanka, thế giới nghĩ ngay tới một quốc đảo xinh đẹp nằm trên Ấn Độ Dương với nền văn hóa mang đậm màu sắc Phật giáo, một quốc gia được xem như biểu tượng cho sự yên bình khi có tới hàng loạt các hội nghị quốc tế đầy tính nhân văn được tổ chức ở đây.
Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm ở quốc gia này đến nỗi, gần như mỗi người dân đều là một Phật tử và hầu như không ai thiếu đi sự bao dung. Thế nhưng, quốc đảo hiền hòa này lại đang là một trong những điểm nóng quan trọng nhất trên thế giới trong thế kỷ 21, khi nó được xem là trọng điểm trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc mới nổi của châu Á, là Ấn Độ và Trung Quốc.
Người Trung Quốc từ lâu đã thèm muốn Sri Lanka hơn bao giờ hết. Nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương và giữ vai trò trọng yếu chi phối tuyến đường thương mại trên biển lớn nhất thế giới đi qua eo Malacca, Sri Lanka nhận được sự quan tâm của mọi cường quốc hàng đầu trên thế giới.
Về địa lý và văn hóa, Sri Lanka được xem như nằm trong vùng ảnh hưởng về văn hóa và chính trị của Ấn Độ, nhưng khi một thế lực khác của châu Á là Trung Quốc nổi lên, điều đó đã không còn giữ nguyên như trước. Có quá nhiều lý do để Bắc Kinh nhắm tới Sri Lanka. Đầu tiên là mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Myanmar mới chỉ là con đường dẫn người Trung Quốc tới Ấn Độ Dương, còn việc thâu tóm ảnh hưởng ở vùng biển này, Bắc Kinh cần Sri Lanka.
Tạo dựng được ảnh hưởng ở quốc đảo này, Trung Quốc đã nắm miệng túi của tuyến thương mại qua eo Malacca. Nó còn mở ra một cơ hội để hải quân Trung Quốc có một bàn đạp để mở rộng tầm hoạt động ở Ấn Độ Dương – sân nhà của Ấn Độ. Và một lý do quan trọng khác, là Sri Lanka có thể đóng vai trò như một Pakistan thứ hai để kiềm chế Ấn Độ, ngăn không cho New Delhi rảnh tay can thiệp vào những vấn đề của Trung Quốc ở Đông Á.
Video đang HOT
Trong những năm cuối cầm quyền của vị tổng thống này, Sri Lanka nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, và bản thân Rajapaksa cũng lấy những thành quả và lợi ích kinh tế khi hợp tác với Trung Quốc làm trọng tâm trong chính sách tranh cử của mình. Nhưng có vẻ như Trung Quốc và cá nhân vị tổng thống này đã tính nhầm. Phe đối lập, đã đưa ra những cáo buộc về những khoản tham nhũng nghiêm trọng của chính quyền Rajapaksa trong các dự án hợp tác với Trung Quốc. Cuộc bầu cử vì thế đã đổi chiều và đem lại chiến thắng cho Sirisena – một người có xu hướng thân Ấn Độ hơn – vào tháng Giêng năm 2015.Chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Sri Lanka, vì thế được khởi động và cũng cùng một mô tuýp với việc tạo dựng ảnh hưởng ở các quốc gia khác. Đó là lôi kéo những nhà lãnh đạo cao nhất của Sri Lanka. Cựu Tổng thống Rajapaksa, cầm quyền ở Sri Lanka từ năm 2005, được xem như một nhà lãnh đạo thân Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên khi một nhà lãnh đạo thân Ấn Độ lại giành chiến thắng trước một tổng thống kỳ cựu có xu hướng thân Trung Quốc như Rajapaksa. Đúng là có rất nhiều người Sri Lanka không ưa Ấn Độ, mà theo họ là thường thể hiện quan điểm nước lớn trong mối quan hệ với Sri Lanka. Nhưng số người không ưa Trung Quốc còn tỏ ra lớn hơn.
Những khác biệt về văn hóa, và đặc biệt là ấn tượng xấu rằng Trung Quốc thường dụ dỗ các nhà lãnh đạo bằng cách tạo cơ hội cho họ tham nhũng những khoản tiền khổng lồ trong các dự án hợp tác đôi bên. Thành tựu lớn nhất có sự ảnh hưởng của Trung Quốc của cựu tổng thống Rajapaksa là việc giành được những thắng lợi quân sự quan trọng với lực lượng những con hổ giải phóng Tamil dưới những vũ khí quân sự của Trung Quốc. Nhưng chỉ chừng đó thôi là chưa đủ để lực lượng thân Trung Quốc ở Sri Lanka giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 1.2015, khi mà Ấn Độ bắt đầu tham gia vào cuộc chơi.
So với Trung Quốc, Ấn Độ có nhiều lợi thế hơn hẳn trong việc mở rộng ảnh hưởng ở Sri Lanka. Mối liên hệ về văn hóa và tôn giáo lâu đời trong quá khứ, và nhất là không có những xung đột về lãnh thổ giữa hai bên đã khiến cho New Delhi có nhiều cơ hội để tăng ảnh hưởng ở Sri Lanka.
Những trung tâm hành hương Phật giáo lớn nhất đối với các tín đồ Sri Lanka là nằm ở Ấn Độ, và New Delhi dễ dàng giành được thiện cảm của họ bằng cách nới rộng cửa để các tín đồ này sang Ấn Độ hành hương. Là một quốc đảo nằm ở cực nam của Ấn Độ và được bao quanh bởi các tiểu bang miền nam của nước này, Sri Lanka cũng có mối quan hệ kinh tế thương mại lớn nhất với các đối tác là các tiểu bang phía nam Ấn Độ.
Trong nhiều năm, các thủ tướng của Ấn Độ tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế trong nước hơn là mở rộng ảnh hưởng đối với các láng giềng, nhưng điều này đang thay đổi khi mà Trung Quốc đặt trọng tâm tăng cường ảnh hưởng ở các lân bang của Ấn Độ như Pakistan và Sri Lanka.
Một lý do quan trọng được xem là giúp ông Modi giành được chiếc ghế thủ tướng Ấn Độ vừa qua chính là việc cam kết sẽ mở rộng vị thế của Ấn Độ trên thế giới, trong đó có việc giành lại ảnh hưởng vốn có của Ấn Độ ở các nước láng giềng như Sri Lanka. Với chiến thắng của phe thân Ấn Độ trong cuộc bầu cử tháng 1.2015 tại Sri Lanka, có vẻ như Thủ tướng Modi đã hoàn thành bước đầu trong việc thực hiện lời cam kết của mình là giành lại ảnh hưởng ở đảo quốc này.
Nhưng có vẻ như đó mới chỉ là hiệp một của cuộc đối đầu sẽ rất dai dẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, trong việc mở rộng ảnh hưởng đối với các quốc gia thuộc vùng đệm giữa hai cường quốc châu Á này.
Nhàn Đàm (theo The Diplomat)
Theo Một Thế giới
Người giám hộ của Baltimore
Baltimore, thành phố lớn nhất bang Maryland (Mỹ), đang là điểm nóng khi bạo loạn bùng phát sau cái chết của một thanh niên da màu tại trụ sở cảnh sát. Và người đứng đầu thành phố ấy đang là tâm điểm của những chỉ trích cay nghiệt. Thị trưởng thứ 49 của Baltimore Stephanie Rawlings-Blake vẫn bình tĩnh đối đầu bởi có một thứ không ai có thể xuyên tạc được - tình yêu của bà dành cho Baltimore.
Thị trưởng của Baltimore Stephanie Rawlings-Blake
Khi bà Rawlings-Blake chính thức bước vào nhiệm kỳ thị trưởng đầu tiên vào cuối năm 2011 khi giành được tỷ lệ phiếu bầu 84% (dù bà đã ngồi ghế thị trưởng vào tháng 2.2010 để thay thế chỗ trống mà người tiền nhiệm để lại vì phải từ chức do những cáo buộc tham ô) thì cũng là lúc phong trào "Chiếm lấy phố Wall" lan rộng khắp nước Mỹ. Trong khi các thị trưởng khác chủ trương không nương tay với người biểu tình thì bà lại tránh đối đầu và bày tỏ ủng hộ đối với thông điệp của phong trào là đòi hỏi sự công bằng. "Phong trào này đã khơi gợi sự đồng cảm ở tôi và ở người dân khắp đất nước. Tôi hiểu rằng mọi người đấu tranh để có được nhiều công việc hơn, nhưng chúng ta phải tôn trọng nơi công cộng", bà phát biểu trước khi cảnh sát can thiệp để giải tán chỗ cắm trại của người biểu tình ngay tại trung tâm thành phố. Mọi thứ sau đó diễn ra êm đẹp mà không cần đến sự bắt bớ nào cả.
Nhưng lần này, liệu thành công có lặp lại khi Baltimore chìm trong hỗn loạn bởi biểu tình đã biến thành cuộc nổi loạn, nhà ở và cửa hàng bị đập phá và máu đã đổ, bởi một phát ngôn gây hiểu nhầm của bà? "Trong khi chúng tôi cố gắng đảm bảo (những người biểu tình ôn hòa) được bảo vệ tránh khỏi xe cộ và những thứ khác đang diễn ra thì chúng tôi cũng cho những ai muốn đập phá không gian để họ làm điều đó", bà lên tiếng ngay ngày đầu tiên. Rồi sau đó 2 ngày, bà lại trách cứ: "Thật ngu ngốc khi nghĩ rằng bằng cách phá hoại thành phố của bạn, bạn sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Rất nhiều người qua bao thế hệ đã xây dựng nên thành phố này để rồi nó bị tàn phá bởi những kẻ côn đồ".
Stephanie Rawlings-Blake bình tĩnh giải quyết công việc - Ảnh: AFP, Reuters
Thế là bà hứng chịu bao nhiêu là "gạch đá" từ mọi phía vì người ta cho rằng bà khuyến khích bạo động và cách dùng từ "những kẻ côn đồ" khiến người ta nghĩ rằng bà có ý phân biệt chủng tộc khi bản thân là một nữ chính trị gia da màu đạt được nhiều thành tích. Bà cũng bị chỉ trích vì không yêu cầu sự hỗ trợ từ chính quyền bang ngay lập tức. Nữ thị trưởng 45 tuổi này sau đó đã lên mạng xã hội Facebook và Twitter để làm rõ vì bà cho rằng truyền thông đã cố tình diễn giải sai ý của bà: "Tôi không yêu cầu cảnh sát tạo không gian cho những người biểu tình muốn châm ngòi bạo lực hay phá hoại".
Có lẽ không cần đợi đến khi bà thanh minh người dân Baltimore mới hiểu được sự vun đắp cho nơi mà bà sinh ra, lớn lên rồi quay trở về (sau thời gian học đại học ở Ohio ngành khoa học chính trị) để theo học trường luật. Thành phố này năm 1995 cũng chứng kiến Rawlings-Blake trở thành người trẻ nhất được bầu vào Hội đồng thành phố lúc 25 tuổi.
Nữ chính trị gia này là người may mắn bởi bà được thừa hưởng nhiều điều tốt đẹp từ cả cha lẫn mẹ. Cha bà là chính trị gia quyền lực Howard Pete Rawlings với 24 năm trong cương vị nhà lập pháp liên bang. Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên đứng đầu Ủy ban Phân bổ ngân sách đầy quyền lực của Hạ viện bang Maryland. Khi ông qua đời năm 2003, báo Baltimore Sun đã đăng bài xã luận với cái tít vỏn vẹn chỉ là "Pete", trong đó có đoạn viết: "Maryland đã mất đi một nhà lãnh đạo tài năng phi thường và một trong những chính trị gia xuất sắc nhất trong thời đại của ông ấy - người nổi tiếng với cả nắm đấm thép và trái tim nhân hậu... Một chính trị gia trăn trở về cuộc bầu cử sắp tới. Một chính khách chân chính luôn lo lắng về thế hệ kế cận và cả những đứa trẻ chưa chào đời... và đó là Pete Rawlings".
Còn mẹ bà Nina Rawlings là một bác sĩ nhi khoa và hơn hết là người lặng lẽ đứng sau con gái với những lời khuyên chí lý, là "quản gia" của con và là người trực tiếp chăm sóc đứa cháu gái hằng ngày, là người mà Rawlings-Blake từng nói "tôi không thể thực hiện vai trò của một thị trưởng nếu không có mẹ tôi". "Mẹ dạy tôi bằng chính tấm gương của bà để tôi hiểu được thế nào là một người mạnh mẽ mà không phải hối hận vì đã sống cuộc đời mà mình lựa chọn", Rawlings-Blake tâm sự. Bản thân bà Nina cũng là một hình mẫu cho sự phấn đấu của các con bởi bà là một trong những phụ nữ da màu đầu tiên tốt nghiệp trường y thuộc Đại học Maryland.
Bà Nina cho biết Rawlings-Blake ngay từ khi 6 tuổi đã biết yêu quý và bảo vệ Baltimore. "Nếu có đứa trẻ nào đi ngoài đường mà đánh rơi que kem hay bao kẹo thì nó sẽ chạy đuổi theo và bắt đứa trẻ ấy nhặt lên. Nó bảo: Chúng ta phải giữ cho thành phố của chúng ta sạch đẹp". Còn trong mắt một nữ đồng nghiệp ở Hội đồng thành phố Rochelle Spector thì: "Ai cũng biết bà ấy yêu thành phố này. Trên đường đến tòa thị chính, có người dừng tôi lại và nói: Làm ơn hãy nói với thị trưởng rằng chúng tôi đã thấy tối hôm qua bà ấy đau lòng biết chừng nào". Có gì tuyệt vời hơn phần thưởng này khi đêm hôm đó bà phải thốt lên: "Ngay lúc này trái tim tôi đang tan vỡ" bởi nhìn thấy quê hương mình chìm trong khói lửa.
Và bà cam kết: "Ngay khi mọi chuyện lắng xuống, tôi sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của tôi để tóm lấy những kẻ gây ra chuyện này. Chúng ta sẽ dọn dẹp, chúng ta sẽ tái thiết và chúng ta sẽ hàn gắn". Chắc chắn lời hứa này sẽ chẳng gợn chút nghi ngờ nào trong lòng người dân hay trong lòng bà Spector bởi chính bà Spector đã nói: "Tôi đã phục vụ 7 đời thị trưởng. Tôi chưa gặp ai có tính chính trực hơn Stephanie. Bà ấy là người rất đạo đức. Bà ấy yêu thành phố này. Đây là nhà của bà ấy".
Nguyệt Hàn
Theo Baltimore Sun, NYDailyNews, NBCNews
Hủy chuyến đi đến Moscow: Kim Jong-un 'noi gương' cha mình Việc nhà lãnh đạo cấp cao Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ hủy bỏ buổi tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít được coi là một chuyến thuật mà ông học được từ người cha quá cố Kim Jong-il. Vào ngày 30-4, Moscow xác nhận nhà lãnh đạo trẻ tuổi Triều Tiên sẽ không tham dự Lễ kỷ...