Sri Lanka dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm nhân Đại lễ Phật Đản
Ngày 15/5, Sri Lanka đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc để người dân nước này tham gia các hoạt động mừng Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2566, Dương lịch 2022, sự kiện tôn giáo quan trọng nhất tại quốc gia Nam Á.
Người dân tham gia các hoạt động mừng Đại lễ Phật Đản tại Chùa Gangarama ở Colombo, Sri Lanka, ngày 15/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Sri Lanka công bố nghỉ Đại lễ Phật Đản hai ngày và tuyên bố dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trong ngày 15/5 nhưng không nêu rõ khi nào hay có tái áp đặt lệnh giới nghiêm hay không. Trước đó, Chính phủ Sri Lanka cũng lên kế hoạch tổ chức mừng Đại lễ Phật Đản cấp nhà nước tại chùa Kuragala ở phía Nam, nhưng đã phải hủy bỏ. Một quan chức Bộ Phật giáo Sri Lanka cho biết các Phật tử được phép tự tổ chức lễ mừng Đại lễ Phật Đản.
Nhân Đại lễ Phật Đản, Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đã kêu gọi người dân đoàn kết để tìm giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế – chính trị tại quốc gia Nam Á. Trong thông điệp mới, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa kêu gọi tất cả các đại biểu nhân dân cùng nhau làm việc để đại diện cho người dân tìm ra giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe kêu gọi khôi phục sự ổn định và kiểm soát tình hình, trong đó người dân Sri Lanka cần tập hợp lại và đoàn kết để đưa ra các quyết định giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Lệnh giới nghiêm được áp dụng trong tuần qua sau khi xảy ra các vụ bạo loạn đường phố khiến 9 người thiệt mạng và hơn 225 người bị thương. Sau khi vụ việc xảy ra, cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã xin từ chức. Tân Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đang nỗ lực thành lập một chính phủ đoàn kết trước thềm cuộc họp quốc hội diễn ra vào ngày 17/5 tới. Đây là phiên họp quốc hội đầu tiên diễn ra sau khi ông Ranil Wickremesinghe nhậm chức.
Sri Lanka đang đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trong khi lạm phát cao kỷ lục và không đủ điện sử dụng. Cuộc sống người dân khó khăn dẫn tới những bất ổn chính trị và xã hội leo thang. Trong ngày 15/5, tân Thủ tướng Wickremesinghe, 73 tuổi, cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm tìm nguồn hỗ trợ để khắc phục các vấn đề trong chuỗi cung ứng dược phẩm, thực phẩm và phân bón.
Bất ổn leo thang, người biểu tình Sri Lanka đốt nhà của hàng chục chính khách
Người biểu tình Sri Lanka đã phóng hỏa nhà của 38 chính trị gia nước này trong bối cảnh khủng hoảng gia tăng.
Đụng độ bên ngoài dinh thự chính thức của Thủ tướng Mahinda Rajapaks tại Colombo. Ảnh: AFP
Kênh CNN (Mỹ) dẫn thông báo của cảnh sát Sri Lanka ngày 11/5 cho biết ngoài các căn nhà bị phá hủy, có 75 ngôi nhà bị hư hại. Nhiều người Sri Lanka đã bất chấp lệnh giới nghiêm trên toàn quốc để biểu tình phản đối cách xử lý của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước kể từ năm 1948.
Bộ Quốc phòng Sri Lanka cùng ngày 10/5 ra lệnh cho binh sĩ có thể bắn bất cứ ai phá hoại tài sản nhà nước hoặc tấn công quan chức. Kể từ 9/5, đã có 5 người thiệt mạng và 200 người bị thương liên quan đến tình hình bạo lực tại Sri Lanka.
Quốc gia 22 triệu dân đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ khi giá cả các mặt hàng thường ngày tăng vọt, mất điện diện rộng diễn ra trong nhiều tuần. Kể từ tháng 3, đã có nhiều người biểu tình phản đối chính phủ đương nhiệm.
Ngày 9/5, Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đệ đơn từ chức. Đến sáng 10/5, quân đội Sri Lanka phải sơ tán ông Mahinda Rajapaksa đến nơi an toàn, sau khi người biểu tình cố gắng đột nhập khu dinh thự riêng của thủ tướng.
Ngày 10/5, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachele đã lên án tình trạng bạo lực leo thang ở Sri Lanka. Theo bà Bachelet, Sri Lanka cần tiến hành đối thoại dân tộc và thực hiện các cải cách cơ cấu sâu rộng hơn để tìm giải pháp cho những thách thức kinh tế - xã hội mà nước này đang đối mặt.
Nền kinh tế Sri Lanka rơi vào khó khăn sau khi dịch COVID-19 tác động mạnh đến ngành du lịch. Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã giảm tới 70% trong 2 năm qua và xuống mức chỉ còn 2,31 tỷ USD. Thêm vào đó, đến cuối năm nay nước này phải trả khoản nợ khoảng 4 tỷ USD trong đó gồm 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế chính phủ sẽ đáo hạn trong tháng 7.
Thủ tướng Sri Lanka từ chức Ngày 9/5, Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã đệ đơn từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực giữa những người ủng hộ ông và phản đối chính phủ đã khiến gần 80 người bị thương. Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Ảnh: AFP/TTXVN Theo người phát ngôn Rohan Weliwita của Thủ tướng, nhà lãnh đạo 76 tuổi đã...